Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Câu chuyện về những người lính ở binh đoàn thần tốc - NGUYỄN MẠNH HÙNG Câu chuyện về những người lính ở binh đoàn thần tốc - NGUYỄN MẠNH HÙNG , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Không ít lần mấy nhà văn mặc áo lính trưởng thành từ đơn vị ở nhà số Bốn (tên gọi khác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội) chúng tôi ngồi “khoe khoang” với nhau về nơi mình bắt đầu cuộc đời quân ngũ. Nhà văn Khuất Quang Thụy, Đỗ Tiến Thụy say mê nói tới những chiến công của Binh đoàn Tây Nguyên. Nhà văn Sương Nguyệt Minh kể về sự hào hoa của lính Quân đoàn 4. 

 
Còn tôi, mỗi khi nhắc đến Quân đoàn I của mình, trong đầu luôn thấp thoáng hình ảnh 2 cuộc hành quân thần tốc: Quang Trung với cuộc hành quân từ Phú Xuân đến Tam Điệp tập kết đại quân rồi tiến ra Thăng Long đánh tan quân xâm lược Thanh (mùa xuân năm 1789) và Quân đoàn I với cuộc hành quân quy mô và thần tốc nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1700 km trong 12 ngày đêm) vào miền Đông Nam Bộ tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn – Gia Định sau đó phá vỡ tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn để rồi ngày 30/4/1975 đánh chiếm Bộ tổng tham mưu Ngụy góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
 
Cuộc hành quân của Quang Trung như thế nào, cho tới giờ, các nhà sử học vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng cuộc hành quân làm nên chiến thắng mùa xuân 1975 của Quân đội nhân dân Việt Nam trong đó có Quân đoàn I thì cả thế giới đều biết. Trong cuộc trò chuyện với đồng chí Tư lệnh Nguyễn Tân Cương, khi biết một trong những lý do các nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội về Quân đoàn I để tìm hiểu cái chất “thần tốc” ấy, trong thời bình được phát huy thế nào, anh cười chia sẻ bằng một câu tổng kết “Đoàn kết, trung dũng, tiên phong, quyết thắng!”.
 
*
*     *
 
Cái tiết lạnh cuối thu hình như càng trở nên se hơn ở vùng trập núi, trùng mây Tam Điệp, Nho Quan này. Cảm giác “đã nghe rét mướt luồn trong gió” như lẩn khuất, trà trộn đâu đó sau những triền đồi, ngọn cây, mặt hồ trên đường chúng tôi từ sở chỉ huy Quân đoàn về Trung đoàn xe Tăng 202 – Quân đoàn I, đóng ở Rịa - Nho Quan. Trung đoàn xe tăng 202 vốn không có gì xa lạ với tôi bởi đơn vị mà tôi đóng quân trước đây - Lữ đoàn Phòng không 241, nằm gần sát với Trung đoàn 202. 
 
Ngày ấy, bãi tập của xe tăng ở ngay trước cửa đơn vị nên mỗi khi những chiếc xe tăng với lá cờ đỏ sao vàng trên tháp pháo bay phần phật, gầm rú chồm lên những bụi cây, con dốc, leo lên đỉnh điểm cao 33, sừng sững in vào nền trời trong chiều đầy gió, với tôi, luôn là một sự ngưỡng mộ... Cảm giác ngưỡng mộ ấy vẫn nguyên vẹn khi hôm nay tôi trở lại thăm trung đoàn. Trong cái xiết chặt tay với những người lính xe tăng của kíp xe 540, tôi đã chia sẻ cảm giác ấy với các anh và nhận được nụ cười hóm hỉnh của Đại đội trưởng Khánh: Giá mà tất cả các cô gái xinh đẹp đều ngưỡng mộ bọn em như anh thì hay biết mấy! Linh – chàng trưởng xe quê Gia Viễn có nụ cười rất tươi - giọng lém lỉnh chen ngang: Lính xe tăng đẹp giai cỡ em mà vẫn đang ế nhăn ra đây này! Lần nào về bố mẹ cũng giục lấy vợ, em toàn cười trừ, bực quá các cụ bảo: Anh không lấy được thì để tôi lấy cho anh! 
 
Rồi các cụ nhắm nhe thăm dò: Tao thấy con bé Thắm ở làng bên cũng xinh đáo để đấy chứ! Rồi con bé Đào… Thế là em đánh trống lảng: Con trai của bố mẹ đẹp giai ngời ngời thế này thích lấy lúc nào chả được! Sang năm được ngày được giờ con sẽ dẫn vài cô về ra mắt cho nó hoành tráng! - Thế lý do gì mà Linh chưa đáp ứng yêu cầu của “các cụ”? - Tôi cắt ngang lời Linh. Em cũng mới ra trường được hai ba năm, vẫn còn đang “mê xe tăng hơn mê vợ!”. Nếu nói mê xe tăng thì ta quay lại cái chuyện lúc trước. 
 
Hôm nay, anh sẽ được gặp người lính ngồi trong chiếc xe tăng trong buổi chiều đầy gió ngày ấy! – Đại đội trưởng Khánh góp chuyện. Bắt gặp ánh mắt dò hỏi của tôi, anh lắc đầu cười: Em chỉ về trước Linh có một năm thôi, nên chắc chắn sẽ không có cái may mắn là người tạo nên hình tượng “chiếc xe tăng kiêu hùng trên đỉnh đồi 33 trong một chiều đầy gió” của anh rồi. Người ấy đang ở trên tháp pháo kia kìa! Tôi nhìn theo hướng tay của anh bắt gặp một người với chiếc mũ cao su ôm toàn bộ lấy đầu đang từ buồng lái đứng dậy. Anh nhoẻn miệng cười - nụ cười trắng lóa trên gương mặt sạm đen bết mồ hôi. Tháo chiếc mũ chuyên dụng ra khỏi đầu, anh nhảy xuống đất tiến về phía chúng tôi. 
 
Đó là Thiếu tá chuyên nghiệp Trương Văn Tú - Người đã có thâm niên hơn hai mươi năm lái xe ở Trung đoàn 202 này. Sau vài câu xã giao, nghe chuyện, anh cười và bảo cái sự ngưỡng mộ ấy của tôi cũng chẳng khác gì anh. Hồi năm 1990, mới nghe tin mình được nhập ngũ vào Trung đoàn xe tăng 202 thôi, anh đã sướng rên sướng rẩm đến mất ăn mất ngủ mấy đêm liền! Hóa ra nhà anh ở làng Sòng Xanh, ngay sát trung đoàn. 
 
Hồi ở nhà, mỗi khi nghe tiếng xe tăng gầm rú, dù đang làm gì cũng phải chạy ra nhìn bằng được! Cái sự ngưỡng mộ ấy, theo anh vào cả giấc mơ. Anh mơ thấy mình được lái chiếc xe đầu tiên trong đoàn xe mấy chục chiếc chạy băng vượt qua suối qua đèo. Thế rồi sau ba tháng huấn luyện tân binh, lần đầu tiên anh được trèo lên chiếc xe tăng. Ngày ấy, mỗi buổi huấn luyện trở về, anh lại ngong ngóng mong sao cho sớm đến ngày hôm sau để được tiếp tục ngồi trong buồng lái. “Tôi đã từng phải “đút lót” anh tiểu đội trưởng… thuốc lá để được ngồi lên buồng lái cảm nhận cái hầm hập của sắt thép giữa trời nắng nung, tiếng bộ đàm liên lạc giữa tiếng máy nổ ầm ầm và nhìn bầu trời, núi đồi qua cái ô vuông bằng bàn tay. 
 
 
Cho đến bây giờ, dù đã không biết bao nhiêu lần lái xe tăng chạy trên đường, leo đèo vượt suối nhưng mỗi khi chụp chiếc mũ lên đầu và ngồi vào buồng lái vẫn thấy nao nao…”. Buổi trưa khi về sở chỉ huy trung đoàn, cái chất lém lỉnh của lính xe tăng càng được khẳng định lần nữa khi ngồi với Trung đoàn trưởng Nguyễn Bá Ngọc. Tôi bảo đi với các binh chủng khác, họ có rất nhiều câu thơ “nằm… hào” (tức là thơ lúc nằm trong hào chiến đấu đọc cho nhau nghe để mà cười). 
 
Lính pháo binh có câu: “Em ơi đừng lấy Pháo binh/ Đêm về nó bắn rung rinh cả giường”. Còn Phòng không thì: “Súng anh là súng nòng dài/ Đã bắn là trúng không sai phát nào!” Thế còn xe tăng các anh? Không cần suy nghĩ, anh cười bảo có một cô gái trêu lính tăng thế này: “Ai ơi chớ lấy lính tăng/ xa ba cây số vẫn hăng mùi dầu” và chàng lính xe tăng nhanh trí đối lại: “Mùi dầu thì mặc mùi dầu/ Tập xong tắm gội, mái đầu lại thơm!”
 
Đầu giờ chiều, chia tay Trung đoàn Tăng 202, chúng tôi sang Lữ đoàn Phòng không 241. Đón chúng tôi ở cổng Lữ đoàn là anh Trần Quốc Toản. Hồi tôi còn công tác ở đơn vị, anh là Đại đội trưởng còn tôi là Đại phó chính trị của đại đội 30 tên lửa A72 – trực thuộc Lữ đoàn. Nói như nhà văn Phùng Văn Khai thì con người Trần Quốc Toản đầy chất “cần lao”, còn ngày xưa ở đơn vị, anh em thường đùa anh là người ưa “khai sơn phá thạch”! Chẳng thế mà cả một quả đồi ngạo nghễ trước sân và một nửa quả đồi nữa ở bên phía trái đại đội, dưới sự chỉ đạo của anh, sau nửa năm đã phải “cúi đầu thần phục” để thành một sân bóng chuyền đúng tiêu chuẩn và một vườn hoa rất đẹp! 
 
Rồi điểm cao 76, nơi một trung đội của đại đội 30 trực chiến. Xắn tay cùng cán bộ chiến sĩ Đại đội 30 “ăn nằm với đá” hơn nửa năm, cuối cùng thì hơn một trăm bậc lên, xuống cùng hầm hào và trận địa trực chiến bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao cũng ra đời. “Phải chiến đấu” đó là câu cửa miệng của anh trước mỗi hội thi hay đơn vị nhận một nhiệm vụ khó khăn. Cái quyết tâm “chiến đấu” ấy đã giúp anh mấy năm liền dẫn A72 của Lữ đoàn đi thi toàn quân đều dành giải nhất… 
 
Gặp lại Trần Quốc Toản, thấy anh vẫn như xưa, rắn rỏi trong cái dáng người nhỏ thó với những sải chân lúc nào cũng như vội vã, như sợ thời gian vuột mất mà chưa kịp làm được gì. Qua trò chuyện được biết anh vừa học ở học viện Phòng không về với tấm bằng ra trường loại giỏi và trong thời gian chờ phân công công tác, tiếp tục phụ trách đội A72 của Lữ đoàn 241 đi thi A72 toàn quân năm nay. 
 
Một thoáng chút bồi hồi khi tôi đặt chân vào căn phòng cũ của mình ở đại đội 30 (giờ đã thu hẹp thành trung đội). Những anh Bắc, anh Lực, Anh Tuấn - cán bộ đại đội cùng thời với tôi ngày xưa, giờ mỗi người đã ở một đơn vị khác nhau. Anh Bắc về một huyện đội ở Thanh Hóa, anh Lực cũng vào Thanh Hóa ở Sư 390, anh Tuấn thì về Tổng cục Chính trị. Chỉ còn mỗi trung đội phó Yên trong bộ quân phục thao trường vẫn miệt mài với công việc huấn luyện A72 cho bộ đội hết lớp này đến lớp khác…
 
Chia tay trung đội 30, chúng tôi ra thăm một công trình nhà tình nghĩa do Lữ đoàn giúp đỡ xây dựng ở xã Phú Long. Đó là ngôi nhà xây cho gia đình thương binh Trương Văn Ngợi – người cựu chiến binh đã để lại một phần xương máu trong cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị. Chiến tranh chống Mĩ đã ở phía sau ngót gần nửa thế kỉ nhưng di chứng của nó vẫn hằn in trong cuộc mưu sinh của người lính Quảng Trị năm xưa. 
 
Trong ngôi nhà ọp ẹp của mình, ông Ngợi trò chuyện bằng cái giọng toàn âm gió, phải tập trung hết sức mới có thể nghe được bởi mảnh đạn khiến cho thanh quản của ông ảnh hưởng nặng nề. Phía ngoài cửa, người con trai thứ hai Trương Văn Thành từ đùi trở lên là cơ bắp săn chắc của một người thanh niên miền núi tuổi đôi mươi nhưng đôi cẳng chân lại teo tóp chỉ to bằng khúc nứa khô với hai bàn chân quặp vào nhau lết trên hai đầu gối vào chào chúng tôi. Với cách di chuyển như thế, hàng ngày anh vẫn cùng con bò và chiếc xe đi chở thuê cho bà con chòm xóm. Người thương có việc thì gọi anh, nhưng cũng không ít người sợ anh không làm được nên không thuê. 
 
Gương mặt ông Ngợi như bớt lo âu hơn khi chúng tôi nhắc tới ngôi nhà tình nghĩa mà Lữ đoàn 241 giúp công cùng số tiền khoảng 60 triệu sẽ hoàn thành trước tết Nguyên đán. Nhìn những người lính của Lữ đoàn 241 mồ hôi ròng ròng trên mặt đang miệt mài chuyển vữa, chồng những viên gạch ngày một cao hơn cho ngôi nhà của ông Ngợi, trong tôi bỗng dội lên một cảm xúc khó tả về nghĩa tình quân dân của những người lính Quân đoàn I. Không những không tiếc sức, tiếc công họ còn dám hy sinh cả tính mạng để bảo vệ dân. Năm 2008, là một người lính ưu tú của Trung đoàn 202 – Đặng Đình Hào, năm 2009 thêm một người lính nữa của Lữ đoàn 241 – Bùi Duy Chiến, cả hai đã hy sinh giữa độ tuổi thanh xuân trong khi giúp dân chống lũ…
 
*
*     *
 
Trong thời gian chờ xe ở nhà khách của Quân đoàn I để đi xuống trung đoàn công binh 299 đóng ở Lạc Thủy – Hòa Bình, chủ đề “những cuộc hành quân thần tốc” lại được chúng tôi mang ra bàn luận. Nhà văn Nguyễn Đình Tú mang băn khoăn về việc vua Quang Trung với cái hẹn ăn tết vào mồng năm ở Thăng Long khi kéo quân từ Phú Xuân ra đánh Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long, nếu sử sách ghi đi đến đâu chiêu nạp thêm quân ở các địa phương đến đấy và dùng cáng để khiêng trong quá trình hành quân có thể giải thích cho sự thần tốc trong 40 ngày đêm đi 700 km thì làm thế nào mà đội quân voi thiện chiến của Nữ tướng Bùi Thị Xuân cũng có thể bí mật di chuyển và bất thình lình xuất hiện ở Thăng Long khiến cho quân Tôn Sĩ Nghị táng đởm kinh hồn? 
 
Rất nhiều giả thuyết được chúng tôi đưa ra nhưng hầu như đều không thật sự thuyết phục, còn anh Nam – Trưởng phòng Tuyên huấn Quân đoàn I thì nhất quyết rằng, có một đội quân bí mật rất tinh nhuệ đi trước mở đường cho cả người và voi giống như vai trò của lực lượng “công binh” của Quân đoàn I trong cuộc hành quân thần tốc của những ngày tháng 4 năm 1975 lịch sử! Anh còn bảo chút nữa xuống tìm hiểu ở trung đoàn 299 công binh của chúng tôi, các anh sẽ thấy vai trò của công binh quan trọng thế nào trong bảo đảm cho nhiệm vụ hành quân thần tốc!
 
Chúng tôi xuống Trung đoàn 299 vào đúng ngày chủ nhật. Năm nay trung đoàn 299 nhận tân binh chủ yếu ở các địa phương của thành phố Hà Nội vì vậy ngày nghỉ có khá nhiều các gia đình lên thăm con em ở đơn vị. Nhìn hai chiến sĩ mới gương mặt còn lún phún lông măng chững chạc trong bộ quần áo bộ đội màu xanh đang gài quân hàm đỏ tươi mang phù hiệu công binh lên ve áo ở ghế đá, tôi bỗng nhớ lại bài học đầu tiên của ngày đầu nhập ngũ “Gươm kề cổ, súng kề vai” của anh tiểu đội trưởng khi dạy đeo quân hàm binh chủng hợp thành không bị lộn ngược. Bài học ấy, vẫn còn nguyên vẹn cho đến bây giờ, mỗi khi tôi cài quân hàm lên ve áo. 
 
Tôi tiến lại chỗ ghế đá làm quen thì được biết đó là Lý Bá Đạt và Trịnh Văn Thoát – 2 chàng tân binh ở 2 huyện ngoại thành Hà Nội mới nhập ngũ được một tháng thuộc đại đội tự hành 17 - tiểu đoàn vượt sông 6. Lý Bá Đạt quê xã Thanh Cao – Thanh Oai, còn Trịnh Văn Thoát quê Hợp Hiến – Mĩ Đức. Tôi quay sang hỏi Thoát: Thế Thoát có hiểu ý nghĩa phù hiệu của công binh là thế nào không? Dạ, xẻng và búa để làm công trình phục vụ chiến đấu và huấn luyện. “Xẻng đưa vào cổ, búa bổ xuống tim” - như sợ tôi hiểu lầm Thoát vội vàng giải thích: Đấy là các anh tiểu đội trưởng dạy em phải nhớ như thế để đeo quân hàm cho đúng ạ! Tôi bỗng bật cười, bật cười bởi cái sự “huấn luyện” trực quan rất “lính” hầu như binh chủng nào cũng có như thế, thì bộ đội khó mà quên, mà nhầm được!
 
Chia tay hai chàng tân binh trẻ măng, tôi đi sang các đơn vị khác không huấn luyện tân binh. Không như tôi nghĩ, ngày nghỉ sẽ có nhiều bộ đội ở trong doanh trại, hầu như khu nhà ở của bộ đội đều rất vắng. Tôi đem điều băn khoăn ấy hỏi trung đoàn trưởng Trần Đức Du, anh cười bảo nếu như vào doanh trại đơn vị công binh thấy quân số “đùm đuề”, đông vui nhộn nhịp thì có nghĩa là chúng tôi đang hoặc là “thất nghiệp” hoặc là đang chuẩn bị cho một cuộc đi xa dài hơi với những công trình trọng điểm nào đó! 
 
Trung đoàn trưởng Trần Đức Du hiện là một trong hai người có thâm niên gắn bó với Trung đoàn lâu năm nhất. Với anh, những ngày làm nhiệm vụ ở mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang năm 1985 luôn là những gì khó phai mờ trong cuộc đời quân ngũ của mình. Ngày ấy, anh trung đội trưởng trẻ măng Trần Đức Du của trung đoàn 299 lên Vị Xuyên với nhiệm vụ làm công trình phục vụ chiến đấu. Cứ ba giờ sáng, khi cái giá lạnh của vùng cao trộn vào sương mù trùm phủ đậm đặc nhất thì trung đội của anh bắt đầu đặt gùi thuốc nổ lên vai lội suối, trèo non đưa vào vị trí. 
 
Có những hôm sương xuống đặc quá, bám vào hai bờ mi thành giọt và nhiệt độ thì thấp khiến những nơi hở ra như chót mũi không còn bất cứ cảm giác gì. Suốt mấy tháng trời, ngày nào cũng ba giờ sáng khoác 20 kg thuốc nổ trên vai bắt đầu hành quân hai chục km để 1 giờ chiều có mặt ở nhà. Ngoài những nguy hiểm do rắn rết, thời tiết khắc nghiệt thì pháo từ bên kia biên giới bắn sang nhiều khi không theo quy luật cũng là thứ nguy hiểm thường trực. 
 
Có lần, vừa rút ra khỏi vị trí thì pháo cấp tập bắn vào. Hôm đó chỉ chậm lại ít giây, chắc chắn gùi thuốc nổ trên lưng sẽ làm mồi cho pháo… Cuối năm 1986 anh trở lại Trung đoàn tiếp tục chỉ huy bộ đội làm các công trình chiến đấu, quai đê lấn biển… trên khắp miền đất nước. Những lần phà bị kẹt, ca nô chết máy, những nơi xa dân phải linh hoạt trong đảm bảo đời sống bộ đội… tất cả những kinh nghiệm ấy đã giúp anh tìm ra phương pháp huấn luyện đơn vị đạt chất lượng và hiệu quả cao. 
 
Theo anh, do đặc thù của bộ đội công binh, công việc luôn phải đối mặt với những nguy hiểm nên nếu huấn luyện không kĩ, không “cầm tay chỉ việc” thì khi vào thực tế rất dễ xảy ra mất an toàn… Vậy thì trong chiến tranh hiện đại khi mà cơ bản chúng ta sẽ ngày càng gần với tác chiến điện tử bằng việc bấm nút tên lửa, tàu ngầm thì vai trò của công binh sẽ ra sao? Khi nghe tôi hỏi như thế, anh Du cười bảo. Công binh không chỉ mỗi làm đường mà chúng tôi còn đảm nhiệm rà phá bom mìn, dò tìm vật liệu nổ, xây các công trình chiến đấu, hầm ngầm, sở chỉ huy... Toàn những việc mà bất cứ cuộc chiến tranh nào hiện đại đều cần phải xử lý cả! Như hiện tại, chúng tôi đang đảm nhiệm rất nhiều hướng công việc chẳng hạn như tiến hành dò tìm vật liệu nổ trên các địa bàn: Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Tuyên Quang, Lai Châu… Làm đường tuần tra biên giới gói thầu ở khu vực Tam Thanh – Thanh Hóa… Đấy là lý do tại sao mà các anh lại thấy đơn vị của chúng tôi “rỗng” hết như thế!
 
Nói đến đường tuần tra biên giới, cách đây không lâu, chúng tôi đã có dịp ngồi với Thiếu tướng Hoàng Kiền – Giám đốc dự án đường tuần tra biên giới – anh có chia sẻ là hầu hết các gói thầu của cung đường này đều rất “xương, khó nhằn” cả, thế nên có đơn vị công binh đã viện lý do nọ kia, để từ chối gói thầu mà ban dự án dự định giao cho họ. Khi tôi chia sẻ điều đó với chỉ huy Trung đoàn, các anh đều gật đầu đồng tình. 
 
Quả thực tôi rất tiếc vì điều kiện đường xá và thời gian nên không thể “tận mục sở thị” sự khó khăn vất vả của những người lính công binh làm đường tuần tra biên giới, nhưng cũng rất may hôm ấy có một người vừa ở đó về, đó là Trung tá Ngô Bá Phong, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn. Qua câu chuyện, tôi biết khu vực gói thầu mà trung đoàn đảm nhiệm là ở bản Piềng Pa – Tam Thanh – Thanh Hóa. Vâng. “Đường tuần tra biên giới” – chỉ riêng cái tên cũng đủ nói lên sự vất vả khó khăn của những người bắt đầu khai mở nó. 
 
Theo lời Trung tá Ngô Bá Phong, Piềng Pa là nơi giáp ranh của ta và bạn Lào, chỗ ấy hết sức heo hút, dân cư thưa thớt, không có đường vào. Muốn thi công được trước hết phải xây dựng hệ thống đường để đưa máy móc thiết bị vào. Luồn rừng, phá đá, tất cả đều phải làm bằng tay, không có điện lưới, nước ăn thiếu thốn cơ bản trông chờ vào nguồn nước thiên nhiên rồi muỗi vắt, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tập tục của bà con dân bản quanh vùng… Ngay cả vấn đề liên lạc cũng hết sức khó khăn. 
 
Mỗi khi di chuyển lán trại, việc đầu tiên là cầm hai tay cầm hai điện thoại (một sim Viettel, một Vinaphone) rồi chia nhau chạy loạn hết cả lên, vừa chạy vừa hết giơ lên rồi hạ xuống, hết quay Bắc lại đến Nam rồi Tây, Đông… Vái đủ bốn phương tám hướng hú “hai hồn mấy chục vía” hết của “ông Viettel” đến “bà Vina”… để tìm chỗ có sóng mà treo điện thoại! Hầu như ai cũng phải đăng kí chế độ cuộc gọi nhỡ để biết mà còn… gọi lại. 
 
Chế độ đi tranh thủ cứ phải hai ba tháng một lần và để ra được tới nơi có xe cũng hết sức gian nan, thế nên tranh thủ bao giờ cũng phải “trừ hao” ngày đi đường để tính thời gian đi cho bộ đội. Đối với tập tục của dân bản cũng cần tìm hiểu kĩ, nếu không sẽ dễ dẫn đến những chuyện đáng tiếc xảy ra. Bữa đầu tiên vào phụ trách ở đấy, tôi đã hoảng hết hồn - anh Ngô Bá Phong cười nhớ lại một kỉ niệm của mình. 
 
Hôm ấy, vừa vào tới nơi, tôi với đồn trưởng biên phòng đi qua suối để sang liên hệ công việc ở bên kia đường biên thì bỗng nhiên thấy tối tăm mặt mũi bởi một chậu nước hắt thẳng vào đầu vào mặt. Còn đang chới với chưa hiểu chuyện gì thì lại tiếp một chậu nữa… Nhìn sang đồn trưởng thấy anh ta cũng vậy nhưng gương mặt lại đang cười rất tươi! Hóa ra bữa đó đúng vào dịp tết té nước của bà con người Lào! 
 
Hồi làm công trình một bản ở mạn phía Bắc, chúng tôi cũng gặp những chuyện hết sức vui thế này - Chính ủy Trung đoàn Hoàng Xuân Nam cười tiếp câu chuyện. Đó là bản của người dân tộc và phụ nữ có thói quen tắm… tiên ở một con suối nơi gần chỗ bộ đội mình thi công. Khổ nỗi, đoạn đó mỗi chỗ ấy là có bến để tắm và phụ nữ họ không ngại… tắm chung với đàn ông, với bộ đội! Họ không ngại, nhưng mà mình ngại! 
 
Vậy là lại phải gặp trưởng bản rồi thuyết phục rằng “cái bộ đội” làm công trình này ý nghĩa ra sao… “cái bộ đội” ngại nhìn thấy con gái bản tắm, ngại tắm chung với con gái bản nên “cái bộ đội” đề nghị già làng thông báo con gái bản tắm trước sáu giờ chiều, còn sau sáu giờ mong bà con dành cho bộ đội tắm.
 
Theo chính ủy Trung đoàn Hoàng Xuân Nam thì việc giáo dục quản lý bộ đội phải hết sức linh hoạt, phải căn cứ vào thực tiễn để giáo dục chứ không thể rập khuôn bài bản được. Đối với các lực lượng làm công trình ở khu vực có bà con là dân tộc thiểu số, cán bộ phải tìm hiểu phong tục tập quán của họ, nhất là những điều kiêng kị để phổ biến cho bộ đội tránh những sự hiểu lầm đáng tiếc. Chẳng hạn với người Lô Lô phải biết tập tục người lạ không được mang theo đồ đạc vào nhà vì ma quỷ sẽ theo đó để vào. 
 
Còn những khu vực nhạy cảm về buôn bán hàng quốc cấm, ma túy ở khu vực biên giới, phải tìm hiểu các thủ đoạn của những kẻ buôn lậu, buôn ma túy. Chẳng hạn như chiêu “mĩ nhân kế” của các cô gái nhờ mang hộ hàng qua dốc, hoặc không nhặt những thứ vứt ở bên đường.v.v... vì đó rất dễ là ma túy hoặc hàng lậu, đồng thời quan hệ chặt chẽ với các lực lượng biên phòng để họ giúp việc tuyên truyền cho bộ đội biết các thủ đoạn mà kẻ xấu thường tiến hành. 
 
Mặc dù đặc thù công việc phân tán nên rất khó khăn trong việc quản lý bộ đội, đồng thời, rất nhiều nhiệm vụ mà Trung đoàn Công binh 299 đảm nhiệm phải đối mặt với sự mất an toàn về người cũng như trang thiết bị, nhưng những năm qua Trung đoàn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao. Điều đó thể hiện khá rõ qua bản thành tích của đơn vị: Được nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba (2002) cho tiểu đoàn 2, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2011) Nhì (2009), Ba (2005) cho Trung đoàn. Được Thủ tướng chính phủ tặng cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua các năm từ 2006 đến 2009. Đảng ủy Quân sự Trung ương tặng cờ Tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu xuất sắc 2001 - 2005; 2006 - 2010. Cờ đơn vị huấn luyện giỏi 2004, 2008, 2011. Mười lăm năm liền được Bộ tư lệnh Quân đoàn I tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng (từ năm 1996 – 2010), ngoài ra đơn vị còn được tặng nhiều bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng và đang được đề nghị tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kì đổi mới.
 
*
*    *
 
Buổi tối ở Tam Điệp, tôi lang thang ra điểm cao 76 với ý định thăm lại nơi ngày xưa tôi đã từng trực chiến. Đặt chân lên mấy bậc đá mới sực nhớ quy định trong trực chiến không thể lên đồi được, đành ngồi xuống một hòn đá ở chân núi. Phía xa, trong bóng sáng, bóng tối của đèn đường từ ngoài thị xã hắt lên, dãy Tam Điệp vẽ một đường uy nghiêm in vào nền trời. Đêm không nhiều gió, chỉ từng cơn thoảng qua giống như thì thầm – cái thì thầm của núi kể câu chuyện ngày xưa của Quang Trung, Ngô Thì Nhậm, của Quân đoàn I những ngày tháng 4 năm 1975… 
 
Lịch sử sẽ không đơn thuần chỉ là câu chuyện đã xảy ra được ghi lại nếu như nó là điểm tựa cho các thế hệ sau trong xây dựng quyết tâm bảo vệ non sông gấm vóc của dân tộc… Với những người lính Quân đoàn I hôm nay, điểm tựa ấy đang giúp họ vững vàng hơn giữa mặt trái cơ chế thị trường, giữa cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền đầy vất vả của gia đình mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của người lính trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
 
N.M.H
               Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65203768

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July