Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Cây Kơnia lặng lẽ cuối trời - Anh Chi Cây Kơnia lặng lẽ cuối trời - Anh Chi , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

VanVN.Net - Họ tên đầy đủ của ông là Nguyễn Ngọc Anh, sinh năm 1931 tại quê hương Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đang học Trung học thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Ngọc Anh sớm gia nhập bộ đội Cụ Hồ, chiến đấu ở chiến trường miền Trung và Tây Nguyên. Hồi ức của nhà văn Nguyên Ngọc cho ta biết: “Hai chúng tôi cùng là học sinh, cùng nhập ngũ một ngày, cùng làm lính, rồi cùng làm phóng viên mặt trận, vì hăng hái, vì lãng mạn, vì thích phiêu lưu mạo hiểm… Ngày ấy có (nhạc sĩ) Nhật Lai nữa. Chúng tôi lang thang trên khắp Tây Nguyên suốt thời kỳ đánh Pháp, nam Tây Nguyên, trung Tây Nguyên, rồi bắc Tây Nguyên. Chúng tôi làm đủ thứ việc, có tên và không tên, từ đánh giặc, làm rẫy, đến đi vận động quần chúng, tổ chức du kích, vũ trang tuyên truyền… Cả la cà rong chơi trong các buôn làng Ê-đê, Gia-rai, Mơ-nông, Xê-đăng, Triêng, Dẻ, Cor…”

NHƯ MỘT NGƯỜI CON CỦA TÂY NGUYÊN

 

Sau kháng chiến chống Pháp, cũng như nhiều thanh niên khác, Ngọc Anh tập kết ra miền Bắc. Do có tình cảm và hiểu biết rất sâu về Tây Nguyên và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Ngọc Anh được sắp xếp về công tác tại Ban Dân tộc trung ương. Lúc này, mới hai mươi bảy tuổi, ông dồn hết sức cho công tác. ở Hà Nội, có điều kiện học tập, tìm hiểu sâu về đời sống đồng bào các dân tộc Việt Nam, Ngọc Anh càng thương nhớ về Tây Nguyên. Và rồi, trong đời sống văn học những năm sau đó bắt đầu xuất hiện một số bài thơ ghi ở dưới là do Ngọc Anh dịch từ thơ các dân tộc như Bana, Êđê…mà mãi rất lâu sau này người ta mới biết đó chính là những tác phẩm của ông. Có thể, trước tiên ông viết bài thơ bằng ngôn ngữ một dân tộc ở Tây Nguyên một cách bình dị, tinh tế, để đọc cho đồng bào dân tộc nghe; sau chính ông lại dịch ra ngôn ngữ Việt nhuần nhị và giàu xúc cảm. Một vài người bạn văn đã nhận xét rằng, Ngọc Anh như là một người con của Tây Nguyên. Chính những năm sống tại Hà Nội, một chuyến công tác, Ngọc Anh đã gặp gỡ Xoa, một thiếu nữ đang làm việc tại Hải Phòng. Như là số phận sắp đặt, hai người đã thấy muốn gắn bó với nhau ngay. Đối với hai người, đây là mối tình đầu. Rồi họ cưới nhau, mãn nguyện với hạnh phúc lứa đôi, dù thời gian được sống bên nhau không nhiều, nếu tính tất cả thời gian được chung sống, chỉ chừng 40 ngày. Nhưng, họ đã có được hai con, là Bắc và Hải!

 

CHỈ NGỌC ANH MỚI PHẢ ĐƯỢC HỒN CHO CÂY KƠNIA

Năm 1964, cũng như bao người con ưu tú của nước Việt ta, Ngọc Anh tình nguyện vào miền Nam để đánh Mỹ, cứu nước. Ông lại trở về vùng bắc Kontum của Tây Nguyên thân yêu, để chiến đấu và làm công tác văn hóa – văn nghệ.

Thời kháng chiến chống Mỹ, nhiều người ở Tây Nguyên đã biết kơnia là loài cây có sức sống mạnh mẽ phi thường. Không lực Mỹ rải chất độc hóa học nhằm giết chết rừng, hầu hết các cây khác đều không sống nổi, chỉ có kơnia vẫn sống. Loài cây đặc thù của Tây Nguyên hùng tráng này cũng đã được một số nhà văn, nhà báo biết tới, nhưng chỉ có nhà thơ Ngọc Anh mới là người phả được hồn mình vào cây kơnia, qua tác phẩm Bóng cây kơnia. Bài thơ như duyên phận của nhà thơ với cao nguyên miền Tây, chỉ với 20 dòng, nhưng đã trở thành biểu tượng lớn về tình yêu, lòng dũng cảm và niềm tin sâu sắc của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến thần thánh. Sau khi Ngọc Anh qua đời, đồng đội của ông thấy bài thơ Bóng cây kơnia chép trong quyển nhật ký ông để lại. Đó là một sáng tạo thơ độc đáo, hình tượng thơ và xúc cảm thơ thật lớn, thật sâu:

            Buổi sáng em làm rẫy

            Thấy bóng cây kơnia

            Bóng ngả che ngực em

            Về nhớ anh không ngủ.

            Buổi chiều mẹ lên rẫy

            Thấy bóng cây kơnia

            Bóng tròn che lưng mẹ

            Về nhớ anh mẹ khóc.

Đây là quãng ngày Ngọc Anh mới từ Hà Nội vào bắc Kontum, hình ảnh người vợ bé nhỏ ở cuối trời đang chăm bẵm, chở che hai đứa con nhỏ luôn hiện lên trong tâm trí ông, nhất là vào những đêm khuya, khiến ông thức dậy, mở cuốn nhật ký ra, và viết. Sống, chiến đấu ở Tây Nguyên, viết Bóng cây kơnia để thể hiện tấm lòng người dân Tây Nguyên trung dũng; nhưng dường như nhà thơ đã gửi gắm cả tâm hồn ông, cả mối tình riêng của đời ông vào tác phẩm. Do vậy, bài thơ chứa đựng một mối tình lớn hơn mọi thân phận cá nhân, mối tình đất nước: 

Em hỏi cây kơnia:

- Gió mày thổi về đâu?

- Về phương mặt trời mọc.

Mẹ hỏi cây kơnia:

- Rễ mày uống nước đâu?

- Uống nước nguồn miền Bắc…

Không còn giống thời chống Pháp như hồi ức của nhà văn Nguyên Ngọc viết với ngôn ngữ thong dong về cuộc sống của ông cùng Ngọc Anh và Nhật Lai : “đánh giặc, làm rẫy, đến vận động quần chúng, tổ chức du kích, vũ trang tuyên truyền… Cả la cà rong chơi trong các buôn làng”. Đánh nhau với Mỹ khốc liệt hơn rất nhiều, khiến Ngọc Anh mỗi ngày không có được ít phút để viết những dòng thơ trữ tình nữa. Trong những năm tháng khốc liệt này, nhà văn Nguyên Ngọc đang trụ ở chiến trường Quảng Nam, là một người lãnh đạo văn nghệ của Quân khu V. Năm 1965, được tin Ngọc Anh đang ở mặt trận bắc Kontum, Nguyên Ngọc đã gửi điện văn xin Tỉnh ủy Kontum cho Ngọc Anh về làm báo Văn nghệ giải phóng Quân khu. Nhưng, chỉ dăm tháng sau, Nguyên Ngọc nhận được bức điện báo tin đau đớn, Ngọc Anh đã anh dũng hy sinh bên kia chân núi Ngọc Linh. Lúc này nhà thơ mới ba mươi tư tuổi, đang rất nhiều hoài bão và dồi dào sức sáng tạo thơ ca. Một thời gian ngắn sau, qua đồng đội, đồng nghiệp của Ngọc Anh, bài thơ Bóng cây kơnia đã xuất bản rộng rãi trên sách, báo và được công chúng văn học vô cùng trân trọng. Rồi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc, và ngay sau đó, nữ ca sĩ Măng Thị Hội đã thành danh với ca khúc này. Càng trải thêm thời gian, người đời càng thấy bài thơ Bóng cây kơnia thực sự là một tác phẩm bất hủ của nền văn chương Việt Nam hiện đại.

 

HỒN NHÀ THƠ VẪN MONG NHỚ NGƯỜI ÔNG YÊU

Sau khi đất nước thống nhất, đồng đội của Ngọc Anh và gia đình đã đi tìm mộ ông, nhưng mãi chưa thấy. Bởi, những người biết sự hy sinh anh dũng của ông chỉ còn nhớ áng chừng đã chôn cất ông ở chỗ nọ, quãng ấy. Đến năm 1988, bà Xoa đã có tuổi, nhưng bỗng cảm thấy đi lần này sẽ tìm được hài cốt của chồng. Đến Pleiku, qua những đồi càfê hoa nở trắng xóa. Trời bỗng nổi gió, gió trên cao nguyên thổi đầy trời. Bà Xoa sức không khỏe, thấy lạnh buốt, răng cắn chặt môi. Mọi người hiểu bà không còn đủ sức vượt rừng lội suối mấy ngày nữa để tới được núi Ngọc Linh ở huyện Dakley, nơi có lẽ còn những người dân tộc Cor vẫn nhớ chỗ chôn cất người chiến sĩ giải phóng quân 23 năm về trước. Những đồng đội của ông Ngọc Anh thấy cần tiếp tục dấn bước. Họ dặn bà Soa rằng, vào giờ đó, ngày đó, tại Pleiku bà hãy hướng tới núi Ngọc Linh và thắp lên ba nén nhang…

Vài ngày sau, đoàn đi tìm mộ tới bên chân núi Ngọc Linh. Họ đặt giữa rừng một bàn thờ đơn sơ, thắp lên ba nén nhang và cầu khấn hồn thiêng người đã khuất cho họ biết chỗ đang nằm, để lo đưa về an nghỉ ở quê nhà. Khói nhang bay dùng dằng, hương thơm quanh quất dưới những tán cây lớn. Thật lạ, vài phút sau thì một nén nhang bị tắt ngấm. Cùng lúc đó, đúng như định hẹn, tại Pleiku bà Xoa cũng đã thắp ba nén nhang, đang hướng về núi Ngọc Linh, miệng khấn gọi chồng, nước mắt chảy giàn giụa xuống hai bên má. Và rất lạ, một nén nhang cũng lặng lặng tắt. Hai nơi cách xa nhau mấy ngày đường, họ cùng thắp lại nén nhang. Nhưng vài phút sau, một nén nhang lại bị tắt…

Bên chân núi Ngọc Linh, một cán bộ thương binh xã hội của tỉnh cầm con rựa định đi vào rừng chặt một đốt nứa để thay cái chén rót rượu cúng. Mới đi được mươi bước, anh ấy bỗng bị vấp vào một tảng đá khuất lấp dưới lớp lá mục. Sao lại vấp ngã chỗ này, người đã khuất mách bảo gì chăng? Ngay sau đó, mọi người lật tảng đá lên, rồi bắt đầu đào… Chỉ mươi phút sau, họ thấy phán đoán và linh cảm của mình là chính xác. Nằm bên dưới, là hài cốt nhà thơ liệt sĩ Ngọc Anh! Ngay sau đó, các thủ tục được tiến hành, và thi hài nhà thơ được đưa về an nghỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn.

Câu chuyện tìm thấy hài cốt nhà thơ liệt sĩ khiến chính những người tìm mộ cũng thấy thật lạ lùng. Về sau, chuyện còn được viết đăng lên báo. Nhiều người quan tâm, nhất là các nhà thơ, nhạc sĩ đã rất mừng khi biết một nhà thơ liệt sĩ không còn bị nằm cô đơn lạnh lẽo giữa rừng nữa. Có người bạn của Ngọc Anh đã vào Hà Đông thăm hỏi bà Xoa, lúc vui chuyện, đã nói: “Bà đi gọi tìm được ông ấy là công to lắm. Nhưng có lẽ, hồn nhà thơ vẫn mong nhớ người ông ấy yêu, mới gọi được đấy!”

 

CÂY KƠNIA LẶNG LẼ CUỐI TRỜI

Không thể nói hết nỗi sung sướng của bà Xoa và hai người con sau khi tìm thấy hài cốt của chồng, của cha. Họ đã khóc ròng, nước mắt càng chảy bao nhiêu, lòng họ dần trở nên yên ổn bấy nhiêu. Nhìn dáng vóc bà Xoa trong suốt thời gian đi tìm mộ chồng, và do cũng hiểu suốt cuộc đời bà chỉ được sống bên chồng chừng bốn mươi ngày, một thân một mình chăm bẵm hai con khôn lớn, nên có người trong đoàn đi tìm hài cốt liệt sĩ Ngọc Anh chợt thốt lên: “Bà Xoa cũng cứng cỏi, bền lòng như một cây Kơnia vậy!”.

Chuyện đó cũng lan truyền, nhiều người đã biết. Vậy nên người đời càng quan tâm, và có thêm những câu chuyện nữa về cây kơnia. Đơn cử chuyện nhà văn Hoàng Minh Nhân đã cất công tìm tới thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, Hà Nội), để thăm hỏi, trò chuyện tỏ lòng trân trọng chuyện đời của bà và ông Ngọc Anh. Đến khi tiễn nhà văn Hoàng Minh Nhân ra về, bà Xoa tự nhiên nói với khách: “Tôi cũng chỉ là cây kơnia bình thường thôi”…Chúng tôi, viết bài này, không thể không kể về những quan tâm của người đời đối với mối tình thật đặc biệt của hai ông bà, nhất là người đời đã tự nhiên gọi vợ tác giả bài thơ Bóng cây kơnia là một cây kơnia. Vâng, trong những năm đánh giặc gian khổ, đau thương, bà Xoa là một cây kơnia lặng lẽ cuối trời mà nhà thơ Ngọc Anh ở một chân trời khác đầy máu lửa đã luôn thương nhớ về. Bởi thế mà cuộc đời này mới có thêm một tác phẩm thi ca bất hủ!

(Nguồn: Văn nghệ số 49/2012)

Theo Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65200096

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July