Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu thì đại đội vận tải của tôi được bổ sung thêm một trung đội vận tải nữ. Trung đội trưởng tên Bích, là cô gái to, khỏe, nhanh nhẹn, năng nổ với công việc, duy có đôi mắt luôn trầm lắng, thoáng buồn. Đây là trung đội mới, lái xe lại toàn nữ, tôi là đại đội trưởng nên thường đi với trung đội này. Đã hai tuần ngồi bên tay lái của Bích, song chuyện trò với cô không sao cởi mở được. Cho đến một hôm xe hỏng, cô lấy túi đồ nghề khâu bằng bạt ra, thì tôi không cầm lòng được: Nó giống hệt cái túi của thằng Đức - bạn tôi, làm đại đội trưởng đội 3, đang vận chuyển hàng và vũ khí phục vụ chiến dịch trước đại đội tôi một cung đường. Sau phút sững sờ, tôi lân la gợi chuyện. Khó khăn lắm, tôi mới được cô kể cho nghe.
…Sau 3 năm là thanh niên xung phong, đảm bảo giao thông trên tuyến lửa Trường Sơn, Bích không chuyển ngành, không trở về quê hương như một số chị em trong đơn vị, mà theo đuổi một nguyện vọng khác. Bích đã đạt được nguyện vọng đó: Tổ chức đã chuyển cô sang bộ đội, và trở thành một chiến sĩ lái xe sau một khóa huấn luyện. Khi tay lái đã vững vàng, cô được trở lại tuyến đường xưa công tác. Ngay chuyến xe đầu tiên, cô đã gặp một điều bất ngờ. Trong đêm tối, giữa lúc máy bay địch đang quần đảo trên đầu, cô thấy một chiếc xe chạy ngược chiều với mình bị sa lầy giữa vùng trọng điểm. Người lái chiếc xe đó đang ấn chân ga đến khét lên, mà xe chỉ mới hơi nhúc nhích. Bích lượn xe đến trước xe kia và dừng lại. Cô bạn gái ngồi bên phụ đã móc cáp, xi-nhan cho xe Bích kéo chiếc xe kia lên khỏi đám lầy. Tới lúc đó, Bích mới nhảy xuống xe, “ra giọng” với anh chàng kia:
- Ông anh nào đấy? Sao chỗ quang chẳng đi lại đâm quàng xuống vũng lầy?
Có tiếng lạch cạch mở cửa buồng lái, và tiếp đó là một giọng nói ồm ồm cất lên:
- May quá, nếu không gặp chị, à… đồng chí, thì có lẽ sáng ra, chiếc xe của tôi làm miếng mồi ngon cho máy bay địch rồi…
|
Ảnh: LongTNT |
Lúc ấy, họ chưa nhìn rõ mặt nhau. Nhưng rồi qua giọng nói và vóc dáng, họ đã nhận ra nhau. Thì ra, họ đã quen nhau từ trước. Ngày ấy, Bích còn là cô thanh niên xung phong. Trong một chuyến đi lẻ, Đức bị máy bay địch bắn xăm ở “cua chữ S”. Chiếc lốp sau bên phải bị thủng. Xe có lốp dự phòng, nhưng kích lại không có. Đang lúc lúng túng thì Đức gặp Bích - cô gái đi quan sát đường sau trận đánh phá của máy bay địch. Biết khó khăn của anh lái xe, cô gái đứng lặng bên anh, suy nghĩ một lát, rồi góp ý:
- Em vẫn thấy các anh lái kích xe bằng vỏ thùng phuy xăng. Trên bờ suối gần đây, có một chiếc vỏ phuy thủng. Anh xem nếu được, em sẽ bảo chị em mang đến giúp.
Anh chàng không ngờ cô gái lại nhiệt tình và hiểu về công việc của người lái xe đến thế! Cô đã giúp anh kích xe và thay lốp. Họ biết nhau từ đó. Và sự việc nho nhỏ trên trở thành một kỷ niệm khó quên… Lần gặp nhau trong tình huống xe Đức bị nổ lốp này, họ không nhắc lại chuyện cũ, vì cả hai cùng vội, trời cũng đã sắp sáng, mà đường tới địa điểm trả hàng còn xa, họ chỉ tần ngần, quyến luyến lúc chia tay…
Lần thứ ba - đó là một buổi chiều ở trạm xá nằm sâu trong một khe cạn - họ lại gặp nhau. Chuyến ấy, Đức chạy lẻ, và cũng làm nhiệm vụ chuyển thương như Bích. Công việc xong, họ đứng bên xe trò chuyện, song lời đâu không thấy, chỉ có những ánh mắt đằm thắm, bẽn lẽn, ngập ngừng. Bích cảm thấy hơi mất tự nhiên và thật khó nói. Rồi Bích chợt hiểu tất cả khi cô nhìn thấy vẻ mặt bối rối và bàn tay thô vụng của người bạn trai đưa cho mình một chiếc phong bì nhỏ màu xanh. Không biết thư viết từ bao giờ, mà mép phong bì đã quăn quăn, và trên mặt phong bì in lờ mờ mấy vết ngón tay dính dầu. Mặc dù có tiếng là “mạnh bạo nhất đám”, nhưng lúc ấy, cô lại quay đi. Cô sợ anh thấy sự lúng túng đến khó thở của mình. Và chính ấy, cô đã bắt gặp mấy chiếc cờ-lê, tuốc-nơ-vít, anh để ngổn ngang trên đệm “ca-bin”. Cô gắng làm ra vẻ tự nhiên:
- Anh luộm thuộm quá! Ai lại…
Cô không nỡ nói nữa khi nhận thấy anh chàng đưa tay lên xoa xoa nạm tóc xoăn tít, cười ngượng nghịu.
- Cứ thế mãi thì đến ế vợ đấy, anh Đức ạ! - Cô cười và giật vội lấy phong thư, sau đó, về xe mình lấy cho anh túi đồ nghề khâu bằng vải bạt:
- Anh cầm lấy để đựng đồ nghề cho gọn… lần sau gặp lại nhau, tin là nó vẫn còn…
Họ chia tay nhau mà không nói nổi một câu hò hẹn, song phong thư ngỏ lời và chiếc túi nhỏ đã nói thay tất cả…
Sau chuyến đi đó, Đức cùng đơn vị chuyển sang phía đông Trường Sơn. Phía tây, tiếng ve ra rả trong những tầng cây săng lẻ xanh sẫm báo hiệu mùa mưa đã đến. Còn Bích thì trở lại tuyến sau vận chuyển. Bích lại khâu một chiếc túi đồ nghề khác cho mình giống hệt như chiếc đã đưa cho Đức.
Qua hơn hai năm vắng bặt tin nhau, vào cuối năm 1973, Bích nhận được tin Đức đã hy sinh. Trở lại Trường Sơn phục vụ chiến dịch, cô cũng không nhận được tin tức gì thêm. Bích càng đinh ninh Đức đã hy sinh thật. Thì ra… hồi chuyển sang phía đông, Đức cùng một số anh em nữa được tăng cường cho một tiểu đoàn khác. Còn ở đại đội cũ thì bổ sung một số anh em lái mới. Trong số đó có một lái xe cùng tên là Đức. Đồng chí ấy đã hy sinh trong chuyến đi sau này...
Cái đoạn sau là tôi kể lại cho Bích như vậy. Tôi còn tả lại hình dáng, một vài đặc điểm về Đức, kể cả nạm tóc xoăn, và cung đường mà Đức đã đi lẻ trong thời gian gặp Bích.
Đến lượt Bích sững sờ khi nghe tôi kể. Hết trợn tròn mắt, Bích lại ôm lấy hai vai tôi rung mạnh. Và khi ngồi trên xe, hai tay Bích điều khiển vô lăng nom cứ như múa!... Tôi hiểu: Tình yêu! Gần lắm rồi, họ sắp được gặp nhau tại thành phố mang tên Bác kính yêu khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng!…
T.H
Theo Tạp chí Văn nghệ quân đội
|