Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 07/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Những người đàn bà nhọc nhằn nơi xứ tuyết Những người đàn bà nhọc nhằn nơi xứ tuyết , Người xứ Nghệ Kiev
 





Một ngày tôi tình cờ gặp lại cô bạn cũ từng làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô trên công trường thủy điện Hòa Bình và sau đó sang Nga làm đội trưởng trong thời kỳ hợp tác xuất khẩu lao động. Cô gái vui vẻ, nhí nhảnh thuở nào nay đã là một phụ nữ với những nếp nhăn từng trải trên khuôn mặt đầy vẻ mệt mỏi. Cuộc đời bôn ba xứ người của Ng. quả thực là quá đau khổ.

 Mỗi người đàn bà Việt ở nước Nga tuyết phủ lạnh lẽo là một mảnh đời, một số phận. Sướng hay khổ là khái niệm tương đối, nhưng không thể không nói đến những nhọc nhằn mà họ phải trải qua để mưu sinh ở xứ người. Tất cả họ đều giống như những con ong cần mẫn, chịu thương chịu khó, hàng ngày tích cóp để mong có lưng vốn lo cho con cái, cho tương lai của chính mình. Tuy vậy, hầu như ai cũng nhận thấy rằng phần lớn họ đều phải trả giá, phải từ bỏ một cái gì đó của cuộc đời mình để đánh đổi lấy mục đích mưu sinh.

Thương trường là chiến trường

Mang tiếng là “phái yếu”, nhưng trên “chiến trường” này, những người phụ nữ Việt cũng phải “chiến đấu và xông pha” không kém gì đàn ông. Trong cộng đồng người Việt đang làm ăn sinh sống ở Mátxcơva và ở LB Nga, số lượng phụ nữ chiếm con số không nhỏ. Họ làm đủ mọi việc từ mở xưởng may, buôn bán quần áo, bán hàng ăn, rau quả, làm dịch vụ… Tất cả họ đều tần tảo, thức khuya dậy sớm, lăn lộn vất vả với mong muốn kiếm được chút vốn để nuôi con ăn học, để trợ giúp người thân đang còn phải vất vả nơi quê nhà.




Một chủ quầy hàng ở chợ thuộc thành phố Kadan. Ảnh: Hải Hà


Mùa đông trong cái lạnh hàng chục độ dưới 0, họ dậy từ mờ đất để ra chợ. Không phải ngẫu nhiên mà hai câu thơ “Khi đi trời vẫn còn sương. Khi về phố đã đỏ đèn từ lâu” được các chị truyền miệng nhau và trở thành câu cửa miệng mỗi khi nói về nỗi vất vả của cuộc mưu sinh trên đất Nga.

Những bông hoa tuyết lóng lánh, những cây thông xanh mướt ngay cả trong tiết trời lạnh cắt da cắt thịt đã đi vào thơ ca như những biểu tượng thơ mộng của nước Nga. Nhưng với những người phụ nữ Việt nhỏ bé “chân yếu tay mềm”, mỗi ngày đứng bán hàng từ mờ đất tới khi thành phố lên đèn, thì tuyết lạnh đã trở thành nỗi ám ảnh. Mỗi người trong số họ đều biết rõ rằng những khu chợ ngoài trời là nơi “tàn phá sức khỏe và sắc đẹp của phụ nữ”. Các bệnh thận, phổi, khớp, đau đầu, ngoài da… là những căn bệnh thường gặp ở những phụ nữ kinh doanh tại đây. Thời tiết lạnh, cộng với độ ẩm thấp và không khí ô nhiễm vốn đặc trưng ở những nơi đông người, đặc biệt là vào mùa tuyết tan, khiến nhiều bệnh tật phát sinh. Điều đáng nói ở đây là khi ốm đau, không phải ai cũng có điều kiện đi khám ngay. Không biết tiếng Nga, không thông thạo đường phố, ngoại trừ đoạn đường từ nhà tới chợ, muốn đi khám, họ phải nhờ cậy tới dịch vụ thuê người phiên dịch và đưa tới bệnh viện. Có nhiều trường hợp, bệnh được phát hiện ở giai đoạn quá muộn, khó chữa trị.

Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đang đặt những bà chủ hàng trước muôn vàn những khó khăn và nguy hiểm. Người bản xứ thất nghiệp ngày càng nhiều khiến tệ nạn gia tăng và việc đi sớm, về muộn đang là nỗi lo thường trực, nhỡ chẳng may bị hành hung, bị trấn lột thì không biết hậu quả sẽ như thế nào.

“Chợ đuội” là cảnh thường thấy ở các khu chợ trong thời buổi khủng hoảng hiện nay. Thu nhập của người Nga càng giảm, đồng rúp mất giá và họ đang thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu tiêu dùng cũng giảm theo. “Trong hơn chục năm làm ăn tại Nga, chưa bao giờ có cảnh hơn hai chục ngày ngồi bán hàng mà chưa có ai đến mở hàng”, - một chị bán quần áo ở chợ 2000 tâm sự. Hơn nữa, thuế chợ lại tăng khiến nhiều bà chủ hàng đang phải xoay xở tìm cách “kiếm đủ tiền ăn và trả tiền thuê nhà là được”. Tại khu chợ Trerkizovski bán buôn ầm uất nhất Matxcơva, người bán hàng đứng ngồi “ngáp ngắn ngáp dài” chờ khách, còn những người khách từ các tỉnh xa tới thì phải “nâng lên hạ xuống” để chọn loại hàng nào giá rẻ nhất, hợp túi tiền người tiêu dùng, mới dám mua buôn.

Theo lời chị M bán hàng tại đây, những năm trước, từ tháng 9 trở đi, hàng áo rét đã bắt đầu “chạy”. Vậy mà từ cuối năm ngoái cho tới thời điểm vào xuân này, chị không thể thu đủ tiền để chi cho cuộc sống hàng ngày.

Trong thời điểm hiện nay, dường như quan niệm buôn bán cũng giống như người đi câu, lúc có khách lúc không, chẳng còn mang đầy đủ ý nghĩa vốn có của nó nữa. Khi đi câu, người ta biết chắc hồ có cá mới câu, còn hiện nay, những khó khăn của thời khủng hoảng khiến các bà chủ hàng khó có thể nhận định có cá để mà câu nữa hay không. Nhiều chị đã có kế hoạch trong năm học tới gửi con cái về Việt Nam để nếu có “thất bát”, thì bố mẹ cũng sẽ hồi hương mà không ảnh hưởng tới việc chuyển trường của con trẻ.

Tuy nhiên, trong câu chuyện tâm sự với chúng tôi, nhiều người phụ nữ kinh doanh ở Matxcơva vẫn nuôi hy vọng trong thời buổi khó khăn của nước Nga hiện nay, biết đâu một ngày nào đó cơ may sẽ lại đến với họ và ngày mai sẽ “tốt hơn ngày hôm qua”.

Làm bạn với cô đơn

Cô đơn – đó là khái niệm vẫn được dùng thường xuyên để nói về cuộc sống của nhiều người phụ nữ Việt xa xứ nói chung và trên đất Nga nói riêng. Người phụ nữ một mình một bóng, đi về lẻ loi dường như là cái gì đó rất bình thường ở đất này. Chị sang Nga làm ăn, chồng ở nhà chăm nom  con cái; hoặc vợ chồng cùng sang Nga, nhưng sau một thời gian làm ăn ở đất khách, anh lại tìm thấy cho mình một “ý trung nhân” khác đáng yêu hơn, bỏ lại chị một mình;  hoặc chị ra đi từ khi còn là cô gái 18 đôi mươi, nhưng mải mê làm ăn, rồi bỗng một ngày nhận thấy tuổi xuân của mình đã qua, muốn xây dựng gia đình thì đã quá muộn, bởi đã ở trong tình trạng “cao không tới, thấp không thông”… Có muôn vàn hoàn cảnh khác nhau, chẳng ai giống ai, nhưng tựu trung lại vẫn là ở hai chữ “cô đơn” mà người phụ nữ phải gánh chịu.

Có lần tôi được mời đến làm khách của 4 chị cùng một cháu gái nhỏ sống trong căn buồng rộng chừng 15m². Cả 4 chị đều là những phụ nữ cô đơn, “một mình một bóng”: một chị đã tốt nghiệp đại học ở lại làm ăn buôn bán, bị công việc lôi cuốn nên hình như không có thì giờ nghĩ đến chuyện chồng con; một chị đã từng lấy chồng Nga, nhưng anh ở tỉnh lẻ, không thể theo chị lên làm ăn buôn bán tại Mátxcơva nên họ chia tay và cô con gái nhỏ ở với chị. Hai chị còn lại ở độ tuổi trung niên, do hoàn cảnh khó khăn đã phải ra nước ngoài với hy vọng tìm kiếm một công việc nào đó như phụ bán hàng, làm “ô sin” để có thu nhập đủ lo cho con cái ở nhà có điều kiện đến trường. Căn buồng 15m² vừa là phòng ăn, phòng tiếp khách, phòng ngủ. Bếp là một khoảnh diện tích nhỏ ngay bên cửa ra vào đủ để đặt chiếc bếp điện. Sáng sáng, mỗi người mỗi việc, người đi chợ, người đi làm ôsin dọn dẹp nhà, trông trẻ. Chiều về lo cơm nước, xong xuôi mỗi người nằm mỗi góc trên những tấm đệm trải trên sàn nhà, ngủ li bì sau ngày lao động cực nhọc để rồi lại đón một ngày mới giống hệt ngày hôm qua với bao lo toan, trăn trở cùng sự đơn điệu. Họ cùng cô đơn, đến với nhau thứ nhất là để thuê một phòng ở cho đỡ tốn kém, thứ hai là để có chị có em, nương tựa vào nhau mỗi ngày cũng như khi gặp khó khăn. Ai cũng biết rằng niềm hạnh phúc của người phụ nữ là được làm vợ, làm mẹ, được chăm sóc gia đình. Nhưng niềm hạnh phúc đó dường như cũng là điều xa xỉ đối với nhiều người đàn bà ở xứ tuyết này.

Một ngày tôi tình cờ gặp lại cô bạn cũ từng làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô trên công trường thủy điện Hòa Bình và sau đó sang Nga làm đội trưởng trong thời kỳ hợp tác xuất khẩu lao động. Cô gái vui vẻ, nhí nhảnh thuở nào nay đã là một phụ nữ với những nếp nhăn từng trải trên khuôn mặt đầy vẻ mệt mỏi. Cuộc đời bôn ba xứ người của Ng. quả thực là quá đau khổ. Cách đây 10 năm, chồng chị, một người chuyên buôn bán đường dài, bị bọn cướp giết trong khi đang áp tải hàng tới tỉnh xa. Từ khi chồng mất, Ng. vẫn ở vậy lo tiếp tục làm ăn, bởi theo chị, đã “dang dở” rồi, muốn “làm lại từ đầu” cũng không dễ dàng.

Có không ít những người phụ nữ tồn tại trong hoàn cảnh “đồng sàng dị mộng”, vợ chồng sống chung, nhưng tình cảm chẳng còn mặn mà như thuở ban đầu. Một trong những nguyên nhân của hiện trạng này phần lớn là do người chồng quá sa chân vào tệ nạn cờ bạc, khiến đồng tiền mà hai vợ chồng bao năm ki cóp cứ “đội nón ra đi”. Nghe câu chuyện của một người phụ nữ kể về người chồng của mình, trong thời gian chị về Việt Nam thăm con, đã nướng toàn bộ gia tài trị giá tới cả triệu đôla  vào những sòng bạc, mà tôi thấy ớn lạnh, thương cho thân phận của những người phụ nữ như chị.

Thực vậy, để mưu sinh ở xứ người, phần lớn những người đàn bà đều phải trả giá, phải từ bỏ một cái gì đó trong cuộc đời mình để đánh đổi lấy mục đích mưu sinh.

 

“Liên minh tạm bợ” và nỗi bất hạnh của những đứa con

Năm nay mới 35 tuổi, nhưng chị đã 15 năm làm ăn buôn bán trên đất Nga. Sau khi sinh con đầu lòng, do bất hòa, vợ chồng chị li dị nhau và chị quyết định sang Nga làm ăn. Cũng như nhiều người phụ nữ Việt xa xứ khác, sau một thời gian chị đã tìm được cho mình một người đàn ông cùng chung lưng làm ăn buôn bán. Ở nơi này, người ta ít nói tới khái niệm “chồng”, mà đơn thuần chỉ là người “bạn trai” hay còn gọi nôm na là “bồ” cùng “góp gạo thổi cơm chung” và nương tựa nhau ở nơi đất khách mà thôi. Các đôi vợ chồng “hờ” thường rất minh bạch với nhau về tài chính. Bởi “liên minh” chỉ là tạm bợ, anh và chị đều là những người đã có vợ hoặc chồng và có cả những đứa con. Nhiều đôi may mắn không phải bận tâm về con cái, còn chị phải cùng người bạn chăm sóc cậu con trai của anh, trong khi con mình phải nhờ họ hàng ở quê nuôi nấng, bởi chồng chị cũng còn phải lo tìm cho mình một người đàn bà khác để xây dựng gia đình. Mặc dù đã ngót nghét chục năm chung sống cùng người bạn trai, giữa chị và anh đã có nhiều gắn bó, nhưng chị đã không thể sinh với anh một đứa “con chung” bởi còn chưa biết tương lai sẽ đi đến đâu, còn chưa biết liệu cậu con trai ở Việt Nam có chấp nhận người cha mới hay không.

Tuy nhiên, “con chung” cũng là vấn đề nan giải với không ít người. Khi nghe kể câu chuyện về một cặp vợ chồng “tạm bợ” muốn “cho không” cô con gái 2 tuổi vì anh chị quá khó khăn, không thể nuôi 2 đứa “con chung” đều sàn sàn tuổi nhau, mà nhiều người thấy ngậm ngùi, thương cho những đứa trẻ bất hạnh trót đầu thai vào một gia đình như vậy.

Mỗi người phụ nữ sống và làm ăn trên đất Nga là một số phận. Chẳng ai giống ai. Và có điều lạ lùng là họ đều chấp nhận hoàn cảnh, với niềm tin một ngày nào đó, mọi sự sẽ khác đi. “Có thể em sẽ tìm được người đàn ông trong mộng của mình ở tuổi ngũ tuần , - một người phụ nữ tuổi ngoài ba mươi mơ mộng nói, - và lúc đó em sẽ có gia đình để chăm sóc, có người để yêu thương”.  Từ mơ ước đến hiện thực là cả một chặng đường dài, hy vọng với tấm lòng nhân hậu, sự chịu thương chịu khó, những người đàn bà xa xứ sẽ thực hiện được mơ ước của mình./.


Hải Hà

 

(theo nguoibanduong.net)

Theo Nguoibienden


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66371208

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July