(Minh họa: Vũ Toản)
Tình yêu và pho tượng cổ
Ngôi chùa cổ
Không cổ hơn được nữa
Khói tâm linh
Xông đặc quánh thời gian
Pho tượng cổ
Không già hơn được nữa
Vầng trán trăm năm
Đau đáu nỗi nhân gian
Cây cổ thụ
Bóng không cổ thụ
Một cây cao
Không phủ hết sân chùa
Ngôi nhà mới
Không mới hơn được nữa
Mốt lỗi thời
Khi chưa kịp nguy nga
Và tình yêu
Xưa hơn pho tượng cổ
Men nồng say
Đắng chát đến mai sau…
Phan Huy
BLOG Người yêu thơ: Cách đây hơn một tháng (29/9), BLOG Người yêu thơ đã đăng tải bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở ủy ban nhân dân của Nhà thơ Đàm Chu Văn - Một bài thơ gây nhiều tranh cãi! Bài thơ đã được nhiều cơ quan thông tấn báo chí xuất bản. Thế nhưng hơn 1 năm sau ngày ra đời, tác giả đã gặp nhiều rắc rối ngay tại chính địa phương mình công tác – tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, khi tác phẩm được BLOG Dân trí công bố, tính đến thời điểm này (2/10) đã có 61.665 lượt bạn đọc truy cập và gần 149 ý kiến gửi về tòa soạn, trong đó hầu hết là đồng tình với tác giả, khen ngợi bài thơ.
Cùng thời điểm trên, ở Đồng bằng sông Cửu Long, bài thơ Tình yêu và Pho tượng cổ của Nhà thơ Phan Huy được xuất bản. Nếu “chụp” cho cái mũ “nhạy cảm, định kiến, ám chỉ” như với bài Lời những cây dầu cổ thụ ở ủy ban nhân dân của Đàm Chu Văn thì Tình yêu và pho tượng cổ của Phan Huy còn… nhạy cảm hơn nhiều. Thế nhưng, số phận hai bài thơ lại khác nhau đến trái ngược. Trong khi Đàm Chu Văn gặp nhiều rắc rối, thậm chí có quan chức địa phương còn yêu cầu… cấm xuất bản ở bất cứ đâu, dưới mọi hình thức thì trái lại, bài thơ của Phan Huy lại nhiều tờ báo cả địa phương, trung ương đăng tải và nhận được sự khen ngợi, đồng tình của đông đảo công chúng yêu thơ.
Vậy điều gì đã khiến hai bài thơ có thể nói khá tương tự nhau, được sinh ra từ hai miền đất khác nhau, miền Đông Nam bộ (Đồng Nai) và miền Tây Nam bộ (Cần Thơ) lại có số phận khác nhau đến vậy, thưa các bạn?
***
“Khi con người xuất hiện trên trái đất là lúc đó tình yêu nảy nở. Tình yêu đẹp muôn thủa, là say đắm, là không bờ bến và không có điểm dừng. Nhưng cuộc sống luôn luôn là cuộc vật lộn không ngừng với những biến thái khôn lường. Khi tình yêu chạm vào cuộc sống, thói hư, tật xấu, tính thực dụng trong con người đã thổi bùng lên sự ích kỷ… Lúc đó, cái đẹp nồng nàn, say đắm của tình yêu bị vẫn đục bởi cái thực dụng của đời thường. Và sâu lắng hơn ,thăm thẳm hơn…”
Nhà thơ Phan Huy.
***
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám tuyển chọn và giới thiệu.