Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Cái tôi trữ tình đời thường trong "Tây Tiến" Cái tôi trữ tình đời thường trong "Tây Tiến" , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Tuy có đề cập đến cái tôi trữ tình công dân nhưng nhà thơ vẫn chuyên chú vào cái tôi trữ tình đời thường. Cái tôi trong thơ Quang Dũng có phảng phất hào khí cổ điển phương Đông (kẻ sĩ, quân tử, trượng phu), kết hợp với điệu hồn lãng mạn của Thơ mới. Nhưng, nổi bật vẫn là cái tôi tình người - tình người của con người một thời đại cách mạng - nhưng ý nghĩa nhân văn của nó đã trở thành muôn thuở. Cái tôi ấy đã đề cao nguyên tắc tối thượng là tình người.

Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng thiên về cái tôi trữ tình - đời thường. Ông nhìn người lính Tây Tiến trong chiến tranh, ở phương diện đời thường hơn là trong chiến trận. Nhưng từ cái tình người trong đời thường, lại toả sáng: người lính - nghệ sỹ - anh hùng, làm bật lên khí phách anh hùng của họ. Ngay từ phần tả dốc nhà thơ đã gợi tả tình quân dân:

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi


Bức tranh sinh hoạt của người dân hiện ra mù mờ bởi câu hỏi: “nhà ai” và từ phiếm chỉ “ai” gợi khoảng cách địa lý xa vời với tầm nhìn bị che khuất. Hình ảnh “mưa xa khơi” như nhấn thêm vẻ mù mờ ấy. Bức tranh nhà dân tuy mờ ảo nhưng không bí ẩn, rợn người vì đó là tín hiệu ấm áp, gợi tình cảm quân dân cá nước, cảm hứng tình người trong mỗi chiến sĩ.

Nhà thơ đã dành bức tranh đêm liên hoan lửa trại biên giới Việt - Lào và cảnh hoàng hôn Châu Mộc để gợi tình người, tình yêu, tình hữu nghị.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ


Hình ảnh “hội đuốc hoa” là một ẩn dụ kép đa nghĩa. Ở lớp nghĩa tả thực là đốt đuốc để thắp sáng trong đêm lửa trại. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thường có những cuộc liên hoan giữa bộ đội và nhân dân vào lúc đón và tiễn bộ đội. Nhưng chủ yếu là lớp nghĩa hàm ẩn mang màu sắc lãng mạn, tinh nghịch nhưng lành mạnh. Ở lớp nghĩa này “hội đuốc hoa” có nghĩa là lễ cưới (đêm tân hôn). Tác giả sử dụng lối chơi chữ hiện đại. Đêm tân hôn theo chữ Trung Quốc gọi là “động phòng hoa chúc”. Tác giả mượn hai chữ “hoa chúc” để gợi. Hoa chúc có nghĩa là hoa nến. Để sát với thực tế tác giả đổi “nến” thành “đuốc” (hoa đuốc). Để hiệp vần tác giả lại dùng phép đảo ngữ thành “đuốc hoa”. Chữ “kìa” như là một tiếng reo gợi sự ngạc nhiên, bối rối của các chiến sỹ trước cái lạ của xứ lạ: trang phục lạ (xiêm áo); vũ điệu lạ (man điệu); giao tiếp lạ (e ấp). Cử chỉ e thẹn của các cô gái vừa gợi nét tâm lý thực của các thiếu nữ sơn cước, vừa gợi tâm lý của các cô dâu mới. Nét nhạc chơi vơi cùng với vũ điệu Lăm Vông của các cô gái Lào làm say đắm các chàng trai Hà Nội, biến họ thành thi sỹ (xây hồn thơ).

Nếu bức tranh đêm lửa trại biên giới, thiên về gợi cái đẹp của tình người thì bức tranh vượt thác trên sông nước Châu Mộc lại có sự hài hoà giữa cái hùng và cái đẹp:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.


Giọng thơ mềm mại hiền hoà, phù hợp với không khí ấm cúng của tình quân dân lúc chia tay (người đi và kẻ ở). Con người và thiên nhiên đẹp trong sự hài hoà: thiên nhiên đa tình (hồn lau) hài hoà với người chiến binh đa cảm (hồn thơ). Dáng người lái đò với tay lái uyển chuyển (dáng người trên độc mộc) hài hoà với dáng hoa duyên dáng (đong đưa).

BÙI THANH TÙNG

Nguồn: vanhocquenha


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65181558

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July