Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Nơi ấy – nước Nga! (Kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười 7/11/1917 - 2012) - PGS. TS Hồng Vinh Nơi ấy – nước Nga! (Kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười 7/11/1917 - 2012) - PGS. TS Hồng Vinh , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

VanVN.Net - Không ít người trong số chúng ta có may mắn được đặt chân tới các địa danh ở nhiều châu lục, nhưng ở đó lòng ta vẫn thầm nhớ về một vùng đất trải dài từ châu Âu sang châu Á - đấy là Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay.

Nơi ấy có thành phố Xanh Pê-téc-bua, cố đô của nước Nga xưa, vào tháng 7/1923, bàn chân nhà cách mạng Việt Nam đầu tiên Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã đặt chân tới với sự háo hức tìm hiểu con người và đất nước, nơi bùng nổ Cách mạng tháng Mười - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên, chặt đứt một mắt xích quan trọng của CNTB thế giới, mở ra bước phát triển mới về chất của lịch sử loài người. Chiến hạm Rạng Đông còn đó, đậu sừng sững trên sông Nê - va thơ mộng, đã nổ phát súng đầu tiên vào Cung điện Mùa Đông, báo hiệu giờ đã điểm cho cuộc tiến công lật đổ Sa hoàng, làm chấn động hành tinh. Điện Xmô- nưi, nơi làm việc của Lê- nin và bộ chỉ huy trong những ngày trứng nước của cách mạng còn đây- tất cả, tất cả cuốn hút trái tim, khối óc người thanh niên từ xứ thuộc địa và phong kiến, đã dũng cảm và táo bạo thực hiện chuyến hành trình khảo sát cuộc sống của giai cấp cần lao ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ để tìm đường cứu dân, cứu nước. Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành sau những chặng đường dằng dặc ấy, càng hiểu rằng, muốn thực hiện ý tưởng nấu nung đó, không thể không đến nước Nga, nơi lãnh tụ Lê- nin đã quan tâm tới số phận các dân tộc bị CNĐQ áp bức và thống trị, qua tác phẩm nổi tiếng: “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Từ Xanh Pê- téc- bua, Người đi xe lửa về Mát- xcơ- va tham gia Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản; những năm sau đó vào học Trường đại học Phương Đông, trực tiếp nghiên cứu có hệ thống, một “chủ nghĩa cách mạng chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất- đó là chủ nghĩa Lê nin”- như Người khẳng định. Những ngày ấy, Người ấp ủ hy vọng được gặp vị lãnh tụ thiên tài V.I.Lê- nin. Nhưng vào buổi sáng đầu năm 1924, qua báo chí, Người bàng hoàng biết tin Lê- nin đã qua đời! Chàng trai mảnh khảnh với bộ quần áo đơn sơ không đủ chống trả cái rét lạnh dưới hơn 10 độ âm, vẫn băng ra đường, hòa vào dòng người lặng lẽ tiễn biệt vị lãnh tụ kính yêu về cõi vĩnh hằng. Khi trở về phòng ở, hai tai Người tím ngắt vì giá lạnh, nhưng tâm hồn lóe lên một đường hướng cách mạng của nước nhà, được gợi mở từ Luận cương ấy của Lê- nin: Đem sức ta tự giải phóng cho ta ; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới!

 Quảng trường đỏ ở trung tâm  thủ đô Mát- xcơ- va, nơi diễn ra bao sự kiện lịch sử thu hút thế giới quan tâm, trong đó có Lễ duyệt binh hùng tráng của các binh chủng, quân chủng thuộc quân đội Xô- viết vào ngày 7-11-1941, đúng dịp kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng Mười vĩ đại. Từ nơi ấy, đoàn quân tiến thẳng ra các mặt trận, tạo nên những đòn tiến công sấm sét vào kẻ thù, dẫn đến sự đầu hàng vô điều kiện của bè lũ phát - xít vào ngày 9-5-1945. Chúng ta không thể không cảm kích và tự hào khi biết rằng, trong đoàn quân tiến ra mặt trận tiêu diệt bọn phát - xít ngày ấy, có 11 người Việt Nam tham gia Hồng quân Liên Xô và đã chiến đấu hi sinh anh dũng, được Xô- viết tối cao Liên Xô công nhận là liệt sĩ. Vậy là sợi dây gắn bó cách mạng Nga với cách mạng Việt Nam; những viên gạch đầu tiên xây nên tình hữu nghị giữa hai dân tộc đã hình thành và lớn dậy trong lửa máu bão táp cách mạng, trong tình cảm đồng chí, tình anh em giữa hai dân tộc Việt - Nga. Nhân dân Việt Nam ghi lòng tạc dạ công sức, mồ hôi và cả máu xương của Liên Xô trước đây, của Liên bang Nga ngày nay đã dành cho Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta còn nhớ, trên cương vị Tổng thống Liên bang Nga, ông Pu- tin đã hai lần tới  thăm Việt Nam. Có một chi tiết thú vị và xúc động mãi còn theo năm tháng, đó là trong cuộc gặp mặt thân tình của hàng ngàn người từng học tập và công tác ở Liên Xô tại Cung Văn hóa Hữu nghị, ông Pu-tin đã cùng mọi người hát vang bài “Chiều Mát- xcơ- va”với khóe mắt rưng rưng. Và trên đất Nga thân yêu, những người đứng đầu Nhà nước và các tầng lớp nhân dân Liên Xô đã đón tiếp nồng nhiệt các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ. Mới đây nhất, trong chuyến thăm Nga đầu tiên của đồng chí Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước đã khẳng định bằng mọi cách, đưa quan hệ Việt - Nga xứng tầm đối tác chiến lược toàn diện trong thời kỳ mới.

Quên sao được Chương trình “Thầy trò gặp mặt” do Hội hữu nghị Việt - Nga và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) cách đây hai năm. Người ngồi kín hội trường, xúc động lắng nghe những lời tâm tình sâu lắng của các thế hệ học sinh Việt Nam với các cô giáo, thầy giáo Liên Xô. Cả thầy, trò Việt Nam và Nga hào hứng hát vang những bài ca đậm đà chất dân ca và truyền thống cách mạng của hai nước cho tới tận khuya. Những bài hát “nằm lòng” các thế hệ hai dân tộc Việt- Nga như, Ca- chiu- sa, Kalinka, Đôi bờ, Cây bạch dương, Chiều hải cảng...qua những thăng trầm của thế cuộc, qua những đổ vỡ mất mát, qua phong ba bão táp vẫn vẹn nguyên, vẫn vằng vặc ánh sáng tình yêu, như những điều thiêng liêng không thể mất. Những hồi ức không bao giờ mờ phai trong tâm trí và trái tim chúng ta; xin được dẫn câu thơ của Olga Berggoltz, câu thơ đã được khắc tạc vào tâm hồn nhiều người Nga và người Việt là “Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng” để nói về điều này.

Đã có hàng ngàn, hàng vạn người được nghiên cứu, học tập, lao động ở các thành phố lớn của Liên Xô trước đây: Mát- xcơ- va, Xanh Pê- téc- bua, Ki- ép, Khác- cốp, Min- xcơ, Von- ga- grát, Ba-cu, Tas- ken, Ê- rê- van, An- ma A-ta, Đô- nhét, Át- ra- khan, Mô- len- xcơ... Trong số đó, có không ít người đã trở thành những nhà lãnh đạo chủ chốt của các bộ, ban, ngành, đơn vị, địa phương...Riêng ở thủ đô Mát- xcơ- va, vào đầu những năm 70 đến những năm 90 của thập kỷ 20, những người làm công tác tư tưởng- văn hóa- báo chí ghi sâu công ơn của Liên Xô vĩ đại, đã giúp đỡ đào tạo hàng ngàn cán bộ, trong đó có nhiều người thành danh. Ngoài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là các Ủy viên Bộ Chính trị: Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị, Đinh Thế Huynh; là các Ủy viên Trung ương Đảng các khóa từ Đại hội VIII đến nay: Đặng Vũ Minh, Đào Trọng Thi, Đỗ Nguyên Phương, Hồng Vinh, Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Tạ Ngọc Tấn, Vũ Hiền, Trần Bình Minh...; là những nhà tuyên truyền đối ngoại dạn dày kinh nghiệm, như Phạm Xuân Sơn, Hồ Anh Dũng, Đào Duy Quát, Vũ Xuân Hồng, Bùi Thế Đức...Nhớ mãi một thời hào hùng ấy, hàng trăm anh chị em thuộc khối này đã tự nguyện lập Chi hội cựu sinh viên, nghiên cứu sinh báo chí- tư tưởng- văn hóa, được Trung ương Hội hữu nghị Việt- Nga ra quyết định công nhận là thành viên chính thức của Hội. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, kỷ niệm chiến thắng phát - xít, anh chị em hồ hởi gặp mặt, ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ về tình người, tình bạn; về tình cảm Việt - Nga trong sáng, thủy chung- một trong những động lực giúp mỗi người sống vui, có ích, tiếp tục góp sức và trí tuệ vun đắp cây hữu nghị Việt - Nga mãi mãi đơm hoa, kết trái. Ai đã từng đến, từng ở, từng sống trên đất nước Nga bao la thì khó quên được cảnh vật con người ở xứ sở Bạch Dương quả cảm và trữ tình mang đậm “tâm hồn Nga”, “giai điệu Nga” này: “Thật chỉ muốn ôm ngực trần mịn trắng/ Của bạch dương ghì chặt lấy mà thôi”(Thơ Exênhin); hoặc: “Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ/ Cái nắng êm ru màu trời không chói,/ Mùa hè rớt cho những người yếu đuối,/ Cứ ngỡ ngàng như lúc mới vào xuân/ Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng,/ Se sẽ như không, nhẹ nhàng, phơ phất/ Lanh lảnh bầy chim bay đi muôn nhặt/ Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu”...(Thơ Olga). Hay là những rung động lứa đôi ngọt ngào, huyền diệu, dứt day mà chúng ta từng cảm nhận được từ Puskin thiên tài: “Lòng tôi trong trẻo vô ngần/ Nỗi buồn tràn ngập trăm lần tình em/ Chỉ có em! Không gì lay động/ Nỗi buồn tôi mơ mộng bao nhiêu,/ Tim tôi lửa cháy như khêu/Vì không có thể không yêu người nào”...Cùng với cái tên những nhà thơ, nhà văn thiên tài, thế hệ trẻ Việt Nam những năm 50, 60, 70 thế kỷ 20 trân trọng biết ơn Ốt- trốp- xki, tác giả “ Thép đã tôi thế đấy” một thời truyền lửa tin yêu và chí khí chiến đấu, góp sức đẩy lui chiến tranh, bảo vệ lẽ sống và phẩm giá CON NGƯỜI- theo đúng từ của nhà văn Goóc- ki mến yêu!

 Xúc động biết bao, đúng dịp tháng 9 mùa Thu vàng nước Nga năm nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Mát- xcơ- va tổ chức buổi gặp mặt thân mật các bạn Nga và Việt Nam để trao tặng cuốn sách quý: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm trong chiến tranh”. Các bạn Nga ngỡ ngàng, cảm phục khi biết rằng, sau khi tốt nghiệp đại học, Đặng Thùy Trâm nằng nặc xin vào chiến trường tham gia chống Mỹ xâm lược. Giữa đạn bom rình rập, bác sĩ Trâm vẫn ghi đều nhật ký, có trang viết rằng: “mơ ngày mai có hòa bình trên đất nước”. Khát vọng đó cũng là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam, nhưng một khi kẻ thù dồn ta vào chân tường, buộc dân tộc ta phải cầm súng chống lại để giành và giữ hòa bình! Trong cuộc chiến tranh chính nghĩa đó, chúng ta nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em.Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng! Thêm lần nữa, câu thơ nổi tiếng ấy được khắc trên tấm biển lớn ở trước cổng Nghĩa trang các anh hùng liệt sĩ nằm xuống trong cuộc chiến đấu hơn 900 ngày đêm ròng rã để bảo vệ thành phố Xanh Pê- téc- bua này, nay lại ngân vang trong ta, tựa lời tri ân đồng chí, bầu bạn thẳm sâu và nồng ấm.

Mãi mãi khắc ghi trong tim vùng đất mênh mông, tình người bao la sâu đậm của Liên xô vĩ đại! Mãi mãi không quên nơi ấy- nước Nga từng thắp lửa tình yêu đôi lứa, bồi đắp những giá trị văn hóa cao đẹp của hai dân tộc, làm nảy nở và sinh sôi những “mùa gặt” trên mọi lĩnh vực đời sống hai nước.

 Vang mãi những bài ca hòa bình, hữu nghị, hợp tác Việt - Nga!

                                  Theo Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65188359

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July