Chợ Đồng Hới (Quảng Bình) mùa này tấp nập người mua, kẻ bán. Hai bên lề đường, xen kẽ giữa hàng rau, thịt, cá là những o, những chị hàng nấm như đã ngồi đợi sẵn từ bao giờ. Trên những mẹt hàng, trong những chiếc làn nhựa, những cây nấm vừa nhú hình dáng tròn như quả trứng gà, nhìn béo múp, có màu tím đậm những cây lớn hơn có màu nâu tím- màu của những trái sim vừa chuyển màu, sắp chín những cây nấm đã già thì chỉ còn lại màu nâu thẫm. Tất cả như đang háo hức chờ đợi bàn tay người lựa nấm mang về.
Canh nấm tràm
|
Theo những người bán nấm tràm, thì loại nấm này không phải nơi nào và mùa nào cũng có. Nấm tràm thường mọc trên sườn các gò đồi hay dọc theo ven bờ của những con suối. Chúng thường mọc lên từ những lớp lá mục dưới tán rừng tràm, rừng bổi hay rừng bạch đàn. Và cũng thật đặc biệt, chỉ vào những thời điểm giao mùa, trời "tranh nắng tranh mưa” thì mới xuất hiện loại nấm tràm này. Mỗi năm, nấm tràm chỉ có 2 mùa vào khoảng tháng 4 và tháng 7, tháng 8 âm lịch. Gọi là mùa vậy thôi, nhưng thực ra thời gian rất ngắn ngủi, chỉ độ khoảng dăm bảy ngày sau mỗi đợt mưa. Có lẽ cũng bởi vậy mà mỗi khi xuất hiện, loại nấm này chiếm sự thu hút đặc biệt của các bà đi chợ. Có cảm giác người ta mua nhanh, bán nhanh như sợ hết mùa, không còn được thưởng thức loại nấm đặc biệt này nữa.
Theo kinh nghiệm của các bà nội trợ, nấm tràm có thể chế biến được nhiều món như nấu cháo, xào với các thực phẩm khác, nhưng có lẽ món ăn phổ biến, quen thuộc nhất với người dân Quảng Bình vẫn là canh nấm tràm.
Chế biến nấm tràm cũng khá công phu. Trước tiên, gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, lấy mũi dao nhẹ nhàng bóc màng vỏ màu nâu trên tán nấm. Để nấm tràm bớt đắng và đỡ nhớt, nên ngâm nước muối loãng và rửa thật sạch hoặc có thể chần qua nước sôi rồi rửa lại bằng nước lạnh, để ráo. Nhưng với những người đã "ghiền” cái vị đắng này thì phải để nguyên, ăn thật đắng mới thấy "đã”. Sau khi ướp tôm và thịt cho thấm, cho nồi lên bếp phi hành cho thơm, cho thịt ba chỉ vào đảo qua, tiếp đến cho tôm đã bóc vỏ vào đảo đều một lượt rồi cho nước vào đun sôi. Tiếp đến cho nấm vào chờ nước sôi lại, bỏ rau vào đến khi rau chín thì tắt bếp. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn; lá trơng non, lá lốt xắt nhỏ, cho một ít vào, nồi canh sẽ dậy mùi thơm rất đặc trưng. Canh nấm tràm có thể nấu với nhiều loại rau khác nhau, nhưng người ta thường nấu với rau khoai lang bởi vị thanh mát của thứ rau này làm giảm đi phần nào vị đắng.
Cái vị đắng nó cũng hấp dẫn tôi từ lúc nào không hay. Để rồi, mỗi khi trời hửng nắng sau đợt mưa giông, lại rộn ràng, háo hức cùng những bà nội trợ tìm mua thứ đặc sản của Quảng Bình những ngày "tranh nắng tranh mưa”.
Châu Minh (ĐĐK)