Nhà văn Bích Ngân
CÁI CHỨC VÀ VỢ
Sắp đến giờ lên máy bay mà điện thoại vẫn réo, vẫn là việc Công ty. Vợ tôi nhìn tín hiệu nhấp nháy trên bảng điện tử báo giờ bay, sốt ruột:
- Cả năm em mong dài cổ chờ mấy ngày nghỉ này, anh tắt điện thoại đi, trễ giờ máy bay đó!
Tôi cố nói một lèo, dặn dò, khích lệ, gởi gắm cho cấp dưới rồi tắt điện thoại.
Lúc vừa đặt đít ngồi vào ghế trên máy bay, vợ tôi liền móc điện thoại của mình ra từ cái xắc tay và tước cái luôn điện thoại trong tay tôi. Nàng dứt khoát:
- Suốt thời gian nghỉ, không cái di động nào được mở!
Nói xong, nàng lần lượt ấn nút khoá và vứt hai cái di động nằm bất động trong cái xắc tay của nàng.
Mấy ngày đầu, tôi gạt phắt mọi việc, dành trọn thời gian cùng vợ thăm thú, chiêm ngưỡng cái hay, cái đẹp của hang động, của bãi biển, của mây trời và ăn uống thỏa thích. Chúng tôi còn hăm hở khai thác cái cảm giác cùng nhau tận hưởng sự màu mỡ của vùng đất đã khai hoang và không khỏi ngỡ ngàng bởi sự phì nhiêu của nó. Tôi thấy mình tràn trề sức lực. Còn vợ tôi hơn hớn trẻ trung. Chúng tôi rút tỉa được một chân lý, rằng: Hạnh phúc được cùng nhau khám phá, cùng nhau tận hưởng là thứ hạnh phúc đáng để quên mọi thứ, kể cả cái di động, vật gần như là bất ly thân.
Tuy vậy, hạnh phúc cũng chỉ là cảm giác mà đã là cảm giác thì lúc nóng, lúc lạnh, lúc có, lúc không và khó níu kéo, khó nắm bắt. Còn công việc và sự nghiệp là thứ lù lù trước mắt mà phải trần ai khoai củ mới có được. Với một đấng mày râu đang làm sếp ở một công ty có lợi có lộc như tôi, thì “cái ghế” là thứ “bàn tọa” vừa êm ái vừa long chong và xem ra cũng chẳng vững vàng gì. Chỉ cần nấn ná ham vui với vợ vài ngày e rằng cái nguy cơ bị hất văng ra khỏi cái chức giám đốc sẽ lập tức thập thò bởi cái thực tế “ghế ít đít nhiều” ở đâu cũng gặp.
Cái ghế tôi đang ngồi cũng có thể đang là cái đích ngắm của hai gã phó. Một gã mặt sắt đen sì, một gã trắng trẻo thư sinh. Một gã trước mặt tôi lúc nào cũng gật gật cúi cúi, vâng vâng dạ dạ. Một gã lúc nào cũng lấc xấc ý kiến ý cò, cũng phản bác phản biện. Nhưng, nếu đem so giữa hai tay phó, thì gã mặt sắt lại làm tôi dễ thở, khiến gan phổi tôi nở nang. Hắn mang đến cho tôi cái cảm giác được mơn trớn, được nâng lên làm tôi thấy mình cao lớn. Còn gã có dáng vẻ thư sinh làm tôi nhiều lúc tức muốn lộn ruột. Hắn khiến tôi thấy mình lắm khuyết nhiều tật, không thiếu chỗ này cũng hụt chỗ kia, phải vá chỗ này phải đắp chỗ nọ.
Mà dạo này - dù đang cùng vợ thưởng thức hải sản bên bờ biển rì rào sóng, đầu óc tôi vẫn không bứt ra được bộ mặt soi mói của gã thư sinh - hình như hắn được lòng nhiều người, đặc biệt là ả kế toán trưởng. Đành rằng, trai chưa vợ gái chưa chồng, nhưng dường như sự thân mật ấy đã vượt xa cái tình cảm thông thường. Biết đâu… trong lúc sếp đi vắng, chúng hè nhau làm một cuộc cách mạng…nhân sự. Càng nghĩ, càng mường tượng, tôi không còn bụng dạ nào ăn uống và vui thú với vợ nữa, dù trông nàng thật nõn nường.
Lén nàng, tôi mở cái di động. Và sốt ruột, đợi chờ…
Hết ngày thứ nhất, bước sang ngày thứ hai, cái di động vẫn bất động. Tôi thử kiểm tra chất lượng sử dụng của cái mạng thuê bao bằng cách gọi cho thằng bạn thân và không hề gặp một trục trặc nào.
Vậy thì…cái sự trục trặc chỉ có thể từ phía công ty, nơi tôi chờ những cuộc gọi, chờ nhận được thông tin, chờ nghe báo cáo hay xin ý kiến…Mà gọi về, thì ê mặt, bởi tôi đang trong kỳ nghỉ, đang tạm giao việc điều hành Công ty cho hai gã phó.
Bước sáng ngày thứ ba, không còn kiên nhẫn được nữa, tôi tức tốc quay về, trước sự ngạc nhiên và ấm ức của vợ.
Hấp hãi đến Công ty, tôi thấy tòa nhà công sở vẫn còn nguyên trên mặt đất. Hoa kiểng vẫn tươi vẫn nở. Công việc vẫn chạy đều đều như lúc tôi đang tọa trên cái ghế quen thuộc của mình. Gã mặt sắt vẫn cúi cúi vâng vâng. Gã thư sinh vẫn cứng đầu cứng cổ. Ả kế toán vẫn xinh đẹp. Thu chi vẫn rạch ròi…
Chỉ có một việc không bình thường là vợ tôi đã đơn phương làm đơn ly dị. Nàng không thể chấp nhận việc tôi coi “cái ghế” vô tri vô giác lại quan trọng hơn nàng, cần thiết hơn nàng.
Theo Hội nhà Văn VN