Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Con đường ngắn nhất đến với trái tim (Đọc một số bài thơ viết về mẹ của nhà thơ Hữu Thỉnh) - Nguyễn Việt Chiến Con đường ngắn nhất đến với trái tim (Đọc một số bài thơ viết về mẹ của nhà thơ Hữu Thỉnh) - Nguyễn Việt Chiến , Người xứ Nghệ Kiev
 

 


                      “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn

                      Mừng thì mừng nhưng thương mẹ bao nhiêu”...

                                            (Đường tới thành phố - trường ca - Hữu Thỉnh”

 

Từ xưa đến nay, thơ viết về mẹ của các thi nhân thường rung động nhiều thế hệ độc giả và có lẽ đó là con đường ngắn nhất để cảm xúc thi ca đến được với trái tim con người. Trong hành trình suốt cuộc đời thi ca của mình, có nhiều nhà thơ đã có những tứ thơ  rất độc đáo, thấm đẫm sự xót thương và cảm động sau khi người mẹ qua đời. Lại có một số nhà thơ may mắn có được những bài thơ tuyệt bút viết về mẹ khi người còn sống và còn đọc được bài thơ của con viết về mình. Nhà thơ Hữu Thỉnh là một trong số những người may mắn đó. Cách đây 32 năm, bài thơ Ngôi nhà của mẹ của ông đã được dư luận và độc giả thi ca đánh giá cao về sự sâu sắc và tính nhân văn trong đó. ở bài thơ này, nhà thơ bắt đầu bằng giọng thủ thỉ, tâm tình để kể chuyện một người lính về quê hương thăm mẹ, thăm lại ngôi nhà cũ kỹ thân thuộc của cha mẹ với biết bao kỷ niệm êm đềm, buồn vui từ thuở thiếu thời nghèo khó lớn lên trong chiến tranh.

                       Chiếc vé tàu cũng hồi hộp như con

                       khi con về thăm mẹ

                       con lại ngồi vào chiếc chõng tre xưa

                       nơi mẹ vẫn ngồi khâu cha thường chẻ lạt

                       bao xa cách lấp bằng trong chốc lát

                       trăm cánh rừng về dưới giọt gianh thưa

                       xin mẹ lại cho con bắt đầu đi gánh nước

                       gánh bao nhiêu trong mát để dành

                       xin mẹ lại cho con nấu bữa cơm mà không cần giấu khói

                       để con được cảm ơn ngọn lửa nhà ta

                       ngọn lửa biết thay con tìm lời an ủi mẹ

Không cần những gợi mở hướng đến những hình ảnh lớn lao và xa lạ, chỉ bình dị với hình ảnh chiếc chõng tre mộc mạc cũ sờn, hình ảnh mái rạ nghèo khó và ngọn lửa bếp âm thầm mỗi chiều qua, nhà thơ đã gợi lên sự gần gũi thân thuộc của quê hương trong mỗi chúng ta để “bao xa cách lấp bằng trong chốc lát/ trăm cánh rừng về dưới giọt gianh thưa”. Những câu thơ đậm đặc chất thi sĩ dường như đã trở thành  một tố chất tìm tòi của riêng phong cách thơ Hữu Thỉnh. Ông xin phép mẹ cho con đi gánh nước là để “gánh bao nhiêu trong mát để dành”. Ông xin phép mẹ cho con nấu cơm là: “để con được cảm ơn ngọn lửa nhà ta/ ngọn lửa biết thay con tìm lời an ủi mẹ”. Với bài thơ “Ngôi nhà của mẹ”, có thể nói nhà thơ Hữu Thỉnh đã đánh thức trong nhiều chúng ta những cung bậc cảm xúc rất thân thương, rất gần gũi với con người mà có lẽ chỉ có những người lính từng đi qua nỗi đau chiến tranh mới thấm thía được những nỗi nhọc nhằn như vậy:

                       Con phơi áo nghe hai đầu dây kể

                       thương quá những khi mưa con trai mẹ vắng nhà

                       chiến tranh đi qua mẹ con mình

                       hàng gạch lún giữa sân cơn mưa còn đọng nước

                       hôm nay con trở về nhà

                       chiếc vó nhện trên tường cũ vô cùng thân thuộc

                       với một người từng chịu nỗi cách xa

                       họ chỉ cần đi ngược con đường đã làm nên xa cách

                       là có thể về với mẹ được ngay

                       nhưng với một người lính như con

                       muốn gặp mẹ phải vượt lên phía trước

                       phải lách qua từng bước hiểm nghèo

ở nhiều bài thơ khác, các hình ảnh liên tưởng khá độc đáo và những suy tư giàu chất nhân văn trong thơ Hữu Thỉnh thường mang lại các phát hiện rất bất ngờ, khiến cho những câu thơ tài hoa của ông phát sáng kỳ ảo ở các chiều kích khác nhau. Và cái nét mới nổi trội trong thơ Hữu Thỉnh chính là những cuộc đối thoại rất sinh động và mang màu sắc triết lý của nhà thơ với thiên nhiên, với cuộc sống, với con người… để bồi đắp cho vẻ đẹp chân-thiện-mỹ mà thi ca ngàn đời vẫn hướng tới. Đấy là khi nhà thơ xin phép mẹ:

                       Mẹ ơi mây héo con xin mẹ

                       Cho con lên an ủi mặt trăng buồn

                       Chợ tan đường cũng tan như chợ

                       Bán được buồn hay mua được buồn hơn

                       Ta vay bóng mát mà không trả

                       Trời hiểu vì sao lại mất mùa

                       Ta đã qua những mặt bàn nguy hiểm

                       Những người hiền vương vít giữa rơm khô

                                            (bài thơ Đất ngày thường)

Những thập niên cuối thế kỷ 20, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có nhiều thành tựu đóng góp cho thi ca chiến tranh cách mạng qua những bài thơ và các trường ca khá nổi tiếng của ông gần 40 năm trước đây. ở bài viết này, tôi chỉ đề cập những đóng góp của Hữu Thỉnh trong những phát hiện, tìm tòi, đổi mới cho thi ca Việt Nam sau chiến tranh. Theo tôi, viết về thơ Hữu Thỉnh, thật dễ mà cũng thật khó. Dễ là bởi nhiều bài thơ của ông thuộc loại thơ hay và hàm súc. Còn khó là bởi thơ Hữu Thỉnh có những đổi mới về thi pháp một cách có hệ thống từ đã lâu, nhưng các tìm tòi này thường được biểu đạt dưới dạng chuyển hóa rất nhuyễn các nhịp điệu của thi ca truyền thống để hướng tới một cách nói mới, giàu nội hàm tư tưởng hơn cách nói cũ nghiêng về phía bộc lộ cảm xúc của người viết. Trong bài thơ Lời mẹ dưới đây, nhà thơ đã hai lần ở hai thời điểm thời gian khác nhau, đặt câu hỏi hồn nhiên như một đứa trẻ để được nhận lời bảo ban sâu sắc, thông tuệ mang màu sắc triết lý của người mẹ trước những nghịch lý của đời sống con người:

Tôi bước ra ngoài ngõ / Gió thổi. Nước triều lên / Đi hoài không gặp tiên/ Đành quay về hỏi mẹ

- Hãy yêu lấy con người / Dù trăm cay nghìn đắng/ Đến với ai gặp nạn/ Xong rồi, chơi với cây!

Tôi lại bước dưới trời / Không tiếc mòn tuổi trẻ / Đi hoài không gặp tiên / Lại quay về hỏi mẹ

- Hãy yêu lấy con người / Dù trăm cay nghìn đắng/ Đến với ai gặp nạn/ Xong rồi, chơi với cây!

               (bài thơ Lời mẹ)

Tôi chợt giật mình tự hỏi: Vì sao con người muốn yêu thương con người  lại phải trải qua trăm cay nghìn đắng như vậy? Và câu trả lời minh triết mang màu sắc thiền luận của người mẹ vẫn giữ nguyên sau rất nhiều năm đã lý giải tất cả. Qua mấy khổ thơ nói trên, có thể thấy, có lẽ với các thi nhân và nhiều người nữa, không ai khác ngoài người mẹ của họ đã nuôi dưỡng cả “phần xác và phần hồn” cho những đứa con bằng dòng - sữa - tinh - thần - nhân - văn ngàn đời còn thấm đẫm trong tục ngữ, ca dao và còn mãi trong hơi thở máu thịt của mỗi cuộc đời trên mảnh đất nghèo khó và nhiều cay đắng này.

Có một điều dễ nhận thấy, trong thơ Hữu Thỉnh, âm hưởng của thi ca dân gian truyền thống đã được chắt lọc và làm mới một cách rất tài hoa và có tính nâng cao. ở các bài thơ 5 chữ, 7 chữ và lục bát mang âm điệu truyền thống của ông, cảm tính và lý tính đã hòa quyện trong mạch liên tưởng của những tứ thơ được tạo dựng khá công phu và chặt chẽ. Thật ra, để đạt được sự hài hòa giữa tính cảm xúc và tính tư tưởng trong sáng tạo thi ca, người viết phải có một phẩm chất tài năng thật sự và phải có sự trải nghiệm cả về mặt kinh nghiệm đời sống và văn chương và Hữu Thỉnh là một nhà thơ có được những phẩm chất vượt trội đó. Bài thơ lục bát viết về mẹ của ông dưới đây là một dẫn chứng:

                       Trông ra bờ ruộng năm nào

                       Mưa bay trắng cỏ, cào cào cánh sen

                       Mẹ tôi nón lá bước lên

                       Mạ non đầu hạ, trăng liềm cuối thu

                       Quẩn quanh vẫn một mảnh bờ

                       Bấy nhiêu toan tính đến giờ chưa yên

                       Mẹ tôi gạt cỏ bước lên

                       Cỏ dày, cây lúa phải chen nhọc nhằn

                       Xòe tay tính tháng tính năm

                       Tính người? Nào biết xa xăm cõi người

                       Gié thơm ai đã gặt rồi

                       Đồng quang bóng mẹ nắng nôi một mình…

                                   (bài thơ Trông ra bờ ruộng)

ở bài thơ trên, lời thơ dung dị, ý thơ sâu lắng, phong vị thơ tinh tế, ngôn ngữ thơ cứ như trong nguồn mạch ca dao chảy về mà sao dưới tầng câu chữ ấy đang trăn trở một nỗi niềm khác, một tâm trạng khác, một đời sống khác khi hình ảnh của người mẹ nghèo khó thân thương ở cuối bài thơ cứ hiện lên như một lời trách cứ trước con người và thiên nhiên vậy!

Theo tôi, người làm thơ hiện nay quá nhiều, nhưng chỉ những người có phẩm chất thi sĩ - phẩm chất của tài năng mới làm nên những gương mặt thơ đặc sắc, độc đáo để tạo nên sự khác biệt giữa nền và đỉnh. Hữu Thỉnh là một trong số ít nhà thơ giàu có chất thi sĩ mà bài thơ “Chạm cốc với Xa-in” là một ví dụ: 

                       ...Những đôi trai gái ôm hoa vào phòng cưới

                       Họ yêu nhau không có kinh nghiệm gì

                       Họ nhảy và hát không có kinh nghiệm gì

                       Họ chia tay nhau không có kinh nghiệm gì

                       Tôi và anh không có kinh nghiệm gì

                       Càng viết càng thấy mình yếu đuối

                       Đường nhân nghĩa chừng nào còn lắm bụi

                       Anh hiểu vì sao tôi ít lời

                       Anh hiểu vì sao tôi hay nhắc mẹ tôi

                       Nỗi ám ảnh suốt đời day dứt

                       Đối với mẹ sẽ là đòn đau nhất

                       Có kẻ nào rình ném bẩn lên tôi

                       Giữa tiệc rượu và hoa, tưởng chừng không đúng lúc

                       Nhắc đến nỗi đau những uất ức ở đời

                       Làm sao được, rượu hoa thường ít

                       So với chia ly, gian dối, dập vùi

                       Miếng cơm manh áo che khuất mẹ tôi

                       Sự vô tình che khuất mẹ

                       Người thường vắng mặt trong các cuộc vui

                       Tóc bay trắng trong buổi chiều gió bạc

                       Thơ mỗi ngày người càng ít đọc hơn

                       Nhưng con chọn thứ vũ khí này bênh vực mẹ...

Trong những tìm tòi đổi mới thi ca không biết mệt mỏi và rất đáng ghi nhận của nhà thơ Hữu Thỉnh trong nhiều thập niên qua, vẻ đẹp minh triết của tư duy thơ hiện đại đã hiện dần ra trên cái nền nhịp điệu cảm xúc tinh tế của thi ca truyền thống và theo tôi, đấy chính là phong cách thơ Hữu Thỉnh, đậm đặc phẩm chất thi sĩ và hàm súc về mặt tư tưởng. Bài thơ “Chạm cốc với Xa-in” nói trên, một lần nữa cho chúng ta thấy xu hướng tìm tòi, đổi mới luôn là những trăn trở trong thơ của Hữu Thỉnh sau chiến tranh. Điểm qua một số bài thơ viết về mẹ của nhà thơ Hữu Thỉnh, tôi không có tham vọng khắc họa chân - dung - thơ một nhà thơ đương đại xuất sắc mà chỉ điểm và bình theo cách cảm nhận của một người làm thơ khi đứng trước một áng thơ hay, một bài thơ hay, một câu thơ hay viết về người mẹ đã làm xúc động nhiều độc giả thơ trong những năm qua. Và cũng là để chia sẻ với ông khi người mẹ yêu quý của ông mới qua đời, hưởng thọ 92 tuổi.

                        Theo Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65178043

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July