... Bây giờ tôi ngồi đây, sau một thời gian rất dài, bao nhiêu năm đi học và đi làm chỉ sử dụng các tiếng nước ngoài, gõ lóc cóc tiếng Việt trên bàn phím, đó chính là công ơn của các thầy cô khi xưa đã có phương pháp dạy học rất căn bản, khả quan, và hơn thế nữa, đã biết song song khơi nguồn và nuôi dưỡng tình cảm của người Việt với nước Việt.
Vài lần, người Hà Nội hỏi tôi, sao chị lại nói giọng Hà Nội và không tin là tôi xa quê hương đã hơn 40 năm (vì có người, gọi là “Việt kiều”, nhưng mới đi chẳng bao lâu đã quên tiếng Việt), tôi nheo mắt hóm hỉnh trả lời, tôi còn nói được cả giọng Huế và giọng “Sè Goòng” . Bây giờ nhớ lại mẩu chuyện vui ấy, tôi mới nghĩ ra, cũng có lẽ vì bà giáo đầu tiên trong đời tôi là người Hà Nội. Cách đây vài năm, tôi có dịp gặp lại một người bạn học cũ không gặp nhau cũng đến mấy chục năm rồi, sau khi ra trường, anh định cư ở một góc trời xa khác, tuốt bên xứ lạnh Canada. Anh nhắc lại những chuyện xưa, những kỷ niệm dường như đã ngủ quên trong ký ức của tôi, làm cho tôi giật mình. Anh bảo, anh biết tôi từ khi tôi còn bé tí, vì tôi là học trò cưng của bà giáo, mà bà giáo của tôi thì là… mẹ của anh! Bà giáo hiện đã cao tuổi lắm rồi.
Ôi, ngày xưa, trẻ con không sợ ai bằng sợ thầy cô giáo, sợ trường, sợ lớp. Ngày đầu tiên tôi phải đi học, mặc quần áo mới tinh, cái cặp cũng mới tinh, đôi dép cũng mới, ba tôi bồng tôi trên tay đến trường. Tôi cứ giẫy nảy, không chịu đi học và cứ thúc hai cái đầu gối vào bụng ba tôi. Được một lúc, ba tôi giận quá đặt tôi xuống, đét cho hai cái vào mông đau điếng. Thế là tôi nín khóc ngay. Đến trường, tôi đứng như trời trồng, tròn mắt nhìn bà giáo, ngạc nhiên, lạ lẫm!
Ảnh: nguồn internet
|
Bẵng đi nhiều năm, lần đầu tiên về thăm nhà, tôi tìm đến trường xưa, đứng ngoài song cửa nhìn vào sân trường, thấy đàn em nhỏ ồn ào, vui vẻ tung tăng, tôi rất vui và cảm động. Đã bao nhiêu lần tôi chạy nhảy chơi đùa với các bạn trên cái sân cát rộng có cột cờ ở cuối sân. Hàng hiên rộng của hai dãy lớp học hai bên sân trường lợp ngói đỏ, lát gạch vuông cũng màu đỏ mát rượi dưới nắng hè. Cuối sân, phía bên góc trái là nhà ở của chú gác trường. Chú được phép bán vài thứ tập vở học sinh và bánh trái trong giờ ra chơi. Vợ chú thay đổi món hàng ngày cho chúng tôi, hôm thì xôi bắp, hôm thì me ngào bánh tráng, chuối chiên, khoai chiên… Giờ ra chơi, bọn tôi xúm xít hàng quà, đứa nào có tiền ăn quà thì cho bạn cắn ghé một miếng.
Trong lớp, giọng bà giáo giảng bài sang sảng. Sau này, tôi tiếp tục chọn Pháp văn làm sinh ngữ chính cũng do ảnh hưởng của bà. Bà giáo, có lẽ trạc tuổi má tôi, nhưng oai nghiêm hơn nhiều. Đứa con nít nhỏ nhìn bà giáo như nhìn một người quyền uy tột đỉnh, không dám cãi lại. Ngày nào cũng như ngày ấy, không biết bà giáo thức dậy từ bao giờ, mái tóc đã quấn cao trên đầu bằng vành khăn nhung đen, áo dài mầu, quần trắng hay quần đen thay đổi mỗi ngày. Bà giáo có hàm răng trắng như má tôi, không bị nhuộm răng đen. Bà giáo như có trăm mắt, đứa nào cựa quậy sau lưng khi bà đang viết bài lên bảng là bà cũng biết. Bà giáo rất ít khi đánh học trò. Cái thước kẻ trong tay thường chỉ gõ trên bảng xanh hay trên bàn cho học trò đọc theo nhịp.
Đọc theo bà giáo, là đứa nào cũng há mồm đọc rõ to, rõ ràng, nhịp nhàng, theo giọng Bắc - giọng Hà Nội. Bà giáo rất ít khi phạt quỳ. Tội nặng lắm như: làm máy bay giấy phóng sau lưng bà, rảy mực tím lên áo bạn, ăn cắp phấn viết bảng hay bẻ phấn cho nát thành từng mảnh nhỏ, chửi tục… mới phải quỳ một lúc trong góc lớp. Quỳ phạt xong phải khoanh tay xin lỗi bà giáo rồi mới được trở về chỗ ngồi. Mỗi khi phạt học sinh nào, bà bảo lớp trưởng đeo vào kẻ bị phạt một tấm bảng làm bằng giấy cạc tông, ghi dòng chữ rõ to: “Tôi lười, không làm bài tập”, hay “Tôi nói chuyện trong lớp”. Cái bảng giấy nhẹ hẫng mà lại như nặng ngàn cân. Đứa nào đã bị đeo bảng một lần rồi thì lần sau… xin chừa, không còn dám tái phạm nữa. Cái đứa trưởng lớp đáng ghét ấy, lúc nào trong cặp cũng phải đem theo những tấm bảng đáng ghét ấy… lại chính là tôi.
Cuối năm nào tôi cũng đứng nhất lớp, lúc rời trường, tôi lãnh ba cái phần thưởng một lúc, nhất trường, nhất lớp, nhất hạnh kiểm. Hai đứa bạn gái thân nhất phải ôm hộ tôi mỗi đứa một gói phần thưởng, lếch thếch đi bộ theo tôi từ trường về tận nhà. Phần thưởng dạo ấy là một chục cuốn tập học trò, một cuốn tự điển, một hai cuốn sách khoa học, bút vẽ mầu, bút bi, một hộp phấn viết bảng mầu trắng hay đủ mầu xanh, đỏ, vàng, gói trong giấy bóng kính đỏ trong suốt, cột bằng dây gói quà, đeo lủng lẳng một tấm bảng phần thưởng khổ bưu thiếp, trên ghi tên họ học trò được nhận. Cái hình ảnh ba đứa con gái nhỏ nối đuôi nhau ôm gói phần thưởng cao quá đầu, vừa đi vừa ríu rít trò chuyện dưới bóng những hàng me tán xòe mát rượi, thỉnh thoảng vài làn gió nhẹ phớt qua làm những lá me rụng bay theo chiều gió, rơi trên mái tóc học trò, nền trời cuối hè thật cao, trong xanh,… là một trong những kỷ niệm đẹp khiến tôi luôn nhớ nhà và nhớ quê hương.
Lên đệ nhị cấp, cô giáo mà tôi mê nhất là cô giáo dạy Việt văn, cũng là người miền Bắc, người Hà Nội. Đối với tôi thời ấy, cô giáo đẹp mê hồn, sang trọng, quí phái. Tôi không thể quên cái ấn tượng in vào trí nhớ tôi về hình ảnh của cô giáo mặc áo dài lụa mầu mỡ gà vàng nhạt, quần lụa trắng, đeo một chuỗi hạt cẩm thạch dài mầu xanh lục thắm, tóc đen dài, bỏ xõa sau lưng. Cô vừa đẹp người, vừa có giọng nói truyền cảm và giảng bài rất hay. Một lần, khi trả bài luận văn, cô gọi mười đứa đứng đầu lớp lần lượt lên nhận bài. Đến phiên tôi, cô dặn, em bớt mơ mộng một chút thì hay hơn. Cái mơ mộng hão huyền ấy trong tôi là điểm yếu mà tôi hằng luôn phải khắc phục.
Khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học tại Âu châu trong đầu những năm 70, sinh viên còn biết kính trọng thầy. Tuy thế, trong một giảng đường rộng lớn, năm đầu có cả hàng ngàn sinh viên trai gái chen chúc nhau, đứa nào chậm chân, phải ngồi trên bậc cầu thang, viết trên đầu gối. Một số sinh viên theo không kịp, chán nản, nói chuyện cười đùa ào ào, phá phách một chập, rồi cũng đi ra, từ giã giảng đường. Cho đến cuối năm học là giảng đường cứ vắng dần đi. Tôi và năm đứa bạn gái khác đến từ năm nước khác nhau - Việt Nam, Đức, Chi Lê, Trung Hoa, Ba Tư - thay phiên nhau đến sớm để giữ chỗ cho nhau trong giảng đường. Thường thì chúng tôi dành ghế trên dãy hàng thứ ba cho đến hàng thứ năm, không quá gần mỏi cổ, không quá xa không nhìn thấy mặt thầy. Thầy nhớ mặt bọn tôi, nên mỗi khi vào thi vấn đáp, thấy thầy nở một nụ cười là mừng như mở cờ trong bụng.
Xuất thân vốn là ban Văn chương Triết học, dốt đặc Toán, Lý, Hóa, các thầy dạy Toán, Lý, Hóa thường ngán ngẩm lắc đầu, thế mà cuối cùng tôi lại chọn học khoa Kinh tế, một bộ môn khoa học có ba năm học về toán cao cấp và toán kinh tế, một năm dự bị và hai năm học chính, phải nhờ các anh bạn ban B khi xưa kèm thêm toán. Chương trình học rất căng, vì sinh viên ngoại quốc, ngoài chương trình học chính, còn bị bắt buộc phải học song song thêm hai năm tiếng Đức trình độ đại học. Chiều tối, cơm nước xong xuôi, con cái đều ngủ say trong giường, tôi mới chong đèn thức đêm học cho đến quá nửa đêm, mệt quá mới tắt đèn đi ngủ. “Thầy” toán của tôi là anh Đ.T. Liêm, rất giỏi toán từ thời trung học ở nhà. Anh thường hẹn dạy toán cho tôi buổi trưa trong thư viện, còn hôm nào tôi bận trông con, anh đến tận nhà. Thầy Liêm kèm tôi học toán hay đến độ không những tôi bắt kịp được các bạn học, mà vài năm sau, khi vào thi vấn đáp môn Toán thống kê kinh tế của bằng “Vordiplom“, giáo sư ngạc nhiên vì tôi lên bảng giải được cả 5 bài toán sau một thời gian sửa soạn là mười phút, ông vui vẻ cho điểm “Ưu” 1,7 ! Bây giờ thì chữ nghĩa toán học trả lại các thầy hết cả rồi.
Ở Việt Nam, tôi cảm giác quan hệ thầy trò còn nhiều nét xưa, thầy cô được kính trọng, xã hội Việt Nam còn dạy dỗ lớp trẻ phải kính trọng, phải biết ơn, có nghĩa với người đã đem tâm huyết, tình cảm để truyền lại kiến thức, trí tuệ của mình cho đời sau, dẫn dắt khuyên nhủ lớp trẻ tìm cho đúng con đường đi.
Còn ở các nước Âu châu, khó mà cắt nghĩa được chữ “hiếu” cho người ta hiểu, cũng như khó đòi hỏi học trò phải biết ơn và kính trọng thầy cô. Xã hội Âu châu không có bộ môn nào dạy chữ “hiếu” và chữ “nghĩa“. Nhưng cái xã hội tiêu thụ sinh ra sự ngạo mạn kiêu căng, đồng tiền là chủ và con người là nô lệ. Thầy giáo, nhà giáo chỉ được coi như những nhân viên mỗi tháng lãnh lương để thực hiện công việc, nhiệm vụ của mình, như mọi nhân viên khác.
Tuy thế, một phần học trò vì tình cảm tự nhiên mà nảy sinh ra sự thương mến người dạy mình. Sự kính trọng thầy cô trở thành một đạo đức cá nhân của những người học trò có tình cảm. Dạo tôi dạy tiếng Đức trong các trường làng, một số em học sinh thương tôi quá, cuối năm góp tiền mua nữ trang như dây chuyền, bông tai tặng cô giáo, có em còn bắt tội cha mẹ chở đến tận nhà tôi để tặng một bó hoa, một cuốn sách.
Bây giờ tôi ngồi đây, sau một thời gian rất dài, bao nhiêu năm đi học và đi làm chỉ sử dụng các tiếng nước ngoài, gõ lóc cóc tiếng Việt trên bàn phím, đó chính là công ơn của các thầy cô khi xưa đã có phương pháp dạy học rất căn bản, khả quan, và hơn thế nữa, đã biết song song khơi nguồn và nuôi dưỡng tình cảm của người Việt với nước Việt.
France, tháng 10. 2011
MathildeTuyetTran