QĐND Online – “Non xa xa, nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê-Nin, kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà”, những câu thơ dạt dào cảm xúc của Bác Hồ viết tại Pác Bó cứ văng vẳng bên tôi trong suốt hành trình về thăm nơi cội nguồn cách mạng Việt Nam. Đặt chân đến mảnh đất này vào dịp cả nước đang tưng bừng kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9, trong lòng mỗi người dân đất Việt đều dâng trào xúc cảm nhớ về Bác Hồ.
|
Suối Lê Nin và núi Các Mác.
|
Pác Bó – nơi ghi dấu cội nguồn cách mạng Việt Nam
Sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngày 28-1-1941 (tức ngày mồng hai Tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua mốc 108 (cũ) biên giới Việt Nam – Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) và lập địa điểm này thành nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.
Pác Bó trở thành đại bản doanh của căn cứ cách mạng Việt Nam. Tại đây, Bác đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng tổ chức, hoạt động để thực hiện những gì mà suốt 30 năm trước đó Người từng ấp ủ.
Tại nơi “Non xa xa, nước xa xa”, Nguyễn Ái Quốc đã huy động được cao nhất năng lực và sức mạnh tinh thần, truyền thống yêu nước của cả dân tộc để “dời non lấp biển”, đưao cách mạng tháng Tám năm 1945 đến đích thành công.
|
“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”.
|
Ngày 20-2-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở lại thăm Pác Bó, thăm lại nơi ở và làm việc, những cơ sở cách mạng, nơi đã từng nuôi giấu, che chở Người trong những ngày đầu hoạt động cách mạng đầy gian khổ. Lần trở về này thể hiện sự tri ân của Bác đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng – nơi Bác đã coi là quê hương thứ hai của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về cõi thiên thu nhưng hình ảnh của Người vẫn luôn hiện hữu ở Pác Bó. Suối Lê-nin, núi Các Mác, hang Pác Bó, những địa danh từng in dấu chân của Bác vẫn còn vẹn nguyên như những ngày Người ở đó.
Di tích Quốc gia đặc biệt
Hồng Xiêm - nữ phóng viên của Báo Cao Bằng kiêm “hướng dẫn viên” đã dẫn chúng tôi đi thăm căn cứ cách mạng Pác Bó. Chị tự hào khoe với chúng tôi là được sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất lịch sử này. Bởi thế mà mỗi tấc đất, mỗi con đường nơi đây đều mang ý nghĩa đặc biệt với chị.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm di tích là nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình này được khánh thành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác vừa qua. Nhà lưu niệm tọa lạc bên một ngọn núi, xung quanh là những ngọn núi lớn, nhỏ nhấp nhô, phủ một màu xanh bạt ngàn của cây cỏ. Đứng trước sân nhà lưu niệm, chúng tôi cảm nhận không khí trong lành, nồng ấm như có Bác ở bên.
|
Hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ trong khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
|
Cách khu nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không xa là suối Lê-nin, núi Các Mác. Nơi đây, Bác Hồ đã từng ngồi câu cá trong những lúc thảnh thơi. Những đàn cá tung tăng bơi dưới dòng nước xanh mát trong khung cảnh sơn thủy hữu tình đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng mỗi du khách khi đặt chân đến đây.
“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” xưa Bác ngồi vẫn còn đó. Trên chiếc bàn đơn sơ này, Người đã viết sách, làm thơ, thảo đường lối chiến lược liên quan đến vận mệnh dân tộc.
Ông Nông Bảo Chu, người dân tộc Tày ở huyện Hà Quảng bày tỏ: “Nhà tôi ở huyện này nên cuối tuần nào tôi cũng vào hang Pác Bó để được ngắm phong cảnh và hưởng không khí mát mẻ nơi đây. Mặc dù công việc đồng áng vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp để có thời gian đến thăm di tích và được xem hình ảnh của Bác Hồ”.
Trên con đường dẫn vào hang Pác Bó bao phủ một màu xanh của núi rừng hòa trong tiếng suối chảy và tiếng chim hót líu lo. Mảnh đất này đã được thiên nhiên ban tặng cho phong cảnh sơn thủy hữu tình. Trong hang Pác Bó, vẫn còn đó chiếc giường đơn sơ, mộc mạc được ghép từ ba tấm gỗ của Bác. Bên trên là phiến đá được Bác đặt tên là tượng Các Mác. Mỗi hiện vật đều ghi dấu hình ảnh của Người.
|
Hang Pác Bó.
|
Tự hào và vinh dự có Khu di tích lịch sử cách mạng Pác Bó, Đảng bộ nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã tập trung đầu tư bảo tồn và tôn tạo các điểm di tích trong quần thể đồng thời xây dựng thêm nhiều công trình văn hóa phục vụ cho việc giáo dục truyền thống gắn với việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Từ năm 2007 đến nay, Khu di tích lịch sử Pác Bó đã và đang được quan tâm đầu tư hoàn thành nhiều hạng mục công trình quan trọng nhằm phát huy có hiệu quả những giá trị của di tích. Năm 2013, tỉnh Cao Bằng tiếp tục xây dựng các mạng mục công trình, bảo tồn và tôn tạo các khu di tích gốc, nhà trưng bày di tích...
Tỉnh Cao Bằng sở hữu hơn 100 di tích liên quan đến hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu tháng 10, chương trình nghệ thuật chào mừng Khu di tích lịch sử Pác Bó được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt sẽ diễn ra tại Trung tâm thị xã Cao Bằng là một hoạt động rất có ý nghĩa đối với người dân mảnh đất này. Trong tương lai, Pác Bó sẽ tiếp tục được xây dựng, phát triển để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Khánh Huyền
|