Riêng tôi thì nhớ bốn câu thơ ấy như sau:
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ cõi mãi ngàn năm
Có thể thay đổi một vài từ ở câu đầu và hai câu cuối, riêng câu thứ hai Đáy sông còn đó bạn tôi nằm thì không thể sửa được gì cả.
Mùa hè năm 1972, hàng ngàn chiến sĩ là sinh viên ưu tú nhập ngũ (số đông gốc Hà Nội) đã vượt sông Thạch Hãn để vào thành cổ Quảng Trị. Rất nhiều người đã hy sinh, chìm dưới đáy sông. Bốn câu thơ của anh Dương khiến ta nhớ lại 81 ngày đêm quân ta chiến đấu ác liệt giữ thành cổ Quảng Trị, và nhớ mãi sự hy sinh trong sáng và cao cả của thanh niên sinh viên thời ấy.
Vì nhớ, nên anh Dương đã có bốn câu thơ để đời. Vì nhớ, nên nhiều cựu chiến binh sinh viên thế hệ 1972 đã có những sáng tác văn nghệ cảm động, như Hoàng Nhuận Cầm với phim Mùi cỏ cháy, Nguyễn Trọng Luân với tập thơ Mây trên trời Quảng Trị, Nguyễn Như Thìn với tập văn Nó và tôi… Nhiều cựu chiến binh sinh viên đã viết văn làm thơ, đã tham gia diễn đàn mạng Quân sử Việt Nam “Dựng nước giữ nước” với ý thức công dân đầy trách nhiệm.
Nguyễn Trọng Luân đã viết: “Những người lính được trở về trong hòa bình cứ tự nghĩ mình luôn mắc nợ những người đã hy sinh”. Và các anh đã cố gắng sống tốt, làm việc tốt. Nay các anh đã trên sáu mươi tuổi, đã có cháu nội cháu ngoại cả rồi.
Các anh không bao giờ quên lịch sử. Con cháu các anh sẽ nhớ mãi, cũng như toàn thể nhân dân chúng ta.
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…
Vậy mà có những kẻ cố tình quên. Quên để giành giật bon chen vì danh lợi. Quên để vơ vét cho đầy túi tham. Quên cả lòng tự trọng và danh dự con người. Thật là đáng giận và đáng thương biết bao!
Theo Hội nhà văn Việt Nam