Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Tìm đồng đội trên tuyến lửa 1C (Tiếp theo và hết) Tìm đồng đội trên tuyến lửa 1C (Tiếp theo và hết) , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Bài 3: Điều không thể mất

QĐND - "Trở lại Tám Ngàn, chúng tôi rủ nhau xuống bờ sông, nơi xảy ra chiến trận năm xưa, tôi là người còn sống sót, đốt vài nén nhang xin tạ tội cùng các anh chị, vì chúng tôi không làm tròn trách nhiệm đưa các anh chị về nghĩa trang yên nghỉ".

(Xin gián đoạn nhật ký của chị Minh Tâm để kể câu chuyện này cho bạn đọc rõ. Tháng 10-1969, Minh Tâm cùng các đảng viên trong đơn vị từ đất Hà Tiên sang đất bạn họp chi bộ cuối tháng. Họp xong thì được lệnh bất ngờ: Địch xuất hiện, các đảng viên ở lại để dẫn đường cho quân chủ lực đi từ Núi Dài về lộ Cái Sắn. Thật bối rối, vì dự định ban đầu chỉ là chuyến đi họp ngắn ngày, các đồng chí nữ chỉ chuẩn bị vài bộ trang phục. Nhưng vì nhiệm vụ, các chị tự làm công tác tư tưởng rồi chấp hành lệnh ngay. Xong chuyến đưa quân ấy, trên đường trở về căn cứ của đơn vị, Minh Tâm và đồng đội rơi vào ổ phục kích. Sau tiếng mìn nổ, Minh Tâm và Út Hòa dạt vào bờ nên không bị địch phát hiện. Trải qua hơn 20 ngày nhịn đói, nhịn khát, tự xác định phương hướng, hai nữ TNXP đã tìm về đơn vị trong niềm vui khôn tả của mọi người. 8 đồng đội của họ đã hy sinh trong đợt này).

Ngày 5 tháng 8 năm 1997

Các anh Sư đoàn 4 cho một vỏ máy và cử đồng chí Sư đoàn phó chính trị (Phó sư đoàn trưởng về chính trị) cùng đi với chúng tôi về rừng tràm Hà Tiên. Nay thì chẳng còn một cụm tràm nào, chỉ toàn là đồng trống, nhiều con kinh xẻ dọc, xẻ ngang, phải nhờ những người dân sống nơi ấy dẫn đường.

Gần 10 giờ sáng, theo chỉ dẫn của địa phương, chúng tôi lội lên đồng tìm được bờ đìa 3 cây gáo. Đó là điểm để dừng chân hằng đêm của chúng tôi trên đường công tác, cũng là nơi chôn cất các đồng đội của tôi. Tìm hiểu, bờ đìa này vẫn còn nguyên vẹn, chưa có dấu vết đào bới. Bởi vì, dân đồn nơi ấy có ma, họ thường thấy bóng người con gái quẩn quanh dưới gốc 3 cây gáo này.

Chị Minh Tâm (đứng giữa) cùng đồng đội trở lại Tràm Ba Đương (Kiên Giang) tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Sáu Thiện năm 2004. Ảnh: Minh Nghĩa.

Bới cỏ tìm, vẫn còn 3 gốc gáo. Đúng rồi! Chỉ còn xác định chôn ở chỗ nào mà thôi.

Quan sát xung quanh: Đằng kia là Gộc Xây, phía trước là sông Vĩnh Tế, bên kia là đường xe thồ… tự nhiên nước mắt tôi trào ra không sao ngăn được. Đã hơn hai mươi năm rồi mới được trở lại nơi đây, được khóc cho đồng đội của mình...

Đốt ít nén nhang, đem bánh cúng… Đứng lặng nhìn làn khói hương nghi ngút, tôi hình dung về những đồng đội của mình…

Tạm biệt nơi đây, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình.

Hướng tới của chúng tôi là tìm đến Ngã Tư Đầu Trâu - một địa danh năm xưa các đơn vị TNXP đặt để gọi với nhau, vẫn còn lưu đến bây giờ. Tôi nhớ rất rõ, nơi ấy có một nền đất cao và một cây ô môi lớn: Nơi chôn cất 3 đồng đội có tên là: Việt Phương, Thông, anh Hai Quang.

Ngày Thông hy sinh, trận địa bị lộ, trực thăng quần bắn, đổ quân. Anh Sáu Thiện, Liên đội phó ra lệnh rút, sáu anh em vừa tới công sự nổi chui vào. "Cán gáo" quần sát đọt tràm, các anh lo quan sát trên trời, bộ binh luồn đi phía sau tới, leo lên nắp công sự ta mới phát hiện được. Lúc ấy ta và địch sát nhau, máy bay không quần nữa. Mấy anh em vừa bắn vừa chạy thoát khỏi vòng vây. Tìm lại đủ cả, các anh chỉ lo cho tôi, vì hôm ấy chỉ có tôi là nữ.

Khi tìm đến những người biết chỗ cây ô môi thì họ bảo rằng cây ô môi đã bị đốn từ lâu, các ngôi mộ đã lạn mất rồi! Mùa này nước lên cao quá, họ không dẫn đến đó được, hẹn lại mùa khô. Đành phải chờ! Chúng tôi nhờ họ tìm giùm, nếu gặp xin báo theo địa chỉ gửi lại.

Gần 2 giờ chiều, chúng tôi về đến Trung đoàn 30 thuộc Sư đoàn 4. Cơm nước xong, chúng tôi trao đổi với Ban chỉ huy Trung đoàn một vài nơi nữa cần tìm. Các đồng chí hứa sẽ giúp theo yêu cầu. Các anh còn nói: Ngày xưa, nơi đây là địa bàn của các anh chị, còn nay là của chúng tôi.

Qua ít phút chuyện trò làm quen, các đồng chí kể cho chúng tôi nghe vừa qua đơn vị lao động đào gặp được 12 hài cốt trên cùng một bờ đìa, còn lượm được vài chiếc kẹp bồ câu bằng vỏ máy bay; đơn vị đã đưa về Nghĩa trang Hòn Đất. Chúng tôi biết ngay đó là nơi chôn 16 người ở Liên đội 2. Như vậy còn lại 4 người nữa, nhờ các đồng chí cố gắng tìm tiếp.

Sáng ngày 6 tháng 8 năm 1997

Mưa rất to. Khi dứt hột, chúng tôi chia tay với các đồng chí Trung đoàn 30, quay về trụ sở Sư đoàn 4.

Sáng ngày 7 tháng 8

Chúng tôi chia tay nhau tại thị xã Kiên Giang.

Suốt sáu ngày, từ lúc đi cho đến khi về, có lẽ trời cũng cảm thông với nỗi đau vì đồng đội của chúng tôi, nên cứ đổ mưa dầm…

Minh Tâm viết nhật ký tại tuyến đường 1C năm 1971. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Chuyến đi này, dù chưa đạt được mục đích cuối cùng, chúng tôi cũng cảm thấy mãn nguyện phần nào. Vì đã hơn hai mươi năm rồi, niềm mơ ước mong manh này mới được thực hiện.

Chúng tôi luôn khắc ghi tình cảm của các anh Hà, Giang, Thống và các đồng chí Sư đoàn 4, Trung đoàn 30 đã nhiệt tình giúp đỡ để chúng tôi hoàn thành tốt một phần ước nguyện.

Từ chuyến đi này, chúng tôi tâm đắc chỉ có tình đồng đội mới thấu hiểu được niềm đau, nỗi khổ với nhau. Và tình đồng chí, đồng đội thật sâu nặng và lâu bền…

(Bẵng đi khá lâu, công cuộc tìm kiếm đồng đội hy sinh trên tuyến lửa 1C không được chị Minh Tâm viết tiếp vào nhật ký. Những chuyến đi của chị và đồng đội đã cuốn hết thời gian và sức lực, chị chỉ còn kịp ghi ngày tháng và một số cột mốc đáng nhớ trên hành trình tìm đồng đội. Theo đề nghị của chúng tôi, chị lần giở cuốn sổ và kể lại).

Mãi tháng 6-2000, tôi và Tuyết Thu mới có điều kiện lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ xin hỗ trợ kinh phí đi quy tập hài cốt Sáu Bé, vì Sáu Bé vốn người Cần Thơ. Họ giới thiệu sang Tỉnh đội Cần Thơ (Bộ CHQS tỉnh Cần Thơ - PV) vì Tỉnh đội là cơ quan báo tử. Tỉnh đội cử một cán bộ đi cùng chúng tôi, nhưng kế hoạch công tác đi trong ngày. Từ Cần Thơ đến nơi chôn cất Sáu Bé đã gần 12 giờ trưa. Lần trước đi tìm, chỉ xác định được khu vực vì khi đó đang mùa mưa. Nay trời khô ráo nhưng đã hơn 20 năm, chỗ này chẳng còn chút dấu vết gì của ngày xưa, muốn tìm chắc phải mất thời gian. Chúng tôi phải trở về trong ngày nhưng bụng tự nhủ nhất định không bỏ cuộc, phải tìm được đồng đội mình về.

Đến cuối tháng 5-2001, đồng chí Tuyết Thu đề xuất với anh Năm Đoàn, nguyên Liên đội trưởng TNXP đường 1C đang ở tại TP Hồ Chí Minh, có thêm đồng chí Cao Long Phiêu đi tìm một chuyến, kinh phí hoàn toàn tự lực. Chuyến đi kéo dài một tuần lễ này, tại Hòn Đất, chúng tôi đã tìm ra nơi Sáu Bé nằm, mấy anh em bàn nhau cất bốc về luôn.

Tiếp đó, chúng tôi qua kênh Vĩnh Điều, tìm đến nơi đồng chí Võ Hồng Láng hy sinh. Đồng chí Hồng Láng thuộc Đại đội TNXP Nguyễn Việt Khái II, bị biệt kích phục kích trên sông Vĩnh Tế. Đồng chí bị thương nặng, bị giặc bắt về đồn Vĩnh Gia nhưng đã chấp nhận hy sinh, không khai báo gì cho giặc (Võ Hồng Láng về sau được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân - PV). Khi Hồng Láng hy sinh, địch bắt dân đem chôn cùng đồng chí Cường và một đồng chí bộ đội chủ lực. Nhân dân trong vùng đã chôn cất và chăm sóc phần mộ cho đến khi chúng tôi tìm đến.

Sau chuyến đi này, đồng chí Tuyết Thu đi khảo sát tiếp hai, ba chuyến nữa, phát hiện mộ đồng đội của chúng tôi còn ở rất nhiều nơi: Gộc Xây nhỏ, Gộc Xây lớn, bờ đìa Ô Môi, Tràm Ba Đương… Mấy chục năm qua, khu vực đường 1C, máu lửa năm xưa thành nơi hoang vắng. Chỉ có những hộ dân đi làm rẫy thì thi thoảng, vô tình gặp hài cốt liệt sĩ. Điều đó cũng khó trách ai, vì chính chúng tôi, những người đã trực tiếp chôn cất đồng đội mình mà sau biết bao năm mới trở lại, mà trở lại cũng không dễ dàng tìm thấy nơi các anh, các chị nằm xuống. Cũng chính điều này thôi thúc chúng tôi đi nhiều hơn.

Đến ngày 27-7-2002, kỷ niệm 55 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, được Tỉnh đoàn Kiên Giang đồng ý cùng tổ chức, chúng tôi đã tổ chức quy tập ở hai vị trí có nhiều mộ liệt sĩ nhất là Gộc Xây lớn và Gộc Xây nhỏ. Đợt này, chúng tôi cất bốc 42 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 13 đồng chí xác định được tên tuổi, quê quán. Khi đào lên, ba chúng tôi gói từng hài cốt, ghi rõ họ tên, báo cho gia đình các liệt sĩ đã có tên. Khi các gia đình đến nhận, đồng chí Tuyết Thu và Út Mãnh cùng gia đình đưa hài cốt liệt sĩ về tận quê. Nhiều gia đình xúc động nói với chúng tôi: “Nếu không có các em, các cháu thì tôi chẳng bao giờ gặp lại được người thân”. Những tâm sự ấy là lời động viên để chúng tôi vượt qua bao thủ tục rườm rà, bao khó khăn về vật chất và tinh thần để tiếp tục công việc của mình. Hàng trăm hài cốt của đồng đội nằm lại trên tuyến lửa 1C đã được Tuyết Thu, Út Mãnh và nhiều đồng chí khác công phu, kiên trì quy tập về. Một Đoàn cựu TNXP đi quy tập hài cốt đồng đội được thành lập. Tôi bận công tác Hội nên không tham gia được, Tuyết Thu và Út Mãnh tiếp tục tham gia và có nhiều đóng góp lớn cho nghĩa cử cao đẹp ấy. Đến nay, phần lớn hài cốt của đồng đội hy sinh trên tuyến lửa 1C, rải rác khắp mấy chục địa điểm từ địa bàn Hà Tiên - Vĩnh Tế - Ba Hòn kéo dài xuống lộ Cái Sắn - Kiên Giang đã được quy tập về các nghĩa trang, nhiều người trở về với quê hương, bản quán, người thân. Đó là điều khiến mỗi chúng tôi như được an ủi, vỗ về mỗi dịp tháng 7 mênh mang khơi gợi ký ức máu lửa, khiến chúng tôi như sống lại một thời đã sống quên mình cho độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

----------

Bài 1: Nơi sắt thép cũng bị nung chảy

Bài 2: Trở lại Ba Hòn


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65169339

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July