Cây đa làng tôi giờ đã “ lên lão”, ước tính tuổi đời đã trên ba trăm năm. Quả thực, cây già nua, giống một cụ già bạc phơ râu tóc và nhăn nheo lớp da.Cây đa xơ xác, rũ bóng nhưng dường như vẫn gắng gượng đứng đó là “chứng nhân” văn hoá bao đời, là điểm tựa tinh thần cho dân làng. Có lẽ sức của cây đa đã cạn, nhưng còn ngầm chứa cái tiềm tàng nhựa sống của tuổi trẻ, của tình yêu và của một cây cao bóng cả nhất.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Làng vắng bóng những cây xanh. Các giếng nước của từng xóm bị lấp, chia lô và bán chác. Chỉ có cây đa vẫn sừng sững đứng đó, không ai dám đụng vào. Không ai dám mạo phạm vào “cây thần” thiêng liêng ấy. Từ thời ông nội tôi, cây đa đã cao và to như thế. Cho đến đời tôi, cây đa vẫn không to hơn và cao hơn bao nhiêu, chỉ có những vết xù xì của thời gian, bom đạn bắn vào thì có phần xù xì hơn, và cây cũng có vẻ mệt mỏi hơn mà thôi. Nhưng trong ký ức chúng tôi, nó vẫn là cây thiêng. Dưới bóng cây diễn ra nhiều trò chơi dân gian của nam thanh nữ tú bao đời trong những đêm hội hè, rồi của cả dân làng trong những ngày hội lớn, của những đứa trẻ đang lớn đánh chuyền, đánh chắt…Rồi nay, khi có đứa đã dựng vợ gả chồng, đi qua cây đa, nếu từng có chút ít kỷ niệm gắn bó, đều cảm thấy cần phải cúi đầu kính cẩn, thấy lòng mình rưng rưng một nỗi niềm.
Còn nhớ, các bà, các mẹ ngày ấy, mỗi buổi đi làm đồng về giữa trưa hè nắng oi, đều ngồi nghỉ dưới gốc đa cho ráo mồ hôi trước khi về nhà. Chẳng hiểu sao gió bốn phương cứ tụ tập về đây, rười rượi mát, làm ai cũng thích. Đứa trẻ nào sinh ra cũng quấn quýt với gốc đa, bóng đa, để rồi tuổi thơ mình trói vào đó bao kỷ niệm.
Những bác nông dân đi cày, dắt con trâu qua cây đa cũng không thể không dừng chân, uống bát nước chè xanh của bà hàng nước, châm điếu thuốc lào khoan khoái rồi về. Những chú trâu cũng có cơ hội nghỉ ngơi dưới gốc đa. Gốc đa chính là nơi chúng tôi tổ chức những trò chơi, hoặc sau trận đá bóng ngồi ngã lưng nhai bánh đa vừng giòn tan. Cũng có khi chỉ ngồi ngóng mẹ đi làm về cũng đủ xốn xang bao nỗi niềm.
Bố tôi bảo có bao lớp thanh niên làng từ gốc da này lên đường nhập ngũ làm nhiệmvụ bảo vệ Tổ quốc.Ông tôi khoác súng từ đây ra đi và không bao giờ trở về. Bố tôi cũng được mẹ tôi tiễn từ gốc đa này.Đến đời tôi, cây đa tiễn tôi vào đại học. Tôi sẽ phải nói tiếng nói của làng mình, như cây cao bóng cả đã dạy, đã truyền.
Gốc đa làng thuở ấy, lão đa già bây giờ, vẹn nguyên hình ảnh và ký ức, cũng như tình yêu, sống mãi trong tôi…
NGUYỄN HỌC.
Theo hà tĩnhonline
|