Bài 1: Nơi sắt thép cũng bị nung chảy
QĐND - “Nhiều đêm gặp lại đồng đội mình trong giấc mơ, khi tỉnh giấc tôi luôn băn khoăn suy nghĩ và thầm ao ước được trở về chiến trường xưa, tìm nơi đồng đội mình đã ngã xuống năm nào, đem niềm an ủi dù rất muộn màng về cho gia đình họ. Đó là bổn phận, là trách nhiệm của những người còn sống hôm nay” – chị Lâm Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố Cần Thơ tâm sự với tôi như vậy.
Tôi biết chị Lâm Thị Minh Tâm đã lâu. Năm 2005, khi Hội Cựu TNXP Việt Nam giới thiệu các gương sáng cựu TNXP, chúng tôi đã rất xúc động khi nghe chị kể chuyện cùng với hai đồng đội (Tô Thị Tuyết Thu, Lê Thị Út Mãnh) thành lập tổ quy tập hài cốt đồng đội hy sinh trên tuyến lửa 1C.
Tuyến lửa 1C là tuyến nào? Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dân tộc ta đã hình thành nên những con đường vận chuyển huyền thoại. Đường 1C có lịch sử oanh liệt, hào hùng không khác gì hai tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển và xuyên Trường Sơn mà sử sách dân tộc đã mãi khắc ghi. Tuyến lửa 1C là đoạn nối tiếp giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ, kéo dài từ biên giới nước bạn Cam-pu-chia qua kênh Vĩnh Tế, Hà Tiên, Hòn Đất… cho đến kênh Cái Sắn (Kiên Giang). Vũ khí và con người từ hậu phương lớn phải đi qua con đường độc đạo này để đến với đồng bào miền Tây. Bao xương máu của lực lượng TNXP đã đổ xuống con đường này, không bút mực nào tả xiết. Đặc biệt hơn, lực lượng TNXP ở tuyến 1C chủ yếu là nữ. Họ đối mặt với lực lượng địch luôn đông gấp bội, với bom, đạn, đói khát và thiếu thốn trăm bề... nhưng tất cả đã không sờn lòng, nản chí, người trước ngã, người sau xông lên, quyết không để vũ khí rơi vào tay giặc và đưa kịp về chiến trường. Điểm khác của tuyến đường 1C với những chiến trường khác là lực lượng TNXP trụ ở đây, dù đánh giặc hay bị giặc càn quét, không được rút đi nơi khác, mà phải kiên gan giữ vững vị trí, dù địch có càn quét, phản kích, đánh bồi, đánh nhồi ngay nơi giặc biết rõ tên từng người, từng công sự. Ta vẫn phải kiên cường tồn tại ở nơi đã “lộ”, bởi đây là tuyến đường vận chuyển độc đạo, không có con đường nào khác. Những cuộc quần thảo khốc liệt giữa ta và địch cũng từ đó mà ra. Có người đã nói ngắn gọn: 1C là nơi sắt thép cũng bị nung chảy, tan ra nhưng con người đã đi qua được.
Minh Tâm là một chiến sĩ TNXP đã có mặt từ ngày đầu và cùng đơn vị bám trụ ròng rã 8 năm trên “tọa độ chết” ấy, cho đến ngày toàn thắng của dân tộc. Ngày 19-5-1967, mới 16 tuổi, chị đã âm thầm trốn nhà nhập ngũ vào Đại đội TNXP Nguyễn Việt Khái III do Tỉnh đoàn Cà Mau tổ chức. Cuộc chiến đấu khốc liệt nơi chiến trường 1C giờ đây là ký ức không thể nào phai mờ trong tâm hồn chị. Khi chúng tôi vào Cà Mau, rồi lần theo địa chỉ của những cựu TNXP cung cấp, tìm được chị ở ngay giữa thành phố Cần Thơ thì chúng tôi rất đỗi vui mừng. Nhưng khi hỏi chị về chuyện cũ, thì vì những lý do riêng, chị lại muốn vùi sâu, chôn chặt những kỷ niệm đó.
|
Các diễn viên trong vai thanh niên xung phong hoạt động trên tuyến đường 1C trong một cảnh của bộ phim truyện truyền hình Huyền thoại 1C dài 20 tập (kịch bản Anh Động, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Hãng phim Tây Nam sản xuất). Ảnh minh họa/internet. |
Minh Tâm có một cuốn nhật ký, ghi lại rất nhiều sự kiện đã trải qua trong cuộc đời chiến đấu cũng như hành trình đi tìm đồng đội về sau... nhưng chị không muốn tiết lộ. “Nước chảy, đá mòn”, chúng tôi đã kiên trì thuyết phục. Chúng tôi nán lại Cần Thơ, mỗi tuần, đến thăm gia đình chị vài ba lần, nhắc lại những câu chuyện một thời sôi nổi. Rồi theo lời khuyên của chị, tôi đã đi về Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long... gặp được rất nhiều cựu TNXP trên tuyến lửa 1C. Trong những câu chuyện mà họ kể, hình ảnh nữ chiến sĩ Minh Tâm gan dạ, dũng cảm lại hiện ra sáng rõ.
Khi chúng tôi trở lại Cần Thơ, dường như cảm động trước tấm lòng của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, chị Minh Tâm đã cởi mở hơn rất nhiều. Bao nhiêu tài liệu, hiện vật trong cuộc đời chiến đấu, chị đều cung cấp cho chúng tôi. Rồi chị tâm sự: “Tôi cũng như bao đồng đội TNXP khác có may mắn được trở về với đời thường. Niềm tâm sự đau đáu nhất của tôi là nghĩ về những người đã ngã xuống, còn nhiều lắm, vẫn nằm lại nơi đồng hoang, nước độc. Tôi cũng có một kỷ niệm không bao giờ quên, muốn được kể lại”.
Câu chuyện không bao giờ quên ấy xảy ra vào trung tuần tháng 5-1971. Lần đó, Ban chỉ huy Liên đội TNXP 1 của tuyến đường 1C cử cán bộ xuống triển khai nghị quyết của Đảng ủy về việc chuẩn bị rút ra khỏi Hòn Đất, Hòn Me, trở về gần biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia, chuyển hướng hoạt động chủ yếu về phía sông Tiền. Thời gian này, địch tập trung đánh quyết liệt vào Hòn Đất, Hòn Me, căn cứ chính của Liên đội. Khi đó, nhiều cán bộ ở cơ sở bị giặc bắt, chịu không nổi tra tấn, đã khai với địch về đội hình và sự bố trí của Liên đội TNXP 1. Sư đoàn 9 của địch vừa đến thay Sư đoàn 21 nên rất hung hãn chỉ chực lập công. Bọn này có nhiều kinh nghiệm càn quét ở địa hình có nhiều hang núi. Khi còn trên đất bạn Cam-pu-chia, đơn vị của Minh Tâm đã đọ súng với chúng ở Sóc Mẹt. Hang nào muốn xuống đánh, chúng lượm đá chọi thử, nghe xem tiếng đá nông sâu rồi mới đánh. Lực lượng ta lúc đó quá ít, nhiệm vụ phải trụ lại căn cứ Hai Hòn cũng đã xong nên cấp trên quyết định tập trung trụ ở Hòn Me, chuyển hết số thương binh đi rồi rút lui bảo toàn lực lượng.
Đêm chuyển thương binh ở Bệnh xá Hòn Đất thật cảm động. Ngày 15-5-1971, giặc chiếm tất cả các hang hòn. Những tên phản bội dẫn giặc đến từng hang gọi tên anh chị em TNXP ra hàng. Ta không có cách nào đưa thương binh ra được, đành phải cử người bò vào động viên từng thương binh tự bò ra khỏi hang để TNXP đón phía dưới khiêng hoặc dìu đi. Nhiều thương binh bị gãy chân, tay vốn khó cử động, vậy mà trước tình thế đó đã tự bò ra khỏi hang. Đặc biệt nhất là có 3 thương binh bị bệnh não, cứ la hét ầm ĩ, không cách nào đưa đi được. Đơn vị Minh Tâm phải cử một tổ bảo vệ ở lại, tìm đường hầm bí mật đưa 3 thương binh ra. Nhưng bốn bên là giặc dày đặc, lại có bọn phản bội làm tai mắt rình mò, bọn địch đã thiết lập một mạng lưới vây kín các mặt. Các chiến sĩ bảo vệ nọ đã hy sinh cùng 3 thương binh. Còn trong số các thương binh tự bò ra được, có người đi lạc đường, Minh Tâm cùng đồng đội len lỏi trong đêm tối đi tìm, khi gặp được nhau, họ ôm lấy nhau mà rơi nước mắt.
Chiều 17-5-1971, Minh Tâm khắc sâu kỷ niệm đau buồn mà mãi cho đến ngày hôm nay, chị vẫn không sao quên được. Đó là sự hy sinh của người đồng đội Tám Hoa, người đã cùng chị chia sẻ mọi buồn vui trên tuyến đường lửa. Tám Hoa hy sinh đúng vào lúc đơn vị nhận lệnh rút khỏi hang, giữa lúc địch đã vây kín bên ngoài. Không còn thời gian chôn cất bạn, cũng không còn cơ hội mang bạn đi theo, Minh Tâm và đồng đội đã chăm sóc Tám Hoa lần cuối, rồi đặt người đồng đội vào đúng vị trí thường ngày chị vẫn ngủ, làm động tác chào trước lúc rút đi. Minh Tâm ngậm ngùi, lòng trào dâng bao cảm xúc, muốn gọi tên bạn nhưng cổ đã nghẹn lời. Cô thì thầm: “Hoa ơi, Tâm cùng tất cả đồng đội sẽ trả thù cho bạn”.
Cái chết của Tám Hoa chỉ là một trong rất nhiều sự hy sinh diễn ra ngay trước mắt Minh Tâm. Để rồi giờ đây, mỗi khi kỷ niệm ùa về, chị lại đứng ngồi không yên với muôn vàn cảm xúc. Chính vì thế, trên hành trình quy tập hài cốt đồng đội về sau này, việc tìm kiếm hài cốt của liệt sĩ Tám Hoa được chị Minh Tâm đặc biệt chú ý.
“Lần đầu tiên chị làm công tác thương binh, tử sĩ là vào khoảng giữa năm 1968, em ạ! Đó là quãng thời gian chị đang thử thách, chuẩn bị kết nạp Đảng” – chị Minh Tâm bất chợt nhớ lại.
Sống trên tuyến đường 1C, điều khiến các TNXP ngại nhất là thời điểm giao mùa, con đường nửa nước, nửa khô. Mỗi đêm đi công tác, qua mấy chục cây số lội sình, lội nước là điều rất gian khổ, cơ cực. Phải xắn quần để lội sình thì bị cỏ bắc cắt nát ống chân, qua đêm bị mủ sưng tấy, trắng bệch, chị em phải lấy nước gạo xát vào, rồi lại tiếp tục đi. Thời gian này, bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào tăng cường cho miền Tây, nối nhau đi qua tuyến đường lửa máu mà đơn vị Minh Tâm phụ trách. Ta càng hành quân nhiều, đường 1C càng bị lộ, có lúc địch đánh ta hy sinh nhiều quá, các nam TNXP đi chôn cất không đủ, phải phân công cả nữ TNXP đi cùng. Lần đầu đi chôn cất đồng đội của Minh Tâm là vào dịp ấy. Đúng hôm chị vừa đi công tác về, được chỉ huy cho biết: Hai TNXP tên là Thim và Nhỏ được cử chở thương binh về miền Tây, mới tới Kinh Bèo thì bị máy bay cán gáo của địch bắn hy sinh hết. Cấp trên cử Minh Tâm phụ trách 4 đồng chí nữa đi chôn cất.
Đó quả là thử thách lớn đối với cô gái mới 17 tuổi. Nhiệm vụ được giao, Minh Tâm tự củng cố tinh thần rồi lên đường. Đến vị trí quy định thì thi thể 2 đồng đội đã hy sinh mấy ngày rồi, cơ thể bị phân hủy, bốc mùi rất khó chịu. Trước đó, máy bay địch rà qua, lại bắn thêm mấy loạt đạn khiến thi thể của hai đồng chí rã rời, nổi lềnh bềnh trên mặt sình. 5 chiến sĩ TNXP trẻ tuổi vẫn còn sợ ma, không ai dám đi trước nên hè nhau dàn hàng ngang cùng tiến. Vậy mà khi lại gần, thấy đồng đội mình đã hy sinh, lòng thương tiếc trỗi dậy dẹp đi mọi sợ hãi, cả 5 người sát cánh bên nhau tìm cách chôn cất bạn, ngụy trang cẩn thận trước khi trở về đơn vị. Từ lần đầu thử thách ấy, nhiệm vụ chôn cất đồng đội không còn là nỗi sợ hãi của Minh Tâm nữa.
-----------
Bài 2: Trở lại Ba Hòn
Hồng Hải
|