QĐND Online - Đầu năm 2011, đội chúng tôi nhận được 1 lá thư tìm liệt sĩ của bà Lê Thị Kim Thái (64 tuổi), là giáo viên nghỉ hưu tại khối 3, phường Hồng Sơn, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Trong thư bà Thái nhờ cán bộ, chiến sĩ trong đội tìm giúp phần mộ em trai là liệt sĩ Lê Quốc Hội hy sinh tại mặt trận phía Nam và được an táng tại nghĩa trang mặt trận.
Bà Thái cho biết, trong quá trình đi tìm liệt sĩ qua các đồng đội còn sống cùng đơn vị với liệt sĩ Hội, gia đình gặp được anh Sơn ở Đô Lương, Nghệ An và anh Thọ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hai anh em này cho biết: Trong vụ nổ vũ khí tại bến bốc hàng dã chiến bên bờ sông Sa-lông cách phum Si-sa-nóc, xã Kầm-pông-đầm-rây, huyện Sa-lông, tỉnh Kra-ti-e khoảng 4 km, ngày 6-3-1972, đồng chí Hội hy sinh cùng 3 đồng chí khác. Khi hy sinh 4 liệt sĩ này thuộc Đại đội 1 và Đại đội 2 của Đoàn vận tải xe thồ 48, Phòng 9, Cục Hậu cần, Quân khu 8 (sau đó sáp nhập vào Quân khu 7).
|
Cán bộ, chiến sĩ Đội K72 vượt sông Sa-lông trong một lần đi tìm mộ liệt sĩ.
|
Tháng 3-2011, đơn vị chúng tôi cùng gia đình anh Lê Thanh Lâm là cháu ruột của liệt sĩ Lê Quốc Hội (cùng đi với anh Lâm có chị Sơn - chị gái của anh Lâm và anh Phong là chồng chị Sơn cũng đang công tác tại Hà Nội). Sau 3 ngày tổ chức đào tìm tại khu vực phum Si-sa-nóc, xã Kầm-pông-đầm-rây, huyện Sa-lông, tỉnh Kra-ti-e, đội đã quy tập được 4 mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, danh tính các liệt sĩ được quy tập đều không xác định được
Nhìn 4 bộ hài cốt đội vừa quy tập, anh Lâm và chị Sơn đã bật khóc vì không thể xác định được đâu là phần mộ của ông mình! Ao ước bấy lâu nay, giờ gần đấy mà xa đấy! Lại phải đợi chờ kết quả xét nghiệm ADN. Ngay sau đó, gia đình anh Lâm đã làm đơn xin mượn 4 mẫu răng của 4 phần mộ để về nước xét nghiệm ADN, xác minh danh tính liệt sĩ Lê Quốc Hội.
Tháng 6-2011, tin vui đã đến với gia đình anh Lê Thanh Lâm, trong 4 mẫu răng của các liệt sĩ đã xác định, có 1 mẫu chính xác là của liệt sĩ Lê Quốc Hội. Không thể nói hết niềm vui của gia đình anh Lâm sau gần 39 năm đi tìm mộ liệt sĩ Hội. Hôm đó, chỉ huy đội xin chúc mừng gia đình anh Lâm và đề nghị gia đình anh tiếp tục liên hệ với các đồng đội của các liệt sĩ hiện còn sống để tìm danh tính cho 3 liệt sĩ còn lại. Gia đình anh Lâm đã đồng ý và tiếp tục đi gặp các đồng đội của liệt sĩ Hội theo sự gợi ý của Đội K72.
Trong buổi họp mặt của các cựu chiến binh Tiểu đoàn vận tải xe thồ 48, gia đình anh Lâm đã được gặp rất nhiều đồng đội của liệt sĩ Hội và 3 liệt sĩ trên. Rất may trong số các cựu chiến binh trong buổi gặp mặt này có chú Hai là người duy nhất của Tiểu đội liệt sĩ Hội còn sống sót sau vụ nổ nên biết rất rõ về vụ nổ và vị trí chôn cất các liệt sĩ, nhưng do tuổi cao, sức yếu, thời gian đã quá lâu nên chú Hai chỉ nhớ được họ, tên của 4 liệt sĩ đó là (Lê Quốc Hội, Trần Văn Hữu, Lê Xuân Cống và Trần Văn Nhật), còn quê quán thì không nhớ chính xác.
Qua thông tin của chú Hai cung cấp và chỉ dẫn anh Lê Thanh Lâm, gia đình vào Phòng Vận tải, Cục Hậu cần, Quân khu 7 với quyết tâm thực hiện lời hứa với Đội K72 tiếp tục tìm quê quán cho 3 liệt sĩ còn lại. Tại đây, anh Lâm đã gặp được anh Phan Ngọc Thạch là Phó trưởng phòng Vận tải, Cục Hậu cần, Quân khu 7 và nhờ anh giúp đỡ. Anh Thạch đã sang Phòng chính sách, Cục chính trị, Quân khu 7 tìm tài liệu và danh sách các liệt sĩ đã hy sinh ở phum Si-sa-nóc và đã tìm ra danh sách, quê quán đầy đủ 3 liệt sĩ còn lại gồm: 1. Liệt sĩ Trần Văn Hữu, sinh năm 1945, quê quán: Tân Thành, Kim Sơn, Ninh Bình; 2. Liệt sĩ Lê Xuân Cống, sinh năm 1939, quê quán: xã Hoằng Định, Hoằng Hóa, Thanh Hóa; 3. Liệt sĩ Trần Văn Nhật, sinh năm 1944, quê quán: Hương Sơn, Phú Bình, Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên).
Ngay sau khi có được danh sách và quê quán của 3 liệt sĩ, gia đình anh Lâm đã liên lạc và tìm được thân nhân của họ. Đến ngày 10-6-2011, anh Lâm đã tìm đủ 3 gia đình là thân nhân của 3 liệt sĩ trên, đối chiếu với kết quả xét nghiệm và làm đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước để xin nhận các mộ liệt sĩ theo vị trí mà các đồng đội các liệt sĩ khi chôn cất. Ngày 24-7-2011, gia đình các liệt sĩ đã được cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước làm thủ tục bàn giao hài cốt để đưa các liệt sĩ về quê nhà an táng.
Đội chúng tôi xin cám ơn gia đình anh Lâm đã nhiệt tình đi tìm thân nhân của 3 gia đình liệt sĩ còn lại. Xin chúc mừng cả 4 gia đình sau gần 40 năm đã tìm lại được liệt sĩ là thân nhân của gia đình mình.
Duy Thành
(Ghi theo lời kể của Thượng tá Lê Huy Chung, Chính trị viên Đội K72)
Kỳ 2: Bốn ngôi mộ ở Đồn Chay-khơ-leng
|