Trong lúc nhiều khán giả không còn mặn mà đến với các rạp chiếu bóng như trước, do sự lấn át của các phương tiện truyền thông hiện đại, do điện ảnh Việt Nam những năm sau này chưa có nhiều bộ phim truyện nhựa hay, bộ phim “Mùi cỏ cháy” ra đời, được chiếu không chỉ ở các rạp chiếu bóng mà cả ở “ngoài đời” đã thu hút đông đảo người hâm mộ.
Bộ phim do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết kịch bản, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Mười làm đạo diễn đã nhận được nhiều giải thưởng như: Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 (12/2011) tặng Bông sen bạc, Hội Điện ảnh Việt Nam tặng giải Cánh diều Vàng (17/3/2012) và giải biên kịch xuất sắc nhất cho nhà biên kịch, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, âm nhạc xuất sắc nhất cho nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, quay phim xuất sắc nhất cho nghệ sĩ ưu tú Phạm Thanh Hà. Bộ phim còn được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen cho phim có đề tài về chiến tranh xuất sắc nhất. Nhưng phần thưởng đặc biệt nhất, vô giá nhất đấy chính là sự xúc động đến nghẹn ngào, dâng trào, vỡ òa nước mắt của công chúng dành cho bộ phim, trong đó có đông đảo công chúng Quảng Trị đến với bộ phim qua những đêm công chiếu ngay tại khu di tích lịch sử quốc gia Thành Cổ Quảng Trị, trong doanh trại quân đội và trên giảng đường trường học… Điều này cho thấy tâm huyết, nỗ lực của những người làm phim đã được ghi nhận xứng đáng. Trong thành công chung đó, phải nói đến đóng góp quan trọng, dù không phải quyết định tất cả nhưng đã là khởi nguồn cho tất cả bộ phim, đó là đóng góp của nhà biên kịch, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, người đã sáng tạo nên một kịch bản hay dẫn đến phim hay.
Với sự xuất hiện đầy ấn tượng của nhiều cuốn nhật ký thời chiến Việt Nam như “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, nhật ký của Hoàng Thượng Lân… Hoàng Nhuận Cầm đã tiếp nhận được nguồn cảm hứng dồi dào, nguồn thôi thúc mạnh mẽ từ những trang nhật ký máu lửa đó để viết nên“Mùi cỏ cháy”. Đó là cái nền chung tạo đà, chắp cánh cho bút lực Hoàng Nhuận Cầm. Nhưng với Hoàng Nhuận Cầm, “Mùi cỏ cháy” ra đời còn bắt nguồn từ những cảm hứng sâu thẳm, những thúc bách riết róng bên trong, bắt nguồn từ vốn sống sâu dày, từ những trải nghiệm sâu sắc của chính tác giả. Hoàng Nhuận Cầm viết “Mùi cỏ cháy” là viết về thế hệ của mình, viết về chính mình đã giã từ giảng đường đại học để cầm súng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Kể cho tôi nghe về buổi lên đường của thế hệ sinh viên áo lính, Hoàng Nhuận Cầm vẫn vẹn nguyên những ký ức nồng nàn, bỏng cháy khi “Tiếng Tổ quốc trên môi như đạn xé”: “Những năm Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, mỗi gia đình Việt Nam là một gia đình quân nhân. Ngày 6/9/1971, tôi và hàng nghìn sinh viên xếp bút nghiên, tình nguyện ra trận. Tôi ra đi cùng 300 sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong đó có Nguyễn Văn Thạc. Nhật ký Nguyễn Văn Thạc viết rất rõ về buổi lên đường của chúng tôi”. Và Hoàng Nhuận Cầm phấn khích, hào sảng đọc những dòng văn xuôi chan chứa cảm xúc về buổi lên đường trong cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc mà như đọc những dòng thơ dâng trào từ lòng mình: “Khóc, không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì xúc động. Vì buổi chia tay này thiêng liêng quá” (1). Cùng là sinh viên, cùng thế hệ mặc áo lính “một thời hoa lửa”, giữa Hoàng Nhuận Cầm và Nguyễn Văn Thạc còn có mối quan hệ đồng điệu, tri âm. Cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc đã có nhiều dòng nhắc đến Hoàng Nhuận Cầm với niềm mến mộ: “Cầm viết được nhiều, quả thực ở nó có tài năng, hay ít ra, đó cũng là một khả năng tốt… Nhưng vì sao nó nắm bắt mạch thơ đúng thế. Tưởng như lời nào của nó cũng là thơ (!)” (2).“Mình nhớ bài thơ Bức tranh… Cầm đọc khi hành quân lần đầu. Ừ, ở nó thật sự có khả năng. Mình nghĩ có lẽ cuộc sống tâm hồn của nó hẳn phải phong phú lắm. Mình đã sửng sốt về nó nhiều và hẳn là còn phải sửng sốt hơn nữa” (3). Có một đoạn trong nhật ký, Nguyễn Văn Thạc đã mong cho con người và cây bút Hoàng Nhuận Cầm càng được tôi luyện dạn dày trong khói lửa chiến tranh giải phóng dân tộc: “Được đi vào cuộc chiến đấu ác liệt của dân tộc, với khả năng quý giá đó, nếu Cầm thực sự sống đẹp đẽ, hẳn nó sẽ là cây bút trẻ xứng đáng với lòng mong mỏi của mọi người” (3). Dường như đây chính là đoạn dự cảm, đoạn “tiên tri” cho sự ra đời của “Mùi cỏ cháy” về sau này. Cái tên phim, chính xác hơn là cái tứ, cách cấu tứ của kịch bản phim, của bộ phim “Mùi cỏ cháy” dựa vào biểu tượng “cỏ” trong thơ Thanh Thảo và thơ của chính Hoàng Nhuận Cầm. Đó là cỏ - thời thanh xuân trong thơ Thanh Thảo:
“Những dấu chân lùi lại phía sau
Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
… Chúng tôi đi không tiếc đời mình
(Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em... ”
(Trường ca “Những người đi tới biển”).
Đó cũng chính là cỏ - thời trai trong thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhưng với Hoàng Nhuận Cầm, đó còn là cỏ - ký ức chiến tranh cháy rát mãi tâm can, là cỏ - hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, là mùi cỏ hăng nồng không nguôi ngoai:
“Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy
Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai
Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài
Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy
Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn”
(Phương ấy)
Hoàng Nhuận Cầm (Mặc quân phục) và tác giả Nguyễn Hoàn (áo trắng)
“Mùi cỏ cháy” của Hoàng Nhuận Cầm chính là mùi của “cỏ - ký ức”, “cỏ - hoài niệm”. Sức mạnh nghệ thuật của“Mùi cỏ cháy” làm lay động tâm can người xem chính là bắt nguồn từ sức mạnh của những hồi ức, hoài niệm đầy chân thật, dung dị nhưng thấm đẫm chất thơ của Hoàng Nhuận Cầm về những sinh viên mặc áo lính quyết tử với Thành Cổ Quảng Trị. Hoàng Nhuận Cầm làm lính cao xạ Trung đoàn 223, Sư đoàn 673, vào Quảng Trị tháng 5/1972. Khi chiến dịch ở Quảng Trị kết thúc, anh cùng đồng đội tiếp tục hành quân kéo pháo ra Bắc tham gia trận “Điện Biên Phủ trên không” để bảo vệ Hà Nội. Trong lửa khói ác liệt của chiến trường Quảng Trị, anh vẫn làm thơ, rồi nhét vào vỏ đạn, dán giấy, gửi về cho gia đình, gia đình nhận được đem gửi đăng báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh đã nhận được giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1972-1973 (cùng với các nhà thơ Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mỹ Dạ). Hồn thơ Hoàng Nhuận Cầm, hồn thơ của người lính “chín” dần trong thử thách như niềm mong của Nguyễn Văn Thạc, hồn thơ ấy đã trút cả vào “Mùi cỏ cháy”. Qua cảm nhận của hồn thơ ấy, hình ảnh Hoàng, Thành, Thăng, Long, bốn người lính cảm tử với Thành Cổ Quảng Trị hiện lên trong “Mùi cỏ cháy” với tính cách hồn nhiên, tinh nghịch, với tâm hồn trong veo và đặc biệt, với tài hoa lấp lánh. Những chiến sĩ trẻ giữa chiến trường không chỉ dõi theo tiếng bom rình rập mà còn lắng nghe cả tiếng ve xốn xang. Trong khi ngồi ở bờ Bắc sông Thạch Hãn để chuẩn bị vượt sông, sang bờ Nam tham gia cuộc chiến đấu khốc liệt bảo vệ Thành Cổ, các chiến sĩ đã có những khoảnh khắc thi vị nâng niu cánh ve và thả ve ở lại bờ Bắc, không mang theo vào chiến trường Thành Cổ để mong cho ve được sống. Những con ve trong “Mùi cỏ cháy” này đã đến từ “mùa ve” rộn rã trong thơ Hoàng Nhuận Cầm:
“Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu
Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ
Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có
Một hai ba giọng hát chú ve kim?”
(Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu)
Trước ngày vào tiền tuyến lớn, những chiến sĩ trẻ đã gửi lại với các em nhỏ ở hậu phương lời hẹn trìu mến ngày trở về sẽ lại vui thú đánh bi với các em, vậy là với “Mùi cỏ cháy”, những hòn bi không chỉ “lăn hết vòng tuổi nhỏ”mà còn lăn mãi trong đời. Hồn nhiên quá đỗi như Thành, không còn tuổi nhỏ nữa, đi đánh giặc vẫn mơ ngày trở về được mẹ “đánh đét vào mông một cái cho thật đau”. Bốn nhân vật Hoàng, Thành, Thăng, Long trong “Mùi cỏ cháy” đều được Hoàng Nhuận Cầm tập trung khắc họa, tô đậm những nét tài hoa độc đáo và đặc trưng của từng người. Hoàng tinh nghịch, yêu thơ, làm thơ và thích đọc thơ cho đồng đội nghe. Thành mê hát chèo, say sưa diễn chèo cho đồng đội xem khi còn ở trong doanh trại và ngay cả khi trên chiến trường. Thăng hay suy tư, viết nhật ký, đặc biệt, ngay từ năm 1971, Thăng đã tiên đoán về ngày chiến thắng sẽ đến vào năm 1975. “Hoàng chính là hình bóng của tôi. Thăng, lính thông tin rải dây chính là hình bóng của Nguyễn Văn Thạc” - Hoàng Nhuận Cầm bộc bạch vậy. Long lãng mạn, thích hát, thích đánh đàn và chính tâm hồn, tài nghệ của người chiến sĩ trẻ này đã nhận được tình yêu trong trắng của người con gái quê đang ngồi giặt áo bên giếng làng mà Long đã gặp, trước ngày hành quân vào Nam. Có thể nói, với bốn nhân vật Hoàng, Thành, Thăng, Long, Hoàng Nhuận Cầm đã diễn tả sinh động những hiện thân của một thế hệ “tài hoa ra trận”.
“Mùi cỏ cháy” bắt nguồn từ sức mạnh hồi ức, hoài niệm, trong đó có sự “tiếp sức” mạnh mẽ của những cuốn nhật ký chiến trường như đã nói. Nhưng với Hoàng Nhuận Cầm, sâu xa hơn, ý tưởng về “Mùi cỏ cháy” đã hoài thai ngay trong khói lửa chiến hào. Đó là cái điểm nhấn, điểm nút mà nếu kích vào sẽ vọt trào cảm hứng. Giữa những ngày vào Quảng Trị cùng đoàn Cục Điện ảnh Việt Nam, đoàn làm phim "Mùi cỏ cháy" tất bật tổ chức ra mắt bộ phim, giao lưu với khán giả, trong những phút hàn huyên, tâm tình cùng tôi, Hoàng Nhuận Cầm cảm khái kể: “Cái tôi nhớ nhất là giữa những làn đạn kẻ thù bắn sát sạt, xối xả, chiến sĩ Nguyễn Như Thìn, bạn tôi bảo: “Đạn bắn khiếp quá, trông cứ như phim ấy nhỉ”. Lúc đó, một thằng hèn sẽ vứt súng bỏ chạy. Nhưng với Thìn lại thấy đánh nhau cứ như phim. Lúc đó, tôi nghĩ nếu còn sống, tôi sẽ làm phim về Thành Cổ. Đấy là lời nguyền năm xưa của tôi ở chiến hào. “Mùi cỏ cháy” đã hình thành từ những ngày tháng ấy”. Quả đúng, đời người lính quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đẹp như phim, những bộ phim về bản hùng ca ra trận, về khúc tráng ca Thành Cổ, về tài hoa ra trận.
Đời đã như phim. Vậy phim phải xứng đáng với cuộc đời, phim phải đền đáp cuộc đời. Hoàng Nhuận Cầm đã nguyền và đã làm được theo lời nguyền sâu nặng của lòng mình với đồng đội, trong đó có những người bạn đã hy sinh như Nguyễn Văn Thạc, Vũ Đình Văn... luôn khiến anh day dứt khôn nguôi. Sức nặng của lời nguyền đó đã chuyển hóa trọn vẹn thành sức mạnh nghệ thuật của “Mùi cỏ cháy”, khiến cho có người xem phim đã thảng thốt, bàng hoàng đến mức không phân biệt được chuyện trong phim và chuyện ngoài đời. Đó là cảm xúc đặc biệt đã đến với chị Mai Thị Nuôi ở khu phố 2, phường 2, thị xã Quảng Trị, trong đêm chị đi xem phim “Mùi cỏ cháy” được công chiếu ngay dưới chân Đài tưởng niệm Thành Cổ Quảng Trị dành cho khán giả thị xã Quảng Trị. Trong phim có đoạn diễn tả thật cảm động cảnh Long hy sinh, trong mình mang theo cái kẹp tóc và chiếc khăn tay của người yêu gửi tặng đã thấm ướt máu đào Long ngã xuống, đồng đội Long chôn cất Long trong mưa, đặt cạnh mộ Long một cục đá để làm dấu mộ. Xem phim xong về nhà, chị Nuôi nghẹn ngào nói trong nước mắt với con là anh Hoàng Quốc Sương:
- Sương ơi! Chuyến ni bác Long về quê rồi. Bác không ở với mẹ con mình nữa.
Sương mở cửa đón mẹ, ngạc nhiên nói:
- Trông mẹ như người đang mê, như bị ai lấy mất hồn rồi.
- Thật rồi, con ạ! Bác Long bơi qua sông Thạch Hãn. Bác mới mất - Chị Nuôi khóc nức nở - Đồng đội chôn bác có làm dấu cục đá cạnh mộ bác.
Kể lại chuyện “nhập tâm” về liệt sĩ Long trong phim với tôi, chị Nuôi vẫn cứ như người trong cơn ngơ ngác: “Xem phim về, chị tưởng thật chứ không nghĩ là phim”. Thì ra, không chỉ trong “Mùi cỏ cháy” mà trong đời thật của gia đình mẹ con chị Nuôi cũng có câu chuyện nặng lòng với một liệt sĩ tên Long (trùng tên với nhân vật Long trong phim “Mùi cỏ cháy”) và nhiều liệt sĩ khác. Những năm qua, gia đình chị Nuôi đã cất bốc trong vườn nhà mình 9 hài cốt liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ Long. Ngày 23/7/2009, Sương bắt đầu hạ những nhát cuốc, nhát xẻng đào tìm hài cốt liệt sĩ Long trong vườn nhà mình. Sương đào sâu, ngồi xuống là ở tầm ngang ngực Sương, phát hiện được đầu hài cốt, xương và quai dép cao su của liệt sĩ Long. Sương còn đào gặp một cục đá tròn, nằm cách đầu liệt sĩ Long khoảng 20 cm. Người quanh xóm qua xem ngạc nhiên bảo: “Đất ni có cục đá lạ hè!”. Chị Nuôi đem cục đá vào cất trong nhà như cất một vật thiêng. Chị mua tiểu sành về để cất bốc hài cốt liệt sĩ Long, che rạp để 3 ngày, sau đó chôn tiểu xuống ngôi mộ xây ngay trong vườn nhà mình. Lúc này, hài cốt liệt sĩ Long vẫn chưa được cất bốc hết, vẫn còn hai chân của liệt sĩ nằm kẹt dưới hàng rào nhà anh Đậu Minh Hảo và chị Nguyễn Thị Hòa, nhà láng giềng liền kề với nhà chị Nuôi. Nửa tháng sau, khi mẹ con chị Nuôi linh cảm được rằng hài cốt liệt sĩ Long vẫn chưa được cất bốc hết, lúc này, anh Hảo bèn cho đập hàng rào nhà mình và anh đã đào tìm được hai chân của liệt sĩ Long. Lần này, cũng như lần trước, gia đình chị Nuôi đều báo cho chính quyền phường biết tin tìm được hài cốt liệt sĩ. Đến lần này, khi hài cốt liệt sĩ Long đã được cất bốc trọn vẹn cũng là lúc phường đồng ý đưa hài cốt liệt sĩ Long vào an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Quảng Trị. Dù thỏa nguyện khi đưa liệt sĩ Long vào nghĩa trang liệt sĩ, nhưng mẹ con chị Nuôi còn có một tâm nguyện thiết tha là muốn liệt sĩ Long luôn ở gần cùng bao đồng đội đang nằm lại trong vườn nhà chị. Vậy nên khi đào tiểu chôn liệt sĩ Long trong vườn nhà lên để đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Quảng Trị, chị Nuôi và Sương đã bốc lấy 7 nắm đất trong tiểu ra, cho vào một cái om sành rồi đem chôn xuống ngôi mộ đã xây cho liệt sĩ Long trong vườn nhà. Tôi đã đến thắp hương viếng mộ liệt sĩ Long trong vườn nhà chị Nuôi, kính cẩn đọc những dòng khắc ghi trên bia mộ:“Liệt sĩ Nguyễn Văn Long, Xuân Lộc, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cải táng: 23/7/2009 (1/6 Kỷ Sửu)”. Ôi! Ngôi mộ dành cho cái chết hóa thành bất tử, “mãi mãi tuổi hai mươi”, ngôi mộ xây bằng niềm thề nguyền đầy ân nghĩa của lòng dân dành cho liệt sĩ. Lời nguyền của Hoàng Nhuận Cầm với đồng đội và lời nguyền của mẹ con chị Nuôi với liệt sĩ đã là một. Thành ra mới có chuyện đời với phim, phim với đời như một. Mong sao mỗi một cuộc đời đều nuôi và đều sống tận lực với những lời nguyền vàng đá, như lời nguyền gan ruột với người thân, bạn bè, đồng đội, lời nguyền xứng đáng với quá khứ, lời nguyền vì cơm no áo ấm của muôn dân, lời nguyền với đất nước năm 2020 và mai sau, lời nguyền quyết làm rạng danh nòi giống Tiên Rồng.
…………………………..........
(1) Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2005, trang 31.
(2), (3) Mãi mãi tuổi hai mươi, Sđd, tr. 54, 55, 183.
Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An
|