Bút ký
Chẳng biết từ bao giờ con sông Cày như nét mày thiếu nữ đã trở thành biểu tượng của vùng đất có lịch sử hơn ngàn năm có lẻ Thạch Hà (1007 năm). Sông Cày gắn với bao biến đổi thăng trầm lịch sử, bao tên tuổi người Thạch Hà đến mức nhắc đến Thạch Hà người ta nghĩ tới sông Cày và ngược lại. Bởi thế, tất cả người con Thạch Hà dẫu không ai thầm nhủ với ai nhưng dường như trong tâm khảm mỗi người đều mang trong mình một món nợ gì đó với con sông đậm nghĩa tình quá đỗi.
Ngày hội trên sông Cày. Ảnh: DƯƠNG VĂN BẢY
Sông Cày bắt nguồn từ các khe núi Nhật Lệ, Báu Đài (Khe Xai) chảy qua Vĩnh Lưu xuống Ngọc Điền, Ngọc Lũy, Hà Hoàng (Thạch Trung, Thạch Hạ) ra ngã ba Kênh, rồi hòa mình đổ ra biển. Đó không chỉ là hành trình gom từng mạch nước nhỏ trong trẻo ở đầu nguồn để lớn dần lên hội tụ với các nhánh sông hói mà còn là hành trình lắng tụ của lịch sử văn hoá ngàn đời. Phủ vùi dưới lớp thời gian, lắng đọng qua bao phù sa không kể xiết, từ dưới lòng sông và men theo mạch chảy, Thạch Hà đã hình thành các trầm tích văn hoá nhắn gửi tới thế hệ hôm nay những thông điệp đầy tự hào và quý giá. Từ sườn núi đẹp rực rỡ khi mặt trời lên (nên mới có tên Nhật Lệ) đổ về Vĩnh Lưu, sông Cày đã gắn tên mình với di tích Cồn Lôi mốt – địa chỉ của người Việt cổ có niên đại cách đây hơn 4000 năm. Uốn lượn qua địa danh Ngọc Điền, Ngọc Luỹ, Sông Cày gắn với Miếu Rõi lặng lẽ, linh thiêng nằm sát cạnh bến sông, nơi hội tụ một thời của thương lái và cư dân đánh bắt thuỷ sản. Theo dã sử, Miếu Rõi xưa kia linh thiêng và ứng nghiệm vốn là nơi thờ giọt máu của Lý Nhật Quang. Ngày ấy, giao thông đường bộ không phát triển như bây giờ, mọi thông thương chủ yếu bằng đường thuỷ, cư dân làm ăn, buôn bán mỗi lần dọc theo sông Cày đều ghé Miếu Rõi cầu may. Bởi vậy, nơi đây đã thành nơi hội tụ và lắng đọng các giá trị văn hoá tinh thần, nơi chứng kiến các lễ hội văn hoá đặc sắc như hát đối đáp trên sông, lễ hội đua thuyền, đi cầu kiều, bắt vịt. Rẽ qua làng Cày, sông chảy về Đan Chế, với nguồn phù sa tươi tốt hình thành nên những rặng tre, bãi cọ kết tạo nên Đan Chế - Làng Đan nổi tiếng. Cùng với các nhánh sông suối nhỏ, sông hoà mình đổ ra biển qua cửa Sót mênh mang gắn danh thắng Quỳnh Viên, núi Nam Giới sừng sững. Cửa Sót - Núi Nam Giới không chỉ là địa danh cuối cùng trước khi vươn ra biển lớn của Thạch Hà mà còn là nơi phong cảnh hữu tình sản sinh những di sản văn hoá phi vật thể quan trọng mà lễ hội cầu cho mưa thuận gió hoà gắn với tưởng nhớ công đức Chiêu trưng Đại vương Lê khôi, các loại hình ví dặm Thạch Khê, hát đối đáp Thạch Hải… là tiêu biểu. Dường như mỗi tên làng tên xã theo dọc dòng sông đã để lại những dấu ấn văn hoá truyền thống tốt đẹp mà không phải đã nói hết được bằng lời. Chìm trong các lớp thời gian, sông Cày vẫn như đang trở mình với dòng chảy văn hoá liên tục, được bồi đắp ngày càng giàu có để hôm nay thôi thúc những ai ưa khám phá có thể tìm về những mảng bè chìm sống động, đồng thời tạo động lực cho Thạch Hà vươn lên mạnh mẽ trong phát triển và hội nhập.
Đi cùng năm tháng gắn với tên đất, sông Cày đã trở thành chứng tích văn hoá và lịch sử, là “chứng nhân” của các biến cố quan trọng trong các thời đại. Nói đến sông Cày người ta không chỉ nói đến một dòng sông mang trầm tích văn hoá mà còn nói đến một dòng sông gắn với khí chất con người Thạch Hà trong công cuộc chống ngoại xâm. Thạch Hà tự hào là địa chỉ đỏ của cao trào xô viết Nghệ Tĩnh, là cái nôi của cách mạng. Không những thế, Thạch Hà còn là địa phương góp công lớn trong cuộc chiến chống Mỹ xâm lược mà cao điểm là chiến thắng trận đầu của quân và dân Hà Tĩnh ngày 26/3/1965. Như được tiếp thêm sức mạnh, 5 ngày sau, ngày 31/3/1965, tự vệ Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với dân quân xã Thạch Thượng đã bắn cháy 1 chiếc F4 khi chúng liều lĩnh đến ném bom cầu Cày. Đây cũng là chiếc máy bay đầu tiên quân dân Thạch Hà bắn rơi. Ngày 19/4/1965 dân quân xã Thạch Thượng, Thạch Trung và tự vệ cơ quan đã phối hợp chặt chẽ với đại đội pháo 27 bắng rơi chiếc AD6 ngay trên cánh đồng Thạch Trung. Thời điểm này, giặc Mỹ điên cuồng ném bom bắn phá miền Bắc hòng cắt đứt chi viện miền Nam và gây áp lực cho chúng ta trên bàn đàm phán. Bởi vậy, các tuyến đường giao thông, các địa điểm cầu, phà trở thành trọng điểm đánh phá hết sức ác liệt. Trên địa bàn Thạch Hà, trong khoảng thời gian từ tháng 4/1965 trở đi, 57 km đường trục chính qua huyện và 25 cây cầu lớn nhỏ đã bị địch thường xuyên oanh tạc. Quân dân Thạch Hà với tinh thần “địch phá một ta làm mười” đã tạo được khí thế quyết tâm làm giao thông trong toàn huyện. Trong năm 1965, toàn huyện đóng góp được trên 25.000 ngày công vào công tác đảm bảo giao thông vận tải, ngoài ra phong trào làm giao thông nông thôn cung được đẩy mạnh, toàn huyện đã đào đắp được 303.292m2đất đa, làm được 7 chiếc cầu treo qua sông. Đặc biệt, trong thời gian này, cầu Cày (cùng với cầu Đông, cầu Phủ) là địa điểm máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá, quân dân Thạch Hà không chỉ gan dạ, dũng cảm đảm bảo thông tuyến mà còn mưu trí, dũng cảm đưa bộ đội chủ lực hành quân theo hướng đường 21, dọc theo sườn núi. Đấy chính là tinh thần đồng lòng hiệp sức, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của tập thể Ban Chấp hành đảng bộ huyện lúc bấy giờ mà sau này sử sách đã ghi lại.
|
Sông Cày vẫn thao thiết chảy |
Vắt từ Tây sang Đông, khởi nguồn là những mạch nước từ ngàn xanh đổ về tạo nên dòng chảy thông suốt đổ ra biển, sông Cày đã uốn lượn qua những địa hình phức tạp khác nhau của vùng đất Thạch Hà. Có lẽ xuất phát từ đó mà địa lý Thạch Hà đã hình thành 3 vùng với những lợi thế khác nhau: trà sơn, đồng bằng, duyên hải. Vùng trà sơn với lợi thế của địa hình lắm núi, là dãi Hoành Sơn xuôi mái đổ về hình thành nên đại ngàn xanh tốt và những rừng thông, rừng cao su do bàn tay con người vun xới vừa tạo nên lá chắn quan trọng cho mùa mưa lũ vừa nâng cao thu nhập cho người dân được giao quyền quản lý. Ngoài ra, với lợi thế của vùng đồi núi, nơi đây còn là nơi hình thành các trang trại chăn nuôi, các mô hình kinh tế chăn nuôi - trồng trọt như nuôi bò, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ở Thạch Xuân, Bắc Sơn. Vùng đồng bằng với lợi thế địa hình bằng phẳng, là nơi lắng tụ của phù sa, thuận lợi về nguồn nước nên hình thành những cánh đồng màu mỡ chuyên canh lúa như Thạch Lưu, Thạch Vĩnh. Đặc biệt, tại vùng đồng bằng với lợi thế là khu vực tiếp giáp thành phố Hà Tĩnh, vùng trung tâm nằm trên quốc lộ 1A nên đã hình thành Thị trấn Thạch Hà sầm uất với nhiều hình thức kinh doanh sôi động, gắn chặt với quy hoạch hệ thống đô thị của tỉnh từ Bắc vào Nam với Thị xã Hồng Lĩnh – Thạch Hà – Thành phố Hà Tĩnh – Vũng Áng, trong đó Thạch Hà được xác định là vũng “lõi” của hệ thống. Đặc biệt hơn, do chỗ sông Cày uốn lượn qua những những dải đất đồng bằng, tạo thành những khu đất lí tưởng để hình thành các khu du lịch ven bờ sông. Giờ đây quần thể khu du công viên Lý Tự Trọng với nhiều hình thức đã đi vào khai thác, khu du lịch Quỳnh Anh bên mạn bờ nam (TP Hà Tĩnh) đang được khởi động, cùng với đó là hàng loạt nhà hàng, khách sạn mọc san sát toả bóng xuống dòng sông, đón luồng gió mát lành từ biển. Trong tương lai không xa, sông Cày sẽ trở lại hình bóng tấp nấp ngày trước với những tua du lịch theo mái chèo về xuôi cùng với đó là các lễ hội trên sông được phục dựng. Nghĩ đến ngày ấy, trong tôi bỗng dưng nghe văng vẳng đâu đây những câu hát ngọt ngào tình tứ: Đò dọc sông đêm chòng chành trăng non đầu tháng. Miên man câu dặm, bờ ơi, người lạ bến quen/ Thạch Hà đêm nay đò xuôi ta về với biển (thơ Bùi Quang Thanh). Về với xuôi, Thạch Hà bừng tỉnh với những lợi thế thiên ban hết sức quý giá. Đó vừa là tiềm năng du lịch (bãi tắm Thạch Hải, danh thắng Quỳnh Viên) vừa là tiềm năng kinh tế với các loại hải sản phong phú, các loại khoáng sản như cát, aphatit, sắt có trữ lượng lớn, hứa hẹn sẽ làm nên một cuộc cách mạng về kinh tế - xã hội trên đất Thạch Hà.
Chẳng ai biết sông Cày đã mấy ngàn năm tuổi chỉ biết sông vui buồn với tuổi thơ mỗi người Thạch Hà. Cứ âm thầm lặng lẽ, sông miệt mài chảy mãi về xuôi như mang theo những nỗi niềm cùng hoài niệm của người Thạch Hà gửi gắm ra dòng sông cả để tìm kiếm sự chia sẻ, hoan ca. Bao hứa hẹn về sự đổi thay vẫn đang được ngóng chờ. Thời kinh tế khó khăn rồi sẽ đi qua, bình yên và sự thịnh vượng sẽ đến trên đất nước thân yêu này, Thạch Hà vẫn dang rộng vòng tay đón những bàn tay khối óc khắp cả nước về đây góp sức để đổi thay cuộc đời. Sông Cày sẽ vẫn thao thiết chảy về xuôi, người Thạch Hà sẽ vẫn kiên trì, nhẫn nại. Đó là hằng số trong đặc điểm tính cách dòng sông – con người Thạch Hà mà lịch sử đã tạo nên, không thể nào thay đổi được.
NGUYỄN MẠNH HÀ
thoe hà tĩnhonline
|