QĐND Online - 11 năm cùng đồng đội đi khắp các tỉnh Kra-ti-e, Công-pông-thơm và Mun-đun-ki-ri (Cam-pu-chia), làm công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Thượng tá Lê Huy Chung, Chính trị viên Đội quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ K72 (Đội K72), Bộ CHQS tỉnh Bình Phước, đã ghi chép cẩn thận những chuyến vượt rừng cùng đồng đội và thân nhân các liệt sĩ, tìm mộ người thân. Trong những hành trình ấy, có gia đình may mắn tìm được mộ người thân, nhưng cũng còn biết bao gia đình vẫn khắc khoải chờ mong…
Kỳ 1: Tìm mộ liệt sĩ ở rừng Ô-chom
Đầu tháng 11-2009, chúng tôi nhận được thông tin từ Bộ CHQS tỉnh Bình Phước: Đội sẽ đón 2 thân nhân từ Việt Nam sang để đi tìm liệt sĩ Nguyễn Hữu Thưởng (quê quán: xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, hy sinh ngày 20-12-1971, thuộc Đại đội 27, Tiểu đoàn 240, Cục Hậu cần Miền), là anh Nguyễn Văn Bá (cán bộ quân đội đã về hưu, em trai của liệt sĩ) và anh Lương Ngọc Khuyến (đồng đội cũ của liệt sĩ).
Nhận được tin báo, anh em trong đội ai cũng phấn khởi, bởi lâu lắm rồi mới có thân nhân và đồng đội liệt sĩ đi cùng, có thể việc tìm kiếm sẽ nhanh chóng, hiệu quả hơn. Mừng đấy, nhưng lại lo ngay, vì thời tiết bên đất bạn khắc nghiệt quá! Nắng như thiêu đốt, anh em trong Đội đi rừng về, mặt đỏ như quả gấc chín, áo ướt sũng mồ hôi, mà việc tìm kiếm chưa thu được kết quả.
Trưa cùng ngày, anh Bá và anh Khuyến về tới Đội. Qua trao đổi thông tin, tôi mới biết: Đồng chí Nguyễn Hữu Thưởng sau khi hy sinh được đồng đội an táng tại khu vực rừng Ô-chom, thuộc phum Cô, xã Ben-cha, huyện Sầm-pô, tỉnh Kra-ti-e.
|
Cán bộ, chiến sĩ Đội K72 vượt suối, băng rừng vào rừng Ô-chom
|
Đêm hôm đó, tôi và mấy anh em trong đội cùng anh Bá, anh Khuyến không sao ngủ được. Chúng tôi trao đổi thông tin, đưa bản đồ ra xem lại địa hình, xác định vị trí ngôi mộ. Càng về khuya, ánh trăng càng tỏ, soi rõ những cái đầu chụm lại trên chiếc bàn, cứ như chúng tôi đang bàn kế hoạch tác chiến trước một trận đánh. Rồi mọi việc cũng kết thúc lúc gần 1 giờ sáng. Anh em bảo nhau chợp mắt một chút vì sáng mai còn phải đi sớm.
5 giờ 15 phút, toàn đội báo thức, anh em nhanh chóng chuẩn bị quân tư trang. Ngoài những dụng cụ đào tìm, lần này chỉ huy Đội quyết định đem theo 7 ngày ăn, bởi có thể sẽ phải ở rừng lâu.
Từ vị đóng quân tạm thời, đội chúng tôi hành quân bằng xe tải vượt đoạn đường hơn 150km từ thị trấn Sầm-pô đến bến sông Mê Kông. Ngồi trên xe tải, đi được khoảng 50km đường tốt thì đến đường đất, đá gồ ghề, khiến chiếc xe cứ “nhảy” chồm chồm.
Đến bến sông, chúng tôi thuê xuồng máy, đi ngược dòng Mê Kông hơn 70km. Đến bờ sông bên kia, Đội nghỉ lại ăn trưa và dựng lán trại ngay bên bờ sông, chuẩn bị vào rừng tìm hài cốt liệt sĩ. Đây đã thuộc địa phận rừng Ô-chom rồi, nhưng từ bờ sông phải hành quân bộ, lội suối 5km mới tới được vị trí an táng liệt sĩ Thưởng. Đi bên cạnh tôi, anh Khuyến lúc nhìn sang trái, lúc nhìn sang phải, rồi quay sang bảo: Địa hình thay đổi nhiều quá! Ngày anh Thưởng mất mình không có ở đó. Sau này trên đường hành quân, mình chỉ đến thắp hương cho Thưởng một lần, không biết giờ có nhận ra ví trí ấy nữa không.
Tâm sự của anh Khuyến khiến chúng tôi lường trước một điều, đó là việc tìm phần mộ liệt sĩ Thưởng chắc sẽ vô cùng khó khăn!
Quả đúng như vậy, ngày thứ nhất, cán bộ, chiến sĩ trong Đội tiến hành đào tìm theo sự chỉ dẫn của anh Khuyến và đối chiếu trên bản đồ. Những lát xẻng bập xuống, một giờ, 2 giờ, rồi một ngày trôi qua…bao khối đất được lật lên, nhưng phần mộ vẫn chưa thấy.
Ngày thứ hai, chúng tôi vẫn tiếp tục đào, đồng thời cử một lực lượng nhỏ đi tìm nhân chứng sống gần khu vực này. Khu vực ven suối này đi mãi mới thấy một nhà dân. Dân ở đây rất thưa, thường cách một cây số mới có một mái nhà; thậm chí có nơi phải đi tới 2 km mới có một nhà dân. Ngày thứ 2 trôi qua, việc đào tìm vẫn chưa có kết quả, trong khi lực lượng đi thu thập thông tin vẫn chưa có tín hiệu gì báo về. Chiều hôm đó trời lại đổ mưa, buộc chúng tôi phải rút quân về lán trại. Riêng số cán bộ đi nắm thông tin vẫn tiếp tục tìm người dân dò hỏi.
Ngày thứ ba, chỉ huy Đội quyết định dừng việc đào tìm, chờ thêm tin tức, bởi anh Khuyến chưa xác định đúng vị trí an táng, mà nhìn trên bản đồ thì chỉ một chấm bút chì cũng có thể bằng cả hecta rừng! 9 giờ sáng, mọi người đang ngồi giải lao thì nhận được tin từ các đồng chí đi thu thập tin tức: Một người dân có tên Sâm-him, biết vị trí khu mộ ở trong rừng! Ai cũng mừng!
|
Bà Sâm-him (người Cam-pu-chia) đi đầu dẫn đội vào khu vực mộ ở rừng Ô-chom
|
Ngay chiều hôm ấy, được sự chỉ dẫn của bà Sâm-him, Đội tổ chức đào tìm và kết quả đạt được lớn hơn mong đợi: 3 mộ liệt sĩ đã được tìm thấy. Khó khăn lại đặt ra, đó là cả 3 bộ hài cốt đều được gói tăng cẩn thận, còn nhiều xương răng, nhưng không có tên để xác định ai là liệt sĩ Thưởng. Trong khi đó anh Khuyến không nhớ chính xác được vị trí các ngôi mộ vì kể từ ngày anh đến thắp hương ở đây, thời gian trôi qua đã quá lâu rồi.
Cuối cùng anh Bá quyết định làm đơn và xin mỗi ngôi mộ một chiếc răng, mang về nước để xét nghiệm AND. Sau khi xét nghiệm xong, anh Bá sẽ quay trở lại đơn vị hoàn trả 3 chiếc răng nói trên.
Đội chúng tôi chia tay anh Bá, anh Khuyến và đợi tin các anh chuyển qua. Sau 3 tháng hồi hộp chờ đợi kết quả xét nghiệm, chúng tôi đã nhận được tin vui từ gia đình anh Bá: Qua xét nghiệm những chiếc răng tại Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đã xác định được ngôi mộ ở nằm giữa chính là mộ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thưởng.
Sau đó gia đình anh Bá đã đưa kết quả xét nghiệm vào để nhận mộ liệt sĩ Thưởng, đồng thời hoàn trả hai mẫu răng cho các liệt sĩ ở hai ngôi mộ liền kề. Sau này, hai liệt sĩ đó được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bình Phước.
Trò chuyện với tôi qua điện thoại, anh Bá òa khóc, nghẹn lời: “Xin cảm ơn toàn thể cán bộ, chiến sĩ Đội K72; cảm ơn bà con nhân dân Cam-pu-chia đã giúp đỡ gia đình tôi tìm lại được phần mộ anh Thưởng. Vậy là sau gần 40 nằm trên đất bạn Cam-pu-chia, anh tôi đã được về an nghỉ tại quê nhà”.
Duy Thành, ghi theo lời kể của Thượng tá Lê Huy Chung
|