Bài 2: Viêng Chăn: Hiền hòa và thân thiện
QĐND - Tôi đã đến Thủ đô Viêng Chăn nhiều lần, rong ruổi nhiều nơi trong thành phố này nhưng chưa bao giờ bắt gặp cảnh đánh nhau, cãi nhau. Đường phố rộng thênh thang mà không hề có một tiếng còi xe nào. Tất cả người dân mà chúng tôi gặp trên các đường phố, các nhà hàng, trong hội nghị ở đây đều nở nụ cười thân thiện khi nghe chúng tôi hỏi, giúp đỡ tận tình khi chúng tôi đề nghị. Viêng Chăn xứng đáng là một trong những thành phố hiền hòa và thân thiện nhất thế giới.
|
Tượng đài các anh hùng liệt sĩ tại Thủ đô Viêng Chăn
|
Đại tá Căn Thoong, Chánh văn phòng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào cho tôi biết: Đại đa số nhân dân Lào theo đạo Phật. Nhiều gia đình cho con mình gửi vào chùa một thời gian để rèn sự kiên nhẫn và hiền hòa. Người Lào có truyền thống đoàn kết và thân thiện với tất cả mọi người. Với Việt Nam, nhân dân Lào càng yêu quý và kính trọng vì sự giúp đỡ vô tư của Việt Nam và mối tình đoàn kết đặc biệt Việt-Lào.
Theo tiếng Lào, Viêng Chăn có nghĩa là “trăng”. Thành phố Viêng Chăn là thành phố Trăng, vừa linh thiêng vừa gần gũi với tất cả mọi người. Viêng Chăn là nơi lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về đạo Phật bởi xứ Lào cũng là xứ chùa. Nước Lào trong thế kỷ 20 rất nhiều năm có bom rơi, đạn nổ, nhưng thật may mắn cho Thủ đô Viêng Chăn hầu như các đền chùa cổ vẫn còn nguyên vẹn. Những ngôi Chùa ở đây không chỉ mang lại một không gian đậm chất kiến trúc Lào, mà còn là hiện thân của văn hóa, cách sống, và thói quen gìn giữ bản sắc.
Có lẽ đạo Phật cũng đã ảnh hưởng đến phong cách sống của người Viêng Chăn. Chúng tôi để ý, người Viêng Chăn ra đường thong thả hơn người Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Kể cả đi công sở, đi chợ, đi học, đi chơi đều thong thả, không hấp tấp vội vàng. Đến các chợ ở Viêng Chăn, chúng tôi cứ ngỡ vào siêu thị hay khu triển lãm bởi nó được tổ chức khá gọn gàng và trật tự, không lo mất cắp. Thủ đô Viêng Chăn có dân số tăng khá nhanh, theo số liệu đến tháng 6 năm 2012 đã có hơn 800 nghìn người. Đường phố Viêng Chăn có khá nhiều ô tô, nhưng tôi chưa thấy hiện tượng ùn tắc giao thông xảy ra. Nguyên nhân quan trọng nhất để không xảy ra ùn tắc giao thông ở đây là ý thức tham gia giao thông của người dân. Người Lào có đức tính nhường nhịn rất cao. Người đi bộ trên đường phố gặp nhau thường chắp tay trước ngực để chào “Sa-bai-di”. Nếu khách du lịch học được câu này thì rất thú vị. Đại lộ Lan Xang rộng đến cả vài chục thước nhưng mỗi làn đường xe ô tô chỉ sắp hai hàng. Dù cho bên phải, bên trái có rộng rãi bằng mấy nhưng cũng ít xe vượt lên để mà tranh đường với các phương tiện khác.
Người Viêng Chăn đi ngủ rất sớm, thường trước 22 giờ. Các quán ăn hay điểm vui chơi giải trí ở đây cũng tuân theo thói quen này tuy không có chế tài nào quy định cả.
Ngay cả phố Pha Ngum chạy dọc sông Mê Công sôi động nhất của Viêng Chăn cũng không có nhà hàng nào mở cửa sau 23 giờ. Trên phố này có khá nhiều quán “nhậu”, nhưng chúng tôi để ý dường như người Lào chỉ có uống bia Lào và rượu Lào. Phong cách uống cũng khác với các “anh chị” người Việt, người Lào uống bia, rượu theo kiểu “nhấm nháp”.
Tại Viêng Chăn, bà con Việt kiều khá đông, nhiều người Lào cũng nói thành thạo tiếng Việt, vì thế, chúng tôi không thể phân biệt nổi đâu là người Lào, đâu là người Lào gốc Việt, vì tất cả đều đoàn kết và thân thiện. Anh Phạm Văn Tín, Việt kiều tại Viêng Chăn, quê ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình nói với chúng tôi: Việt kiều tại đây đều gắn bó với đất nước Lào và hướng về Tổ quốc Việt Nam; chung sức cùng nhân dân Lào xây dựng đất nước Lào tươi đẹp và củng cố mối tình đoàn kết đặc biệt Việt-Lào. Các món ăn của người Việt ở Viêng Chăn cũng khá nhiều, tập trung ở phố Na-xay. Đặc biệt có món mì Quảng, phở Hà Nội và hủ tiếu Sài Gòn.
Đi trên các đường phố của Viêng Chăn, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những dòng chữ Việt tại trụ sở của các doanh nghiệp Việt Nam. Các ngân hàng lớn của Việt Nam như Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB)… đã có mặt tại Viêng Chăn. Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đã đầu tư nhiều vốn tại Lào và hiện tại mạng thông tin di động của Viettel đã phủ sóng gần như toàn bộ lãnh thổ Lào. Chi nhánh của Viettel tại Lào cũng là một trong những doanh nghiệp nộp thuế và nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất nước Lào.
Đồng chí Tạ Minh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Lào cho biết: Trong mấy năm gần đây, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước đang có nhiều khởi sắc; đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào tăng nhanh, hiện đạt 3,57 tỷ USD với 424 dự án, đứng thứ hai trong số các quốc gia đầu tư vào Lào. Hai bên đang rà soát lại tiến độ triển khai và phấn đấu để làm cho các hoạt động đầu tư tại Lào tập trung, có trọng điểm và đạt hiệu quả thực chất. Các cơ quan hữu quan hai nước cũng đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD vào năm 2012 và 2 tỷ USD vào năm 2015.
Bài và ảnh: Đỗ Phú Thọ
Bài 1: Hủa Phăn mặn mà tình nghĩa
Bài 3: Lắng đọng Luông Phra-băng
|