Ăn xong chiếc bánh, tôi vội lên xe phóng thẳng, tất nhiên là không quên trả đủ tiền cho bà chủ quán. Câu chuyện của bà đúng chỉ là chuyện vặt ngang đường, vậy mà không hiểu sao nó cứ ám ảnh tôi mãi. Không chỉ còn là chuyện vài chiếc bánh, cũng không phải chỉ là chuyện bực bõ của người bị lừa, mà nó đã trở thành chuyện niềm tin ở cuộc đời này...
Buổi sáng hôm ấy có cuộc họp nên tôi rẽ vào một quán bán bánh mì patê bên đường ăn tạm. Cái quầy nhỏ trông xập xệ. Vài chiếc bánh chỏng chơ trong cái tủ kính nứt nẻ. Tôi ngồi trên chiếc ghế nhựa cũ xỉn chờ bà chủ quán nhồi patê vào chiếc bánh nguội tanh nguội ngắt. Kiểu này chắc cũng phải mất vài chục phút mới có nổi cái bánh để ăn. Đã thế, bà chủ quán có bộ mặt đăm đăm hình như chỉ chờ có khách tới là trút bầu tâm sự. Mới gặp tôi lần đầu mà bà làm như đã quen từ lâu, cứ sồn sồn tuôn ra hàng tràng những bức xúc mà có lẽ đã chất chồng trong lòng từ lâu:
- Đấy, cậu xem, tôi bán từng cái bánh mong kiếm mấy đồng bạc còm sinh sống, thế mà lại có đứa lừa cả tôi nữa.
Tôi hỏi lấy lệ:
- Lừa chị thế nào? Có mất nhiều không?
- Cũng chỉ dăm chiếc bánh mì patê thôi, nhưng mà tức nổ ruột, nổ gan cậu ạ. Nó cầm bọc bánh treo vào xe máy hẳn hoi rồi mới quay lại xuýt xoa: "Chị ơi, sáng nay đi vội quá nên em quên ví tiền ở nhà. Ngày mai em quay lại trả chị ngay có được không ạ?". Tôi quay ra, thấy chiếc xe máy màu đỏ mới tinh. À, cái biển số hình như toàn là số 5 thì phải. Tôi biết thế là vì vô tình nhìn thấy thôi, chứ có phải Công an đâu mà quan tâm đến cái số xe làm gì. Cậu tính, nó ăn mặc lịch sự thế. Chiếc xe máy chắc cũng phải bốn, năm chục triệu. Thế thì ai mà chả tin. Tôi chẳng đắn đo, bằng lòng cho nó chịu ngay. Vậy mà đã quá mười ngày rồi, nó mất hút con mẹ hàng lươn. Tôi không ngờ bây giờ lại có cái kiểu lừa đảo tẹp nhẹp, oái oăm đến thế. Trông thì rõ là con nhà hiền lành tử tế.
Nghe thủng câu chuyện, tôi lựa lời an ủi:
- Chắc không phải đâu chị ơi. Lừa gì chả nói chứ mấy cái bánh thì…Với lại, trông chị thật thà thế này ai nỡ…
Không ngờ, bà chủ quán xua xua tay, vẻ mặt đầy chua chát:
- Ối giời! Cậu nghĩ thế hả? Càng thật thà càng là mồi ngon cho chúng nó xẻo thịt, đẽo xương đấy - Lời lẽ của bà mỗi lúc một thêm róng riết - Khổ! Tại sao tôi lại tin ngay nó cơ chứ! Giá hôm ấy tôi nhất định không cho nó mang bọc bánh đi thì có phải là tiền không mất mà lại không rước cái bực vào thân không. Thật ra, đồng tiền thì chẳng đáng là bao, nhưng cái ức, cái ân hận là mình ngu dại nó cứ ám vào người mãi, không dứt ra được.
Tôi thành tâm khuyên bà không hơi đâu mà quàng vào người những chuyện vặt vãnh chẳng đâu vào đâu như vậy. Nhưng xem chừng những lời khuyên của tôi không có tác dụng. Giọng bà đắng đót:
- Cậu nói phải! Nhưng thú thật với cậu là chính vì cái chuyện vặt vãnh, chẳng đâu vào đâu ấy mà ngày mai tôi bỏ cái nghề bán bánh này để chuyển sang làm công việc khác đấy.
- Chuyển công việc? Làm gì đến nỗi ấy.
- Đảo điên hết rồi cậu ạ. Cái đứa mặt hoa da phấn, quần là áo lượt, giàu nứt đố đổ vách lại đi lừa cả những người phải lăn lưng kiếm từng đồng, từng cắc như tôi. Thế thì cậu bảo còn ra thể thống gì nữa. Tôi phải chuyển việc khác thôi. Dù có là công việc nặng nhọc nhưng lòng mình được nhẹ nhõm thanh thản thì vẫn hơn cậu ạ.
Để giết thời gian, tôi cũng góp chuyện:
- Vâng! Nếu chị thấy làm việc khác có hiệu quả hơn thì cũng tốt chứ sao.
- Chẳng giấu gì cậu, cái việc bán bánh trái này cũng kiếm được đủ miệng ăn nhưng mà gặp phải vài cái đứa như cái con nặc nô kia thì chắc là tôi chết vì lộn tiết mất. Từ thuở bé đến giờ, tuy nghèo thật nhưng tôi nào dám lấy của ai một đồng kẽm. Mà dạo trước sống ở trong quê, tôi cũng chưa bị ai lừa bao giờ. Sống với nhau cứ thật thà như đếm. Gặp nhau là tay bắt mặt mừng. Vậy mà mấy hôm nay tôi nhìn ai cũng thành kẻ lừa đảo. Thì cậu tính, trông mặt mũi nó hiền lành, ăn mặc lịch sự, lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ thế, ai ngờ lại là con ăn cắp.
Thấy vẻ mặt sầu muộn và những lời rất gan ruột của chị, tôi ái ngại:
- Chị ơi! Nhưng chị nghĩ vậy có hơi quá không?
- Cậu mà nhìn thấy bộ dạng nó thì cậu cũng bị lừa ngay. Nhưng tôi thề với cậu, kể từ bây giờ, tôi mà còn tin đứa nào nữa thì tôi là con chó cún!
- Chết! Chị đừng nghĩ thế. Không phải ai cũng là kẻ cắp đâu chị ạ.
Bà chủ quán lắc đầu quầy quậy:
- Thôi khỏi! Tôi còn là người tin người hơn cả cậu cơ. Nhưng từ lúc bị cái con ranh ấy lừa, tôi mới ngã ngửa ra là mình ngu đần, khờ khạo quá. Mình ngu thì mình chết chứ chẳng ai thương mình đâu cậu ạ. Từ nay tôi phải cảnh giác. Nhất định tôi phải cảnh giác! Tôi mà đã cảnh giác thì đố đứa nào lừa được tôi lấy một xu. Tôi nói thật đấy! Mà còn cậu nữa đấy. Tôi khuyên cậu là chớ có tin người. Cả tin là có ngày khốn nạn đấy.
Thấy khó mà lay chuyển nổi cái con người vốn chân chỉ hột bột này, tôi đành đưa đẩy câu chuyện sang một hướng khác:
- Lúc nãy chị nói chị chuyển làm việc khác. Chắc mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn?
- Năm ngoái bà chị họ ở tận Thanh Hoá định vời tôi về làm người giúp việc. Nhà bà ấy giàu lắm. Thú thật với cậu là tôi chúa ghét cái cảnh đi hầu hạ, dù là người họ hàng. Nhưng bây giờ thì tôi nhận lời. Thà chịu nhục một chút còn hơn sống trong cái cảnh nhiễu nhương toàn những kẻ lừa đảo xung quanh mình thế này. Không biết rồi còn khốn đốn đến đâu nữa.
Ăn xong chiếc bánh, tôi vội lên xe phóng thẳng, tất nhiên là không quên trả đủ tiền cho bà chủ quán. Câu chuyện của bà đúng chỉ là chuyện vặt ngang đường, vậy mà không hiểu sao nó cứ ám ảnh tôi mãi. Không chỉ còn là chuyện vài chiếc bánh, cũng không phải chỉ là chuyện bực bõ của người bị lừa, mà nó đã trở thành chuyện niềm tin ở cuộc đời này. Bà chủ quán bánh mì tuy tính khí có hơi khác đời, nhưng có một sự thật là trong lòng bà đang có một sự đổ vỡ thật thê thảm. Có lẽ một người suốt đời quen sống chân chất, thật thà như bà thì cái cú lừa bất ngờ của cô gái mua bánh nọ khác nào như cú đấm “nốc ao”. Mà cũng lạ, dăm cái bánh mì có đáng là bao mà sao cái vị khách nào đó thật táng tận lương tâm. Nghe theo lời tả của bà chủ quán thì kẻ lừa đảo đó là người giàu sang. Ừ, thì ở đời thiếu gì kẻ giàu có nhưng tâm tính ti tiện. Về của cải tuy chẳng đáng là bao nhưng cái mất của lòng tin thì quả là đáng sợ. Nhớ lại vẻ mặt tái nhợt đi vì tuyệt vọng cùng những lời lẽ xa xả của bà chủ quán, tôi thấy lạnh sống lưng. Tôi hình dung, chắc chắn rồi đây bà chủ quán vốn bản tính rất nhu mì kia sẽ chọn cho mình cách sống khác, khôn ngoan hơn và rất có thể sẽ nanh nọc hơn. Sẽ có một cuộc đổi chỗ của một người chất phác, hiền lành cho một kẻ xét nét, hoài nghi, độc địa. Vậy ai dám bảo đó không phải là cái sự mất mát to lớn, đáng phải lưu tâm.
Tôi giảm ga xe máy, lòng tê tái. Những lúc gặp những chuyện tương tự thế này, tôi thường có thói quen nhớ lại câu văn của Nam Cao trong truyện ngắn “Lão Hạc”: "Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn". Tôi nén lòng, tăng ga vượt lên cái dốc cao đến cơ quan. Chắc là tôi sẽ phải vào họp muộn mươi phút vì cái "chuyện vặt" kia.
*
Chắc chắn tôi sẽ quên câu chuyện của bà bán bánh mì patê hôm ấy, nếu như hôm sau tôi không đến thăm một người bạn cùng câu lạc bộ cầu lông. Anh bạn này không may có người vợ hơn chục ngày trước bị tai nạn giao thông đã qua đời. Do tôi đi công tác xa nên bây giờ mới đến thăm viếng được.
Ngồi trong phòng khách, thấy tôi cứ trân trân nhìn chiếc xe màu đỏ có biển số toàn những con số 5, anh chồng rầu rĩ nói:
- Đấy là chiếc xe của vợ tôi. Xe thì không việc gì mà người thì… Sáng hôm ấy, vợ tôi đi mua bánh mì cho cả nhà. Nhìn thấy bọc bánh văng trên đường mà lòng tôi cứ thắt lại…
Trời ơi! Tôi thốt lên. Lòng quặn thắt. Thì ra vậy! Tất cả đều do sự trớ trêu ở đời mà nên. Tôi muốn nắm lấy tay anh bạn mà kêu thật to: "Oan uổng quá! Vợ cậu oan uổng quá!". Nhưng tôi đã kìm lòng lại. Chuyện này không ai có lỗi. Và tất nhiên là tôi sẽ phải giấu anh chồng tội nghiệp cái chuyện vặt này. Nói ra chỉ thêm đau lòng.
Tôi uống vội chén nước rồi ra xe phi thẳng đến cái quán bánh mì hôm trước.
Cái quán không còn nữa. Chỉ còn mấy viên gạch vỡ rêu phong lăn lóc trên vỉa hè.
Vậy là bà chủ quán đã nhất quyết đổi nghề cùng với lòng thù hận thói đời đen bạc, bất nhân. Tôi hiểu, thế là mọi sự đã không thể cứu vãn được nữa.
Lòng cảm thấy bồn chồn. Bỗng dưng tôi lại vận đến câu nói của nhà văn Nam Cao: "Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác"
Tôi dắt xe, lê đi từng bước
Truyện ngắn của Hồ Thuỷ Giang