Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  VỀ LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM- ĐIỀU TRÔNG THẤY - ghi chép Trần Quang Liên VỀ LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM- ĐIỀU TRÔNG THẤY - ghi chép Trần Quang Liên , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Ngày 27 tháng 6 vừa qua mấy anh chị em Blog Xứ Đoài cùng một số hội viên CLB thơ bạn quanh vùng rủ nhau về Đường Lâm-thị xã Sơn Tây, làng cổ, nơi địa linh nhân kiệt nổi tiếng trong và ngoài nước.

Thành phố lùi dần về phía sau lưng. Không gian thoáng đãng rộng mở. Trời trong xanh. Núi Ba vì xanh thẫm trước mặt.

Đường Lâm  có 5 làng : Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Vào Đường Lâm có 3 lối : Lối cổng chính rẽ đường 32,qua khoảng ruộng xanh mát mắt là vào làng Mông Phụ. Lối thứ hai rẽ đường 32 vào Đông Sàng, chợ và chùa Mía. Lối thứ ba từ tỉnh lộ Sơn Tây đi Đá Chông rẽ vào làng Cam Lâm.

Cổng làng Mông Phụ cổ kính hai mái chảy lợp ngói, hai tường đầu hồi bít đốc rộng rãi, thoáng đãng . Hai cánh cổng gỗ trơ gan cùng tuế nguyệt rộng mở đón chào khách muôn phương. Cổng núp dưới bóng cây đa cổ thụ có 300 năm tuổi càng tôn vẻ uy nghi của cổng làng cồ nhất nhì nước Việt.

Mọi con đường làng đều bê tông hóa phẳng phiu, sạch bong. Lối vào chùa Mía, đầu làng Đông Sàng, một đầm sen bát ngát đang mùa hoa, ngát hương. Đặc trưng của Đường Lâm là hệ thống tường bao, cổng và nhà đều xây bằng đá ong, thứ nguyên liệu cổ xưa, truyền thống.Sau mùa gặt đường làng không mấy rơm rạ. Chỉ trước sân đình mấy đám lạc củ đang phơi. Làng lúa thuần nông hối hả vào mùa cấy nên nhà nhà đều vắng người. Ở Mông Phụ từ xưa nay vẫn có hệ thống đường xương cá ăn ra đường trục. Mọi con đường đều đổ về đình làng và chỉ một lối ra cổng làng.Người đi từ đình ra không bị quay lưng vào cung thờ thành hoàng. Hệ thống đường xương cá xưa cũng tiện cho việc đuồi và bắt cướp.

Lang-co-Duong-Lam4

Đình Mông Phụ. Được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông)

Đình ở trung tâm làng. Kiến trúc kiểu cổ , mái đao cong. Đình còn nguyên vẹn mặt sàn gỗ lim hàng trăm mét vuông, chuông đồng, khánh đá, bia bảng, hoành phi câu đối có niên hạn lâu đời. Cấu trúc đình còn giữ cổ xưa : Sân đình thấp hơn mặt đường (quan niệm phong thuỷ của người xưa tụ thủy sinh phúc ). Giếng đình miệng rộng, quây tròn bằng những tảng đá ong lớn  rêu xanh phủ, được xem là mắt rồng.Hai rãnh thoát nước ra ao làng ở hai mé đình tạo thế râu rồng. Một lão làng quần áo trắng, râu tóc bạc phơ ngồi xếp bằng trên chiếu giữa tả mạc, nhẩn nha ôn tồn tiếp khách bên ấm chè xanh quyện điếu thuốc lào bốc khói, thứ thuốc lào đặc sản của đất Đường Lâm.

Lang-co-Duong-Lam3

Thắp hương vái thành hoàng ở đình xong, chúng tôi tìm vào ngôi nhà cổ . Đường Lâm có 956 ngôi nhà cổ tập trung ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh.Nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu (năm 1649, 1703, 1850...). Đặc trưng của nhà cổ truyền thống ở đây là tất cả đều được xây bằng đá ong. Mông phụ là làng có nhiều nhà cổ  được xếp hạng . Ngay cạnh đình, xóm Sủi là nhà của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng , ngôi nhà cổ nhất Đường Lâm. Chủ nhà chạc ngoại tứ tuần, chững chạc và cởi mở. Ngôi nhà nằm gọn trong khuôn viên hơn 400m vuông. Ngôi nhà này được xây dựng vào năm 1649. Anh Hùng là đời thứ 12 sinh ra và lớn lên tại đây. Sở dĩ xác định được niên đại của ngôi nhà là dựa vào bài văn cầu khấn tổ tiên phù hộ cho bình an của cố tổ anh Hùng, do Đại chánh pháp sư tiến hành, nay còn giữ được.Ngôi nhà 3 gian, 2 chái, sáu hàng chân, tiền kẻ hậu bẩy. Vách ngăn lát ván, soi búp măng. Cột kèo toàn gỗ. Mái lợp ngói ri. Dạ tàu mái hiên  thấp. Cửa bức bàn . Bậu cửa cao, cửa thấp, ra vào phải cúi đầu. Ngạch cửa chôn gạch. Hè nhà và sân lát gạch vuông cổ. Anh Hùng cho biết ngôi nhà tuổi thọ đã lâu, vật liệu xuống cấp, mấy năm trước bảo tàng, bảo tồn ta kết hợp chuyên gia Nhật khảo cứu rồi khoan đúc cốt nên nhà còn đứng vững như ngày nay. Trong nhà, bên cạnh bàn thờ tiên tổ treo tấm bằng công nhận di tich nhà cổ.Tất cả có 10 ngôi nhà cổ được cấp bằng di tích từ 19 tháng 5 năm 2006. Hàng ngày anh Hùng đón hàng trăm khách thăm quan, Tây có, ta có. Có cả đoàn điện ảnh về mượn cảnh quay phim. Trong khuôn viên nhà anh bài trí cả phòng ăn và tiếp khách. Đoàn nào có nhu cầu nghỉ ăn trưa, báo trước 30-40 phút là có cơm . Thực đơn có thịt gà Mía, cá chép ao làng, xôi và cơm gạo thơm hương vị làng quê. Được biết mấy năm trước đây có đề xuất UNESCO công nhận Đường lâm di sản thế giới nhưng người Đường Lâm không mấy mặn mà, họ chỉ muốn công nhận làng cổ thôi. Lý do cũng đơn giản : Người được lợi về tài trợ chi phí cho nhà cổ quá ít (10 nhà).Các tua du lịch cũng chỉ chú ý khai thác có lợi cho họ, ít quan tâm đến chủ nhà cổ. Nhà xuống cấp, không đủ tiền sửa chữa. Ở theo kiểu cổ chật chội, không tiện sinh hoạt ngày nay.Dân số tăng nhanh. Nhiều nhà đã cơi nới, xây dựng theo kiểu hiện đại. Địa phương cũng đang lúng túng. Để bảo tồn làng cổ, phải chuyển 6000 nghìn dân ra đất giãn cư mới. Có đất rồi nhưng dân lấy tiền đâu xây dựng. Thế nên có người nhận đất rồi bán đi lại về làng cũ ! Bài toán thật khó. Chung quy cũng chỉ thiếu tiền. Thảo nào, từ Đông Sàng sang Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh lô nhô cao thấp nhà hai ba tầng, xen lẫn nhà mái cổ. Không gian làng đang bị vỡ.

Lang-co-Duong-Lam1

Rời Mông Phụ, chúng tôi về chợ Mía Đông Sàng. Ngày trước, chợ thênh thang trên khoảng đất rộng. Ngày phiên đủ các mặt hàng con giống lợn gà, thực phẩm tươi sống, mật mia, bánh trái, măng tươi, củ quả, thừng chão, áo tơi lá, nón chảo… Sản vật miền rừng từ Ba Vì và các vùng quê đến. Còn nhớ câu : “ Đi chợ Mía gặp cô hàng mật/dùng tay kẹo lại hỏi thăm đường”. Bây giờ chợ chỉ còn khoảng hẹp. Cầu quán đã xây lại gạch ngói, mái tôn. Hàng hóa, cả ông lang bốc thuốc đã ra các cửa hàng mặt đường 32. Một thị tứ mới đang hình thành. Trong chợ giờ còn vài hàng vặt và quán nước phục vụ khách thăm quan. Chị hàng nước thấy khách quen đon đả mời chào. Lâu mới lên chợ nên tôi không tiện từ chối. Chị rót nước mời. “nước giếng Hè/chè Cam Lâm”. Chè đun nước giếng đá ong, màu chè xanh trong, lịm nơi đầu lưỡi và ngấm ngọt vào cổ họng. Chị quán  mời thêm kẹo lạc Đông Sàng vị đậm, giòn tan, thứ kẹo ngày xưa làm từ mật mía nổi tiếng nhất vùng. Chưa hết, chị còn cho mỗi người chúng tôi dăm chiếc bánh tẻ gói lá rong với gạo quê bốc mùi thơm chỉ ở Đông Sàng mới có.

Lang-co-Duong-Lam2

Cạnh quán hàng là Chùa Mía (SÙNG NGHIÊM TỰ), Chùa có tuổi thọ nghìn năm tuổi. Nghe nói chùa có trước nhiều năm khi bà Chúa Mía ( Cung phi chúa Trịnh Tráng) về trùng tu lại. Chùa nổi tiếng với 278 pho tượng bằng đất  và tượng Quan Âm tống tử. Bước qua tam quan chùa, dưới bóng đa cổ thấy ngay một tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa cao 13 m, là nơi  bái vọng xá lỵ đức Phật. Trước vườn chùa một dãy chum sành to chừng gần hai mươi cái xếp hàng ngay ngắn. Hỏi ra được biết là những chum tương nhà chùa làm để phục vụ lễ lạt, cơm đãi quanh năm. Trước đây Đường Lâm là nơi có nghề làm tương nổi tiếng.Trong chùa cổ ánh sáng mờ tỏ, hương khói thoang thoảng, mùi ẩm lạnh như vào hang động đưa ta về cõi hư vô thoát tục. Những cây cột gỗ lớn trong chùa một người ôm không xuể, nhiều cây đã mục. Người ta đã khắc phục bằng cách khoét vá gỗ mới hoặc gắn xi măng vào. Tượng ở đây không sắc nét, không biểu lộ đủ cung bậc tình cảm vui buồn, lo lắng, giận dữ…như ở chùa Tây Phương mà hiền khô như…Bụt ! Sân chùa mấy cây ngọc lan tỏa hương thơm ngát. Bất ngờ chúng tôi vấp phải một con chó bec giê cao to chừng 30-40 kg nhốt trong cũi sắt. Tiếng chó sủa giật mình. Hỏi ra mới biết năm ngoái trộm đột nhập chùa định cuỗm đi tượng quý. Sư cụ trụ trì chùa đã được một tín chủ hiến con chó giữ chùa !

Rời Chùa, chúng tôi sang Cam Lâm viếng lăng Ngô Quyền (898 - 944) và lễ đình Phùng Hưng ( 760 -802 ). Đoạn đường không xa, chừng hai cây số. Trời chiều nắng gắt nhưng đường làng mát dịu dưới ngàn cây cổ thụ, tưởng như đang đi trong rừng. Đền và lăng Ngô Quyền nằm trên sườn đồi thoai thoải, trước mặt là thung lũng bao la lộng gió ngàn. Xung quanh cây cối trùm mát rượi con đường lát đá ong lối vào. Đền nhỏ nhưng có thần vàng. Trong đền nhiều câu đối hoành phi cổ, đặc biệt có một cây cọc Bạch Đằng, chứng tích lịch sử thời chống quân Nam Hán xâm lược (938). Hội đền tưởng nhớ  Ngô Vương ngày 18 tháng giêng hàng năm.Thấp thoáng đằng xa rặng duối buộc voi chiến của Ngô Vương còn đó.Mười tám cây duối cổ thụ thành hàng. Có cây đường kính 2 m, cao hơn 10 m. Mấy anh thợ ảnh đang mải loay hoay tìm thế, dàn cảnh chụp cho đôi trai gái sắp thành hôn. Hẳn họ muốn cảnh xưa kỳ vĩ vào hạnh phúc hiện thực hôm nay. Khung cảnh hoang sơ cây rừng, lau lách càng tô thêm vẻ tôn nghiêm, trầm mặc, thần bí của vùng địa linh nhân kiệt, một đất hai vua.

Mấy bà quán bán hương hoa, đồ lễ ngay lối vào đền sởi lởi mời khách uống chè xanh và kẹo lạc. Trẻ trâu thấy khách lạ bấu quanh. Mấy người khách Tây chụp ảnh lia lịa, xem chừng họ thích đi ngao du phong cảnh hơn là đi thăm di tích.

Ra về, lòng miên man : Đường Lâm làng cổ đã ngàn năm còn đó. Nhưng trước cơn sóng thị trường, đô thị hóa hiện đại, vài ba chục năm nữa liệu có còn di tích ? Con Lạc cháu Hồng nhớ đến Làng cổ Đường Lâm tìm thấy ở đâu ? Hay chỉ còn trong sách vở, phim ảnh hay trong hoài niệm .

Chiều tà, nắng  nhạt. Bên kia đồi ánh lên màu trắng tinh khiết của đàn cò đi kiếm ăn về. Đằng tây, bóng núi Ba Vì đổ dài một vùng thung xanh.

Ngày 2 tháng 7 năm 2012 
Trần Quang Liên
Đan Phượng- Hà Nội

                            Theo Nguyenduyxuan


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 65166409

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July