Có lẽ không ai không biết đến Truyện cổ Rùa vàng (Kim quy cổ truyện)(1) và cuộc tình duyên giữa Mị Châu và Trọng Thủy. Câu chuyện xoay quanh từ việc xây thành và chế tạo nỏ thần đến mối tình giữa Mị Châu và Trọng Thủy cùng tấn bi kịch nước mất nhà tan của cha con An Dương Vương.
An Dương Vương sau khi hợp nhất Tây Âu và Lạc Việt thành nước Âu Lạc lớn mạnh đã cho xây thành Cổ Loa để đề phòng hiểm họa ngoại xâm đang đe dọa đất nước. Trải qua bao khó khăn “nền đắp tới đâu thì lở tới đấy”, nhờ có sự trợ giúp của thần linh diệt trừ yêu quái, công việc xây thành đã hoàn tất. Thần còn trao móng thần cho An Dương Vương để làm vũ khí chống giặc. Nhưng trong cuộc chiến với Triệu Đà, An Dương Vương đã bị thất bại do mắc mưu cha con Triệu Đà, cho con trai kẻ thù ở rể và bí mật của nỏ thần đã bị chàng rể đánh cắp. An Dương Vương thất bại, vua đã phải giết Mị Châu, người con gái duy nhất của mình. Cuối cùng, cuộc tình Mị Châu - Trọng Thủy cũng vỡ tan theo bi kịch của An Dương Vương.
Truyện cổ Rùa vàng là truyền thuyết dân gian xuất hiện đầu tiên trong sách Lĩnh Nam chích quái, (LNCQ) “là một tập sách ghi chép những truyền thuyết và truyện cổ của nước ta”(2) viết bằng chữ Hán, xuất hiện từ thời Lý - Trần(3). Truyền thuyết này còn được ghi trong các bộ sử lớn như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử lược… Mặt khác, truyền thuyết còn được ghi trong các sưu tập truyện cổ dân gian khác như Thiên Nam vân lục liệt truyện và Mã lân dật sử, các bộ sử diễn ca như Thiên Nam ngữ lục, Việt sử quốc âm, Đại Nam quốc sử diễn ca… hay trong các bản thần tích mới sưu tầm gần đây.
Năm 1960, lần đầu tiên LNCQ được hai ông Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San dịch ra tiếng Việt theo bảnLNCQ A.33. Sau đó một năm, năm 1961, LNCQ lại được ông Lê Hữu Mục dịch ra tiếng Việt từ bản LNCQ của thư viện Phạm Quỳnh(4). Việc nghiên cứu văn bản để tìm về bản cổ của LNCQ cũng được các học giả đi trước thực hiện và theo đó nhiều truyện của LNCQ đã được dịch, tuyển trong các công trình nhiều tập như Thơ văn Lý - Trần(5); Văn xuôi Việt Nam thời trung đại(6), Tinh tuyển văn học Việt Nam(7). Ngoài ra, Truyện Rùa vàng còn xuất hiện trong các tác phẩm biên soạn truyện cổ tích của nước ta thời hiện đại như Truyện cổ nước Nam của Nguyễn Văn Ngọc(8), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi(9)…
Từ những năm 61, Truyện Rùa vàng đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận kéo dài 6 số trên Tập san Nghiên cứu văn học (1/61 - 5/1961). Các vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm đó là: xác minh nguồn tư liệu và chủ đề của tư tưởng của truyện. Vấn đề đầu tiên các nhà nghiên cứu đặt ra là phải xác minh nguồn tư liệu. Sở dĩ câu truyện Mị Châu, Trọng Thủy trở thành “điểm nóng” của các cuộc tranh luận là bởi trước đó tác giả Song Bân cho rằng, truyền thuyết được văn bản hóa là truyền thuyết đã bị các sử gia phong kiến xuyên tạc, còn truyền thuyết đang lưu hành trong dân gian là truyền thuyết của nhân dân, và ông đã chủ trương chọn truyền thuyết của nhân dân để nghiên cứu(10). Xoay quay vấn đề này giữa các nhà nghiên cứu đã có nhiều ý kiến khác nhau. Học giả Lê Phương Anh cho rằng “Các truyện cổ được sáng tác và ghi chép có phần đã xuyên tạc truyền thuyết của nhân dân, nhưng phần khác - mà phần này là phần chính - là đã ghi lại được nội dung truyền miệng của nhân dân thời xưa. Việc ghi chép này có tác dụng bảo tồn và cố định được truyện cổ và có tác dụng thống nhất dần dần cốt truyện truyền miệng giữa các địa phương và làm hình thành cốt truyện có tính chất toàn quốc”. Theo tác giả Lê Phương Anh, cốt truyện Mỵ Châu trong LNCQ, văn bản đang lưu hành được soạn lại từ thế kỉ thứ XV “cũng đáng cho chúng ta quan tâm, không kém gì nội dung do các ông già, bà cả trên dưới 100 tuổi ở Cổ Loa hiện nay kể lại”(11). Nhà nghiên cứu Đỗ Hữu Tấn cũng cho rằng, truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy được ghi lại lần đầu tiên trong LNCQ, trừ một số sách chính sử đã loại bỏ đi những chi tiết hư cấu nghệ thuật, hầu hết các sách ghi chép truyện này đều “đã dựa vào câu chuyện đã ghi trong LNCQ cả”(12)…
Cho dù còn khác nhau trong quan niệm về tư liệu, song tựu trung các tác giả đều cho rằng câu chuyện Mị Châu - Trọng Thủy trong LNCQ có thể coi là “một văn bản tĩnh”, là bản kể định hình cổ nhất câu chuyện này” và vì vậy “khi phân tích truyền thuyết An Dương Vương, các nhà nghiên cứu thường căn cứ vào bản kể Truyện Rùa vàngtrong LNCQ”(13).
Tuy nhiên, LNCQ là tác phẩm có rất nhiều dị bản. Theo thống kê của chúng tôi, hiện còn 15 bản LNCQ viết bằng chữ Hán, Nôm được lưu giữ tại một số thư viện ở Hà Nội, như Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Viện Sử học và Thư viện Quốc gia, Thư viện Phạm Quỳnh. Tất cả các bản LNCQ hiện còn đều là văn bản chép tay với tình trạng văn bản hết sức phức tạp. Việc nghiên cứu văn bản để tìm về bản cổ của LNCQ cũng đã được các nhà nghiên cứu đi trước quan tâm, song do chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu văn bản nên chưa xác định một cách thật sự thuyết phục đâu là bản cổ của LNCQ. Gần đây, khi đi sâu nghiên cứu văn bản LNCQchúng tôi đã tìm thấy một bản LNCQ tương đối cổ. Bản này có lẽ được sao và thời Hậu Lê, từ bản LNCQ do Đoàn Vĩnh Phúc biên soạn và năm 1544, từ bản LNCQ của Vũ Quỳnh. Đó là bản LNCQ kí hiệu A.2914, lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đây là bản LNCQ duy nhất (cho đến nay)phù hợp với tiêu chí mô tả sách này của tác giả thời phong kiến như Phan Huy Chú, Ngô Thì Sĩ... Trong bài viết này, chúng tôi xin sử dụng bản LNCQ nói trên làm tài liệu nghiên cứu (các vấn đề về văn bản LNCQ xin xem thêm ở các bài viết ghi qua phần Chú thích và tài liệu tham khảo cuối bài viết này)(14).
Truyện cổ Rùa vàng trong LNCQ A.2914, về cơ bản không có gì khác với bản kể trong các bản LNCQ hiện biết. Song, đi sâu so sánh có thể thấy sự thay đổi ở một số tình tiết quan trọng giữa bản này với các bản LNCQ khác.
Đoạn kể từ khi cha con An Dương Vương "cả tin", mắc mưu cha con Triệu Đà cho đến hết truyện như sau:
"Đà giả sai con Trọng Thủy vào đội túc vệ rồi cầu hôn với Mị Châu, con gái vua. Vua chẳng ngờ kế gian của Đà cha bèn đồng ý, chọn ngày nhận sính lễ, làm đám cưới, vợ chồng hòa hợp. Trọng Thủy dụ dỗ công chúa Mị Châu lén lấy nỏ thần cho xem. Trọng Thủy ngầm làm nỏ khác thay nỏ thần Kim Quy. Trọng Thủy nói dối Mị Châu bảo: "Ta phải về Bắc thăm hỏi cha mẹ, sau này hai nước nếu có thất hoà, nam bắc cách biệt, ta trở lại tìm nàng, làm thế nào có thể gặp được". Mị Châu nói: "Thiếp là thân nữ nhi, gặp cảnh chia li thì đau đớn lắm". Trọng Thủy nói: "Nàng vẫn mang chiếc áo lông ngỗng bên mình, đi tới đâu rắc lông ngỗng ra đánh dấu đường, ta nhìn thấy sẽ đến cứu". Trọng Thủy lễ tạ vua cáo từ về đất Bắc để gặp cha Triệu Đà.
Triệu Đà được nỏ thần mừng rỡ bèn cất binh sang đánh. Vua không biết nỏ thần đã mất, ung dung ngồi chơi cờ vây, cười bảo: "Đà không sợ ta có nỏ thần sao?". Quân Đà tiến sát đến, vua mới mang nỏ ra bắn nhưng thấy nỏ thần đã mất bèn rút chạy. Vua cùng Mị Châu cưỡi ngựa, hai cha con chạy về phía Nam. Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng để đuổi theo. Vua chạy đến bờ biển thì cùng đường, không có thuyền để qua. Vua lớn tiếng gọi: "Trời hại ta, Giang sứ ở đâu, mau mau ra cứu ta". Rùa vàng vụt nổi lên trên mặt biển, thét vua rằng: "Hãy giết kẻ ngồi sau ngựa, đó là giặc Bắc, ta sẽ đến cứu vua". Vua bèn rút kiếm chỉ lên trời lạy rằng:"Con ta trung hiếu, chết làm trân châu”. Mị Châu cũng khấn rằng: "Thần là con gái nếu có lòng phản cha, ngầm mưu giết cha, chết đi hóa thành tro bụi, nếu trung hiếu một lòng, vì nghe chồng lừa dối, chết đi xin được hóa thành ngọc đẹp". Vua chém con gái Mị Châu ở bên bờ biển, máu chảy ra sông, ngoài đất, sò hến ăn vào hóa thành ngọc sáng. Rùa vàng rẽ nước đưa vua đi.
Đời truyền rằng đó là đất Dạ Sơn, thôn Cao Xá, Diễn Châu. Quân Đà và Trọng Thủy đuổi tới đây, mênh mông chẳng thấy gì, chỉ còn lại thi thể Mị Châu nằm chết ở bên sông. Trọng Thủy đau đớn, nhớ đến tình nghĩa vợ chồng bèn ôm xác nàng mang về Loa thành, đắp mộ mai táng, xác hóa thành đá ngọc. Trọng Thủy thương nhớ Mị Châu bèn trở lại giếng tắm, nhìn thấy hình bóng Mị Châu bèn lao đầu xuống giếng. Người đời sau muốn có ngọc sáng bèn lấy nước giếng rửa, ngọc càng sáng thêm. Nhân tránh tên Mị Châu nên đổi là ngọc Minh châu. Ở dưới sông, thành ngọc "thổ trân", "tiêu dao".
Có thể dễ dàng nhận ra trong LNCQ A.2914, nhân vật chủ động hiến kế "rắc lông ngỗng" là Trọng Thủy, không phải Mị Châu như các bản kể khác của LNCQ . Từ hành động "dụ dỗ" Mị Châu cho xem nỏ thần để rồi đánh tráo nỏ giả, cho đến hành động chủ động hiến kế cho Mị Châu "rắc lông ngỗng" đánh dấu đường, tất cả đều nằm trong một âm mưu có tính toán sẵn của Trọng Thủy. Mị Châu là cô gái ngây thơ trong trắng, có lẽ cô không biết được tai nạn lớn sắp xẩy đến với mình, với quốc gia, dân tộc. Trong khi nghe chồng nói đến chuyện "hai nước thất hòa, nam bắc cách biệt", cô chỉ biết nói: "Thiếp là thân nữ nhi, gặp cảnh chia li thì đau đớn lắm". Có lẽ Trọng Thủy cũng đã nhận thức được việc chia tay lần này khó có cơ hội để hai người gặp lại, nên đã chủ động gợi ý để Mị Châu "rắc lông ngỗng". Việc tác giả LNCQ A.2914 không để cho Mị Châu chủ động hiến kế "rắc lông ngỗng" không chỉ thể hiện sự lôgic trong câu chuyện, mà còn chứng tỏ sự cảm thông, lòng khoan dung của nhân dân đối với Mị Châu. Nếu để Mị Châu hiến kế "rắc lông ngỗng" (như các bản LNCQ khác) sẽ làm cho việc "kết tội" Mị Châu có thêm bằng cớ. Hành động trên của Mị Châu cùng với việc Mị Châu để cho Trọng Thủy lấy cắp nỏ thần đã hoàn tất "bản án kết tội" Mị Châu là người tiếp tay cho kẻ thù xâm lược, làm cho việc kết tội Mị Châu là "giặc" của sứ Thanh Giang có thêm những chứng cớ "xác đáng".
Tình tiết khi sứ Thanh Giang thét vua: "Hãy giết kẻ ngồi sau ngựa đó là giặc Bắc, ta sẽ đến cứu vua" (không phải "Thần Kim Quy chỉ vào mặt Mị Châu thét lớn" như các bản kể LNCQ khác), An Dương Vương đã không dùng gươm chém con gái ngay mà "rút kiếm chỉ lên trời lạy rằng: "Con ta trung hiếu, chết làm trân châu". Sau khi khấn xong, ông còn để thời gian cho Mị Châu "bày tỏ" nỗi oan khiên của mình rồi mới chém con.
Điều đáng ca ngợi nhân vật An Dương Vương là ở chỗ ông dứt khoát đặt quyền lợi của dân tộc, đất nước lên trên tình cha con, gia đình, là tấm lòng khoan dung (cũng tức là sự khoan dung của nhân dân) đối với Mị Châu. Trách nhiệm để xảy ra bi kịch nước mất nhà tan thuộc về ông, không phải Mị Châu. Sứ Thanh Giang (cũng là đại diện của nhân dân) cũng đã trách ông, không phải Mị Châu, cho thấy việc mất nước thuộc trách nhiệm của An Dương Vương. Nhưng Mị Châu cũng chấp nhận tội chết, chứng tỏ nàng thấy một phần trách nhiệm của mình, chỉ xin: "nếu trung hiếu một lòng, vì nghe chồng lừa dối, chết đi xin được hoá thành ngọc đẹp". Điều Mị Châu mong mỏi tha thiết trước khi chết không phải để kiếp sau gặp lại Trọng Thủy mà chỉ muốn "hóa thành ngọc đẹp" để chứng minh cho tấm lòng trong trắng của mình (15). Việc tác giả LNCQ đứng về phía cô, để cho cô hóa thành ngọc đẹp phản ánh sự đánh giá sáng suốt của nhân dân đối với Mị Châu. Tình tiết "An Dương Vương khấn trước khi chém con" cũng thể hiện tấm lòng khoan dung của người cha đối với con. Ông không nỡ chém ngay con gái vì ông đã tin con gái mình có tấm lòng "trung hiếu" và mong muốn con gái "chết đi thì hóa thành trân châu".
Trong truyện này, tác giả (đại diện cho người dân) đã xét xử rất công minh, thấu tình, đạt lý. Mị Châu, Trọng Thủy có tội phải đền, có oan được rửa. Cái oan của họ là do chiến tranh xâm lược gây ra. Họ không được sống với nhau trọn đời trên thế gian này nhưng khi chết họ được biến thành "ngọc trai giếng nước" để mãi mãi gắn bó bên nhau. An Dương Vương chủ quan, mất cảnh giác nên thất bại. Nhưng An Dương Vương không chết, ông đã được rùa vàng cứu thoát đưa xuống biển. Trong quan niệm của người dân, An Dương Vương là người anh hùng dân tộc, ông vĩnh viễn sống trong lòng người đất Việt(16). Người anh hùng cũng có khi lầm lỡ, đó là cách nhìn rất rộng lượng và khoan dung của nhân dân đối với An Dương Vương.
Có được nhân sinh quan đẹp đẽ, nồng ấm tình người ấy ở Truyện Rùa vàng trong LNCQ, có lẽ là nhờ tinh thần tổng hợp bao dung ở thời đại Lí - Trần. Sự bắt gặp giữa tình thân ái “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, được kế tiếp bằng tư tưởng từ bi bác ái của Phật giáo, cộng với học thuyết nhân nghĩa của Khổng Mạnh đã làm nên cốt cách và tâm hồn thời đại Lí - Trần. Câu chuyện Nhã Lang gửi rể ở thời Triệu Việt Vương trong sách Việt điện u linh đã lặp lại gần như nguyên trạng câu chuyện Trọng Thủy ở thời An Dương Vương. Trọng Thủy và Nhã Lang đều là nhân vật chủ động hiến kế “rắc lông ngỗng”(17). Cho đến nay chúng ta chưa biếtLNCQ mượn của VĐUL, hay VĐUL lấy lại của LNCQ. Truyện cổ Rùa vàng là truyện về thời Âu Lạc của An Dương Vương, còn Triệu Việt Vương và Lí Nam Đế là truyện ở thời Bắc thuộc. Cứ theo thời điểm của truyện thìTruyện cổ Rùa vàng trong LNCQ phải xuất hiện trước sách VĐUL. Cho dù xuất hiện ở thời nào, nhưng sự gặp gỡ tư tưởng giữa hai tác phẩm càng chứng tỏ chúng ra đời trong cùng giai đoạn. Giai đoạn “hình thành nên giá trị nhân bản, trong đó lòng nhân ái, nhân đạo trở thành cảm hứng chủ đạo trong văn chương”.
Nhiều nhà nghiên cứu khi phân tích những giá trị nhân bản thời Lí - Trần đã dẫn bài thơ Ai phù lỗ của Huyền Quang: “Khóa huyết thư thành dục kí âm; Cô phi hàn nhạn tái vân thâm; Kỉ gia sầu đối kim tiêu nguyệt, Lưỡng xứ mang nhiên nhất chủng tâm” (Chích máu thành thư muốn gởi lời; Lẻ loi nhạn lạnh, ải mù khơi; Đêm nay mấy kẻ sầu trăng nhỉ?; Xa cách nhưng lòng chỉ một thôi). Bài thơ bày tỏ sự thương cảm sâu xa của Thiền sư thi sĩ đối với tên giặc bị bắt. Nhà thơ như hiểu được tâm trạng khắc khoải của tù nhân. Ông như thấy nỗi nhớ quê hương, gia đình da diết trong con người đó nên đã viết lên những dòng thơ thật xúc động. Không có tấm lòng “Thương người như thể thương thân” thì làm sao có tình cảm để viết về tên tù như vây? Lòng nhân ái, khoan dung của dân tộc đã giúp nhà thơ phân biệt được kẻ thù trong chiến tranh thật đáng ghét, nhưng khi kẻ thù đã thất bại thì cũng thật đáng thương. Sự phân biệt rạch ròi cái yêu, cái ghét của nhân dân ta thông qua thái độ ứng xử với những con người lầm lỗi thể hiện đạo lí nhân nghĩa của dân tộc.
Trong sách ĐVSKTT còn ghi lại nhiều chuyện phản ánh tinh thần nhân đạo cao cả của nhân dân ta. Có thể kể ra vài ví dụ: Vào năm Canh Tuất (1010), năm Lí Thái Tổ lên ngôi, mùa đông năm ấy vua xuống chiếu “cấp quần áo, lương thực, thuốc men cho 28 người lính man bị Ngọa Triều bắt, sai người đưa về quê cũ”(18). Năm Giáp Thân (1044), vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Bấy giờ quân Chiêm bày trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ để chống cự lại quan quân. Vua cho quân sĩ dựng cờ, nổi trống sang tắt ngang sông đánh. Binh lính chưa chạm nhau mà quân Chiêm đã tan vỡ. Quan quân đuổi theo chém được 3 vạn thủ cấp, bắt sống hơn 5 nghìn người, máu giặc nhuộm gươm giáo, xác chết đầy đồng. “Vua tỏ ý cảm khái, xuống lệnh rằng: “Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha”(19). Sau này khi biên soạn ĐVSKTT, Ngô Sĩ Liên cũng phải khen ngợi rằng “Tấm lòng ấy của vua cũng như tấm lòng của Tống Thái Tổ chăng. Truyền ngôi được lâu dài là phải lắm”(20).
Nhân nghĩa vốn là những khái niệm của Nho gia, nhưng khái niệm này đã được các nhà văn hóa dân tộc từ thời Đinh, Lê, Lí, Trần hiểu theo ý nghĩa rộng rãi và tích cực, vượt qua nhận thức và nhãn quan Nho giáo, đó không chỉ là mối quan hệ tốt giữa con người và con người mà còn là lòng yêu thương con người, nhân loại.
Sự gặp gỡ nhân sinh quan đẹp đẽ đó trong Truyện cổ Rùa vàng với các tác phẩm cùng giai đoạn càng chứng tỏ câu chuyện chưa bị nhiều lớp bụi của thời đại sau này che phủ. Những tình tiết trong bản LNCQ A.2914, càng làm nổi bật hơn tinh khoan dung, cởi mở và nhân đạo cao cả - một nét đẹp trong truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta.
CHÚ THÍCH VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Truyện cổ rùa vàng (Kim quy cổ truyện) là tiêu đề của truyện này trong LNCQ .2914.
- Lĩnh Nam chích quái. Đinh Gia Khánh (chủ biên). Nguyễn Ngọc San biên khảo - giới thiệu. In lần thứ hai, có sửa chữa, bổ sung. Nxb. Văn học. H. 1990. Trong Lời giới thiệu, GS. Đinh Gia Khánh viết: “Lĩnh Nam chích quái là một tập sách ghi chép những truyền thuyết và truyện cổ tích của nước ta”.
- Theo tựa của Vũ Quỳnh đăng trên đầu sách LNCQ (bản A.2914), Ông viết: “Không biết bắt đầu từ thời nào, do ai hoàn thành, không ghi rõ họ tên. Ý chừng viết ra đầu tiên là những bậc tài cao học rộng thời Lí - Trần, còn nhuận sắc thì do các bậc quân tử, các nhà hiếu cổ ngày nay”.
- Lĩnh Nam chích quái: Lê Hữu Mục dịch. Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1961. Trong Lời nói đầu, ông Lê Hữu Mục cho biết bản LNCQ mà ông dịch là bản LNCQ do Phạm Quỳnh đã thuê viết lại. “Nhà học giả Phạm Quỳnh trong khi cho người sao - lục những bản cổ - văn thường sửa - chữa lại những điểm mà ông cho là sai”. Vì vậy bản LNCQ do ông Lê Hữu Mục dịch thực chất là một bản do Phạm Quỳnh mới sao chép gần đây, khác với các bản đã được ghi số kí hiệu thư viện như LNCQ A.2914, A.33, A.1300…
- Thơ văn Lý - Trần: Nxb.KHXH. Tập I: năm 1977; Tập II: năm 1989; Tập III: năm 1978.
- Nguyễn Đăng Na: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại. Nxb. Giáo dục. 1977.
- Nguyễn Đăng Na: Tinh tuyển văn học Việt Nam. Tập 3. Nxb. KHXH, H. 2004
- Nguyễn Văn Ngọc: Truyện cổ nước Nam. Vĩnh Hưng Long thư quán. H.1932 - 1934, KHXH. H. 1990, 392 tr.
- Nguyễn Đổng Chi. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. In lần thứ tám. Nxb. Giáo dục. 2000.
- Song Bân: Nên hiểu truyện Mỵ Châu thế nào cho đúng. Nghiên cứu Văn học (NCVH), số 1/1961. Nhà nghiên cứu Song Bân sau khi sưu tầm tư liệu ở Cổ Loa đã đưa ra một ý kiến khác về hình ảnh “ngọc trai giếng nước”, một hình ảnh đẹp đẽ vốn có trong các bản kể của LNCQ và các tác phẩm sưu tầm truyện cổ dân gian của nước ta. Đó là “nhân dân Cổ Loa không công nhận thuyết Mỵ Châu hóa ngọc trai”, “nhân dân Cổ Loa cũng không công nhận thuyết Trọng Thủy tự tử thành giếng nước, trái lại cho rằng Mỵ Châu chết rồi vẫn uất hận dìm Trọng Thủy chết”.
- Lê Phương Anh: Góp ý kiến nhận định về truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy. NCVH, số 4/1961.
- Đỗ Hữu Tấn: Nên khai thác và đánh giá truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy như thế nào. Nghiên cứu Văn học, số 5, 1961.
- Trần Thị An: Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn. H. 2000.
- Nguyễn Thị Oanh: Về quá trình lưu truyền các loại văn bản Lĩnh Nam chích quái. Tạp chí Hán Nôm, số 3 (48) - 2001.
- Nguyễn Thị Oanh: Về các bản Lĩnh Nam chích quái hiện còn. Tạp chí Khoa học sư phạm, số 2, 2001.
- Nguyễn Thị Oanh: Một số vấn đề liên quan đến văn bản Lĩnh Nam chích quái. Thông báo Hán Nôm học năm 2001.
- Hoàng Tiến Tựu: Sự phát triển của truyền thuyết chống ngoại xâm từ Thánh Gióng đến An Dương Vương.Tạp chí Văn học, số 4/1979.
- Đỗ Hữu Tân. NCVH, Sđd, tr.80.
- Lí Tế Xuyên: Việt điện u linh. Trịnh Đình Rư dịch theo bản A.751 của Thư viện Khoa học. Nxb. Văn hóa, H. 1960. Trong truyện Triệu Việt Vương và Lý Nam đế có đoạn: …"Nghe tin Bá Tiên về Lương, Phật Tử mới xưng là Nam đế, đem quân xuống phía đông đánh nhau với Triệu Việt Vương ở Thái Bình, năm trận chưa phân được thua. Sau Nam đế thế yếu phải lui, biết rằng Triệu Việt Vương có thuật lạ mới xin hòa. Triệu Việt Vương nghĩ tình Nam đế là họ vua Lý Bôn không nỡ cự tuyệt, mới cùng chia đất định giới hạn ở quận Thần châu. Nam đế giữ đất Ô - diên, sai sứ sang Triệu Việt Vương cầu hôn cho con trai là Nhã Lang, Triệu Việt Vương thuận tình, Nhã Lang được kết hôn với con gái Việt Vương là Cảo Nương và sang làm Phò mã. Đôi vợ chồng rất thân yêu. Ở ít lâu, Nhã Lang hỏi Cảo Nương rằng: “Nay đã là một nhà xin cho hỏi thật, vương phụ tài giỏi đã đành song còn có thần thuật gì nữa mà khiến cho cha ta phải thán phục?”. Cảo Nương tin chồng mới đưa mũ đâu mâu có móng rồng cho Nhã Lang xem và nói: “Cha thiếp xưa nay ra trận liền thắng là nhờ có cái móng rồng trời cho này!” - Nhã Lang xem xong, cố rình lấy trộm cái móng rồng ấy, rồi bảo Cảo Nương rằng: “Ta ở đây đã lâu ngày, xa cách song thân lòng rất tưởng nhớ, xin tạm biệt nàng để về nhà vấn an, nhưng đường xa, thời gian đi về không thể mau chóng được. Trong khi ta đi vắng, vạn nhất có sự gì xảy ra, nàng theo Vương phụ đi về phương nào thì cứ lấy lông ngỗng rắc lên đường, ta sẽ tìm thấy”. Nói xong, Nhã Lang ra về, tới nhà đưa móng rồng và trình rõ để Nam đế biết. Nam đế rất mừng, liền cất quân sang cõi Việt. Triệu Việt Vương không kịp phòng bị, lúc biết tin vội vàng đội mũ đâu mâu dẫn quân ra trận thì mũ đã mất thiêng, giao binh liền thua. Thấy thế nguy cấp, Triệu Việt Vương mới đem con gái chạy xuống phía nam định tìm nơi đất hiểm để ẩn. Đến một chỗ tạm nghỉ thì quân Nam đế đuổi theo đã gần kịp. Triệu Việt Vương sợ hô to lên rằng: “Thần Hoàng long! Sao chẳng giúp ta?” Liền thấy rồng vàng hiện ra, chỉ vào Cảo Nương mà nói: “Vì cô kia đem lông ngỗng rắc đường, cho nên quân địch biết lối theo kịp, sao nhà vua chẳng giết đi!”. Triệu Việt Vương liền chém chết Cảo Nương vứt xuống nước, rồi phóng ngựa chạy ra cửa bể Tiểu nha, bị nghẽn đường lại phải chạy sang cửa Đại - nha, tới đó than rằng: “Ta cùng đường mất rồi” - Bỗng thấy rồng vàng rẽ nước ra rồi dẫn Vương xuống bể. Nam đế theo tới nơi không thấy tăm hơi gì cả, mới dẫn quân về”(tr.20).
- 19. 20. Đại Việt sử ký toàn thư. Bản in Nội các quan bản. Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Lời giới thiệu: GS. Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn. Khảo cứu về tác giả, văn bản, tác phẩm: GS. Phan Huy Lê dịch và chú thích: Ngô Đức Thọ. Hiệu đính: GS. Hà Văn Tấn. Nxb. KHXH, H. 1993, tr.242, tr.266, tr.266./.
Nguồn:Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.934-946
Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An
|