Chân dung nhà thơ Hàn Mặc Tử (ký họa của Trần Đình Thụy)
Nguyễn suốt đời lẽo đẽo chuyện làm quan, trong đó có ba năm giữ chức cai bạ Quảng Bình, với những chiều tà cô đơn, bắt mặt trông ra cửa sông Nhật Lệ nhìn thủy triều xuống lên như phận bạc u buồn của mình, để rồi mười năm ẩn dật quê nhà Hà Tĩnh viết nên Truyện Kiều bất hủ, không thể không ghi lại cảnh ngộ ấy. Còn Hàn Mặc Tử (tên thật Nguyễn Trọng Trí), sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 ở làng Lệ Mỹ, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đặt tên thánh là Phêro Phransico tại nhà thờ Tam Tòa, ly hương sau bảy tuổi (có tư liệu nói 10 tuổi), vào Huế rồi Quy Nhơn học, đến Sài Gòn làm báo, ra lại Quy Nhơn và mang bệnh chết ở đó. Ông để lại một loạt tác phẩm nổi tiếng cho đời sau nghiên cứu như một kho báu hiếm và quý:
- Lệ thanh thi tập Thơ
- Gái quê Thơ
- Nắng xuân Giai phẩm
- Đau thương Thơ
- Xuân như ý Thơ
- Thượng thanh khí Thơ
- Cẩm châu duyên Thơ
- Duyên kỳ ngộ Kịch
- Quần tiên hội Kịch
- Chơi giữa mùa trăng Thơ văn xuôi
Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang… Nhắc đến câu thơ giật mình như nhắc đến kỷ vật linh thiêng trong đời sống của một người. Hãy khoan nhắc đến âm thanh màu sắc ly kỳ của hai câu thơ, nét chấm phá huyền diệu ấy là cõi riêng, không thể lẫn mà người bình thường dễ gì viết nổi.
Tại sao chúng ta không lấy làm tự hào điều đó. Thật sai lầm nếu kỷ niệm 410 năm, ngày mang tên Quảng Bình mà quên tên tuổi họ. “Hơn nửa thế kỷ qua, không thể đếm xuể những con người thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ, đã nghiêng mình kính cẩn trước anh linh Hàn Mặc Tử, không thể đong được những dòng lệ mà người đời đã nhỏ xuống khóc người thi sĩ tài hoa bạc mệnh ấy (Kiều Văn). Hàn Mặc Tử là người như thế. Sự đóng góp của ông không bằng sức vai gánh nặng, không băng xương bằng thịt. Chừng ấy thôi cũng đủ cho chúng ta tôn vinh Hàn Mặc Tử.
Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng;
- “Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”.
(Mùa xuân chín)
Một câu hỏi để nhớ, chứ không yêu cầu ai trả lời thay cho ông. “Khách xa”, mình cũng là “khách” thôi ư, mà cũng“sực nhớ làng”. Có phải cái làng Lệ Mỹ nằm úp bên sông Nhật Lệ xanh trong không đó? Chị ấy-người con gái nông thôn dân dã là hình ảnh quen thuộc gần gũi, ông mãi nhớ mỗi khi hoài niệm về tuổi thơ. Mà chỉ ở Quảng Bình, nơi Hàn sinh ra và lớn lên bảy tuổi mới nhìn thấy“bờ sông trắng nắng chang chang”. Cái địa lý thời tiết khắc nghiệt qua thơ sao mà đẹp đến thế. Người ta thường truyền đi câu ca dao: Quảng Bình là đất Ô châu/ Ai đi vô đó quảy bầu về không, thế mà Hàn lại dựng lên hình ảnh sống động lung linh giữa buối trưa hè người con gái gánh thóc dọc bờ sông mải miết. Xưa nay không ai cho quê mình là xấu cả. Quê hương dù khắc khổ đến mấy vẫn đẹp thiết tha và thân thương. Raxun Gamzatôp kể rằng nếu anh theo một con chim có tiếng hót hay, hy vọng sẽ tìm gặp một thiên đường thiên nhiên. Nhưng không, con chim sẽ bay về tổ của nó, chiếc tổ ấy là một bụi mận gai, nơi đấy sự sống nghiệt ngã đến mấy vẫn là thiên đường của nó. Tổ chim còn thế huống là nơi chôn nhau cắt rốn của con người. Sau này trong bài “Tình quê” ông lại cất lên:
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê;
Ngày trước khi bưu cục còn thô sơ, con chim nhạn là biểu trưng mật thiết và tin cậy để gửi gắm tin tức. Ở đây ai “thơ thẩn” ai “đăm đăm”, ai “phiêu bạt”, thiết nghĩ không cần phải giải thích. Hàn là vậy, một con người luôn luôn hướng về cội nguồn, quê hương của mình.
Hàn Mặc Tử khởi sự từ Đường luật, nội dung thì quanh quẩn yếm thế với một tâm hồn cô quạnh, buồn. Về sau, một năm thôi đã nhảy qua lãng mạn, đến với tượng trưng và không chịu dừng ở đó, như Hoài Thanh nhận xét: “thơ gì mà rắc rối thế”. Nhưng rồi ông cũng nhận ra: “Dẫu sao tôi vẫn nghĩ cái khuôn khổ bó buộc của luật Đường có lẽ không tiện cho sự nảy nở một nguồn thơ dạt dào và lạ lùng như nguồn thơ Hàn Mặc Tử”.
Thời chúng tôi, những năm 60 của thế kỷ trước, còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Hàn chưa được ngợi ca. Tôi còn nhớ khi giảng giải thầy Lê Văn Tài nói ngoài hiên rằng: Người ta gọi ông là nhà thơ điên, điên mà không điên đâu, điên ấy là vô thức đó. Bấy giờ chúng tôi chỉ được quyền hiểu chữ “vô thức” là thiếu ý thức, đồng nghĩa với xấu xa, không có trách nhiệm. Điên mà không điên, điên ấy là vô thức đó, chữ “vô thức” cứ ám ảnh tôi hoài. Sau này tôi mới à lên một tiếng. Thầy muốn cho chúng tôi hay rằng: “vô thức” trong thơ là một tầng nghĩa cao hơn ý thức của chủ thể. Nó là siêu cảm giác như Nguyệt cầm của Xuân Diệu hay hình ảnh trăng trong trong thơ của Hàn Mặc Tử chẳng hạn:
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Ai mua Trăng tôi bán trăng cho,
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.
Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hòn Trăng
Tôi giả đò chơi anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá!
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang?
(Trăng vàng trăng ngọc)
Ngày ấy, những năm phong trào Thơ Mới hình thành, Chế Lan Viên nhất quyết: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”. Điều đó dễ hiểu bởi chính Hàn cũng đã sớm nhận: “Nhà nghệ sĩ bao giờ cũng điên”, “không rên xiết là thơ vô nghĩa lý”. Phải nói Hàn tiên phong, không chịu đóng khung trong thơ. Ông khai sáng cho thơ, thơ luôn biến đổi theo nhịp đi của thời đại. Tên tuổi của Hàn Mặc Tử ngang tầm với các nhà thơ vĩ đại của cả thế giới. Đúng như trong tiểu sử tự thuật của Xergei Êxênhin: “Điều tôi yêu thích trước hết là sự biểu hiện của bản thân. Nghệ thuật đối với tôi không phải là sự cầu kỳ của những nét hoa văn, mà cái quan trọng nhất đó chính là ngôn ngữ. Đó là điều mà tôi luôn mong muốn thể hiện.
Đó chính là cơ sở của chủ nghĩa hình tượng được hình thành vào năm 1919, với một phía là tôi và phía kia là Sersenhevich, cho dù hình thức đã làm thơ ca Nga chuyển sang dòng khác của tri giác, nhưng chính vì thế nó đã không cho ai cái quyền cố giành được tài năng. Bây giờ tôi phủ nhận tất cả mọi trường phái. Tôi cho rằng nhà thơ không thể đứng ở một trường phái được quy định nào đó. Điều này liên quan đến đôi chân và đôi tay của anh ta. Chỉ có người nghệ sĩ tự do mới có thể mang đến những ngôn từ tự do”. Hàn cũng cho hay: “Trí khác với Baudelaire, Baudelaire nói: thơ văn không thể dung hòa với khoa học hay luân lý (hoặc tôn giáo cũng thế) và thơ văn không thể lấy chân lý làm mục đích được, thơ chỉ là thơ, Baudelaire nói trái nghịch với lẽ tự nhiên. Sở dĩ thơ văn được phong phú dồi dào, phát triển hết cả anh hoa huyền bí, và vượt lên những tầng biên giới tân kỳ, mới lạ cũng nhờ khoa học điểm xuyết cả, còn luân lý, là tiêu chuẩn cho văn thơ, không có nó thì thơ văn chẳng còn ra mùi mẫn gì nữa. Nếu để thơ trơ một mình thơ sẽ lạnh lẽo, vô duyên, không có phong vị gì nữa. Baudelaire thuộc về phái vô thần, nên không tin có Chân lý, không nhận chân lý làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Còn Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có”. Sáng tạo vô thức đã khơi mạch thơ cho Hàn. Hàn chấp nhận mọi xu hướng đi tới của thơ. Điều này chứng minh Hàn luôn muốn nổi loạn trong thơ, muốn thơ phải cách tân, làm mới chính mình. Nó chứng tỏ sự vận động không ngừng của thơ là biện pháp làm cho thơ không thể đứng yên mà phát triển theo đà của cuộc sống, đúng với tiến trình đi lên của văn học nhân loại.
Trong những năm đó khuynh hướng của chủ nghĩa lãng mạn, tượng trưng phương Tây ảnh hưởng đến hầu hết các nhà thơ Việt Nam. Nhưng Hàn thì khác, Hàn đi theo siêu thực không đến từ phương Tây, hoặc học được từ trong sách, chính bi kịch cuộc đời đã đẩy Hàn đến đó. Rõ ràng số phận con người làm nên cá tính sáng tạo của người ấy. Thơ Hàn Mặc Tử là tiếng kêu đau thương của số phận, kiếp cô đơn của một người bị đẩy ra khỏi đồng loại, không lạ gì màmáu, lệ được lặp lại nhiều lần trong thơ: Trời hỡi bao giờ tôi chết đi/ Bao giờ tôi hết được yêu vì,/ Bao giờ mặt nhật tan thành máu/ Và khối lòng tôi cứng tợ si? Hay: Sao bông phượng nở trong màu huyết/ Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu? Tình yêu của Hàn, bệnh tật của Hàn, nỗi đau của Hàn đúc nên Hàn. Trong thời đại ấy và mãi mãi về sau Hàn Mặc Tử hiện thân giữa chúng ta. Hàn sống cuộc sống chúng ta. Tiếp thu những tinh hoa của Hàn là tiếp thu bể lệ, non châu, một ghềnh huyết nơi ngôi mộ quanh năm chói lòa dưới nắng mưa ở Quy Nhơn, đó là nỗi niềm của con người mà mấy thế kỷ đong đặc, chưa tan chảy.
Ám ảnh quê hương xứ sở thường trực trong Hàn Mặc Tử, dĩ nhiên như cái nôi nuôi lớn tâm hồn của một thiên tài xưa nay. Rất tiếc Hàn ra đi ở Quy Nhơn quá sớm, ông mất vào ngày 11 tháng 11 năm 1940 tròn 28 tuổi, cái tuổi đầy sức sáng tạo của nhà thơ. Cùng tương đồng với thời gian này điều kỳ lạ Exênhin mất lúc tròn 30 tuổi, vào năm 1925. Phải chăng các bậc thiên tài đều gặp gỡ nhau trời hỡi?
Kỷ niệm 410 năm ngày mang tên Quảng Bình, đồng thời 100 năm sinh của Hàn Mặc Tử, nhắc tới ông như nhắc người nghệ sĩ vĩ đại. Học Hàn trong cái dân dã, siêu việt: lòng thương chưa đã, mến chưa bưa, hay: Thương là thương lòng mình giận chưa nư, và nữa: cô láng giềng bên chết thiệt rồi, hoặc: Gò má riêng thôi lại đỏ hườm ta vẫn nhận ra tinh chất hồn quê trong việc sử dụng vốn từ ngữ vốn liếng địa phương. Sống và viết ở Quy Nhơn chủ yếu, nhưng hồn quê đã ăn sâu vào máu huyết. Đi xa đến mấy các tiếng chưa đã, chưa bưa, chưa nư, chêt thiệt rồi đỏ hườm… thương lắm của vùng quê Quảng Bình in vào tâm trí ông như máu thịt. Bây giờ ta có thể ung dung trên đường Hàn Mặc Tử, để đến với phế tích nhà thờ Tam Tòa ngắm sông biển Nhật Lệ. Chỉ tiếc còn thiếu pho tượng u buồn, trích tiên của ông mà ta thường đọc thấy trong thơ ông chưa có. Tên tuổi ông không tách rời quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Càng đọc ông mới nhận ra rằng, thơ văn là sản phẩm của trời cho. Con đường vô thức sáng tạo thôi thúc ông viết những vần thơ bằng máu và nước mắt. Hàn Mặc Tử tiên đoán:
Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm mầu
Những hạt lệ của trích tiên đầy đọa?
A ha ha! Say sưa chê chán đã
Ta là ta hay không phải là ta?
(Siêu thoát)
Ông lượng trước rất đúng:
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương Anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn Anh và rửa vết thương tâm
(Duyên kỳ ngộ)
Cái vết thương tâm ấy 410 năm chưa lành trên đất đai, chưa lành đối với Hàn Mặc Tử, chưa lành trong mỗi chúng ta khi chúng ta chưa nhìn thấu hết công lao của ông mỗi khi hướng về cội nguồn. Thơ ông là tấm lòng ông vậy, trong trẻo chứa chan mà u uất.
Đồng Hới, 20/4/2012
----------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Thơ hay Việt Nam Thế kỷ XX, Nguyễn Bùi Vợi và Quang Huy tuyển chọn và giới thiệu, NXB Văn hóa Thông tin, 2006,
- Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỷ XX, Trần Mạnh Thường (Biên soạn), NXX Hội Nhà văn, 2003,
- Thơ Blôk, Exênin, NXB Văn học, Tế Hanh giới thiệu, Thúy Toàn tuyển chọn, 1983,
- Thơ trữ tình-Xergei Exênhin, Đoàn Minh Tuấn dịch, NXB Văn học, 1995,
- Danh nhân văn hóa Quảng Bình,tập 1, Vĩnh Nguyên, Nguyễn Tú, NXB Thuận hóa, 1993,
- Hàn Mặc Tử-thơ, Kiều Văn (biên soạn), NXB Đồng Nai, 1998.
Theo Hội nhà văn Việt Nam