Đêm. Nghĩa trang vắng lặng. Gió thổi trên những tán cây lao xao như tiếng ai đó thì thầm. Trời không tối mờ mịt như đêm ba mươi, nhưng cũng không sáng vằng vặc như những đêm có ánh trăng rằm. Ánh sáng nhờ nhờ chỉ đủ để nhìn thấy những ngôi mộ nằm ngay ngắn, thẳng hàng và phải đến thật gần, căng to đôi mắt mới có thể đọc được hàng chữ ghi trên những tấm bia...
|
Minh họa: Lê Trí Dũng |
Đã có rất nhiều đêm như thế, một ông già, mái tóc bạc trắng, vận trên người bộ quân phục màu bạc thếch, tay cầm chiếc đàn guitar lỗ chỗ những vết thủng do mảnh đạn găm vào, đã được vá lại cẩn thận bằng gỗ mỏng và băng keo. Ông ôm đàn hát, hát như cho chính ông nghe. Tiếng hát giống như lời tự sự về những năm tháng gian khổ ở chiến trường. Ông bước đi, từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác, mặc cho đêm dần về khuya, trời tối sẫm - mặc cho những cơn gió thỉnh thoảng lại ào tới ấn làn áo mỏng vào da ông, lành lạnh.
Thấm mệt, ông dừng lại, dựa cây đàn vào thành nấm mộ, khẽ nói:
- Thằng Tuyên đây. Ngày đó tao về quê tìm thăm mẹ mày, nhưng nhà mày nằm trong diện giải tỏa để lấy đất xây khu đô thị mới. Không ai biết mẹ mày ở đâu. Còn sống hay đã chết? Tao chẳng làm được điều mà tao đã hứa...
Ông gục đầu xuống nấm mộ. Đôi vai gầy rung rung. Một lát, ông quay sang ngôi mộ bên cạnh, nức nở:
- Văn hả, Văn. Tao biết vợ mày đã bỏ mày đi lấy chồng từ bữa tao đi báo cáo thành tích tại Binh đoàn, được trên cho phép ghé thăm nhà... nhưng tao đã giấu mày bởi vì lúc đó tụi mình ở chiến trường, chiến đấu ác liệt quá... và cũng bởi mày quá yêu, quá tin tưởng vợ mày. Lúc đó tao nghĩ mình đúng. Nhưng giờ thì... tao sai rồi. Tao biết mình sai nhưng đâu còn ý nghĩa gì nữa, hả Văn?
Ông đứng dậy, ôm cây đàn, bước đi, từng bước chắc nịch, như ngày xưa còn là một vị chỉ huy tài ba, xông xáo trên mặt trận. Nhưng cũng chỉ được một lát, ông lại ngồi bệt xuống, nhìn chăm chăm vào những tấm bia, căng to đôi mắt đọc cho hết những cái tên đồng đội thân quen của mình.
Tụi mày đi trẻ quá, hỡi những thằng Liêm, thằng Thắng, thằng Khôi... tao biết làm gì đây để chuộc lại cái lỗi lầm mà tao đã gây ra... để tụi mày phải nằm lại đây mãi mãi.
Trong hai hốc mắt ông ứa ra những giọt lệ.
*
* *
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước bình yên và đang phát triển; nhưng với ông, nó vẫn còn đó, như mới ngày hôm qua, hôm kia vậy. Lúc đó ông là Đại đội trưởng. Trong tay ông là những người lính trẻ, quê ở khắp mọi miền, vừa có trình độ văn hóa, lại rất dũng cảm. Đại đội của ông nổi tiếng khắp Binh đoàn vì thành tích chiến đấu. Có lẽ cũng chính vì sự nổi tiếng đánh trận nào thắng trận đó mà nó đã tạo cho ông sự chủ quan từ lúc nào không biết. Chính nó đã dẫn ông đến trận đánh mà gần một phần ba quân số, tức hai mươi tay súng đã vĩnh viễn nằm lại nghĩa trang này.
Ngày đó, đại đội trưởng, là ông, cũng chỉ vừa tròn hai mươi lăm tuổi. Có học, rất sáng tạo và đánh giặc rất lỳ - Chẳng vậy mà ông được đứng vào tốp cá nhân có thành tích chiến đấu điển hình, được đi báo cáo thành tích ở toàn quân, và được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, và, trận đánh đó, đối với cá nhân ông cũng như toàn đại đội hết sức quan trọng.
|
Ảnh: st |
Vì là mũi đột phá lên một cứ điểm để mở đường cho binh đoàn tràn lên trên toàn mặt trận. Chỉ một cứ điểm nhỏ có khoảng vài chục tay súng, nó quá đơn giản với đơn vị ông để giành thắng lợi. Cả đại đội ai cũng náo nức được lập công, và đợi chờ giờ xuất kích. Duy chỉ thằng Tuyên hỏi do dự:
- Thủ trưởng đã tính tới việc chúng có bẫy mìn ở quanh cứ điểm chưa?
Ông gạt phăng đi.
- Chỉ mấy thằng lèo tèo, hơn nữa chúng mới đến, lấy đâu mìn, đâu thời gian mà rải.
Nói xong ông ra hiệu cho đại đội xuất kích, và cái cứ điểm đó cũng bị đại đội ông nhổ tung, nhưng cái điều mà thằng Tuyên do dự đã xảy ra và đó là một trận đánh mà đơn vị ông bị thương vong nhiều nhất. Dù biết chiến tranh là có mất mát, hy sinh nhưng liệu tụi nó có mãi mãi nằm lại đây không, khi ông không vội vã?... Ngày ông được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang khi nhắc đến những đồng đội đã mãi mãi ra đi, nước mắt ông cứ lăn dài trên đôi gò má.
Ông thấy mình thật sự có lỗi với họ, với cha mẹ, bạn bè họ. Mặc cảm tội lỗi ấy cứ ám ảnh ông. Nhiều đêm, những gương mặt đồng đội thân quen cứ sừng sững hiện ra trước mặt dù ông đã nhắm chặt hai con mắt, làm ông không tài nào ngủ được. Ông cứ tự vấn mình: “Làm chỉ huy chỉ cần một sai lầm nhỏ thôi cũng phải trả giá bằng nhiều cuộc đời gộp lại”. Các con ông giờ đây đã trưởng thành, đã có địa vị trong xã hội, ông luôn lấy sai lầm của mình để nhắc nhỏ các con đừng bao giờ đưa ra những quyết định quá vội vã để dễ mắc phải sai lầm chết người như ông. Để rồi nhiều đêm, ông phải đến nghĩa trang này, dù chẳng còn có ý nghĩa gì nữa hết...
Với cây đàn cũ, với tiếng hát khe khẽ, như lời tâm sự thật lòng, mong xua đi những ám ảnh sai lầm cứ đeo bám lấy ông. Vậy mà thật lạ, càng hát ông lại càng thấy lòng mình nặng trĩu xuống. Ông biết những đồng đội đang nằm đây đã tha thứ cho ông từ lâu lắm rồi; nhưng trong ông vẫn có điều gì đó day dứt, không thể cắt nghĩa được và ông vẫn cứ hát, mặc cho tiếng hát có bị gió thổi đi, hòa vào tiếng xào xạc của hàng cây, có lúc nghe thật gần gũi, lúc lại xa xôi, như tiếng thởi dài não nuột.
Đêm, nghĩa trang vắng lặng. Người cựu binh già cầm cây đàn guitar cũ cứ lẳng lặng, lẳng lặng bước đi.
LÊ QUỐC PHONG
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội
|