Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  ĐỊNH HẢI mang QUẢ BÓNG XANH cho trẻ ĐỊNH HẢI mang QUẢ BÓNG XANH cho trẻ , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 

NHÀ THƠ ĐỊNH HẢI

Người mang đến cho trẻ em

Quả bóng xanh bay giữa trời xanh

 

BÌNH NGUYÊN TRANG

 

NVTPHCM- Ông có vóc dáng hiền hậu, gương mặt và ánh mắt lúc nào cũng trìu mến yêu thương, cũng như đang mỉm cười. Ở tuổi 75, ông đã có tới 50 năm gắn bó với văn học, có nhiều trang viết làm say mê hàng triệu trái tim bạn đọc nhỏ tuổi nhiều thế hệ. Nói như nhà thơ Võ Quảng, thì thơ của ông “lúc nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp cho con người”. Ông là nhà thơ Định Hải.

 

Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nhiều lần hát “Trái đất này là của chúng mình”, và thuộc lòng nhiều bài thơ của Định Hải. Tôi không thể ngờ một ngày nào đó lại được gặp ông. Và quan trọng hơn, lại được ông dìu dắt, khuyến khích trong những bước chân đầu tiên vào ngưỡng cửa văn học. Nửa thế kỷ cầm bút, gia tài của ông đã là 50 cuốn sách, trong đó phần lớn là viết cho trẻ em, ở nhiều thể loại như: thơ, truyện thơ, hoạt cảnh thơ, truyện ngắn...Trở thành người bạn thân thiết của bạn đọc nhỏ tuổi đã là một tâm nguyện lớn nhất trong cuộc đời ông.
Sinh ra ở một làng quê nghèo, làng Sét, xã Định Hải, huyện Yên Định, Thanh Hóa, nhà thơ lấy tên quê hương làm bút danh của mình. Cậu học trò xứ Thanh có tên thật là Nguyễn Biểu đã đến với văn chương từ rất sớm. Năm học lớp 9 cậu dành giải thưởng thơ của báo Tiền Phong và báo Độc lập, được tham dự đại hội văn nghệ khu 4, được gặp gỡ các nhà thơ nổi tiếng như Hoàng Trung Thông, Bùi Hiển, Trần Hữu Thung....Những bài thơ đầu tiên của Định Hải không phải viết cho thiếu nhi, mà là cho người lớn. Sau khi tốt nghiệp khoa văn trường Đại học Tổng hợp, Định Hải có nhiều năm tháng đứng trên bục giảng. Ông từng giành giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi thơ của báo “Người giáo viên nhân dân” mà vị giám khảo chính là ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Công tác trong ngành giáo dục được một thời gian, Định Hải chuyển về làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng, một đơn vị chuyên làm sách cho trẻ em. Mặc dù đã có thành tựu viết cho người lớn, nhưng Định Hải cho rằng, chỉ khi trở thành một người làm sách cho thiếu nhi, ông mới “phát hiện” ra chính mình. Ông bắt đầu viết cho trẻ em và nhận ra rằng tâm hồn mình thật gần gũi, gắn bó với tâm hồn các em. Thơ của Định Hải trong sáng, giản dị. Nó giống như những lời thì thầm, trò chuyện với các các em nhỏ. Ông nói: “Tôi vốn là nhà giáo nên buổi đầu cầm bút viết cho các em cũng gặp phải nhiều khó khăn. Khó khăn ở chỗ mình viết hơi mô phạm, vuông vắn quá. Dần dần tôi phải cố gắng cởi bỏ cái lớp áo đó đi, để viết sao cho thật hồn nhiên và tự nhiên. Tôi nghiệm ra rằng, nếu chúng ta quá nệ giáo dục khi sáng tác cho các em thì hiệu quả tiếp nhận từ phía các em sẽ không tốt lắm. Trẻ em cần được nhìn đời sống bằng đôi mắt hồn nhiên, trong sáng nhất, không nên áp đặt”. Và Định Hải kể một câu chuyện vui khi ông công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Có người đề nghị ông viết một tập thơ cho thiếu nhi về chủ đề “Gữ gìn vệ sinh thật tốt” của các cháu thiếu nhi (trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng), nhưng ông từ chối. Ông không thích cách làm thơ giáo dục như vậy. Nhà thơ muốn rằng, bằng một cách riêng, ông đến với các em và mang đến cho chúng những cảm nhận tươi sáng, tự nhiên nhất về đời sống. “Tôi đã đọc ở đâu đó một nhà văn viết cho trẻ em từng nói, đại ý rằng, trẻ con rất thính, khi nó “đánh hơi” thấy mùi giáo huấn là nó sẽ bỏ chạy ngay. Chính vì vậy, những câu thơ, theo tôi, hãy dẫn dắt các em vào thế giới kỳ ảo của chúng, bằng những hình ảnh và biểu tượng mang tính ẩn dụ và giàu chất văn học. Từ đó chúng ta gián tiếp dạy các em tình yêu đối với cuộc đời”.

Viết cho thiếu nhi chưa bao giờ là câu trả lời dễ dàng cho những câu hỏi lớn về sáng tạo văn học. Ở bất kỳ nền văn học nào, những tên tuổi viết cho trẻ em được trẻ em yêu mến đều hiếm hoi. Văn học thiếu nhi Việt Nam tự hào có những nhà văn được bạn đọc nhỏ tuổi nhiều thế hệ yêu thích, trong đó không thể không kể đến nhà thơ Định Hải. Chúng ta nhìn thấy có nhiều nhà văn từng viết cho thiếu nhi, nhưng người dành cả sự nghiệp của mình cho các em như Định Hải thì không nhiều. Trong đời sống văn học, cho đến tận hôm nay không phải đã hết những định kiến về việc viết cho thiếu nhi. Có những lúc, ở đâu đó, trong tư duy của một bộ phận người cầm bút từng cho rằng văn học thiếu nhi chỉ là thứ văn học hạng 2, không đặt ra được những vấn đề lớn của đời sống, không mang lại danh tiếng cho nhà văn. Nhưng Định Hải dường như không quan tâm đến điều đó. Ông chỉ có một sứ mệnh lớn là viết cho các em, không cần phải đắn đo, suy tính. Và, để làm bạn các em được lâu dài, ông phải tự rèn luyện, nuôi dưỡng đôi mắt nhìn và trí tưởng tượng của mình, sao cho luôn luôn gần gũi với các em. “Tôi thường dành nhiều thời gian để quan sát trẻ thơ, cố gắng hòa đồng để trở thành một người bạn của chúng. Sẽ là một thất bại nếu viết cho các em mà không được các em chấp nhận. Một tác phẩm chỉ thành công khi các em đọc và thấy chính mình ở trong đó”.

Tận tụy như con ong làm mật, nhà thơ Định Hải âm thầm và lặng lẽ viết. Những trang sách của ông dày thêm mỗi ngày. Ông tránh ra ngoài những cuộc ồn ào chữ nghĩa, những điểm tô bóng bảy trong đời sống văn học hôm nay, như chúng ta đang nhìn thấy. Đã có không ít kẻ bất tài lại nôn nóng với sự nổi tiếng, giả danh cái mới, cái cách tân để mưu cầu lợi ích cá nhân, làm nhiễu loạn thẩm mỹ của độc giả. Thái độ của ông đối với văn học là lặng lẽ, chắt chiu, khiêm nhường. Ông nói: “Mặc dù đã từng giành hàng chục giải thưởng văn học của nhiều cơ quan như Hội Nhà văn, Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục...nhưng phần thưởng cao quý nhất đối với tôi là hàng chục triệu trẻ em đã hát “Trái đất này là của chúng mình”. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà thơ Định Hải, là bài thơ “Bài ca trái đất”. Trái đất trẻ của bạn trẻ năm châu/ Vàng, trắng, đen....Dù da khác màu/ Ta là nụ, là hoa của đất/ Gió đầm hương thơm, nắng tô thắm sắc/ Màu hoa nào cũng quý, cũng thơm. Đó là những câu thơ đã ngân nga trong hàng triệu trái tim trẻ em Việt Nam và không chỉ ở Việt Nam. Nó trở thành một bài học giản dị nhất, chân thực nhất về tình yêu và lòng bác ái của con người. Bài thơ này được nhà thơ Định Hải viết trong chuyến đi Cộng hòa dân chủ Đức, khi ông đưa đoàn thiếu nhi Việt Nam tham dự trại hè thiếu nhi quốc tế, năm 1978. Ông hồi tưởng: “Tôi nhìn ngắm trẻ em đủ các màu da trên thế giới đang nắm tay nhau múa hát vòng quanh quả địa cầu, lòng rưng rưng xúc động. Và tôi viết “Bài ca trái đất”. Bài thơ này sau đó được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc và nhanh chóng trở thành một bài hát được trẻ em mọi miền yêu thích”.

Trong đời viết văn làm thơ của mình, Định Hải có nhiều kỷ niệm với bạn đọc nhỏ tuổi, nhưng có một kỷ niệm mà ông nhớ nhất. Đó là lần trở về quê nhà nói chuyện với các em học sinh trường làng. Nhìn những em nhỏ đi chân đất ngồi say sưa nghe thơ, Định Hải bật khóc vì thương những em bé quê nghèo. Hơn 30 năm qua đi, một trong những em bé học trò chân đất ngồi ở đình làng nghe thơ Định Hải hôm ấy đã trở thành người lính, rồi làm thơ và sống ở Biên Hòa. Cậu học trò ấy có tên là Trịnh Ngọc Phượng. Khi hoàn thành bản thảo tập thơ đầu tiên của mình Trịnh Ngọc Phượng nhất định gửi cho nhà thơ Định Hải ở NXB Kim Đồng, mà không biết rằng nhà thơ đã nghỉ hưu từ lâu rồi. Anh viết kèm một lá thư kể về những giọt nước mắt của nhà thơ hôm ấy và nỗi xúc động về tình cảm của nhà thơ dành cho quê hương và các em nhỏ. Định Hải nói: “Câu chuyện này nhắc nhở tôi một điều rằng, trẻ em bao giờ cũng nhớ những cử chỉ yêu thương mà người lớn dành cho chúng”.

Là người nặng lòng với văn học thiếu nhi, Định Hải tỏ ra lo lắng khi nhìn vào đội ngũ nhà văn viết cho thiếu nhi ngày càng thưa vắng dần. Người cầm bút thế hệ ông phần lớn đã tuổi cao, sức viết không còn dồi dào, trong khi đó những nhà văn trẻ lại ít có tâm nguyện tham gia vào lãnh địa này. “Tôi rất buồn lòng khi thấy thơ cho thiếu nhi ngày càng ít. Nhất là mảng thơ viết cho tuổi mới lớn đã mất hoàn toàn. Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta đang bỏ rơi các em”. Nhân nói về việc viết cho tuổi mới lớn, cần phải nhắc rằng, Định Hải chính là một trong những nhà thơ đầu tiên viết cho lứa tuổi này. Ông có tập thơ mang tên “Nụ hôn học trò” viết về những nét tâm trạng phức tạp mà thú vị của tuổi mới lớn. Tuy nhiên không phải ngay lập tức những suy nghĩ của ông đã được người lớn và các bậc phụ huynh ủng hộ. Định Hải nhấn mạnh về vai trò của văn học đối với tâm hồn con trẻ. Những con chữ luôn có khả năng rất lớn trong việc kích thích tư duy và trí tưởng tượng của các em. Trí tưởng tượng chính là chiếc chìa khóa quan trọng, mà nếu các em không được bồi đắp ngay từ lúc nhỏ, những cánh cửa của tương lai có thể sẽ bị chặn lại. Một tâm hồn nghèo nàn trí tưởng tượng sẽ thiếu đi sự sáng tạo, thiếu ước mơ và khát vọng. Trẻ em hôm nay đang mất đi thói quen đọc sách. Và nếu đọc, phần lớn các em đọc truyện tranh. Đang thiếu đi những tác phẩm văn học có giá trị thực sự cho các em, đó là một thiệt thòi mà bất kỳ ai có trách nhiệm với trẻ em đều phải suy ngẫm.

Cả một đời cầm bút, nhà thơ Định Hải đúc kết một kinh nghiệm, mà cá nhân tôi cho rằng, rất quý giá đối với tất cả những ai đang và sẽ cầm bút viết cho thiếu nhi: “Một bài thơ viết cho thiếu nhi cũng có thể ví như một củ hành, người đọc sẽ bóc ra từng lớp, từng lớp. Cho đến khi vào đến cãi lõi trong cùng, nó phải là một bài thơ viết cho người lớn. Không có bài thơ hay nào là chỉ viết cho thiếu nhi ở ý nghĩa thuần túy. Chúng ta chọn lối viết để các em cảm nhận được. Nhưng một bài thơ viết cho các em hay cũng chính là một bài thơ mà mọi lứa tuổi đều cảm nhận thấy hay, đều yêu thích”.

Ngắm nhìn mái tóc bạc phơ và gương mặt bình thản của nhà thơ Định Hải, tôi chợt nhận ra rằng, hình như trong tất cả các kiểu nhà văn thì nhà văn viết cho thiếu nhi là người hạnh phúc nhất. Nửa thế kỷ cầm bút, nhà thơ Định Hải chỉ có một mối bận tâm lớn nhất, là làm sao để thấu hiểu và yêu thương các em nhiều hơn nữa. Yêu thương bao nhiêu vẫn là chưa đủ. Vì chỉ có yêu thương mới là con đường ngắn nhất để trở thành một người bạn của trẻ nhỏ. Vì yêu thương trẻ thơ cũng chính là nâng niu những gì sáng trong, đẹp đẽ nhất của cuộc sống này. Là luôn được quay trở lại tuổi thơ, tưởng như đã vĩnh viễn rời xa, của chính mình...

                Theo nhavantphcm.com.vn

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65162905

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July