Về những ngôi nhà DK1 trên biển
Giữa mênh mông trùng khơi, chỉ có trời và nước mà thiên nhiên vừa hung dữ vừa khác nghiệt, lại có những ngôi nhà giàn nằm chênh vênh trên mặt nước. Những chuyên gia Nga gọi đó là “khách sạn giữa biển Đông”, còn với người Việt mình thì đó là “những ngôi làng giữa biển” đằm chứa biết bao yêu thương cùng niềm tin về chủ quyền dân tộc.
Thực tế công trình DK1 (Trạm dịch vụ kinh tế khoa học kỹ thuật) được tổ chức xây dựng từ năm 1989 ở vùng biển phía nam biển Đông nước ta. Với vị trí án ngữ đường hàng hải quốc tế từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, khu vực có tiềm năng lớn về kinh tế biển như dầu khí, nguồn thủy hải sản lưu thông hàng hóa thương mại... Từ năm 1989 – 1998 đã xây dựng được 20 công trình, trong đó hiện nay đang sử dụng 15 công trình.
Một trong 15 nhà giàn DK1 ở thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam
PGS. TS Phạm Ngọc Nam cho biết ông đã tham gia từ khâu khảo sát, thiết kế, xây dựng, sửa chữa tất cả 17 công trình DK (Không tính DK12A). Mỗi công trình đều để lại trong ông những ấn tượng mạnh mẽ. Đó là niềm vui đầu tiên của anh em là đóng được cọc thi công. Vì khi đó có nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại và phản đối. Loại búa đặc biệt nặng 30 tấn của Nga được dùng để đóng cọc xuống độ sâu thiết kế. Loại cọc đặc biệt này được thiết kế đặc biệt: cọc có đường kính 720 ly rỗng ruột, dày cỡ 20 ly. Đóng cọc nhà giàn thành công là một thành tựu lớn của công trình.
Nhớ những năm tháng ấy, lần đầu chúng tôi ra ngoài khơi xa cách đất liền 5, 6 trăm km mà thiết bị định vị thì kém, lạc hậu. Nhìn tứ phía chỉ thấy biển mênh mông một màu xanh thăm thẳm, phải đối mặt với những dòng chảy dữ dội. Khi ấy, sao mà thấm thía. Trước biển cả bao la con người nhỏ nhoi như hạt cát vậy. Đó còn là những khó khăn trong thi công như khi gặp phải những yếu tố bất thường với vô vàn nguyên do, về khí tượng thủy văn, độ cao sóng, các dòng hải lưu, độ mặn nước biển… nhiều lúc trước ranh giới sự sống – cái chết được vạch ra một đường kẻ thẳng băng trước mắt. Nhưng với lòng quyết tâm vượt qua những thử thách khắc nghiệt chúng tôi đã xây nên “những ngôi nhà giữa biển Đông”, những đôi mắt thần canh giữ biển quê hương.
Sóng thiên nhiên, sóng cuộc đời
“Ông nhà giàn DK1” say sưa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về biển Đông, về nhà DK1, về đồng đội, về từng mảnh ghép của mẩu chuyện đời thường. Chúng tôi thấy như hiển hiện trước mắt mình những hình ảnh như thước phim quay chậm. Rồi ông tiếp tục đưa cho chúng tôi xem những tấm ảnh nhà giàn DK1 sừng sững giữa biển xanh được chụp từ nhiều góc độ, những ngôi nhà giàn mà chúng tôi chưa có dịp chiêm ngưỡng tận mắt. Trên mái đầu có những nếp tóc gợn sóng đã ngả sang màu muối tiêu mỗi lúc cao hứng cứ gật gật, khiến chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Bây giờ, ông Nam đã về nghỉ hưu được nhưng vẫn đau đáu mãi với những bản thiết kế thi công, ông còn vạch ra hàng loạt các giải pháp xây dựng và sửa chữa, nâng cấp nhà giàn DK1 trên biển.
PGS. TS Phạm Ngọc Nam trên nhà giàn DK1
Chắt chiu, gìn giữ biết bao kỉ niệm buồn vui cùng đồng đội. Đó là khoảng cuối năm 1990, xây nhà giàn luôn phải đối mặt với sóng lớn và gió mạnh kéo theo mối nguy cơ toàn bộ các thiết bị thi công bị cuốn trôi. Các dòng hải lưu cực lớn còn làm cho tàu đóng cọc có nguy cơ đâm vào các chân đế nhà giàn. “Đối mặt với sự cố ấy, anh em thi công chỉ còn biết nhủ lòng với hai từ Tổ quốc thiêng liêng và biển xanh cao cả. Cũng may lúc ấy tàu kéo công suất lớn đang ở gần đó và đã ra sức kéo con tàu đang thi công nên sự cố này không xảy ra”.
Rồi ông nhớ đến những khoảnh khắc hiếm hoi lúc trời yên biển lặng, mấy anh em cùng ngồi trên thuyền câu cá, uống rượu. Chín người sống trên một ngôi nhà gắn bó như anh em ruột thịt, bao bọc, sẻ chia những mất mát cho nhau lúc sóng gió điên cuồng. Bất chợt, “Ông nhà giàn” ngước đôi mắt nhìn qua ô cửa. Phố chiều Hà Nội nườm nượp người - xe, nhưng hình như trong mắt ông khi ấy, không gian ngoài kia là mặt biển xanh đang rập rờn nổi sóng.
Cả những chuyện say sóng và kinh nghiệm đi tàu: “Cuộc sống ngoài biển đảo, ai chưa qua tập luyện thì không tránh khỏi say sóng. Mà say sóng thì khủng khiếp lắm! Thuyền viên say đã đành, có lúc thuyền trưởng cũng bị say. Ba bốn ngày nằm trong khoang thuyền như một cái xác vô hồn, không ăn, không ngủ, không tắm…” Giọng “Ông nhà giàn” cứ đều đều, thản nhiên. Cái sự say sóng với ông như quen thuộc lắm rồi. Vậy mà suốt đời ông không thể quên được những ngày tháng ám ảnh ấy.
Cuộc đời “Ông nhà giàn” gắn liền với những chuyển dời, từ ngày còn là cậu học trò 16 tuổi ở trường Thiếu sinh quân rồi được theo học Đại học Bách Khoa, sang Tiệp Khắc và lại trở về cống hiến cho Tổ quốc bằng nhiều công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng, ứng dụng trực tiếp vào thực tiễn.
Đã 5 năm nay, vì lí do sức khỏe, “Ông nhà giàn” chưa có dịp ra thăm lại các công trình DKI, gặp gỡ những thế hệ kế tiếp ông hoàn thành nhiệm vụ. Nghỉ hưu ở cái tuổi được vui vầy cùng con cháu, sớm chiều chăm chút mảnh vườn con con, nhưng “Ông nhà giàn” vẫn thuộc hết những mùa của biển.
“Ông nhà giàn” và…
Đến thăm nhà PGS.TS Phạm Ngọc Nam, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh một người vợ đất Hà Thành dịu hiền và tận tụy. Mọi đồ vật trong ngôi nhà của gia đình ông được bàn tay người vợ chăm chút đến từng chi tiết nhỏ. Đã có lúc, “Ông nhà giàn” không ngần ngại mà tâm sự với khách rằng: “Suốt cuộc đời này, tôi luôn là người quên việc nhà”. Ông nghĩ mình may mắn vì có được người vợ đảm đang, giúp ông lo toan mọi việc chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái.
Bên cạnh đó, bà Phương Vỹ (vợ ông) còn là một người phụ nữ mẫu mực, luôn đứng đằng sau công việc của chồng và cùng ông gánh vác, chia sẻ mọi buồn vui. Ông kể: Có đợt đi thi công nhà DK1 đằng đẵng 2 – 3 tháng trời, trong khoảng thời gian ấy, con gái đầu của ông còn nhỏ, bị bệnh phải nằm ở bệnh viện Bạch Mai, mà vợ ông cũng ốm yếu, bệnh tật nhưng vẫn phải đêm ngày vào bệnh việc chăm con. Ông trao cho chúng tôi tập thơ ông làm tặng vợ nhân dịp kỉ niệm 35 năm ngày cưới. Tập thơ in ấn nội bộ chứ chưa chính thức phát hành nhưng được trình bày cẩn thận, trong đó còn có rất nhiều ảnh chụp người vợ của ông ngày còn trẻ. Giữa những trang thơ, chúng tôi bắt gặp cả những chiếc lá hoa ban, lá cây… được ép giữ một cách cẩn thận. Với ông, đó là những kỉ vật vô giá của đời sống vợ chồng. Thơ ông viết, có trên 60 bài cho nhà giàn, gần 100 bài cho vợ và ngót ngàn bài cho cuộc đời…Ông thổ lộ một câu hết sức giản dị mà cũng thấm thía: “Trong mọi sóng gió cuộc đời, nơi neo đậu yên ả nhất là mái ấm gia đình”.
Theo Hội nhà Văn Việt Nam