Sông Phồm Khiều bình thản chảy như chưa từng nuốt chửng chị Xiến vào lòng. Màu nước thẳm xanh nhắc tôi nhớ về buổi sáng hôm ấy, khi bắt gặp đôi hài màu đen thêu tên chị xếp ngay ngắn bên gốc pa bát cạnh bờ sông, sau cả tuần ròng tìm kiếm mỏi mòn, mẹ hừn hựt khóc nấc lên mấy tiếng rồi ngất lịm trong vòng tay bố dượng. Từ chiếc hài trái rơi ra mảnh giấy nhỏ vỏn vẹn năm chữ: “Người ấy không yêu tôi”. Nét chữ nắn nót tròn đều tăm tắp đã hằn sâu nơi tâm trí tôi qua những lần chị bày tôi học.
Cảnh sát vào cuộc xác minh. Bố dượng tôi vượt bảy khoanh dốc mời thầy mo trên đỉnh núi Pú Biếng về làm lễ cúng tròn ba ngày ba đêm mà đám trai bản ngụp lặn bục da vẫn chẳng tìm ra xác chị. Thầy mo phán, con phì luồng dưới sông chọn chị làm vợ rồi. Có như vậy, bản mới yên ổn được...
“Người ấy” là ai? Tại sao chị Xiến đột ngột chọn cái chết? Chẳng lẽ chị bị con phì luồng dưới sông Phồm Khiều xui khiến? Những câu hỏi như bầy vắt bám vào vỏ não, hút kiệt dần nhựa sống trong tôi. Cả bản Mó Mười xôn xao. Họ đồn thổi rằng, “người ấy” là anh Hịa cùng bản. Hằng ngày, tiện đường đi làm, anh Hịa thường đèo chị Xiến xuống thị trấn học nghề may. Hai người tíu tít trò chuyện như đôi chim nộc khua so cánh mùa xuân. Tin đồn từ bản lan xuống tận trụ sở Công an huyện, nơi anh Hịa công tác.
- Anh có yêu chị Xiến không? - Tôi băn khoăn.
- Bọn anh chỉ là bạn thân thôi.
Tôi tin anh Hịa như rễ cây pa bát tin vào mạch nước ngầm ẩn dưới lòng đất cỗi cằn. Chị Xiến và anh Hịa chơi thân với nhau từ thuở long nhong nhặt cánh hoa pa bát tím bầm rụng lã chã trước cổng nhà tôi, kết thành chiếc mũ đội đầu. Chẳng ai trong bản Mó Mười này nhớ nổi nó xuất hiện ở đó lúc nào. Mưa nắng bao mùa choàng lên nó vẻ thâm u, trầm mặc. Mỗi lần như thế, mẹ lại mắng chị Xiến xơi xơi. Mẹ bảo, pa bát là loài hoa mà ngay từ cái tên và màu sắc đã chứa đựng thương đau, đụng vào nó nhiều sẽ gặp điều xui xẻo. Chị Xiến vẫn nâng niu những cánh hoa mong manh như báu vật. Lớn lên, chị Xiến là học sinh giỏi văn cấp huyện, lại có khiếu làm thơ. Hầu như bài thơ nào chị đọc cho tôi nghe cũng nhắc đến hoa pa bát với niềm thổn thức rưng rưng...
Tin đồn về mối tình mập mờ giữa anh Hịa và chị Xiến tạo thành chiếc cũi vô hình giam cầm tâm hồn anh trong sự hồ nghi ngột ngạt cùng những ánh mắt soi mói, dè chừng. Một đồn mười, mười đồn trăm. Càng ngày câu chuyện càng bị thêu dệt, lan nhanh như nọc độc trong vết cắn của con rắn hổ mang. Anh Hịa lầm lũi sớm tối đi về. Bộ cảnh phục màu xanh lá mạ càng làm bật lên mái tóc lấm chấm điểm bạc, những đường nét tiều tụy trên gương mặt anh với hai hốc mắt thâm nâu, sâu trũng. Người già có câu, niềm tin như cỏ, nhưng cỏ cũng héo hon khi nắng oi nồng; niềm tin như núi, mà núi cũng có thể sạt lở sau một trận mưa. Tôi thì luôn tin anh Hịa, đơn giản vì anh từng rất tin tôi.
Anh Hịa vẫn âm thầm điều tra các mối quan hệ của chị Xiến trong trường nghề. Chẳng ai ở đó biết nhiều về chị. Chị như đóa hoa pa bát, rộ lên chốc lát rồi chìm vào mùn đất. Chiều chiều, tôi rủ anh Hịa xuôi dòng Phồm Khiều tìm xác chị tôi. Sau đợt mưa rào, sông như con trăn khổng lồ đói ăn, chảy phầm phầm đè đầu mấy tảng đá mấp mô, trong cơn thét gào hung dữ. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi tự biết sẽ không còn cơ hội tìm thấy chị Xiến nữa rồi.
Mấy cây pa bát cổ thụ ven bờ tầm tã thả xuống những tràng cánh hoa tím sẫm nhức nhối, dồn lại thành từng mảng bập bềnh, bị cuốn vào cái xoáy nước khổng lồ vồ vập như miệng phì luồng chực chờ há sẵn. Tôi nhắm mắt, mường tượng ra thân thể chị Xiến trong vòng xoáy ấy, mê mải múa cùng những cánh hoa tan tác cho tới khi kiệt sức rồi bị hút vào hang sâu, sống muôn đời cùng con phì luồng điên cuồng luôn khát thèm trinh nữ.
Tính cả chị Xiến, chỉ trong một năm, bản Mó Mười có đến ba người con gái biến mất kỳ lạ trên sông Phồm Khiều. Thân xác họ dường như hóa kiếp phù sa, tan vào trầm tích ngàn năm bí ẩn. Thầy mo bấm đốt ngón tay, buông tiếng thở dài, con phì luồng đến kỳ động cỡn. Tương truyền rằng, thuở xa xưa, năm nào chưa được thỏa mãn, con phì luồng hung dữ sẽ nổi cơn thịnh nộ, quẫy đạp, tung hoành khiến lũ lụt tràn lên nhoày nhấn bản làng. Mỗi nhà phải trồng trên bờ sông một cây pa bát trấn yểm. Thành thử, pa bát chen nhau lớp lớp, tầng tầng. Hoa cháy hết mình, thâm trầm mà mãnh liệt. Anh Hịa nhặt những cánh hoa, kết thành chiếc thuyền thả vào dòng nước êm trôi. Đôi mắt ươn ướt của anh cứ dõi theo nó như muốn hỏi: Tại sao làm thế, Xiến ơi...
Sau cái chết của chị Xiến, bố dượng thường ngồi thu lu trong xó nhà, mặt ông khắc khổ đi nhiều, còn mẹ tôi thì như cây pa bát nghẹt rễ, héo rũ dần đến khi khô tóp lại. Đêm xuống, mẹ lại ôm di ảnh chị, khóc rấm rứt. Đôi lần, mẹ mơ thấy chị về báo mộng. Chị nằm buông thõng dưới lòng sông sâu, xác làm mồi cho những loài thủy sinh nhấm nháp. Chị Xiến là cô gái đẹp nhất bản Mó Mười. Chị có đôi mắt trong như giọt sương soi nắng, làn da trắng như nõn cây chuối rừng, bờ môi mịn như cánh hoa pa bát, mái tóc suôn như dòng nước Phồm Khiều. Chị là thanh xuân của mẹ...
Mẹ lấy bố năm mười tám tuổi. Ông bà nội chết để lại món nợ bằng mấy con trâu mờm. Hai vợ chồng dắt díu nhau bỏ trốn, men theo dòng Phồm Khiều về dựng tạm một ngôi nhà nhỏ tại bản Mó Mười này. Bản nằm giữa thung lũng hình dấu chân trâu. Bốn bên là những vách núi đá đen sừng sững. Người ưa tự do thì thấy bức bối. Người thích an toàn thì thấy bình yên. Từ hồi chị em tôi còn nhỏ, bố luôn dặn, trước khi đi đâu xa, phải nhổ một sợi tóc cột vào búi gai pa bát để dặn đôi chân dù có đi xa chín núi, mười đèo thì cái đầu cũng không được phép quên còn đường về bản. Chúng tôi đã sống những tháng ngày chỉ biết đến củ sắn, bắp ngô, tiếng cười và những bếp lửa hồng ấm áp. Vậy mà, bố tôi bỗng dưng thay tính, đổi nết...
Ở bản này, đàn ông, hầu như ai cũng nghiện, không nghiện rượu thì nghiện phiện, bố tôi nghiện cả hai. Một tuần bảy ngày thì mất sáu ngày, bố tôi bê bết rượu say. Say từ khóe bếp, say lên đỉnh dốc, say từ khi mặt trời thong dong vén núi cho đến lúc con trâu co chân sồn sột gãi muỗi trong chuồng. Và cứ tâng tẩng hơi men, bố lại kéo xềnh xệch mẹ ra giữa nền nhà chửi rủa, đánh đập vô cớ. Mày là con vợ ma. Mày là con vợ quỷ. Mày khiến ngực tao đau. Mày hại đời tao khổ. Mày là bông hoa dại, bướm ong nào cũng muốn đậu vào. Mẹ nhắm mắt, cắn răng nén chịu. Sống chung với bố, lưng mẹ là cái thớt để bố trút lên cơn giận, nỗi hờn...
Bao nhiêu năm qua, mẹ vẫn thản nhiên hứng chịu những trận đòn của bố như cỏ dại trên núi đá hoang vu, mặc nắng dập vùi, kệ mưa giày xéo. Sau khi bị bố đay đả, đánh đòn, mẹ lại lủi thủi ra hiên nhà, miệt mài đôi tay bên khung cửi trơn loáng mồ hôi. Tiếng khung cửi cứ rên đều lạch xạch, lẫn trong tiếng khóc sụt sùi, tiếng cây pa bát tách vỏ bật thêm chồi mới. Và con chim nộc khua cụt đuôi thường về đậu trên nòng súng săn ám mùi máu khô, treo bên vách nhà chới với, nhìn mẹ hồi lâu, hót như rút kiệt từng sợi ruột. Rồi một ngày, bố ngủ và không tỉnh dậy nữa. Miệng bố sủi ra thứ bọt màu trắng nhễu nhão. Mẹ lay bố, khóc cười điên dại...
Mãn tang bố, bố dượng thập thò bước vào nhà chúng tôi. Mẹ tôi góa chồng. Ông ta góa vợ. Thúng thủng cạp vào rổ rách. Ông ta quê đâu tận mạn Nam Định, Thái Bình, say mê vẻ đẹp mặn mà của mẹ tôi như điếu đổ. Bố dượng có đôi mắt một mí hơi trễ xuống, chiếc mũi khoằm khoằm hình thoi và khuôn miệng đẹp như trái tim vẽ khéo. Ông không nghiện phiện, cũng chẳng nghiện rượu, làm nghề buôn đặc sản nếp nương từ bản ra thị trấn. Mẹ quen bố dượng từ những ngày ông ta hay lui tới đây mua gạo nếp nương.
Từ hồi ông ta về đây, gia đình tôi khấm khá hơn. Những bữa ăn có thêm khúc cá, khoanh giò, miếng thịt. Ông chiều chuộng chị em tôi bằng những cuốn sách và những món đồ chơi. Thi thoảng, trên chiếc xe Minsk cà tàng, ông đèo mấy mẹ con xuống chợ phiên dưới thị trấn chọn mua quần áo mới. Tôi biết ông không chỉ buôn bán gạo. Ông như con chuột lẩn chìm vào đêm tối mịt mù, cũng mông lung và khó hiểu như biểu cảm trên gương mặt ông.
Gương mặt phảng phất những nét u uẩn và khắc kỷ. Mẹ trẻ lại như vạt cỏ được tắm cơn mưa xuân, mây mẩy bật lên sắc xanh căng mọng. Nhưng giờ đây, vạt cỏ ấy lại héo rũ trước sự ra đi của chị. Chị đi, ngôi nhà này như bị phủ trùm bởi nỗi buồn và bóng tối. Mẹ chỉ biết khóc. Những tấm vải mẹ dệt, những mẻ thuốc bắc mẹ phơi khô thấm mặn nước mắt. Tôi chỉ biết vỗ về mẹ những câu sáo rỗng:
- Mẹ đừng khóc nữa. Chị Xiến chưa chết. Chị đang sống dưới lòng sông Phồm Khiều...
Mẹ vùi đầu vào ngực tôi:
- Tại thằng Hịa. Tất cả tại thằng Hịa. Nó hại đời con gái tao. Sao ngày đấy tao không để nó chết đi cho rồi. Tao cứu nó mà nó giết con tao thế hả?
Ngày mới về quê nhận công tác, trong một lần cùng đồng đội vào rừng sâu bắt đối tượng truy nã, anh Hịa bị rắn độc cắn vào bắp chân, tím bầm lại như bôi mực. May mẹ tôi chạy đến Công an huyện kịp thời. Muộn chút là anh đã mất luôn chiếc chân. Giờ, mẹ khóc. Mẹ đau. Mẹ hối hận khi từng cứu anh Hịa. Như thể những lần anh bảo vệ cho cái bản làng này bình yên chẳng là gì cả.
Những tin đồn về anh Hịa như chất thêm củi vào bếp lửa hận thù trong mẹ. Mẹ làm một hình nộm rơm bằng kích thước người đàn ông trưởng thành, thêu lên lá bùa vải đầy đủ họ tên anh Hịa, quàng vào cổ hình nộm. Đêm đêm, mẹ lại găm lên hình nộm một hạt quả pa bát, thứ hạt nhọn, sắc và mảnh như lưỡi câu, bắt đầu từ mặt rồi lan ra các bộ phận khác. Người già bảo rằng, nếu ai tự ý gỡ những hạt pa bát ra khỏi hình nộm bị yểm bùa, những đau khổ, tai họa sẽ đổi sang cho người đó hứng chịu... Sự thù hận từ mẹ lây lan sang bố dượng. Đêm đêm, ông ngồi mài con dao phay bên hòn đá cạnh mó nước. Tiếng mài rin rít như đe dọa: “Tao giết! Tao giết!”.
Những chuyện trong nhà, tôi đều kể anh Hịa nghe. Tôi mong anh thông cảm cho mẹ tôi. Anh chao chát bảo, không người mẹ nào rơi vào hoàn cảnh như vậy mà có thể luôn luôn tỉnh táo và can đảm, anh rất đồng cảm. Rồi anh kể về những bế tắc, tuyệt vọng, bất lực đang dồn nén trong lòng. Anh dường như không còn cơ hội kết nối với đồng đội trong đơn vị. Anh luẩn quẩn trong những ý nghĩ vụn vặt và mấy thứ công việc không tên, tủn mủn. Anh thấy mình như bị bứt ra khỏi tập thể, rời rạc, lạc lõng, lửng lơ. Anh muốn chứng minh, nhưng chẳng biết chứng minh thế nào. Anh không có gì giấu giếm nhưng người ta nghĩ anh mờ ám.
Sự ra đi của chị Xiến khiến anh buồn khổ. Anh Hịa vẫn âm thầm điều tra dù chẳng có dấu vết nào dẫn lối, đưa đường. Để tìm ra lời giải “người ấy” là ai trong mảnh thư đâu phải dễ dàng. Nhưng nhất định, anh sẽ không bỏ cuộc. Chiều ấy, chúng tôi lại rủ nhau ra sông, ngồi trên thảm cỏ mướt xanh, mặc cho hoàng hôn tràn từng vệt sam sam trên mặt. Sông Phồm Khiều chảy tồng tộc như thách thức con người, cuốn lấy trong mình những hoài nghi và bí mật. Chợt, anh Hịa nhìn sâu vào mắt tôi, vẫn câu hỏi cũ:
- Em có tin anh không?
- Có chứ!
- Và em sẽ ủng hộ những điều anh làm chứ?
Hai ngày sau, anh Hịa bắt quả tang bố dượng tôi về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Nỗi căm tức ngùn ngùn bừng lên như ngọn lửa bòng bong, mẹ tôi tong tả chạy sang nhà anh Hịa lăn lộn khóc gào, chửi bới. Mày giết con tao rồi, mày lại bắt chồng tao. Tao cứu mày như thả con rắn vào nhà, như bỏ con đỉa vào chum, như nuôi con ong tay áo. Hai cánh cửa gỗ nhà anh im lìm khóa chặt. Giọng mẹ sắc như lưỡi xẻng đào xới mồ mả tổ tiên, ông bà mấy đời nhà người ta lên mà nghiến, mà đay, mà nguyền, mà rủa. Dân bản Mó Mười xúm vào lao xao chỉ trỏ. Tôi càng kéo mẹ về, mẹ càng bíu chặt cổng rào nhà anh Hịa, máu rỏ ra tơ tướp bàn tay. Tóc mẹ rối tung xõa xượi. Mẹ gầm gào, cào cấu như con hổ trúng mũi tên tẩm độc...
Trên trang nhất báo tỉnh, tin anh Hịa tham gia đấu tranh chuyên án ma túy bị đâm xượt mạng sườn làm ruột gan tôi nóng bừng như hòn than ủ nhiệt. Khi tôi gọi hỏi, anh nói chỉ là vết thương ngoài da. Tôi không trách cứ gì anh Hịa cả. Ngay từ ngày bố dượng bước vào căn nhà này, tôi đã ghét ông ta. Chỉ đôi mắt mẹ bị ông ta che mờ đi bằng những đồng tiền xanh đỏ, những chiếc váy mới sặc sỡ sắc màu. Mẹ tôi cứ khóc dấm dẳng mãi. Mẹ đấm thùm thụp lên hình nộm. Mẹ bóc đầy một giỏ hạt pa bát rồi đâm vào mặt, vào cổ, vào bụng hình nộm tua tủa. Tôi nhìn hình nộm, vừa sởn da gà, vừa nhói đau. Ngôi nhà này, thù hận chất chồng thù hận. Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa:
- Mẹ có thôi đi không? Bố dượng làm sai thì phải chịu tội!
- Mày đã báo thằng Hịa bắt bố dượng mày phải không? Mày ngu lắm, con ơi. Ông ta thương mẹ con mình hơn bố đẻ mày đấy. Mày không biết mở cái mắt ra mà nhìn hả con?
- Tại sao mà bố ruột con lún trong rượu và ma túy. Mẹ với ông ta đã lén lút làm những chuyện gì sau lưng bố con trong những lần bố vào rừng đi săn, đốn củi? Mẹ tưởng con không biết à?
Từ hôm ấy, căn nhà im bặt. Mẹ con tôi chẳng nói với nhau lời nào. Tôi xuống bếp thì mẹ lên nhà, tôi lên nhà thì mẹ ra sân. Một lần, tôi bắt gặp mẹ ngồi bên bàn học chị Xiến, đọc gì đó. Nghe tiếng bước chân tôi, mẹ gấp vội cuốn sổ, nhét vào ngăn bàn rồi lẳng lặng ra thềm. Đó là cuốn sổ nhỏ chị Xiến thường sáng tác thơ. Tôi lật giở từng trang. Thơ chị viết buồn hiu hắt. Mỗi trang thơ đều ép vài cánh hoa pa bát. Tôi rỏ nước mắt ướt nhòe những dòng thơ. Và bài thơ có tựa đề “Pa bát ơi” hình như đã bị cắt một câu thơ kết, khổ cuối chỉ còn lại ba câu thơ bỏ ngỏ bên trên vết kéo cùn nham nhở: “...Mưa đồi nhòa sắc tím/ Buồn gì, pa bát ơi/ Tôi viết lên lưng đá:/...”. Tôi liền mang cả tập thơ giao cho anh Hịa.
Sau khi phá thành công chuyên án ma túy, anh Hịa được cấp trên tiếp tục tin tưởng giao cho những nhiệm vụ quan trọng. Anh bận rộn suốt ngày. Tôi cũng bận. Giờ đây, mọi gánh nặng mưu sinh đổ dồn lên vai tôi. Chị Xiến ra đi chín tháng rồi. Nỗi đau dần dần lắng lại như cánh hoa pa bát tan vào lòng đất để cỏ dại ngoi lên. Tôi phải là chỗ dựa cho mẹ. Mẹ nghĩ tôi không thương bà ấy. Tôi chẳng muốn chứng tỏ điều gì. Tôi làm thuê cho một xưởng đá. Hôm nhận lương, tôi khấp khởi khoe anh Hịa những đồng tiền mới thơm nức. Anh nói, anh sắp chuyển địa bàn công tác, cách xa nơi này. Tôi mỉm cười động viên anh nhưng lòng buồn rười rượi. Anh Hịa tặng tôi một chiếc điện thoại cảm ứng mới.
- Điện thoại của em vẫn còn dùng tốt mà.
- Thanh niên phải dùng cái này để còn cập nhật tin tức nữa. Thời đại 4.0 rồi, đâu thể dùng cái cục gạch đó mãi.
Mấy ngày sau, khi hoa pa bát nở rộ trước cổng, chị Xiến được hai nữ cán bộ Cảnh sát dẫn về. Bụng chị nhú lên lùm lùm sau lần áo mỏng. Sửng sốt vỡ òa, tôi chạy đến ôm chầm lấy chị giữa màn mưa cánh hoa dập dềnh, mê mị. Chị tôi xác xơ như quả mướp khô. Da sạm xám. Mắt hốc hác. Bờ môi thâm tím. Mái tóc nhuộm vàng lởm chởm như da bò cháy nắng. Kéo đầu chị áp chặt vào vồng ngực mình, tôi khóc hu hu như một đứa trẻ.
Chị Xiến kể, hôm đó, chị đi trỉa ngô ngoài bãi. Càng về trưa, trời càng nắng nóng như chảo mỡ đang sôi. Chị ngồi nghỉ tạm bên gốc cây pa bát, uống một ngụm nước mang từ nhà đi, rồi chẳng hiểu say nắng hay ma làm, đầu chị ong ong, choáng váng. Chị lả đi lúc nào không hay biết. Rồi chị giật tỉnh trong thùng xe tải ngột ngạt, khăn khẳn mùi phân lợn. Quần áo xộc xệch. Mắt bịt kín một mảnh vải mềm. Mồm bị dán chặt. Giữa hai đùi đau rát và chảy máu. Sau nhiều giờ lắc lư, chiếc xe tải đưa chị đến một nhà chứa sực nức mùi long não và thuốc tẩy.
Ở đây, chị bị giam lỏng trong căn phòng rải đỏ những cánh hoa hồng và tường dán kín mấy bức ảnh khỏּa thâּn cỡ lớn. Chị phải uống những lọ nước nhỏ sền sệt và phục vụ hơn mười vị khách mỗi ngày. Bên ngoài, những tên bảo vệ luôn canh gác cẩn mật. Sau hai lần thắt cổ tּự tּử không thành, chị nảy sinh ý định bỏ trốn. Nhưng cái giá phải trả của bỏ trốn còn đớn đau hơn cái chết nhiều lần. Có cô gái phòng bên phá song cửa sổ nhảy ra ngoài, bị bọn bảo vệ bắt được, chúng đổ cả chai nước mắm ớt vào giữa hai đùi, chà xát. Cô ta giãy đành đạch như con chạch bị tẩm muối.
Thấm thoắt ba tháng trôi qua, chị cảm nhận rõ một mầm sống đang cựa quậy trong bụng mình. Chị thầm nghĩ, mầm sống này sẽ cứu rỗi cuộc đời chị thoát khỏi những tháng ngày nhớp nhơ, tủi nhục. Nào ngờ rằng, một vài tay đại gia bệnh hoạn có sở thích quái đản là quan hệ với phụ nữ có bầu. Chúng kháo nhau: “Ngủ với gái chửa, sướng nửa đời người”. Chúng cào xé, vầy vò, khoan khoét chị trong những cơn đau dập dồn từ giữa hai đùi thấu lên tận óc. Nhiều lần, chị định cắn lưỡi chết cho xong. Nhưng nghĩ đến đứa con đang thành hình, chị cắn răng nén chịu.
Chị thầm nghĩ, chết cũng xuống địa ngục, ở đây cũng là địa ngục, địa ngục nào mà chẳng giống nhau? Rồi chị gắng quen. Chị sống như khúc gỗ rỗng rễnh, vô hồn, không cần biết ngoài kia đêm hay ngày, nắng hay sương, bình yên hay dông tố. Nước mắt đã khô kiệt rồi. Chỉ còn đây nỗi ê chề, ủ dột. Chị đợi chờ với niềm hy vọng le lói rằng một ngày nào đó, khi mình rạc rài, tàn tã, chúng sẽ sa thải chị. Tú bà vẫn dành cho chị những lời mơn trớn ngọt ngào. Mụ ta hứa, nếu chị ngoan ngoãn phục vụ khách, lúc nào chị sinh, mụ ta sẽ cho chị một món tiền vá lại cuộc đời...
Chị Xiến bám víu vào lời hứa suông của mụ tú bà ấy, sống lay lắt qua ngày. Cho đến một buổi chiều nhá nhem, chị nghe rõ ngoài cánh cửa khóa chặt vang lên những tiếng hét hò ầm ĩ. Qua khe cửa, chị nhìn thấy lố nhố bao người đang xô đẩy nhau chạy tán loạn. Tưởng đang có cháy nhà, chị hoảng hốt đập cửa cầu cứu. Một người đàn ông mặc bộ quần áo bảo hộ điện lực phá khóa, ập vào. Anh bịt khẩu trang nhưng chị vẫn nhận ra. Anh Hịa. Chân chị đột nhiên bị chuột rút. Anh Hịa vội cõng chị chạy xuống cầu thang. Sau lưng có tiếng chân bình bịch. Chị ngoảnh lại. Tên tay sai của tú bà hằm hằm chĩa mũi dao gọt hoa quả về phía chị. Đúng lúc đó, anh Hịa quay người đỡ mũi dao. Ngực anh phun trào máu. Anh đỡ chị Xiến xuống rồi mới đổ khuỵu. Đồng đội anh xông lên hỗ trợ...
Tôi gọi video cho anh Hịa. Anh nằm thõng trên chiếc giường ngợp trắng. Một miếng băng gạc quấn quanh ngực anh thấm máu lâm thâm. Tôi rớm khóc, trong khi anh vẫn nhoẻn cười hóm hỉnh:
- Cái thằng này, con trai mà khóc nhè thì bao giờ mới có người yêu?
- Sao anh nói dối em?
- Vì bí mật nghiệp vụ, em ạ.
- Anh còn điều gì giấu em không?
- Anh cùng đồng đội đã bắt được con phì luồng dưới sông Phồm Khiều và giải cứu được nhiều cô gái khác nữa.
- Anh lại đùa em?
- Là lão thầy mo bên kia núi Pú Biếng đấy. Cơ quan anh tiếp tục mở rộng điều tra để khoanh vùng những đối tượng liên quan đang lẩn trốn.
Chiều tối, chị Xiến trở dạ trong căn buồng um ủm ánh đèn điện vàng quạch lờ mờ. Vật vã. Đớn đau. Oằn oại. Đỡ đẻ cho chị, mẹ khóc tức tưởi. Trời bỗng nổi cơn gió mạnh. Gió ầm ào trên vòm cây pa bát. Đàn dơi không biết từ đâu ùn ùn kéo về chao liệng trên sân và kêu théo thắt. Tay mẹ run rẩy nắm lấy tay chị Xiến. Xiến ơi, sao đời con lại khổ thế này? Chị Xiến gồng mình, vã mồ hôi ướt sũng. Đến nửa đêm, đứa trẻ mới chịu chui tuột ra. Là con trai. Tiếng khóc của nó như xé toạc bóng tối bên ngoài cửa sổ thành từng mảnh lơ thơ. Chị Xiến chỉ kịp đặt tay lên má thằng bé rồi kiệt sức, lịm đi...
Sáng ra, tôi bế thằng bé ra hiên nhà làm lễ Tỏn Phạ Đét Khửn, đón những tia nắng hồng ngày mới. Mẹ tôi tỉ mẩn sắp đồ cúng. Đến lúc này, chúng tôi mới được ngắm nghía gương mặt nó kỹ hơn. Đôi mắt một mí trễ xuống, chiếc mũi khoằm khoằm hình thoi và khuôn miệng đẹp như trái tim vẽ khéo. Những đường nét không lẫn đi đâu được. Tim tôi nhói lên một nhịp. Tôi quay sang mẹ, hình như mẹ cũng cùng cảm nhận như tôi. Bỗng dưng, mẹ lê lết chạy đến bên hình nộm nơi góc nhà, quờ quật nhổ những hạt pa bát ra, rồi găm lên búi tóc tằng cẩu trên đầu mình chi chít. Và mẹ quỵ xuống sõng soài, ôm chặt chân hình nộm, khóc không thành tiếng:
- Ơ... ơ... ơ...
Bất giác, tôi hôn lên vai thằng bé rồi đưa một tay ghì lấy lồng ngực mình. Tôi lặng nhìn ra phía sông Phồm Khiều. Tầng tầng những vòm hoa pa bát gối đầu lên nhau, tím mang mang như vết thương không bao giờ liền sẹo. Tôi chợt nhớ đôi mắt ươn ướt của anh Hịa hôm kết thuyền hoa thả trôi theo lênh đênh dòng nước thẳm xanh, quẩn vào chiếc xoáy lớn mà tôi hằng tưởng tượng ra con phì luồng đang há mồm chực sẵn. Và gió ơ hờ hát khẽ như muốn sửa giùm chị Xiến mấy câu thơ dở dang, phiền muộn: “Mưa đồi nhòa sắc tím/ Đừng buồn, pa bát ơi/ Tôi viết lên lưng đá:/ Người ấy rất thương tôi!”.