(HNMCT) - Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, nhưng dường như ai cũng nôn nao mong chờ mùa xuân nhất. Mùa xuân khiến cho con người ngưng đọng nhiều cảm xúc, bâng khuâng, bồi hồi, rạo rực...
Trong vườn, nhác thấy những cành cây trọi trơ lá nhu nhú từng mầm xanh bé xíu là biết xuân sắp về. Ra thăm vườn nhà, lòng tôi lâng lâng sung sướng, đầu không ngừng nghĩ về những cây táo, cây mận, cây ổi, cây na. Chỉ cần qua mùa xuân thôi chúng sẽ vươn những lá xanh sum suê, ra hoa rồi bói quả. Mẹ tôi ví von cây cối qua xuân như đám con trai choai choai bắt đầu bước qua tuổi dậy thì. Chỉ nhoáng một năm thôi ai nấy đều “nhổ giò” cao ngồng, vỡ giọng và cũng ra dáng “người lớn” hơn.
Sự nôn nao xuân của trẻ con ở quê nghĩ thấy thương quá là thương. Vì xuân có Tết, mà Tết thì được ăn ngon hơn ngày thường, được mặc quần áo đẹp và quan trọng nhất là được... nghỉ học. Cũng từng là trẻ thơ nên tôi hiểu. Sự nôn nao ấy lạ lắm! Vừa muốn xuân nhanh nhanh tới nhưng cũng muốn xuân chầm chậm sang, bởi khi xuân đến nơi thì cũng là khi chớm tàn. Trước cái háo hức Tết của trẻ con, người lớn thường cười chép miệng “Đúng là trẻ con!”.
Nhưng, sự nôn nao xuân hẳn không chỉ có trẻ con mà người lớn cũng nôn nao không kém. Nhất là những người nông dân như mẹ tôi. Những ngày xuân về, nắng lên, lòng mẹ cũng như vừa được sưởi ấm muôn vàn tia ấm lung linh. Mẹ ra đồng nhiều hơn. Mẹ chăm rau Tết, chăm lúa ngoài đồng. Chỉ có nắng ấm, rau mới mọc được tốt và mạ mới bén rễ. Mà Tết nhất, của cải của người nông dân chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, mấy thửa rau. Có lần tôi theo mẹ ra đồng chăm rau, mẹ cười tươi rạng rỡ bảo: “Tết nhà mình nằm ở đó con ạ!”.
Rục rịch giữa cấy dặm, chuẩn bị Tết là không khí hội thao đón chào xuân năm mới. Anh cả tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm không yên, chỉ chờ đến chiều lại ôm trái bóng ra sân bóng làng để luyện cùng “đồng đội”. Rồi các mẹ, các chị cũng không quên bàn nhau năm nay chiến thuật kéo co ra sao để cho một cái thắng đậm đà trước đội bạn. Chỉ cần ra xuân là không khí tưng bừng. Phần thưởng nhiều lúc không đủ một bữa ăn ngọt giản đơn nhưng ai nấy đều hào hứng, tươi cười nói rằng xuân không chơi thì mất vui.
Những đứa con xa quê lại càng nôn nao xuân bao giờ hết. Hồi còn là sinh viên, những ngày cuối năm vẫn còn tới lớp mà lòng tôi không ngừng nghĩ về quê nhà. Trong đầu tưởng tượng phiên chợ quê ngày Tết nhộn nhịp với đủ loại đồ từ bánh kẹo, thịt thà, quần áo, giày dép, các trò chơi dân gian. Phiên chợ Tết, tôi sẽ cùng đứa em đi chợ mua sắm đồ dùng cá nhân, ghé góc chợ “thưởng” cho mình một bát bánh đúc nóng hổi. Chao ôi, ngon quá là ngon, thích quá là thích vị bánh đúc quê nhà!
Những lần ăn quà nơi chợ Tết như vậy cứ khiến tôi nhớ mãi, để giờ đi làm rồi mà cứ luôn mong được một đôi lần trở lại. Cũng còn là mong công việc có thể sắp xếp để được về xuân sớm với bố mẹ, mong đỡ đần chút nào hay chút ấy. Dọn dẹp lại nhà cửa, phát quang cỏ dại dọc hai bên ngõ hay trồng một ít khóm hoa trước nhà để ra xuân cho bố mẹ vui lòng.
Năm nay, đã sắp vào tháng Chạp mà thời tiết vẫn có vẻ như không lạnh lắm. Trời hưng hửng nắng, ấm áp tràn khắp mọi nẻo phố phường. Nắng ấm càng thôi thúc tôi mơ về một mùa xuân rạo rực mơn mởn xanh ngát. Nhưng một chút thoáng nghĩ về “mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần” thì lòng lại quặn xót, chỉ ước giá như thời gian ngừng trôi. Giá như xuân xanh tuổi mẹ còn mãi.