(HNMCT) - Mùa xuân, mùa của khởi hành. Nếu muốn ngắm mùa xuân trọn vẹn, hãy lên rừng, chỉ cần đi chầm chậm trên con đường vắng là đã có thể thấy trong mắt rợp ngợp màu xanh mỡ màng của hạt, của lá, của cây, của lúa. Những cánh đồng mới cấy xong, nắng ấm rọi lên từng chóp lá nhìn thoáng qua sắc tựa dao cau, từ một góc độ khác trông chúng lại giống như các mũi tên tre mà ngày bé tôi và đám bạn thường vót để đấu với nhau trong các dịp lễ hội của xóm, xã mỗi khi xuân về.
Bấy giờ, gió xuân ôm ấp hương hoa cỏ phảng phất trong không gian, không khí trong lành và vẫn còn lạnh càng khiến cho tâm trí thoải mái, đặc biệt là khi phải “cuốn kén” quá lâu vì cái rét cắt da trên núi. Có thể gặp những đống củi đang nỏ lửa trên đường đi học về, chúng tôi túa vào “bếp lửa” kê bằng ba viên gạch vỡ, một đứa vác theo ống tre đã ngâm và phơi, màu tre chuyển sang nâu vàng, một đứa mang dao, một đứa mang nước uống, có đứa xách theo túi măng đắng mới đào còn vương đất, lúc bóc măng chỉ thấy mấy ngón tay trắng trẻo thâm dần và đen đi lẫn cả vào với màu gio lúc cời than nóng ra lùi măng. Đấy là mùi hương mà sau này dù đi tới đâu tôi vẫn nhớ, thơm thanh nhẹ hơi bùi bùi, nhằng nhặng. Măng nóng chấm muối trắng nghiền ớt, vị cay lẫn đắng kết thúc bằng dư vị ngọt nhẹ khi chiêu thêm một ngụm nước. Mưa lăn phăn đậu trên tóc, phủ bạc những mái đầu xanh, nhòe mờ cả gương mặt thơ trẻ.
Ở chỗ tôi sống, lễ hội đầu năm không tổ chức vào Tết âm mà phải sau đó khoảng mười đến mười lăm hôm. Bốn bề là núi, ngược lên thêm có thượng nguồn sông Đà và hệ thống núi đá vôi, đây là chốn tập hợp nhiều dân tộc sinh sống, nhiều năm qua đi, tôi chỉ còn nhớ những trò thi đi cà kheo, đánh đu, ném còn, người người áo xống sặc sỡ đi lại tấp nập, quây quần vui đùa. Tuy trời vẫn sáng song lửa đã nhóm lên, cháy rực dưới bầu trời căng mọng, thảm cỏ mới nhú lấm tấm hoa vàng hoa tím, bạn tôi chạy tới chia cho tôi một nửa ống cơm lam rồi lại lao vào trong hội. Leo lên bàn xích đu, giữ chặt lấy dây, chợt cảm thấy bản thân hẫng đi, tầm mắt chạm vào các cánh đồng, con suối nhỏ, các nóc nhà sàn lác đác chen lẫn nhà xây, một đứa trẻ đang gánh nước đi trên đê, đàn trâu thong thả gặm cỏ tươi ngon lành. Không ai biết hội tan ra sao, mọi người tản đi như thế nào, chỉ còn đọng lại là tâm trạng háo hức, và rồi ngày mai cuộc sống trở lại guồng quay, cần mẫn với núi và rừng, một đời người sống ở trên núi thực ra chỉ đơn giản như vậy mà thôi.
Lịch sử, thời gian cuốn con người vào trong cỗ máy của mình, không ngừng vận động, không ngừng thay đổi, người ra đi khỏi núi ngày càng nhiều, nhưng ngược lại, người sinh ra ở các miền khác chợt lên núi nhiều hơn, chia sẻ cho nhau văn hóa và kinh nghiệm, rồi sau vài chục năm bôn ba, tất thảy trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Núi - từng là nơi mà tôi muốn rời khỏi, vậy mà chẳng biết tự bao giờ lại là nơi mà tôi quyến luyến, từng nắm đất mảy cát, tán lá vòm cây ở đây đều ăn sâu vào máu thịt, không thể tách rời.
Qua đêm mưa, chỉ cần vươn tay ra là có thể chạm vào hơi ẩm của mùa xuân, cũng có thể chạm vào được hơi thở của những mầm non mới nhú. Đặt chân xuống, kết nối với đất và trời, sự sống ẩn mình lâu ngày như trỗi dậy. Nhựa non tươi mới chảy bên dưới mặt đất - ở bề mặt tưởng như bất động khô cằn - tạo thành một thứ long mạch riêng, sau đó hạt cây dần dần tách vỏ, vươn lên từ mọi chốn đón nhận nước và sương, rót đầy cả chén xuân lành.
PHẠM GIAI QUỲNH