Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Màu của mùa đông Hà Nội Màu của mùa đông Hà Nội , Người xứ Nghệ Kiev
 

19/01/2021

(NSHN) - Đông Hà Nội đa sắc, đa tình. Đó là màu xam xám của sương mù, màu rêu phong của tháng năm, màu phớt hồng trên gò má thẹn thùng của cô thiếu nữ, nhưng nổi hơn tất cả vẫn là “cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy” của lá bàng, của nàng thơ “áo đỏ” giữa phố đông và của “như chưa hề có cuộc chia ly”...

Đông về, cả Hà Nội đắm chìm vào trong gam màu xám bạc huyền ảo như bức tranh sơn thủy hữu tình. Trong “Em ơi Hà Nội phố”, nhà thơ Phan Vũ đã nói đến màn sương như một tấm sa mỏng màu xám trùm lên mùa đông Hà Nội:

“Một màu xanh thời gian và màu xám hư vô chợt nhòe chợt hiện”…

Có những hôm sương mù dày đặc khiến Hà Nội mờ ảo. Mặt nước Hồ Gươm phẳng lặng soi bóng Tháp Rùa cổ kính và những cành cây khẳng khiu, trụi lá. Hồ Tây cũng mịt mờ sương khói…

Lời bài hát “Hà Nội mùa sương” của cố nhạc sĩ An Thuyên có đoạn:

"Hà Nội mùa sương

La đà ngọn sóng bồn chồn Tây Hồ

Run run ngọn gió mấy cổ rêu phong

Sương đọng trên mi mắt ươn ướt nỗi buồn thơ

Người đi trong sương như mơ

Cây bàng thắp lửa ngẩn ngơ

Rằng mắt trong sương mờ

Hơi ấm Hà Nội êm"

Vào đỉnh điểm của mùa đông, giữa tiết đại hàn xám xịt, những cây bàng rực lên sắc lá đỏ như giành lại chút cân bằng ấm áp cho thành phố đang ẩm ướt. Màu đỏ đã tôn lên vẻ đẹp u hoài của mùa đông Hà Nội, nổi bật giữa phố phường như cô gái trong bài thơ "Áo đỏ" của Vũ Quần Phương.

“Áo đỏ em đi giữa phố đông

Cây xanh như cũng ánh theo hồng

Em đi lửa cháy trong bao mắt

Anh đứng thành tro em biết không?”… 

Có lần tôi được nghe nhà thơ chia sẻ: “Bài thơ này vụt đến trong một lần tôi đang ngồi đợi cắt tóc ở phố Khâm Thiên đầu năm 1973, khi Hà Nội vừa trải qua 12 ngày đêm khói lửa. Bấy giờ, sau trận bom rải thảm của B.52 Mỹ ném xuống, cả phố tan hoang đổ nát. Từ nơi sơ tán, dân phố về sửa lại nhà để ở, mái nhà toàn lợp tạm bằng “giấy dầu” trông ảm đạm lắm! Ngày ấy chiến tranh nên quần áo mọi người chỉ có màu xanh công nhân và màu cỏ úa bộ đội, bỗng từ xa, có một cô gái mặc áo đỏ đạp xe đi qua. Sự xuất hiện “bất ngờ” của cô gái với sắc đỏ ấm áp trong tiết trời lạnh giá những ngày đầu hòa bình như một khát khao về cuộc sống yên bình và no đủ đã làm cả một góc phố phải chú ý, ai cũng phải ngoái lại nhìn”.

Bài thơ chỉ có 4 câu thôi nhưng ý nghĩa của nó lại dài hơn thế: Niềm vui về một sự đổi thay của cuộc sống sau chiến tranh và một tình yêu cháy bỏng! Và tất cả đều cháy lên mãnh liệt.

Chợt nhớ trước đó, Hà Nội cũng là nơi ra đời một bài thơ màu đỏ lừng lẫy của nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ.

Năm 1964, khi giặc Mỹ đem máy bay ném bom đánh phá miền Bắc, chiến trường miền Nam kêu gọi lớp lớp thanh niên lên đường vào mặt trận. Đã có không ít chàng trai phải xa người yêu, xa gia đình đi chiến đấu. Giữa những ngày đạn bom đó, trên gác xép ngôi nhà số 19 phố Nguyễn Bỉnh Khiêm khuất sau công viên Thống Nhất, bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” ra đời.

Đó là một cuộc chia ly giữa chồng với vợ nhưng không não nề mà đầy bịn rịn và lưu luyến bởi “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.

 “... Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy

Cái màu đỏ như màu đỏ ấy

Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi

Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người

Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp

Một làng xa giữa đêm gió rét...

Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi

Như không hề có cuộc chia ly”...

Cái màu đỏ của thì hiện tại ấy không chỉ là màu đỏ trực diện của chiếc áo đỏ người vợ mặc mà còn phối hợp với màu đỏ trong tưởng tượng, một cảm xúc mang hơi thở thời đại, lung linh, ngời sáng. Các câu thơ chuyển từ tả thực sang ẩn dụ. Nhờ thế, cuộc chia ly không mảy may một sắc màu u ám mà ấm áp, tin cậy, hy vọng. Chia ly để làm nên chiến thắng, làm nên sự trở về.

Những ngày này, đi qua con phố nhỏ duyên dáng Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhìn cây bàng đỏ rực bỗng nhớ nhiều hơn đến tác giả “Cuộc chia ly màu đỏ” đã anh dũng ngã xuống nơi chiến trường lửa đạn nhưng những vần thơ của ông như ngọn lửa hồng vẫn hừng lên, đỏ thắm.

Hà Nội mùa đông, một màu trầm lắng, một màu hoài niệm.

THU HẰNG

Nguồn hanoimoi.com.vn

http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cam-nhan/824160/mau-cua-mua-dong-ha-noi


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65180701

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July