Lặng lẽ sinh ra, lặng lẽ giấu mình sau tất cả những hiến dâng, đến cái tên gọi giống loài cũng giản dị và khiêm tốn đến tội nghiệp. Nào những khóm hồng, khóm trúc, những bờ tre, rặng dừa, hàng cau, cụm mía, những nhành huệ, nhành mai... bao nhiêu ngôn từ hoa mỹ mà các giống loài được nâng niu nhóm gọi, chỉ loài chuối mang bên mình cái tên gọi mỏng manh thân phận: Bụi! Bụi chuối!
Mùa xuân. Đâu đâu cũng thấy cây cối cỏ hoa nảy lộc đâm chồi. Từ những cây cao lớn hiên ngang sừng sững giữa trời đến những cây cỏ mỏng manh giấu mình dưới gót nhân gian. Chồi xanh biêng biếc. Chồi non thẫm đỏ. Cành cây nào cũng mơn mởn sức vươn lên. Cành cây nào cũng tràn đầy nhựa sống. Nhưng có một loài đi qua mùa nào cũng xanh, mùa nào cũng tả tơi hoang dại, mùa nào cũng chênh chao mời gọi, mùa nào cũng tất tả chở che...
Nhớ hồi còn bé xíu, mỗi chiều đi học về ngang qua trệ sông, thế nào cũng có anh chàng ga - lăng xé một mẩu lá thật đẹp rồi cuộn tròn làm kèn... Saxophone, lại gập đôi một mẩu lá nữa, làm kèn... Ăcmonika, cho cô em bé nhỏ đi cùng... rồi cả hai nghêu ngao suốt đoạn đường lầy. Rồi đôi môi ngoen ngoét nhựa nâu. Rồi gốc lưỡi chát nồng nhựa đắng. Rồi lớn lên. Rồi đi xa. Mang theo tất cả những giai điệu Thâm - Nồng - Nâu - Chát ấy.
Nhớ những chiều mưa rào ập đến. Cả bọn rúm rít nép dưới tàu lá vừa mới tung mở còn nguyên lớp phấn trinh trắng mướt mịn để trú mưa, đứa nào nghịch ngợm giơ ngón tay lem luốc để viết tên hai đứa lên lớp phấn mơ màng thành đôi thành cặp, lồng trong trái tim cũng mơ màng như phấn để rồi chỉ giây lát, sau khi cơn mưa ào ạt đổ xuống, gió quất tả tơi, trái tim gói tên hai đứa vì thế cũng tả tơi như lá...
Trẻ con. Mỗi lần theo mẹ ra vườn, lúi húi gạt đầy tay mình những giọt nhựa dẻo trong suốt sóng sánh tiết ra từ thân gầy tơi tả, nếm vào miệng vừa mặn vừa chát, mang ra hỏi mẹ, mẹ bảo, đó là máu của cây. Khi đọt hoa non nớt và mỏng manh bắt đầu nhú mầm từ lòng đất, cây mẹ ủ giữ và bao bọc suốt hành trình đọt hoa ấy lớn lên, hoa lớn đến đâu, thân mẹ phải căng mình ra bao bọc đến đó, căng đến rạn nứt, nhói đau và ứa máu. Đến lúc đọt hoa đủ lớn để vươn lên đón ánh mặt trời, thân mẹ đã xác xơ tơi tả lắm rồi, những tấm lá sau cùng còn nguyên vẹn vẫn cố gắng chở che và iu ấp cho đến khi đọt hoa xòe nở những ngón quả đầu tiên, rồi lớn lên, rồi thơm nồng, rồi chín ngọt ... Hành trình ấy gian nan và đau đớn bao nhiêu thì nơi gốc gội, thân mẹ lại nhú nẩy những mầm chồi khỏe mạnh đến đó. Vừa sinh sôi vừa chắt chiu dâng ngọt cho đời. Cây mẹ vắt kiệt mình rồi héo lũa ở chính nơi mình sinh ra, giữa những mầm cây đang ngồn ngộn sức vươn lên, mãn nguyện và thảnh thơi...
Người lớn. Mỗi lần cha mẹ mình tiễn ông tiễn bà về miền miên viễn, ai đó xé cho cha bẹ cây đã héo vàng màu đất để kết cho cha sợi dây thắt lưng buộc bụng, sợi dây kết vội xơ xác quấn quanh tấm áo tang trắng. Cha bảo, sở dĩ phải buộc dây chuối mà không phải những sợi dây nilon bện sẵn ngoài chợ bởi trong tất cả các loài cây, chỉ mình cây chuối là bền bỉ dẻo dai nhất, dẻo dai cho đến tận lúc đã tàn lũa giữa đất trời. Các đấng sinh thành ra chúng ta cũng vậy, xa đấy, tàn héo đấy nhưng chẳng bao giờ thôi bao bọc cháu con. Đời cây không dài bằng một vòng quay trái đất. Lá cây không mướt xanh đủ một bàn tay. Hoa của cây không rực rỡ tỏa hương khoe sắc... Vậy mà khi đã dâng trọn buồng quả ngọt cho đời, cây lặng lẽ hóa mình vào đất. Không giống bất kỳ một loài cây nào, mỗi bẹ lá càng héo, càng dẻo dai bền chắc... cái sợi dây tưởng mỏng manh và dân dã ấy, chất chứa trong mình nó cả một triết lý nhân sinh vô cùng thâm thúy.
Lặng lẽ sinh ra, lặng lẽ giấu mình sau tất cả những hiến dâng, đến cái tên gọi giống loài cũng giản dị và khiêm tốn đến tội nghiệp. Nào những khóm hồng, khóm trúc, những bờ tre, rặng dừa, hàng cau, cụm mía, những nhành huệ, nhành mai... bao nhiêu ngôn từ hoa mỹ mà các giống loài được nâng niu nhóm gọi, chỉ loài chuối mang bên mình cái tên gọi mỏng manh thân phận: Bụi! Bụi chuối! cái sự kết tập giản đơn như đất... Bụi. Bụi, những tưởng sẽ mỏng manh yếu ớt và nhỏ bé đến tận cùng, nhưng bụi lại là sự cố kết hòa đồng chặt chẽ và sâu sắc biết bao nhiêu khi nó đan bện và nhóm tụ đủ mọi thế hệ cùng với sức sinh sôi không ngừng trong một khoảng đất hẹp nơi góc vườn, góc bãi, nơi triền sông chín chiều gió chướng hay dọc những lối mòn nhỏ bé dưới chân đê... Và nữa, từ thuở nào xa xưa lắm, loài người chúng ta đã ngộ ra rằng bụi là khởi nguyên của mọi sự sống trên cõi trần ai này, cũng là thứ mà con người ta sẽ hóa thân sau một chặng đường dài khấp khểnh nắng mưa giữa chốn nhân gian... Cha ông ta ngàn đời nay chắc chắn không phải vô tình khi thầm thì răn dạy: “trẻ trồng na, già trồng chuối”. Na thì nhiều mắt, mắt na bao bọc khắp thân mình. Trên - dưới - phải - trái - trước - sau... đâu đâu cũng thấy mắt na biếc xanh và rạng rỡ. Người trẻ cũng như na, cần thật nhiều, thật nhiều mắt để quan sát thế gian, để thu nhận những điều vi diệu nhất và thô giản nhất, để mở rộng tâm hồn, đồng vọng với nhân sinh, để tỏa sáng, chiếu rọi và tặng dâng những yêu thương trong trẻo cho đời... Người già thì như chuối, thảo thơm và mộc mạc, dâng tặng trọn vẹn đời mình cho nhân thế, đến khi trở thành cát bụi vẫn không ngừng chở che bao bọc và hồi sinh cho lớp lớp cháu con. Và nữa, cây chuối chỉ cần thời gian rất ngắn để hiến dâng trái ngọt cho đời...
Năm tháng vẫn hồn nhiên đi qua. Những giai điệu Thâm - Nồng - Nâu - Chát với tuyết phấn tinh khôi thuở nào rồi cũng đi qua. Những đọt lá xanh tươi rồi xơ xác, rồi lũa tàn, rồi nhú nẩy, rồi hiến dâng... đi qua... và trở về... Những dòng sông và những con đường ngẫu nhiên dẫn dụ chúng ta đi qua mải miết mải miết. Và chúng ta đã đi qua bao nhiêu bến - bờ - gò - bãi, đi qua bao nhiêu mất - còn - tàn - lũa, đi qua bao nhiêu khôn - dại - trẻ - già, đi qua bao nhiêu... bao nhiêu... bao nhiêu... và có bao nhiêu người dám chắc mình đã đi qua hết một bụi chuối quê mùa mộc mạc nơi góc vườn xưa mình đã sinh ra khi những mạch nguồn chứa chan từ gốc gội lũa tàn không ngừng tuôn chảy...
Vũ Thanh Lịch (VNQĐ)