Sau truyện ngắn khiến Thái Bá Lợi nổi tiếng: Hai người trở lại trung đoàn, tôi mới chỉ đọc Họ cùng thời với những aicủa ông. Đất nước trải dài, từ khi sách trở thành thuần túy hàng hóa, người ta chỉ đọc sách trong vùng như ăn rau chợ nhà, buồn vậy. Ông sinh ở Nghệ An, đi bộ đội, sau 1975 thì ở lại Đà Nẵng – một “thủ phủ” của Quân khu 5, nơi ông từng phục vụ bằng chiến đấu, rồi viết văn làm báo suốt cuộc chiến tranh. Hẳn việc chọn lựa này có liên quan đến dự cảm về một sự khác thường của dải đất Thuận Quảng, gắn bó bi thương nhưng anh dũng với lịch sử mở và giữ nước của dân tộc ta gần tròn 5 thế kỷ?
Minh sư còn có phụ đề chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi. Bằng thi pháp nhà nghiên cứu lục lọi lịch sử (cả những truyền thuyết dã sử trong nhân gian) mà nhân vật, sự kiện lịch sử sống lại; hiện tại và quá khứ đan xen nhau, cắt nghĩa và lý giải lẫn nhau khiến trường liên tưởng của nó là vô cùng, làm nên sức hấp dẫn cho tiểu thuyết.
Nhưng nhà nghiên cứu – người trò chuyện với lịch sử là Đoàn Minh Thành lại cũng từng là người lính, làm cần vụ cho anh Hai, Thường vụ Khu ủy trực tiếp chỉ huy chiến đấu, rồi ra ông sẽ hy sinh trên đường đi khảo sát thực địa chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Than 1968. Về điểm này, Thành cũng lại là một nhân vật lịch sử, trong một biến cố thất bại cay đắng nhất của cuộc chiến tranh và, với cấu trúc liên tục của tiểu thuyết không chương hồi, cho phép người đọc liên tưởng rằng, cuộc mở cõi của Nguyễn Hoàng vẫn chưa kết thúc khi ông nằm xuống. Liên tưởng này đặc biệt trở lại mỗi khi Thành mê mải tìm về những địa danh cổ gắn với các sự kiện lịch sử, cả chiến sự với quân chúa Trịnh hay tàn quân nhà Mạc lẫn chuyện khai khẩn đất hoang thành vườn ruộng, lập trấn mở làng như Ái Tử, Trà Bát, Trà Kiệu, Bùi Tá Hán, Mạc Cảnh Huống, Tống Quốc Trị, Nguyễn Ư Dĩ và nhất là Đoan quận công Nguyễn Hoàng. Mấu chốt làm cho hiện tại nhuyễn vào quá khứ là mỗi khi Thành “trở lại ngày xưa, chốn cũ” anh thường hay vào thăm các chùa miếu. Trong hương đăng mờ tỏ, ngữ điệu đặc sệt kiểu cổ của các nhà sư, thầy từ khi trò chuyện với Thành, khiến anh vừa ở phòng máy lạnh, ngồi xe Toyota trong những trang trước vụt biến thành nhân vật của ngày xưa, như có phép mở được cái khoá thời gian và cả không gian bí ẩn để “bước vào”. Đây là một thành công của phép bút, chẳng những góp phần làm phong phú diện mạo tiểu thuyết hiện đại, với những trang văn có thần khí mà còn làm cho Thành “đỡ ngọng” ở những trường đoạn chỉ có không gian cơ giới làm phòng khách cho quá khứ gặp gỡ hiện tại.
Nhà văn Thái Bá Lợi nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011. Ảnh: Đỗ Hiếu
Thành công của nhân vật Nguyễn Hoàng khiến người đọc Việt đỡ tủi khi so sánh ông ta với Lưu Bị trong Tam Quốc diễn nghĩa. Đa mưu túc kế, nói như Tào Tháo, Nguyễn Hoàng là một anh hùng của thời loạn; con người trí lự này cũng giống Lưu Bị là đã phải dùng kế giả nhũn để thoát khỏi nanh vuốt của Trịnh Kiểm cùng cái triều đình Lê mạt đang như rết gặp gà trống. Vào đến Thuận Quảng rồi – một kiểu Tây Thục thời bấy giờ - Nguyễn Hoàng cũng chiêu mộ anh hùng hào kiệt, thu phục lòng người để sau hơn nửa thế kỷ, tạo được thế nhân hòa sau khi đã có được thiên thời và địa lợi. Phép ứng xử khoan dung nhân ái của ông đã thu phục một viên quan ngang chức tước với mình, vào trấn giữ Quảng Nam trước ông là Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán và Tổng trấn Luân quận công Tống Phước Trị tâm phục mà quy thuận. Với tấm lòng ấy, ông đã tập hợp dưới ngọn cờ chung tay mở cõi được ngay cả Mạc Cảnh Huống, một viên tướng tài và là em ruột vua Mạc Kính Điển trở thành người thân tín chống lại nhà Mạc và sau đó đã giao cho ông ta nắm giữ Tổng binh (như bộ trưởng quốc phòng kiêm tổng tư lệnh sau này); đã khiến viên Hiến sát sứ Nguyễn Tạo do Trịnh Tùng cử vào khám đạc toàn bộ đất đai sản vật miền đất do Nguyễn Hoàng cai trị nhằm tận thu thuế cống, trưng dụng quân lương cho các cuộc chiến phục hưng nhà Lê; Nguyễn Tạo khi vào sát khí đằng đằng, khi ra thì chẳng khám đo gì hết, cứ gộp sổ của các phủ huyện thành tấu chương về triều, rồi còn tự ý giảm đi một nửa số thuế. Trong lần ra Bắc sau, Nguyễn Hoàng đã được chính Nguyễn Tạo ngầm theo, bầy kế để ông một lần nữa thoát được thế bị giam lỏng để về lại xứ sở và ông ta cũng theo vào luôn. Ngoài các nhân vật có thật vừa kể, những Đỗ Chiêu, Phạm Dữ, Nguyễn Thiệu, Chế Mô…là nhân vật hư cấu, điển hình cho hàng vạn người vô danh khác đã châu tuần rồi xả thân phụng sự công nghiệp mở và giữ cõi của Nguyễn Hoàng. Nhờ tài đức và trí lự, Nguyễn Hoàng đã cố kết được lòng dân, muôn người như một, biến ước mở khai khẩn cho riêng mình một cõi thành hiện thực chói lọi. Nhìn lại nửa thế kỷ huân nghiệp của ông, ta biết rằng bắt đầu từ vùng đất hoang sơ, lòng người ly tán, phần lớn là thần dân của vua Trà Toàn vẫn còn hoài nhớ cố quốc, lại bị thập loại di cư từ Bắc vào, chủ yếu là dân tay trắng, lưu tán hoặc bần cùng sinh đạo tặc đã khoét sâu bất hòa; hơn nữa, tàn quân của nhà Mạc thường xuyên quấy rối và còn bị chính quân của triều đình thình lình đánh úp nhằm phá thế chân vạc; với bối cảnh như thế, chúng ta càng khâm phục về đức tính bền bỉ giáo hóa nhân tâm, về trí lự cũng như chính sách nhân hòa của Nguyễn Hoàng – hạt nhân thành công cho huân nghiệp kiệt xuất của ông.
Nếu Đỗ Chiêu biểu trưng cho lý tưởng trung hưng nhà Lê, được khởi dụng bởi người Anh hùng Dân tộc Lê Lợi, từng tự giác vào Nam trước cả Nguyễn Hoàng như một tiền thám; thì Nguyễn Thiệu và Chế Mô lại là hóa thân của nhân tâm thời đại bấy giờ. Nguyễn Thiệu cha Việt mẹ Chăm, dòng dõi cụ Ba Thái được vua Lý Thánh Tông tin cậy giao coi sóc vùng đất mới thì Chế Mô là Chăm toàn thể. Chàng trai Chăm ưu tú này trước hết được Nguyễn Thiệu cưu mang đùm bọc như anh em, sau cả hai được Nguyễn Hoàng yêu mến tin dùng; anh đã xả thân, hy sinh vì đại nghiệp. Cả hai là chứng nhân của sự thật lịch sử: Trong dòng chảy mấy trăm năm Đại nghiệp mở cõi về phương Nam, hai dòng máu Chăm Việt đã cùng hòa trộn, như đã từng hòa trộn trong con người thật Nguyễn Thiệu.
Ở trên tôi có nói, nếu so sánh với Lưu Bị thì Nguyễn Hoàng mới chỉ là đỡ tủi trong tư cách nhân vật văn học dầu rằng, ở ngoài đời vị tất ai đã hiển hách hơn ai. Trong tương quan hai nhân vật văn học này có một nét giống nhau nữa: Lưu Bị ném con lấy lòng tướng, Nguyễn Hoàng dùng thiếp yêu Ngọc Lâm làm mỹ nhân kế, lừa tướng Trịnh là Lập Bạo vào bẫy yếm thắm quần hồng rồi giết đi; như rắn mất đầu, đại quân chúa Trịnh như hùm như sói tràn vào đã không đánh mà tan. Có vẻ như tác giả sợ rằng, nếu cứ nói trắng phớ chuyện đem thiếp yêu làm mồi nhử giặc thì hình ảnh Nguyễn Hoàng e sẽ vô nhân, nên đã mất khá nhiều trang miêu tả tâm trạng dằng xé đau đớn của ông; mà chưa tính đến hệ quả: Sau khi đã dằng xé, cân nhắc mà vẫn dùng thì lòng người tàn nhẫn hay bớt tàn nhẫn hơn? Thà cứ lạnh lùng thản nhiên như việc ông bỏ con đẻ của mình làm con tin ở Tây Đô khi trốn vào Nam lại đúng với tầm vóc ông hơn. Và, nỗi đau cũng có quy luật gắn với thời gian của nó. Khi dứt khoát vâng mệnh Nguyễn Hoàng, Ngọc Lâm nói sẽ xin được chết ngay sau khi sứ mệnh hoàn thành để giữ tròn tiết hạnh; nhưng sau những ngày nàng ốm vì đau đớn, Nguyễn Hoàng gọi nàng ra để gả cho một viên tì tướng thì nàng đã nghe lời rồi sinh con đàn cháu đống với chồng yêu. Cuộc sống là thế, con người là thế chăng? Vả lại, trong sự nghiệp dựng và giữ nước, các nhân vật kiệt xuất của lịch sử không dùng xương máu dân thì biết lấy gì thay thế? Lev Tolstoi qua nhân vật Andrei Bonconski nói không thể phán xét nhân vật lịch sử như với một thường dân chính vì lẽ này. Có lẽ, trường đoạn Thành hình dung nỗi dằng xé, đau đớn của Nguyễn Hoàng khi dùng mỹ nhân kế để rào đón bênh vực ông là kiểu vẽ rắn thêm chân, chỗ kém nhất của nhân vật, nhìn chung là khá thành công này. Cũng Nguyễn Hoàng cùng với Phạm Dữ, Nguyễn Thiệu, Chế Mô bị bỏ qua, không đi sâu vào đời sống riêng tư khiến họ bớt sinh động đi nhiều. Cái tình của Nguyễn Thiệu đi tìm mẹ qua mấy cầu thông tin thật đằm thắm, rất người; nếu Thái Bá Lợi để các nhân vật hư cấu này tương tác với tình yêu, hôn nhân thì chúng ta sẽ có được hình dung đời sống thật của những người đi mở cõi.
Cuốn tiểu thuyết "Minh sư" của nhà văn Thái Bá Lợi
Là người trò chuyện với lịch sử xa xưa, Đoàn Minh Thành cũng vừa can dự vừa trò chuyện với lịch sử cận hiện đại và đó là một mảng khá thú vị của Minh sư. Trong chống Mỹ cứu nước, dải đất Khu 5 nơi Thành tòng sự chính là xứ Thuận Hóa – Quảng Nam mà Nguyễn Hoàng làm Tổng trấn là khúc ác liệt vào bậc nhất của cuộc chiến tranh. Cái cớ để Thành gặp và trò chuyện với chị Tư Trà – vợ của Thủ trưởng Hai là trận phục kích của lính Mỹ làm gần như toàn thể Ban chỉ huy sư đoàn của quân giải phóng đã hy sinh. Thực ra là vợ cũ, vì chồng chị Tư Trà đi tập kết sau 2 năm, 5 năm biền biệt không về, chị đã lấy chồng khác là sĩ quan quân lực Sài Gòn, về sau anh ta cũng chết trận. Chị trở thành hai lần góa phụ nhưng khi thì là vợ liệt sỹ mà không ai gọi chị như thế, lần góa sau thì lại càng không. Chiến tranh đi qua cõi lòng, đi qua đôi vai chị Tư Trà không còn là một ẩn dụ nữa, mà là hai nỗi đau có thật, dằng đi, xéo lại để rồi chỉ có thể gọi chị là góa phụ của chiến tranh, không danh phận gì, không lợi quyền gì. Chính từ thân phận mình mà chị Tư Trà đã nẩy sinh ý tưởng tìm ra Bắc, gặp chị Lộc là vợ liệt sĩ có danh phận – bà vốn là tướng quân phu nhân. Hai chị đã bàn bạc rồi đi đến thỏa thuận sẽ lập hội những góa phụ chiến tranh nhằm mục đích trên nền tảng chia sẻ những nỗi đau thuần túy con người để đi đến hóa giải hòa hợp dân tộc giữa những người từng chính kiến khác nhau; để tất cả sẽ thanh thản sống phúc âm trong lòng Mẹ Việt Nam. Thành đã tháp tùng chị Tư Trà ra Bắc rồi trên đường trở về, anh đã xuống xe ngay ở Quảng Trị để đến thăm làng Ái Tử nơi đặt đại bản doanh của Nguyễn Hoàng năm 1558 còn chân ướt chân ráo. Lạ lùng là ở Ái Tử, rồi ở Trà Bát cách đó nửa ngày đường, rồi Trà Kiệu lỵ sở trấn Quảng Nam đều còn rất ít di tích; nhưng cái còn lại sau mấy trăm năm của thủ phủ xưa đều chỉ là những ngôi chùa hoặc miếu. Miếu thờ lính tử trận, cả lính của Nguyễn Hoàng, của Trịnh Tùng lẫn lính nhà Mạc đều được cư dân sở tại bốn mùa hương khói. Lại còn miếu thờ Đô đốc Bùi Tá Hán do cư dân lập nên ngay từ thời Nguyễn Hoàng còn sống. Cũng cần thêm rằng, phần lớn chùa miếu này đều do Nguyễn Hoàng cho xây cất. Là một minh chủ thuần túy chính trị ông đã phải làm thế, thần quyền luôn tương tác với thế quyền, gần như song sinh cùng nhà nước.; huống chi, bản tâm ông lại có thiện căn, lại muốn mở mang cơ nghiệp nên càng cần tích hợp nhân tâm. Mà cách tích hợp tốt nhất là dùng tâm linh để cố kết lòng người.
Tiểu thuyết có chi tiết như một cách lý giải về tên của nó. Nguyễn Hoàng nói với hai tên lính gác đang bàn tán về ông với những lời bất kính: “Các anh đã nhắc ta biết một sự thật ta có thể quên thì đó là minh sư của ta”; và Thành cũng tin, chắc hẳn ông cũng nói thế về những người từng xóa tên ông khỏi những đường phố, những ngôi trường. Nhưng mảnh đất thấm máu tiền nhân, nơi hài cốt và mộ phần chồng lên hài cốt phần mộ và cư dân quanh các chùa miếu thì vẫn cứ bốn mùa hương khói, suốt hơn bốn trăm năm, cho mọi linh hồn, không phân biệt người của thời nào, dưới trướng của ai và từ quê quán nào mà đến. Đó là minh triết Việt. Và là minh sư của Thời Gian…