QĐND - Cởi mở, chân thành, đầy nhiệt huyết – đó là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi gặp Trung tá, cựu chiến binh Lê Huy Tuyên, người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trên cương vị Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 28 (thuộc Sư đoàn 10, Binh đoàn Tây Nguyên). Cảm xúc được chứng kiến giờ phút huy hoàng của dân tộc khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh vẫn mãi vẹn nguyên trong ông mỗi dịp kỷ niệm ngày toàn thắng.
Sinh năm 1949 trên quê hương Thanh Hóa, 18 tuổi, Lê Huy Tuyên nhập ngũ vào Trung đoàn 138, thuộc Sư đoàn 338. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, anh cùng đơn vị hành quân vào Quảng Trị, rồi tham gia chiến đấu tại Mặt trận B3 (Tây Nguyên). Do yêu cầu của cuộc chiến tranh, ngày 15-10-1968, Trung đoàn 28 được thành lập, Lê Huy Tuyên được phân công làm trung đội trưởng. Năm 1972, Bộ tư lệnh Tây Nguyên quyết định thành lập Sư đoàn 10, gồm các Trung đoàn bộ binh 28, 66, 95 và một số đơn vị bảo đảm để chuẩn bị cho những trận đánh lớn, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
|
Cựu chiến binh Lê Huy Tuyên (thứ 3 từ trái sang) tham dự gặp mặt đồng đội năm 2010.
|
Ông Tuyên nhớ lại: “Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên (3-1975), nằm trong đội hình Sư đoàn 10, đơn vị tôi tiến vào giải phóng Nha Trang, Cam Ranh rồi nhận lệnh đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc đó tôi là đại úy, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 28. Quá trình hành quân gặp địch là đánh, khoảng 2 tuần sau chúng tôi đã có mặt tại Củ Chi xây dựng tuyến xuất phát tiến công. 18 giờ ngày 29-4, trung đoàn bắt đầu hành quân bằng xe vào nội thành đánh chiếm mục tiêu theo nhiệm vụ. 20 giờ, chúng tôi đã có mặt tại ngã tư Quang Trung. Khổ nỗi địa hình thành phố lạ lẫm, gần chỗ đơn vị tạm dừng lại gặp khá nhiều lính ngụy án ngữ. Chúng chống trả quyết liệt cản trở đội hình cơ động của trung đoàn. Kéo dài thời gian sẽ chậm tiến độ, chỉ huy trung đoàn quyết định giao nhiệm vụ cho đại đội đặc công trực thuộc phải bắt sống bằng được 1- 2 tên lính ngụy để khai thác thông tin. Chưa đầy một giờ sau, 2 tên lính ngụy đã được đưa tới Ban chỉ huy trung đoàn. Qua lời khai, chúng tôi biết được lực lượng ngụy đang án ngữ phía trước thuộc trại huấn luyện Quang Trung. Lập tức, đội hình chiến đấu lâm thời được triển khai. Cũng trong đêm đó, trung đoàn tôi nhận nhiệm vụ bổ sung, tham gia cùng Binh đoàn Quyết thắng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Mờ sáng hôm sau (30-4-1975), chỉ huy trung đoàn đề nghị hỏa lực pháo binh của trên bắn dồn dập thời gian một tiếng vào khu vực địch trú quân, giải quyết dứt điểm chướng ngại vật để tiến đánh sào huyệt cuối cùng”.
Nghe ông Tuyên kể, vốn xuất thân từ lính pháo binh nên tôi sốt sắng chen ngang: “Cháu có thấy pháo binh bắn dồn dập một tiếng bao giờ đâu bác? Họ chỉ bắn phá chuẩn bị từ 3 đến 5 phút rồi chuyển làn vào mục tiêu chủ yếu thôi chứ?”. Ông Tuyên cười sảng khoái: “Lý thuyết là vậy nhưng thực tế chiến tranh có khác. Vào thời điểm đó tất cả cho chiến thắng với khẩu hiệu “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” nên có nhiều việc làm khác thường. Thế mới gọi là ứng vạn biến mà”.
|
Ông Lê Huy Tuyên (người đội mũ, chống gậy) trong một lần đi tìm hài cốt đồng đội ở Kon Tum. |
Ngừng lại giây lát như để cảm nhận khí thế hừng hực của trận đánh năm xưa, ông Tuyên kể tiếp: “Sau khi hỏa lực của ta bắn được chừng 30 phút thì bọn địch trong trại không chịu nổi vội kéo cờ trắng xin hàng. Chúng tôi bàn giao lại cho đơn vị làm nhiệm vụ thu dung. Đúng 8 giờ, lệnh của cấp trên thúc giục khẩn trương đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, trung đoàn tôi gấp rút cơ động hướng mục tiêu thẳng tiến. Đến ngã tư Bảy Hiền, gặp địch chống trả yếu ớt. Một đại đội được lệnh dừng lại tiêu diệt, còn đơn vị tiếp tục tiến công. Đến khoảng 11 giờ trưa, trung đoàn tổ chức thành 2 mũi tham gia cùng Sư đoàn 320B (nay là Đoàn 390, Binh đoàn Quyết thắng) đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu. Mũi thứ nhất đánh vào từ cửa Đông Nam. Mũi thứ hai đánh theo cổng chính vào bên trong. Đúng 11 giờ 30 phút nhiệm vụ hoàn thành, lá cờ chiến thắng của đơn vị được các chiến sĩ Đại đội 10 cắm lên tầng cao nhất của tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy”. “Theo sử sách ghi lại thì lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Bộ Tổng tham mưu ngụy là do chiến sĩ Sư đoàn 320B cắm. Chẳng lẽ có 2 đơn vị cùng cắm cờ?” - Tôi ngạc nhiên hỏi. Ông Tuyên giải thích tường tận: “Bộ Tổng tham mưu ngụy là một trong 5 mục tiêu quan trọng cuối cùng nên được giao nhiệm vụ chồng cho cả Sư 320B và Trung đoàn 28. Do vậy, khi hoàn thành nhiệm vụ thì cả 2 đơn vị đều cử người lên cắm cờ chiến thắng. Lúc đó, các chiến sĩ của Đại đội 10 (Trung đoàn 28) chỉ kịp mang vội lá cờ Tổ quốc loại thường dùng lên cắm trên nóc tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy. Còn Sư đoàn 320B cắm lá cờ lớn hơn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ Tổ quốc tung bay trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy trùng thời gian với lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Sự thật là, ở thời khắc giải phóng Sài Gòn, đã có hai đơn vị cùng phối hợp tác chiến, cắm hai lá cờ chiến thắng lên nóc tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy”.
Ông Tuyên ngừng lời. Trên gương mặt hằn nếp thời gian vẫn sáng lên niềm tự hào của một người lính từng chứng kiến khúc khải hoàn của dân tộc. Dù vậy, tôi vẫn thoáng thấy chút buồn man mác trong ánh mắt của ông. Có lẽ đó tình cảm sâu đậm đối với những đồng đội đã hy sinh trước giờ toàn thắng, người đã chính danh về với quê hương, người vẫn còn vô danh nằm lại đâu đó trong lòng đất mẹ. Đây cũng chính là lý do mà suốt nhiều năm qua, từ khi nghỉ công tác ở địa phương, cựu chiến binh Lê Huy Tuyên luôn trăn trở, tận tình tìm kiếm, thu thập thông tin rồi cùng gia đình liệt sĩ miệt mài đi tìm mộ phần đồng đội.
Ông Tuyên chia sẻ: “Năm 1988, tôi nghỉ hưu với cấp hàm trung tá, về sống cùng gia đình tại xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Một năm sau tôi được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân. Cuối năm 2001, tôi chính thức “giải nghệ”. Từ đó, tôi có nhiều thời gian dành cho việc tìm kiếm những đồng đội đã mất. Hơn 10 năm qua, kết hợp cùng gia đình liệt sĩ tôi đã tìm và xác định chính xác danh tính, mộ phần của 4 đồng chí, đưa hài cốt về quê an táng. Ngày đồng đội “trở về”, niềm vui xen lẫn nỗi buồn cứ làm tôi nghẹn lại”. Ông Tuyên bất chợt ngừng lời như để kìm nén nỗi xúc động trào dâng. Tôi hiểu tâm trạng của ông lúc đó. Tình cảm của những người lính đã từng “chia lửa” chiến tranh thật thiêng liêng, sâu nặng, như một mệnh lệnh không lời thôi thúc ông tự nguyện đi khắp các tỉnh Kon Tum, Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa và sang cả Cam-pu-chia để tìm kiếm hài cốt đồng đội. Công việc ấy, cựu chiến binh Lê Huy Tuyên đã, đang và tiếp tục làm bằng cả trái tim và tấm lòng nghĩa cử, sưởi ấm hương hồn đồng đội và làm vơi bớt nỗi đau mất mát của gia đình cũng như thân nhân các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc thân yêu.
Bài và ảnh: Hoàng Thành
|