Tôi muốn nói về mái trường xưa ở đây là về trong tâm tưởng, về trong kí ức, về trong nỗi nhớ với bao hoài niệm.
Ảnh: Internet
|
Gần đây, khi cuộc sống vật chất ngày càng khá hơn, tốc độ cuộc sống nhanh hơn thì con người lại có xu hướng “chậm” lại, tìm lại chính mình qua những cuộc gặp gỡ hội trường, hội lớp, hội bạn... Ở đó, được sống lại với mình vô tư thoải mái, thật an nhiên nhẹ nhõm, thật chân tình cởi mở tìm lại không khí một thời, không gian một thuở. Nghĩ lại, trong đời người có trung bình 1/5 thời gian (chừng 15 năm) dành cho việc học, cho đời học sinh, sinh viên. Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình. Tình thầy trò, tình bạn bè, tình phụ huynh. Và cũng chừng ấy thời gian qua bao mái trường xưa: Trường làng, trường huyện, giảng đường...
Tôi nhớ mãi trường làng cái thuở bắt đầu học vỡ lòng, bắt đầu được đánh vần chữ O, chữ A. Bắt đầu từ nhận mặt 24 chữ cái qua những câu ca có vần dễ thuộc: “O tròn như quả trứng gà/ Ô thời đội nón, Ơ thời thêm râu”. Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy lớp học kê bàn sát nhau, thầy cô giáo như cha mẹ ở nhà. Thầy cô không chỉ dạy chữ, phép tính mà còn dạy cả cách ăn, nết mặc, cử chỉ khoanh tay chào hỏi. Lớp học vỡ lòng, tiểu học là lứa bạn sàn sàn đầu nhau cùng ở trong một xóm, một xã. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái hôi hổi nóng xuýt xoa khi chia nhau những món quà mọn như củ khoai bùi, bắp ngô nướng. Trường làng ở trong làng, trong vòng tay của ngõ xóm thôn quê. Mái trường như cánh chim xòe rộng ôm ấp, nâng niu lũ chim non mới ra ràng. Không biết trong các hộc bàn bây giờ các cô cậu bé tí ấy có còn giấu con dế mèn giọng ri rỉ hay con châu chấu, cào cào đập cánh trong hộp diêm nữa không mà trái tim tôi bây giờ vẫn còn thổn thức...
Rời trường làng chúng tôi lên trường huyện để học lớp ở cấp cao hơn. Bây giờ đã là những cô cậu chững chạc. Mái tóc thề ngang vai, quần áo sơ vin thẳng nếp. Không hiểu sao sân trường nào cũng hay trồng cây bàng, cây phượng. Cây bàng xòe những tán lá cứ lớp lớp, tầng tầng như những thế hệ học trò. Và cây bàng lá đỏ, một màu đỏ sẫm, đỏ như một tàn lửa thu hết vào mình cái rét căm căm. Còn phượng là hoa “báo mùa” - rực lửa mùa hè. Sân trường vắng lặng chỉ còn cây phượng già thắp lửa cho mái trường bớt đơn côi. Có câu hát còn ngân nga mãi trong tôi: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu?”. Tôi còn nhớ thường xung quanh cây cột cờ để chào cờ đầu tuần viền những khóm hoa mười giờ. Những mắt hoa nhỏ li ti cứ tuần tự nở và nhắm như chiếc đồng hồ báo thời gian chính xác. Cũng tuần tự như hoa mười giờ là nhịp trống trường báo giờ ra chơi, báo giờ vào lớp đều đặn. Rồi cánh cổng trường kia nữa, mở và đóng như cuốn sách lật ra và khép lại. Trường huyện bạn bè đông hơn nhiều miền quê. Và cứ thế tình yêu làng quê, làng xóm bắt đầu rộng dần ra. Lại thủ thỉ tâm tình, lại lưu bút lưu luyến. Thầy, cô giáo bấy giờ như người anh, người chị. Bởi buổi học không chỉ là kiến thức trong sách vở mà cả những tâm sự trao đổi kinh nghiệm sống. Mái trường bây giờ như toa tàu mở những ô cửa trên hai đường ray: gia đình và trường học để chuẩn bị cho chuyến tốc hành đến với giảng đường đại học. Học trò trường huyện bây giờ với những bộ đồng phục gọn gàng, duyên dáng tung tẩy trên những chiếc xe đạp điện có còn nhớ không những ngày xe đạp với những vòng quay tíu tít đến lớp...
Giảng đường lớn, bấy giờ bạn bè cũng lớn. Mái ngói đỏ tươi, nhà tầng cao rộng, phòng học thênh thang, thư viện đầy sách. Các cô, cậu sinh viên mỗi người là một thế giới thu nhỏ - độc lập và riêng tư, tự do và sáng tạo. Khoảng cách giữa thầy, cô với sinh viên đã chớm xa hơn, nhưng lại rất gần trong những phòng thí nghiệm, những chuyến thực tế, dã ngoại. Bài giảng mở ra không chỉ là tri thức mà bắt đầu trau dồi hình thành cả cốt cách, phương pháp của những nhà khoa học tương lai. Bắt đầu là tình bạn, tình yêu nhân lên tình đồng nghiệp. Bắt đầu cuốn hút vào những luận văn, đồ án tốt nghiệp. Nhớ sao mái ấm giảng đường, nhớ sao những thầy, cô tóc đã pha sương. Nhớ sao tiếng giảng bài ấm ấp, những đối thoại phản biện gợi mở. Cánh chim đã đủ sức bay, đường bay đã mở ra trước mắt với những chân trời mới mẻ. Mái trường xưa chính là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng kiến thức và tâm hồn. Và trong những ngày tháng mười một đáng nhớ này nhiều lúc tôi lại bồi hồi tự hỏi: bao giờ về lại trường xưa? Về cũng chính là đi tới...
Nguyễn Ngọc Phú (baolamdong)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/ve-mai-truong-xua-20181121110714986.htm
|