Yên Bái là điểm đến ưa thích của người yêu thiên nhiên và thích thưởng ngoạn không khí vùng cao. Vào mùa gặt Mù Cang Chải, những sườn đồi chỉ toàn màu vàng ươm của lúa chín, lượn vòng theo ruộng bậc thang như những lượt sóng mềm mại. Đẹp mộng mị, mê hoặc, lãng mạn và thanh thoát.
Ngắm ruộng bậc thang Tú Lệ
Trên quốc lộ 32 hướng về huyện Mù Cang Chải, Tú Lệ là xã sát sườn đèo Khau Phạ, trực thuộc huyện Văn Chấn của tỉnh Yên Bái. Trước khi vượt "sừng trời" (đèo Khau Phạ), Tú Lệ hiện ra với hương thơm ngào ngạt khiến nhiều du khách phải dừng chân ghé lại, để thưởng thức chút xôi nếp giản dị mà nức tiếng cả nước của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Cảnh đẹp Mù Cang Chải mùa lúa chín vàng
|
Cánh đồng Tú Lệ nằm lọt thỏm trong thung lũng nên nếu đến đây đúng vào vụ mùa tháng 9, bạn sẽ được đắm chìm trong hương thơm của lúa. Nơi đây cũng có dòng suối lớn cung cấp nước tưới tiêu cho cả vùng. Tú Lệ hiện lên vẻ đẹp điển hình vùng núi Tây Bắc được "bổ sung" bởi sự trù phú của những cánh đồng, con suối. Được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi, Tú Lệ còn sở hữu dòng suối nước nóng bàn Chao đã nức tiếng gần xa.
Nằm ở cửa ngõ để đến với Mù Cang Chải, Tú Lệ có những ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn, Dế Xu Phình. Trong mùa vàng ruộng bậc thang thu hút đông đảo khách du lịch đến thưởng lãm. Nhưng khác với những địa danh khác, ruộng bậc thang Tú Lệ cho cảm giác gần gũi hơn nhiều chứ không nằm chênh vênh trên những quả đồi hay hun hút sâu trong lung lũng. Cũng là ruộng bậc thang nhưng thoải và nằm ven quốc lộ, vẻ đẹp Tú Lệ như thể giơ tay là chạm, đưa mũi lên ngửi là có thể hít hà hương nếp căng mọng vào lồng ngực.
Hình ảnh cánh đồng Tú Lệ
|
Hình ảnh một Tú Lệ đơn sơ với những nếp nhà trong khói lam chiều, những chú trâu thong dong gặm cỏ, những cô gái Thái hồn nhiên té nước... vẫn luôn nằm trong tiềm thức của những người "hoài cổ". Như một chiều Tú Lệ có cả nắng và gió, không có gì thú bằng cảm giác đi bộ ra chợ trung tâm xã, mua vài xiên lợn cắp nách nướng cùng nắm xôi nếp dẻo thơm, leo lên đồi và cứ thế ngả ra đánh chén.
Để đến với Tú Lệ, bạn có thể đi từ Hà Nội 240km trên con đường Thu Cúc để ngắm những đồi chè, đến huyện Văn Chấn – tỉnh Yên Bái). Sau khi chìm đắm trong không gian tuyệt vời của Tú Lệ, hãy cất bước tiếp tục cuộc hành trình đi qua đèo Khau Phạ 35km để đến Mù Cang Chải, “Đà Lạt” của Yên Bái.
Mù Cang Chải, Đà Lạt phía Bắc
Thị trấn Mùa Căng Chải khí hậu vô cùng dễ chịu, nắng mưa nhẹ nhàng và dễ thương như Đà Lạt. Ngày này bạn nên thư giãn bằng cách đi vào Bản Thái, nơi tập chung chủ yếu của khách Tây để được hòa mình vào đời sống sinh hoạt yên bình của dân ở đây, ngắm đồng lúa, những mái nhà lợp cọ trước khi quay lại lễ hội nô nức ở bên ngoài.
Ngay trước cửa ngõ Mù Cang Chải là Đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo ở miền Bắc và là đèo dài nhất với độ cao trên 40km. Trên đèo Khau Phạ thường xuyên có mây bao phủ đến tận trời. Đèo uốn lượng ngoằn ngoèo quanh những dãy núi điệp trùng, xe kẽ giữa rừng đại ngàn. Để đi du lịch Mù Cang Chải, bạn không thể bỏ qua vẻ đẹp của bản Lìm Mông ẩn mình trong mây, nơi đầy những bí ẩn bởi vẻ đẹp nguyên sơ, đầy thách thức và hấp lực mời gọi.
Nếu muốn chiêm ngưỡng nhưng con thác tuyệt đẹp của vùng núi này, hãy đến Thác Pú Nhu cách trung tâm huyện Mù Cang Chải chừng 10km về phía Tây. Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Than Uyên (Lào Cai) đổ về, thác có độ cao cột nước khoảng 20m được chia thành nhiều bậc.
Nằm giữa hai ngọn đồi Nả Háng A và Nả Háng B thuộc địa phận xã Mồ là Thác Mơ. Trong hành trình chinh phục thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để bạn dừng chân, thưởng ngoạn. Từ quốc lộ 32, đi bộ khoảng 30′ vào đến chân thác, tiếp tục từ đây bạn sẽ tới điểm thác một tầng nơi dòng nước chảy theo hình xoắn ốc. Để đến được điểm thác 4 tầng tiếp theo bạn cần tiếp tục đi bộ ngược dòng thác, đây cũng là nơi ấn tượng nhất để bạn có thể lưu lại những hình ảnh tuyệt đẹp về Thác Mơ.
Bên cạnh những thắng cảnh đẹp như tranh vẽ làm say mê lòng người từ cái nhìn đầu tiên thì những đặc sản mang đậm chất địa phương lại là nhân tố đặc biệt giúp Mù Căng Chải níu chân du khách như lợn bản, gà đồi, xôi nếp Tú Lệ, cốm Tú Lệ, nhộng ong rừng, xôi ngũ sắc, thịt trâu, lợn gác bếp, muồm muỗm, châu chấu rang Mường Lò, măng, rau rừng… và trải nghiệm một giấc ngủ trong nhà sàn của người dân.
Nhà sàn của người dân: đây là loại hình lưu trú phổ biến nhất ở Mù Căng Chải, các nhà sàn ở đây có phòng ngủ tập thể cho từ 10 đến 30 người, bạn có thể dễ dàng tìm được 1 nhà sàn homestay của người dân, đặc biệt xung quanh các điểm du lịch nổi tiếng như Bản Thái, khu ruộng bậc thang La Pán Tẩn, Tú Lệ ... Những nhà sàn này đều có dịch vụ ăn nghỉ và bán hàng tạp vụ ngay dưới chân nhà. Nếu không bạn có thể đến khách sạn. Khách sạn tập trung ở thị trấn Mù Căng Chải, chủ yếu là khách sạn bình dân từ 1 sao đến 3 sao, phòng nghỉ có các tiện ích cơ bản như giường nghủ, phòng tắm, tivi, tủ lạnh...
Chỉ cần 3 ngày, 2 đêm bạn có thể có một chuyến du lịch hoàn hảo hòa mình vào thiên nhiên trên mảnh đất rừng ngọt ngào này của vùng tây bắc.
Theo giadinhvietnam.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/mu-cang-chai-thung-lung-binh-yen-thom-huong-lua-20190408163730912.htm