Đầu tiên phải kể đến trong quần thể này là chùa Trầm được xây dựng từ thế kỷ 16. Tuy là một ngôi chùa nhỏ, không đồ sộ hay hoành tráng như những ngôi chùa khác ở Bắc bộ, nhưng với thế “tựa sơn, hướng thủy”, lưng dựa vào dãy Tử Trầm còn mặt hướng ra sông Đáy, ra đồng ruộng, chùa Trầm có được một phong cảnh hữu tình hiếm có.
Những vách đá, những tán cây trên núi còn xòa bóng, che trở cho chùa Trầm vừa làm cho không gian ở đây mát mẻ quanh năm, vừa khiến cho du khách có cảm giác như núi và chùa liền một khối, gắn bó khăng khít với nhau không thể tách rời.
Chùa Trầm - Ảnh: Iris Trương
|
Ngay sân chùa Trầm cũng có rất nhiều những cây cổ thụ tỏa bóng mát, mang tới sự trong lành, mát mẻ quanh năm cho không gian chùa. Mùa này, hoa mộc ở sân chùa nở hoa thơm ngan ngát. Trên vách núi, những cây hoa xưa núi nở hoa trắng ngần, với hàng vạn bông hoa trắng rụng đầy sân chùa, làm du khách đến rồi chẳng muốn rời chân.
Ngay bên phải của chùa Trầm ít bước chân là động Long Tiên (hay còn gọi là hang Trầm), trong động là chùa Hang án ngữ.
Cửa hang Trầm không lớn lắm, nhưng bên trong hang lại có không gian thoáng đãng với vòm hang khá cao. Vào những ngày đẹp trời, ánh sáng tự nhiên len qua những khe nhỏ trên vòm hang chiếu rọi có thể nhìn thấy nhiều thạch nhũ với nhiều màu sắc, hình thù trong hang, cùng với rất nhiều tượng phật được tạc khắc công phu nằm rải rác khắp lối đi.
Ở chính giữa động là bàn thờ phật được trang hoàng với nhiều bức tượng Phật từ nhỏ tới lớn.
Không rõ đã có ai thống kê cụ thể chưa, nhưng ước chừng có đến vài chục bức tượng Phật bằng đá ẩn hiện trong động. Chính điều đó đã làm cho chùa Hang, cho động Long Tiên trở nên độc đáo và hấp dẫn.
Trong kháng chiến chống Pháp, hang Trầm là nơi Hồ Chủ tịch từng sống và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến. Đây cũng là địa điểm đầu tiên Đài tiếng nói Việt nam chuyển về sau khi rời Hà Nội để tiếp tục làm việc (từ ngày 20-12-1946 đến ngày 4-3-1947).
Chính từ đây Đài tiếng nói Việt nam đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 20-12-1946, ngay sau đêm quân dân thủ đô Hà Nội nổ súng tấn công giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta. Hiện ở sân chùa Trầm vẫn còn tượng đài kỷ niệm sự kiện này.
Chính bởi những dấu tích lịch sử đó, cùng với kiến trúc độc đáo và lâu đời mà quần thể chùa Trầm đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1962.
Nằm tách biệt với hai ngôi chùa trên, cách chùa Trầm chưa đầy 1km, là chùa Vô Vi (còn gọi là Trầm Vô Vi). Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất mà cũng độc đáo nhất trong quần thể chùa chiền quanh núi Trầm. Trải qua thời gian, kiến trúc của chùa vẫn được giữ gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.
Chùa Vô Vi được xây dựng vào năm 1515 trên một núi đá nhỏ, kiến trúc chùa được xây dựng theo thế núi, nên càng lên cao càng càng ăn sâu vào vách núi, càng cheo leo, hiểm trở.
Men theo những bậc thang nhỏ hẹp chỉ đủ để hai người tránh nhau uốn lượn bên vách núi, du khách sẽ lần lượt đi qua ba gian chùa nhỏ, thờ Phật, thờ Mẫu nằm khiêm tốn bên đường đi. Ở ngay sau chùa là lầu Nghênh Phong.
Ngôi lầu nhỏ và thấp khuất sau đỉnh núi, nhưng lúc nào cũng mát rười rượi vì nằm ngay hướng đón gió đúng như cái tên của nó.
Đi qua lầu Nghênh Phong, lên đến vách núi trên cùng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng quả chuông đồng được đúc từ năm 1814 treo trên vách núi. Chui qua một khe hẹp hiểm trở trên vách núi treo chuông này mới tới được đỉnh núi.
Từ đây có thể thu vào tầm mắt toàn bộ cảnh đồng ruộng, xóm làng và dòng sông Đáy uốn lượn dưới chân núi. Cảnh sắc thanh bình, tiếng gió vi vu bên tai làm tâm hồn “sạch không” và thảnh thơi đến lạ, như đã lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh tự bao giờ.
Chẳng thế mà ở chùa Vô Vi vẫn còn lưu nhiều văn bia khắc lại các bài thơ phú của các tao nhân mặc khách bao đời tức cảnh sinh tình mỗi lần đến đây vãn cảnh.
Một góc núi Trầm nhìn từ tháp chuông chùa Vô Vi - Ảnh: Iris Trương
|
Nhưng đến vãn cảnh núi Trầm mà chưa leo núi, chưa được thưởng ngoạn khung cảnh thơ mộng của sông Đáy, xứ Đoài trải ra dưới tầm mắt thì coi như là chuyến đi chưa trọn vẹn. Núi Trầm không cao, nhưng những vách đá trắng dựng cheo leo, hiểm trở luôn khơi gợi thú ưa mạo hiểm của du khách.
Có rất nhiều lối mòn để leo lên một trong chín đỉnh của núi Trầm, và khi leo lên đỉnh này rồi thì có thể leo sang đỉnh khác rất dễ dàng nhờ những lối mòn ngoằn ngoèo, chằng chịt khắp nơi. Đường đi đôi khi cheo leo hiểm trở, bù lại những gì thu được vào tầm mắt quả thật xứng đáng.
Nằm xen giữa những đỉnh núi là những trảng cỏ xanh tương đối bằng phẳng xen lẫn những tảng đá trắng, tạo thành một thung lũng đá nằm gần như lọt thỏm giữa các đỉnh núi. Khung cảnh rất ngoạn mục và nên thơ.
Thung lũng đá trên núi Trầm - Ảnh: Iris Trương
|
Đứng trên các đỉnh núi Trầm, du khách sẽ chiêm ngưỡng toàn cảnh xóm làng, đồng ruộng, sông hồ trải ra hút tầm mắt, bao la và choáng ngợp.
Điểm xuyết đây đó giữa màu xanh thăm thẳm của cây cối đang mùa trổ lá là một vài cây hoa gạo đang rực nở những bông hoa đỏ thắm tháng ba, hay nhưng cây hoa xoan tím ngát một góc trời…
Đứng đó ngắm cảnh mà không thể thốt nên lời, mới hiểu được cái cảm giác của nhà thơ Huy Cận khi xưa: Lòng quê dợn dợn vời con nước/Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Dợn dợn một niềm yêu thương, một niềm tự hào về quê hương, đất nước “nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương?”.
Theo tuoitre.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/du-xuan-van-canh-nui-tram-20190408162122626.htm