Một đoạn suối Mỏ Mắm
|
Giai thoại về cái tên suối Mỏ Mắm cũng khá ly kỳ. Xưa kia trong vùng có làng nghề sản xuất và buôn bán mắm do người vùng Quảng Ninh, Hải Phòng di cư lên. Trong một lần đi bán mắm ở Lạng Sơn về, qua khu vực suối nghỉ chân và uống nước. Thấy nước suối trong vắt, mát lạnh, lại rất ngọt, nên những người đó đã đổ tất cả mắm còn lại để lấy dụng cụ chứa nước gánh về dùng. Do lượng mắm đổ đi khá nhiều, mùi mắm tỏa ra cả vùng, nên từ đó về sau suối còn được gọi với tên suối Mỏ Mắm.
Để du khách có thể tận hưởng vẻ đẹp của suối Mỏ Mắm, gia đình anh Dương Công Hành đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, xây dựng các khu cảnh quan, điểm ngắm cảnh, khu dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Anh Dương Công Hành cho biết: “Tận dụng tài nguyên có sẵn của địa phương, gia đình tôi đã đầu tư khu vực xung quanh suối thành một điểm đến du lịch phục vụ du khách. Từ ngoài suối vào sâu trong hang chừng 500m, tôi chia làm hai khu vực riêng biệt để vừa đảm bảo các dịch vụ phục vụ cho du khách, vừa bảo tồn tính nguyên vẹn của tài nguyên và môi trường sinh thái xung quanh. Từ bên ngoài vào là khu A, được đầu tư trang trí cảnh quan, các điểm ngắm cảnh, trồng hoa; cung cấp dịch vụ tắm suối, bể bơi, dịch vụ ăn uống, khu vui chơi cho trẻ em… Khu B ở sâu bên trong, là khu vực khám phá sinh thái suối Mỏ Mắm, chỉ cải tạo lối đi; bên trong có hang động với hệ thống thạch nhũ khá đẹp, có đoạn suối chảy qua trong hang”.
Lối vào điểm du lịch suối Mỏ Mắm chào đón du khách bằng khôi biển hiệu khá ấn tượng, đặt bên dưới chiếc cổng được ốp bằng những thanh tre nhỏ, bên trên lợp mái tranh. Du khách tiếp tục băng qua vườn hoa nhỏ, bên trên được trang trí bằng rất nhiều chong chóng giấy màu sắc sặc sỡ, dẫn qua cổng trái tim. Dưới suối nước chảy trong vắt, được cải tạo thành một đài phun nước giữa suối; một đập tràn vắt ngang tạo nên một hồ tự nhiên cho du khách trải nghiệm tắm suối; bên ngoài đập tràn, nước dồn qua khe chảy trắng xóa. Trên suối được dựng những chiếc cầu đơn giản cho du khách ngắm cảnh và chụp ảnh; dưới suối được thả một ít cá chép vàng làm cảnh và được huấn luyện tụ đến chỗ có tiếng vỗ tay. Bên bờ suối, những chiếc chòi ngắm cảnh lợp lá được dựng lên, xen kẽ xung quanh những bụi hoa nở rộ sẽ là lựa chọn lý tưởng cho du khách để thưởng trà, cà phê và ngắm suối. Thực đơn phục vụ du khách càng cuốn hút với những món hấp dẫn như thịt thăn nướng ống tre, vịt quay, gà om gừng nghệ…
Các chòi ngắm cảnh thi vị bên bờ suối
|
Anh Dương Công Hành cho biết thêm, hiện điểm du lịch suối Mỏ Mắm mới đưa vào khai thác khu A; đang tiếp tục đầu tư khu B và dịch vụ lưu trú. Vào dịp cuối tuần, khách khá đông, có đoàn đến 200 người, chủ yếu là khách nội địa. “Tôi là nông dân, tận dụng tài nguyên địa phương để khai thác du lịch, cũng đã được huyện Bắc Sơn hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ. Ban đầu khai thác nhỏ, khách đến cứ tuyên truyền dần, rồi có đoàn khách trong Nghệ An, Thanh Hóa cũng tìm đến nghỉ chân. Tôi đang cố gắng đển đến năm 2020 có thể phục vụ lưu trú cho khách ở xa”.
Ngày 19/12/2018, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Quyết định số 2594/QĐ-UBND công nhận điểm du lịch suối Mỏ Mắm. Với tiềm năng sẵn có, dù chưa hoàn thiện, điểm du lịch suối Mỏ Mắm cũng đã tạo được sự lan tỏa. Tương lai không xa, nếu được sự hỗ trợ tích cực từ các ban ngành liên quan của Lạng Sơn, điểm du lịch suối Mỏ Mắm hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến cuối tuần thu hút khách, của Lạng Sơn và cả miền Bắc.
Đình Phong/ Báo Du lịch
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/suoi-mo-mam-20190218105825433.htm