(HNM) - Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của quân và dân ta chưa tan khói súng thì đúng ngày này cách đây 40 năm (17-2-1979), Trung Quốc ồ ạt xua quân xâm lược tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Điều này đồng nghĩa, ngay sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, bảo vệ chủ quyền biên giới trở thành một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của đất nước. Cùng với công sức, máu xương của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã đổ xuống trên mảnh đất biên cương, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam cũng mãi âm vang những bản hùng ca về lòng yêu nước quyết bảo vệ biên cương lãnh thổ, về tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh mà “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”.
*
* *
Bài hát “Hát mãi khúc quân hành” của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, thay lời người chiến sĩ bộc bạch một chân lý đơn giản về khát vọng yêu hòa bình nhưng cũng là lời lý giải cho tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam khi buộc phải cầm súng để bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/Kẻ thù buộc ta ôm cây súng/Ta yêu sao làng quê non nước mình/Tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca”. Và “khúc quân hành ca” ấy được ca vang “triền miên qua tháng ngày/Lượn bay trên núi rừng biên cương đến nơi đảo xa”.
Trong khi đó, “Hát về anh” của nhạc sĩ Thế Hiển lại khắc họa những người chiến sĩ trẻ trên tuyến đầu biên giới đầy gian khổ, khó khăn nhưng vẫn không hề thoái chí, nản lòng: “Rừng âm u mây núi mênh mông/Ngày nắng cháy, đêm giá lạnh đầy/Rừng mờ sương khuya bóng tối quân thù trước mặt/Nặng tình non sông, anh dâng trọn tuổi đời thanh xuân”...
Âm hưởng hào hùng lại được cất cao hơn khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra. Những địa danh, những hình ảnh trên chiến trường đi vào thơ, vào nhạc cùng sự phẫn uất trước hành vi xâm lược của kẻ thù, đã lay động và thấm sâu trong triệu triệu con tim.
Bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên được viết và dàn dựng rất nhanh ngay sau ngày 17-2-1979 đã lập tức vang lên trên khắp mọi miền đất nước, như một lời hiệu triệu: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...”. “Cuộc chiến đấu mới” này được khẳng định bởi sự chính nghĩa - “Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng... Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương! Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng. Mang trên mình còn lắm vết thương - Người vẫn hiên ngang ra chiến trường/Vì một lẽ sống cao đẹp: Độc lập, tự do!”.
Nhiều nhạc sĩ đã bám sát diễn biến hiện thực của cuộc chiến tranh biên giới để phản ánh các góc độ của nó.
Ca khúc “Những đôi mắt mang hình viên đạn” của nhạc sĩ Trần Tiến khắc họa sự ly tán, hậu quả của chiến tranh dưới một hình ảnh ám ảnh của đôi mắt tin yêu mà hậu phương gửi trao cho người chiến sĩ tuyến đầu với lời nhắn gửi hãy đánh tan quân xâm lược: “Đoàn quân vội đi; đi về biên giới/Cũng từ biên giới về những bầy trẻ nhỏ/Đoàn quân lặng im, nhìn đàn em bé/Từng đôi mắt đen xoe tròn/Từng đôi mắt mang hình viên đạn/Từng đôi mắt sáng lên cháy lên như ngàn viên đạn/Từng đôi mắt quê hương trao cho đoàn quân/Người chiến sĩ hãy giữ lấy/Trút lên quân xâm lược dã man”.
Nhiều bài hát tập trung ca ngợi người chiến sĩ nơi tuyến đầu cùng ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Bài hát “Lên núi” của các nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Thịnh khắc họa: “Đài quan sát như cô đảo/Giữa biển sương mênh mông...” nhưng khí thế quyết chiến quyết thắng của người chiến sĩ rất mạnh mẽ: “Với trận đầu đánh thắng ngay/Mới thực là, là lính biên cương...”.
Xúc động trước tấm gương hy sinh của liệt sĩ anh hùng Lê Đình Chinh và nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, các nhạc sĩ đã nhanh chóng viết nhiều bài hát ngợi ca: “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh” và “Có một đóa Hồng Chiêm (nhạc sĩ Phạm Tuyên); “Bài ca tuổi trẻ Lê Đình Chinh” (nhạc sĩ Bảo Chung); “Người con gái trên đỉnh Pò Hèn” (nhạc sĩ Trần Minh)... Đồng thời khẳng định niềm tin son sắt: “Tổ quốc ta! Có những người con đẹp biết bao/Sáng mãi trong tình dân, nghĩa Đảng/Từ biên giới này tỏa tiếp bài ca thắng lợi”.
Niềm tin vào thắng lợi đến từ chính sự chính nghĩa của cuộc chiến, từ lòng yêu nước và cả từ khát vọng hòa bình. Cũng tương tự trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây, cách đây 40 năm, giữa những ngày khói lửa trên tuyến biên giới phía Bắc, vẫn ngân vang lên giai điệu đẹp về tình yêu con người, yêu quê hương, đất nước Việt Nam yêu dấu.
Làm phóng viên chiến trường trên mặt trận biên giới Lào Cai, nhà thơ Dương Soái tận mắt nhìn thấy sự khốc liệt của chiến tranh, nhưng vẫn “nhìn ra” mối quan hệ hậu phương - tiền tuyến cùng niềm tin vào ngày hòa bình để gửi lòng mình qua bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Bài thơ được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc và sau 40 năm, hình ảnh lãng mạn cách mạng vẫn vẹn nguyên giá trị: “Anh ở biên cương biết là em năm ngóng tháng chờ/Cứ chiều chiều ra sông gánh nước/Nên ngày ngày cùng bạn bè trên chốt/Anh lại xuống sông Hồng cho thỏa nỗi em mong”.
Nhạc sĩ Trần Chung khi bắt gặp bài thơ của nhà thơ Lò Ngân Sủn (người dân tộc Dáy) đăng trên báo Nhân Dân đã viết nên bài hát “Chiều biên giới” với một vẻ đẹp thanh bình: “Em ơi! Có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới? Khi mùa đào hoa nở/Khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây/Muôn tỏa ngát hương bay/Chiều biên giới em ơi!Nhớ bao điều thân thương/Đôi ta cùng chiến hào/Tình yêu đẹp tiếng hát giữ đất trời quê ta”.
Đúng như dự báo của các nhạc sĩ, truyền thống của đất nước, ý chí bảo vệ Tổ quốc, lòng yêu nước nồng nàn... là động lực để lớp lớp thanh niên xếp bút nghiên, hăng hái lên đường tòng quân bảo vệ biên cương và cả nước đồng loạt thực hiện lệnh tổng động viên lúc đó. Những tấm gương bảo vệ Tổ quốc, những chiến thắng cùng ý chí cả dân tộc đã khiến quân thù run sợ, phải tính tới việc rút quân.
Đã 40 năm trôi qua. Nhiều câu chuyện đã thuộc về lịch sử. Nhưng âm hưởng của các bản hùng ca bảo vệ biên giới năm xưa vẫn mãi đi cùng năm tháng, trong mỗi bước đi lên của đất nước hôm nay.
Nguồn hanoimoio.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/927016/mai-am-vang-ban-hung-ca-bien-gioi-