Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 25/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Ấm áp lễ cưới của người Xơ Đăng Ấm áp lễ cưới của người Xơ Đăng , Người xứ Nghệ Kiev
 

Đồng bào Xơ Đăng vẫn còn lưu giữ truyền thống văn hóa của dân tộc mình, thể hiện rõ nhất qua các phong tục tập quán, lễ hội. Đặc biệt, lễ cưới của đồng bào thể hiện những nghi lễ, tập tục có nhiều nét riêng độc đáo, đậm chất nhân văn.

Dân tộc Xơ Đăng là tộc người bản địa sinh sống chủ yếu ở tỉnh Kon Tum, một bộ phận ở tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Quảng Nam với nhiều nhóm địa phương khác nhau như: Hà Lăng, Tơ Đrá, Mnâm, Xơ Teng, Ca Dong... Người Xơ Đăng bảo lưu được nhiều di sản văn hóa độc đáo thể hiện bản sắc Tây Nguyên như kiến trúc nhà rông, âm nhạc cồng chiêng, trang phục, lễ hội truyền thống... Đặc biệt, lễ cưới của đồng bào giữ được những nghi lễ, tập tục có nhiều nét riêng độc đáo mà vẫn tiến bộ và đậm chất nhân văn.

 Thiếu nữ người Xơ Đăng dịu dàng trong điệu nhảy

Chủ động “bắt vợ” hoặc “bắt chồng”

Người con trai, con gái Xơ Đăng khi trưởng thành bắt đầu tìm cho mình một người ưng ý để làm vợ, làm chồng. Trước đây, sau khi chàng trai được làm lễ cưa răng (răng bị cà đi 6 chiếc ở hàm trên cửa miệng), là nghi lễ tượng trưng chứng tỏ chàng trai đã trưởng thành, thì chàng trai mới thực sự trở thành thành viên chính thức, cùng chia sẻ những quyền lợi với gia đình, dòng họ, bản làng. Ngày nay, ít người còn theo phong tục này.

Tiêu chuẩn chọn vợ, chọn chồng của các chàng trai, cô gái Xơ Đăng không phải là sắc đẹp mà họ thường để ý đến người chăm chỉ lao động, có sức khỏe. Cô gái phải giỏi làm nương rẫy, dệt vải; chàng trai phải săn bắt giỏi, biết rèn sắt, đan gùi...

Tuổi hôn nhân của người Xơ Đăng thường không chênh lệch nhiều giữa trai và gái, thường là trai 20 tuổi, gái 18 tuổi hoặc muộn hơn một chút. Người Xơ Đăng theo chế độ song hệ nên việc chủ động “bắt vợ” hoặc “bắt chồng” có khi là người con trai, nhưng cũng có lúc là do người con gái. Khi họ phải lòng nhau, người con trai hoặc người con gái sẽ về thưa chuyện với bố mẹ của mình, sau đó bố mẹ của cô gái hay chàng trai sẽ nhờ người mai mối để liên lạc, đánh tiếng với gia đình bên kia. Nếu được chấp thuận thì các lễ thức tiếp theo sẽ được tiến hành.

Trong lúc yêu cũng như lúc tổ chức đám cưới, các đôi trai gái Xơ Đăng thường trao cho nhau chiếc vòng tay, vòng cổ bằng kim loại như bạc, đồng. Tuy không có giá trị cao về mặt vật chất, nhưng chiếc vòng là một lời đính ước của hai người và cũng là để cho mọi người biết rằng cô gái đó đã có chủ. Đôi trai gái hợp nhau, tìm hiểu, được cha mẹ chấp nhận và đi đến hôn nhân thì phải đeo chiếc vòng mãi, coi như là kỷ niệm tình yêu và đeo đến khi qua đời.

Hôn nhân bằng tình yêu tự nguyện nên đồng bào Xơ Đăng rất coi trọng sự chung thủy trong cuộc sống vợ chồng. Khi chiếc vòng được trao cho nhau và chén rượu được hai người cùng uống, họ sẽ cùng nhau xây dựng cuộc sống và bên nhau cho đến lúc đầu bạc, răng long. Thông thường các ông mối hoặc bà mối dặn bên nhà trai nếu bỏ bên gái thì phải đền một con trâu, thường thì bên trai phải đền nhiều hơn bên gái. Nếu người đàn ông không giữ được tình yêu và phản bội người phụ nữ thì sẽ bị họ nhà gái phạt rất nặng, từ con heo đến con trâu. Điều này như một lời căn dặn đàn ông Xơ Đăng chỉ yêu một người đàn bà, không được thay lòng đổi dạ.

 Chú rể mang lễ vật dẫn cưới tặng cô dâu

Độc đáo lễ cưới của người Xơ Teng

Người Xơ Teng là một trong các nhánh của tộc người Xơ Đăng, đây là nhánh có số dân đông nhất trong các nhánh của tộc người Xơ Đăng. Địa bàn cư trú của người Xơ Teng chủ yếu ở huyện Đăk Tô và huyện Tu Mơ Rông thuộc tỉnh Kon Tum.

Lễ cưới của người Xơ Teng thường sau lễ hỏi từ 2 - 3 tháng. Khi mọi lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ, nhà trai sẽ báo với ông mối. Ông mối có trách nhiệm bàn bạc cụ thể thời gian và công việc với bên nhà gái. Đúng ngày đã định, nhà trai cử một đoàn khoảng 5 - 6 người cùng với ông mối mang lễ vật đến nhà gái. Lễ vật thông thường gồm: Một con lợn, một con gà, một chiếc ghè, một cái rìu, một con dao, một tấm vải thổ cẩm màu đen, hai vòng đồng. Ông mối đứng ra thưa chuyện với nhà gái. Nếu nhà gái đồng ý đám cưới thì họ sẽ nhận số lễ vật của nhà trai. Toàn bộ số lễ vật mà nhà trai mang sang trao cho nhà gái nhằm mục đích để trả ơn công sinh thành dưỡng dục của gia đình nhà gái, đồng thời biểu hiện sự tôn trọng của nhà trai đối với nhà gái. Sau khi đã nhận lễ vật của nhà trai, ông mối làm lễ cúng các thần linh bên ghè rượu, nhằm thông báo với thần linh biết việc rước cô dâu về nhà chồng để tổ chức đám cưới, mong thần linh phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ sống với nhau hạnh phúc.

Nghi lễ được thực hiện xong, nhà gái mời đoàn nhà trai và bà con phía nhà gái dùng bữa cơm thân mật cùng gia đình. Lúc này, bố mẹ cô gái và bà con họ hàng, láng giềng phía nhà gái cũng đến gặp mặt và khuyên dạy con gái mình phải ăn ở, cư xử, làm việc ra sao cho đúng bổn phận của một người vợ, một người con dâu và khi có con là bổn phận của một người mẹ, gánh vác trách nhiệm của một người quản lý công việc nội trợ, nuôi dạy con cái trong gia đình; sau đó dặn dò con gái và nhã ý gửi gắm con gái mình cho nhà trai. Mọi người ăn, uống và nói chuyện vui vẻ, chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc.

Bữa tiệc kết thúc, cũng là lúc ông mối và gia đình nhà trai xin phép được cáo từ và rước cô dâu về nhà mình để tổ chức đám cưới. Họ cũng không quên mời gia đình, họ hàng nhà gái đến dự lễ cưới của đôi vợ chồng trẻ. Nếu ở xa thì đoàn nhà trai nghỉ lại nhà gái một đêm, sáng hôm sau họ mới đưa cô gái về nhà mình. Ngày gia đình nhà trai đi rước dâu cũng là lúc ở nhà mọi người lo việc chuẩn bị cho đám cưới. Khi mọi công việc ở nhà đã chuẩn bị xong cũng là lúc đoàn nhà trai rước cô dâu về.

Vào tối hôm trước ngày cưới, ông mối tiến hành làm lễ kết duyên cho đôi trai gái ở nhà trai và đồng thời cũng thông báo cho thần linh biết về sự tiếp nhận một thành viên mới trong gia đình nhà trai. Tại đây, người ta chuẩn bị một ghè rượu cần, một con gà, ông mối làm lễ cúng thần linh cầu cho đôi lứa yêu thương nhau và sống chung thủy bên nhau đến trọn đời.

Sau lễ cúng thần linh, ông mối là người được uống rượu đầu tiên, tiếp đến là cha mẹ hai bên gia đình cùng uống. Đôi trai gái được ông mối trao cho mỗi người một ống rượu cần, họ uống rượu lễ và trao vòng cho nhau. Đôi trai gái lúc này ngồi đối diện với nhau, người con gái cầm cần đưa cho người con trai uống và ngược lại người con trai cầm cần trao cho người con gái uống. Tiếp đến, ông mối đưa cho đôi vợ chồng trẻ mỗi người một nắm cơm và một cái đùi gà, họ cùng trao đổi cho nhau và ăn hết. Kể từ đây họ chính thức là vợ chồng. Đôi trai gái hẹn thề sống trọn đời bên nhau, nếu một trong hai người bỏ nhau thì sẽ bị phạt như đã hứa với thần linh. Những người có mặt chứng kiến cùng uống rượu vui vẻ và không quên nhiệm vụ cho ngày cưới chính thức vào hôm sau.

 Ông mai trao cơm nếp và thịt gà cho chú rể và cô dâu trong lễ cưới

Sáng sớm hôm sau, mọi người bận rộn chuẩn bị cho ngày vui của đôi trai gái, người giết lợn, gà, người hái rau, nấu cơm, lấy nước, đổ rượu… Không khí của cộng đồng như được gắn kết, vui vẻ hơn. Khách đến chung vui tuỳ thuộc vào điều kiện của mình mà đem đến những quà mừng để chúc mừng cô dâu chú rể, như: con gà, ghè rượu, vài quả trứng gà hoặc vài cân gạo, quả bí... Thường thì quà mừng đều được gia đình chế biến luôn trong ngày cưới để đãi khách. Khi mọi người đến dự đông đủ, ông mối dẫn đôi vợ chồng trẻ ra trước sân để làm lễ cúng thông báo với thần linh và cộng đồng làng biết về lễ cưới chính thức cho đôi trai gái.

Tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã chúc phúc cho hạnh phúc của đôi trai gái, hai vợ chồng uống kang rượu đầu tiên mở đầu cho bữa tiệc cưới. Tất cả mọi người cùng nhau chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ, rồi say sưa múa hát, ăn uống trong tiếng nhạc, tiếng hát tưng bừng. Cuộc vui có thể kéo dài thâu đêm. Khi khách ra về, gia đình nhà trai biếu mỗi người một ít thịt lợn, thịt gà, thể hiện sự cảm ơn của gia đình nhà trai. Đối với nhà gái, họ được nhà trai biếu một đùi lợn và ít cơm nếp.

Sau khi nhà gái ra về, nhà trai dọn dẹp nhà cửa. Đến tối, nhà trai bưng một ghè rượu và thịt một con gà mời già làng và một số người già đến uống rượu và dạy bảo đôi vợ chồng mới cưới cách thức ứng xử, quan hệ vợ chồng với các thành viên khác trong gia đình, họ hàng, láng giềng. Đồng thời đây cũng là nghi lễ để gia đình tạ ơn thần linh.

Sau lễ cưới, ông mối được gia đình nhà trai trả công bằng một con gà và một ghè rượu hoặc một đùi heo. Đến đây vai trò của ông mối chưa phải đã hết, mà còn phải có trách nhiệm tiếp theo đối với đôi vợ chồng trẻ trong cuộc sống tương lai. Đôi vợ chồng luôn phải chịu ơn ông mối và thường xuyên quan tâm, thăm hỏi ông trong cuộc sống. Bên cạnh đó ông mối cũng luôn dõi theo từng bước đường hạnh phúc của họ.

Theo phong tục của người Xơ Teng thì lễ cưới đến đây đã hoàn tất. Hai vợ chồng coi như được hợp thức hoá trong xã hội người Xơ Teng và có quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ sống với nhau suốt đời.

Đám cưới của người Xơ Teng (hay người Xơ Đăng) hội tụ được nhiều nét độc đáo trong tư duy và bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Đó không chỉ là nghi lễ của hai gia đình mà còn mang tính cộng đồng sâu sắc. Mối quan hệ cộng đồng càng trở nên gắn kết hơn, con người yêu thương đùm bọc, giúp đỡ và tương trợ cũng như sẻ chia tinh thần và vật chất trong niềm hạnh phúc cũng như lúc khó khăn. Ngoài ra, đây là dịp để các đôi trai gái có điều kiện gặp gỡ, giao lưu và tỏ tình. Từ đám cưới của đôi trai gái này là mầm mống hạnh phúc cho những đôi lứa tiếp theo. Những nghi lễ trong cưới xin của người Xơ Teng mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nó góp phần hình thành nên một gia đình bền vững trong mối quan hệ chặt chẽ giữa hai dòng họ và cộng đồng với nhau.

Hà Thành (Tổng hợp)

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/am-ap-le-cuoi-cua-nguoi-xo-dang-20171103090803713.htm



  Các Tin khác
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
  + Mây tràn khắp lối, du khách ùn ùn kéo tới Sa Pa check-in khung cảnh bồng bềnh (06/12/2022)
  + Ly kỳ 2 quả núi cùng tên “kẹp” một dòng sông (26/11/2022)
  + Độc đáo bức tường bằng đá ong hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Yên Trường (26/11/2022)
  + Cuộc đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua ảnh (21/11/2022)
  + ĐỘC ĐÁO LỄ HỘI ĐUA THUYỀN ĐỘC MỘC TRÊN SÔNG PÔ KÔ (11/11/2022)
  + NGHỆ NHÂN LÝ THỊ NHIỄN TÂM HUYẾT GÌN GIỮ VĂN HÓA DÂN TỘC CHÂU RO (10/11/2022)
  + “SỨ MÓNG CÁI, VẠI HƯƠNG CANH” (08/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 60335973

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July