Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 20/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Tìm câu hát hố ngày xưa Tìm câu hát hố ngày xưa , Người xứ Nghệ Kiev
 

Thuở trước, hát hố là nét đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng và là sợi dây gắn kết người với người. Những lời ca chân quê thắm đượm nghĩa tình làm vơi đi nỗi nhọc nhằn, “se duyên” cho bao lứa đôi nên nghĩa vợ chồng. Hát hố kêu gọi nhân dân chung lòng đứng lên đánh Tây, cởi bỏ ách nô lệ, giải phóng quê hương, đất nước.

Hát cho vơi đi những nhọc nhằn

Ở tuổi 92, cụ Trịnh Thị Khâm ở xã Phổ Cường (Đức Phổ), Quảng Ngãi vừa trải qua cơn bạo bệnh nhưng rất hào hứng khi nói về hát hố, làn điệu dân ca một thời gắn bó với người dân quê. Thuở đôi mươi, cụ đã thuộc khá nhiều bài hát hố và ứng tác khá trôi chảy mỗi khi hát đối đáp. Những buổi khom lưng cấy lúa trên đồng, cụ cùng nhiều người ngân nga đối đáp qua câu hát hố làm vơi đi bao nỗi nhọc nhằn.

“Lúc ấy chân lội xuống bùn, tay nắm bó mạ và lưng cúi xuống mặt ruộng để cấy lúa nên vất vả lắm. Nhờ hát hố nên chúng tôi cảm thấy bớt mỏi mệt. Mê hát đến nỗi quên cả ăn cơm trưa. Ban đêm, tôi và nhiều người tụ họp tại một nhà trong xóm để cùng nhau hát hố. Vui lắm…” – cụ nhớ lại.

 Cụ Trịnh Thị Khâm vui vẻ hát hố khi có người lắng nghe

Khoảng 50 năm về trước, rất nhiều nông dân nơi làng quê trên địa bàn hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định say mê hát hố với những ca từ mộc mạc nhưng không kém phần thanh tao. Hát hố gắn liền với cuộc sống của người dân quê chân chất, là loại hình sinh hoạt dân gian. Người hát có thể hát theo bài bản sẵn có hay ứng tác đối đáp trong những tình huống cụ thể. Lời ca chứa đựng nỗi niềm tâm tư đôi lứa, hờn trách duyên phận hay giao lưu kết bạn, trêu ghẹo nhau…

Nhiều người không biết chữ nhưng vẫn thuộc làu nhiều bài hát hố, ứng biến khá trôi chảy khi hát đối đáp. Những lúc khom lưng cấy lúa trên đồng, ra gò đồi chăm sóc hoa màu hay lên rừng cắt tranh, nhặt củi… chỉ dăm ba người là có thể gầy thành “chiếu” hát hố rộn ràng. Đêm thanh gió mát, trai gái trong làng tụ họp cùng nhau giã gạo và cất lên những lời ca làm khuấy động làng quê, thu hút nhiều người tìm đến giao lưu.

Người đến sau nhập cuộc với những ca từ tràn đầy ý thơ: “Tới đây chào muộn, chào màng/ Trai đang giã tôi chào trước, gái đang sàng tôi chào sau/ Ai có miếng trầu cho tôi đổi miếng cau/ Ai có ơn trước nghĩa sau thì nhìn/ Ở nhà con nhện đưa tin/ Tới đây gặp bạn cũng in như lời/ Hồi vui chớp cánh bay chơi/ Hồi buồn cưỡi hạc lên trời xem mây/ Ngó tiếng kêu thục nữ ở lầu tây/ Ai gầy duyên, cảm nghĩa, giữa chốn này có em”.

Sau mỗi lời hát, chàng trai dùng chày gõ vào cối gỗ để mời bạn hát đối đáp. Những lời ca đối qua – đáp lại kéo dài đến tận canh khuya, khi những thúng gạo của gia chủ đã đầy tràn, mọi người mới lưu luyến chia tay.

Thuở trước, khi đến mùa thu hoạch mía, nhiều người trong làng rủ nhau đến lò nấu đường thủ công dựng trên khoảnh đất rộng, cùng nhau đẩy thanh gỗ lớn gắn vào 3 chiếc che gỗ (dùng để ép mía) thay cho trâu, bò. Dân gian gọi đấy là chạy che, công việc khá nặng nhọc. Thế nhưng, khi có người cất lên lời ca thì cả nhóm đều hưởng ứng hát đối qua – đáp lại làm vơi đi bao nỗi nhọc nhằn.

Vợ chồng cụ Khâm cùng nhiều người Phổ Cường thuở ấy thường quẩy quang gánh cuốc bộ vào tận Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định) mua chiếu, mắm, chén sành… gánh trở về ngược lên tận huyện Ba Tơ đổi lấy hàng nông sản rồi mang về xuôi bán kiếm lời. Chặng đường đi về hơn 200km với quang gánh nặng oằn vai, đôi chân rã rời. Nhưng họ vẫn cất lời ca hát hố, đối đáp với nhau như để tiếp thêm nghị lực vượt qua gian nan.

“Đi như thế mệt lắm nên chúng tôi hát hố trêu ghẹo, động viên nhau để quên đi mỏi mệt. Người này vừa hát vài câu hay cả bài thì người kia lập tức hát đáp lại ngay. Chân thì bước, miệng thì hát nên thấy đường dài dường như ngắn lại…” – cụ Khâm hồi tưởng.

Những chàng trai, cô gái có giọng hát hay, ứng tác lưu loát khiến cho bao người thầm thương trộm nhớ, mong gặp mặt để được nghe hát. Hát hố còn se duyên cho bao người nên nghĩa vợ chồng với những lời hứa hẹn sắt đá.

 Cụ Phan Thị Bảy bồi hồi, nhớ về những người bạn cùng nhau hát hố thuở trước

Lời ca kêu gọi đánh Tây

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, vùng đất Phổ Cường, Phổ Khánh và khu vực lân cận thuộc quyền kiểm soát của chính quyền cách mạng. Nhiều lần, quân Pháp bất ngờ đổ bộ từ hướng biển vào đất liền bắn giết nhưng bị quân và dân Phổ Cường, Phổ Khánh… đánh cho tan tác.

Những “nghệ sỹ dân gian” sáng tác những bài hát hố kêu gọi nhân dân đoàn kết đánh Tây, vận động người theo Pháp rời bỏ hàng ngũ quân xâm lược trở về với gia đình, quê hương. Và “cứ nghe hát hố là mọi người tìm đến” nên những lời ca ấy nhanh chóng được lan truyền trong dân chúng.

Lời người cha tràn đầy yêu thương, khơi gợi niềm tự hào dân tộc kêu gọi con trai lầm lỗi trở về: “Đôi lời nhắn nhủ thăm con/ Lòng cha lo nghĩ, héo hon từng ngày/ Trông con trông đứng, trông ngồi/ Mỏi mòn con mắt tơi bời ruột gan/ Vì xem quang cảnh giang sang/ Giận quân cướp nước sài lang tham tàn… Đốt nhà, đốt cả đồng bào/ Giết người, cướp của biết bao nhiêu sầu/ Non sông xem thấy mà đau/ Người con xa ấy ở đâu bây giờ/Giang sang đương đợi đương chờ/ Mà con lại nỡ làm ngơ sao đành… Thương con mấy bận lòng sầu/ Cha đau mấy trận, cha rầu vì con/ Về đây giữ nước giành non… Giang sơn đau khổ muôn vàn/ Mà con đi bảo vệ Tây làm gì/ Về đây, con hỡi về đây/ Lòng cha tha thứ một khi con về”.

Lời của người vợ trẻ tha thiết pha lẫn chút dỗi hờn, kêu gọi chồng trở về: “Giặc tràn xâm chiếm non sông/ Ai ơi nhắn hộ cho chồng tôi ơi/ Bao nhiêu máu đổ đầu rơi/ Bao nhiêu máu hận thay lời khóc than/ Giận quân cướp nước tham tàn/ Giận người bỏ vợ, bỏ đàn con thơ/ Mẹ già đầu bạc như tơ/ Thân em tựa cửa ngẩn ngơ nhớ chàng/Con nay tay bế tay bồng/ Con thơ ngậm sữa ngóng trông cha về… Về đây gắn nghĩa tào khang/ Về đây cứu vớt giang sang phen này/ Sao chàng đi lính cho Tây/ Thiếp nay đang sống những ngày đớn đau/ Về đây hôm sớm có nhau/ Về đây dưa muối, canh rau sum vầy/ Cùng nhau kháng chiến từ đây/ Cùng nhau mình hưởng những ngày vinh quang”.

Ở tuổi 95, cụ Phan Thị Bảy bồi hồi khi nhớ về những người bạn thời trẻ đã cùng nhau hát hố trong những đêm trăng thanh gió mát. Giờ họ đã về với tổ tiên, nhiều người hóa thân vào hồn thiêng sông núi bởi bom đạn của quân thù. Những lời ca giục giã họ lên đường vào bộ đội, dân công phục vụ chiến đấu rồi anh dũng hy sinh nơi chiến trường. “Lúc đó chưa có hát nhạc hay chiếu phim như bây giờ nên chúng tôi mê hát hố lắm, thường tụ tập nhau để hát chơi cho bớt mệt nhọc.

Nghe mấy ông cán bộ nói chuyện Cụ Hồ kêu gọi toàn dân đoàn kết đứng lên đánh Tây, thanh niên hăng hái lắm. Sau đó, không biết ai đặt nhiều bài hát hố vận động người theo Tây trở về với quân mình và kêu gọi người dân tham gia hát hố. Những câu hát đó cứ lan truyền, nhiều người liền đăng ký đi bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong…” – cụ nhớ lại.

Tinh thần yêu nước của người dân Phổ Cường tha thiết hơn bởi những bài hát hố kêu gọi đứng lên đánh Tây đẻ giải phóng quê hương. Họ sẵn sàng ra trận, chung tay đóng góp công sức và tiền của cho kháng chiến. Với những đóng góp to lớn đó, Phổ Cường đã được khen tặng là xã kiểu mẫu của khu 5 vào năm 1950 rồi đến đầu năm 1951 được khu ủy khu 5 tặng cờ “ngọn đuốc thi đua”.

Và ngay sau đó là những lời ca tự hào về truyền thống quê hương trung dũng, kiên cường: “Từ ngày kháng chiến, nước ta lẫy lừng/ Dù cho cay đắng, chúng ta không ngừng/ Phổ Cường ngày nay là nơi danh tiếng/ Do sự cố gắng (của) dân trong xã nhà/Ngày nay ta tiến, cố tiến lên đi/ Cho danh lừng lẫy, nêu cao lá quân kỳ/ Giờ thi đua, thi tài, ta thi chí/ Cho xã nhà lấy tiếng nghìn thu/ Ngọn cờ thắm, sao vàng ta ghi nhớ/ Cho muôn người ghi nhớ, đừng quên”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đức Phổ, người rất say mê và thuộc làu nhiều bài hát hố chia sẻ: “Hát hố là làn điệu dân ca đặc sắc trong đời sống của người dân quê thuở trước. Giờ cuộc sống hiện đại với nhiều loại hình nghệ thuật và phương tiện nghe nhìn nên bị phai mờ. Dẫu vậy, chúng tôi cũng đã sưu tầm rất nhiều bài hát hố nhằm bảo tồn loại hình văn hóa dân gian này”.     

Ở tuổi gần đất xa trời nhưng cụ Khâm và cụ Bảy vẫn say mê làn điệu hát hố, dẫu giọng ca không thể ngân nga như thuở trước. Các cụ như đắm mình vào từng lời ca mỗi khi có thính giả lắng nghe. Cả hai cụ đều gọi với theo khi tôi xin phép ra về: “Bữa nào rảnh thì rủ thêm bạn đến đây, bà hát cho mà nghe! Hay lắm! Hát đến ba ngày vẫn không hết bài. Mấy cháu còn trẻ phải chịu khó nghe hát hố để rồi hát theo chứ bỏ luôn thì uổng lắm”.

 

 

Ngư dân cũng mê đắm hát hố

Hát hố là loại hình sinh hoạt dân gian gắn liền với cuộc sống của người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Nhưng làn điệu này cũng đã thu hút nhiều ngư dân quanh năm lênh đênh trên sóng nước. Họ yêu thích hát hố như yêu trời xanh, biển rộng bao la. “Lúc trước, cha tôi cùng với nhiều ngư dân trong vạn sáng sớm tinh sương ra biển đánh bắt trên chiếc thuyền buồm đến tối mịt mới trở về. Vừa tới nhà, mấy ổng tắm rửa và ăn vội vài chén cơm rồi rủ nhau lội bộ hàng chục cây số lên tận Phổ Khánh, Phổ Cường để hát hố…” – cụ Lê Ơi – Vạn trưởng Vạn chài Thạch By, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho biết.

 (Theo Trang Thy/ Báo Quảng Ngãi)

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/tim-cau-hat-ho-ngay-xua-20171003094405393.htm



  Các Tin khác
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
  + Mây tràn khắp lối, du khách ùn ùn kéo tới Sa Pa check-in khung cảnh bồng bềnh (06/12/2022)
  + Ly kỳ 2 quả núi cùng tên “kẹp” một dòng sông (26/11/2022)
  + Độc đáo bức tường bằng đá ong hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Yên Trường (26/11/2022)
  + Cuộc đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua ảnh (21/11/2022)
  + ĐỘC ĐÁO LỄ HỘI ĐUA THUYỀN ĐỘC MỘC TRÊN SÔNG PÔ KÔ (11/11/2022)
  + NGHỆ NHÂN LÝ THỊ NHIỄN TÂM HUYẾT GÌN GIỮ VĂN HÓA DÂN TỘC CHÂU RO (10/11/2022)
  + “SỨ MÓNG CÁI, VẠI HƯƠNG CANH” (08/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60208772

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July