Nhà sàn truyền thống của người Mường
|
Có hai yếu tố quan trọng của nhà sàn Mường truyền thống, đó là nơi thờ cúng và nơi đặt bếp. Nhà ở của người Mường có một cái cột gọi là “cột chồ” ở góc phía cầu thang nơi đầu thang liền với sàn. Cột này được coi là “cột thiêng”, không được buộc trâu, bò vào chân cột, bàn thờ gia tiên được làm ở cạnh cột này.
Nhà sàn có 4 gian thì có 5 cột. Gian đầu là gian có “cột chồ” được gọi là “gian gốc”, chỉ đàn ông trong nhà được nằm, đàn bà không được nằm vì có bàn thờ gia tiên. Trong các việc như lễ tang, hôn lễ, chỉ có người có vai vế trong họ được ăn ở gian này, trải chiếu sát với cửa sổ. Ở gian này có một cột cái đối diện với “cột chồ” ở chỗ để các ống nước chân cầu thang. Bên chân cột này là chỗ để chơi và vài cột lúa đã rũ hết thóc. Cột được đội một cái giỏ thủng mà xà nhà chen lên và treo một đoạn tre hay gỗ tước sơ ra ở đoạn đầu, đoạn tre này là biểu tượng dương tính gọi là “nõ” vag cái giỏ thủng là biểu tượng âm tính gọi là “nường”.
Gian thứ hai là nơi đàn ông và khách nam ngủ.
Gian thứ ba có bếp và buồng cho phụ nữ. trong nhà đưọc ngăn ra. Phía trên gác bếp đặt bàn thờ Táo quân. Gian thứ tư là nhà ở trong. Nơi đàn bà trong nhà ngủ có chạn bát, đồ dùng gia đình và là nơi sửa soạn cơm nước. Kết cấu vì kèo của nhà Mường Phú Thọ có 2 cột cái, 2 cột con, 1 quá giang, 1 bộ kèo gồm 2 kèo. Nhà của người Mường ở Phú Thọ có hai cột cái ở trong và hai hàng cột con ở ngoài. Đầu hai cột cái đỡ lấy quá giang và bộ vì kèo úp lên quá giang theo hình tam giác cân, đỉnh ở trên, chân vì kèo đặt trên hai cột con gần nắp vì kèo, trên quá giang có một thanh gỗ hay tre giữ cho hai bên kèo được ổn định chắc chắn.
Người Mường chưa có kiểu lắp mộng như nhà ở người Kinh. Kết cấu khung nhà người Mường có phần khác với nhà của người Kinh. Trong nhà người Mường thang lên hai đầu có nghĩa là cửa vào ở gian đầu và gian cuối khác với nhà người Kinh cửa mở mặt tiền cho cả ba gian, trong đó có cửa chính ở gian giữa và hai bên đều có cửa vào. Nhà người Kinh mở cửa sổ ở hai vách sau của hai gian bên, còn gian giữa không mở cửa sổ vì bàn thờ kê áp vách.
Nhà Mường có hai hàng cột cái ở trong và hai hàng cột con ở ngoài, đầu hai cột đỡ lấy quá giang và bộ vì kèo úp lên quá giang theo hình tam giác cân ở đỉnh trên, chân vì kèo đặt lên hai cột con. Gần nắp vì kèo, phía trên quá giang có một thanh gỗ hay tre họi là “quét đồ” (câu đầu) giữ cho hai bên kèo được ổn định, chắc chắn. Đòn tay (tôn thảy) đặt dọc mái, đòn tay cái (tôn thảy cái) có miếng tre kẹp chặt đòn tay cái vào đầu cột cái gọi là cái khoá kèo (pà hoạc). Đè mè úp lên đòn tay để lợp mái trên kèo có đóng đinh tre (tằng kéo) để giữ lấy các đòn tay, các rui mè như xương sườn của các mái chạy từ nóc kèo đến chân kèo. Trước đây người Mường ở Phú Thọ dựng nhà chỉ có hai hàng cột, chưa biết kết cấu vì kèo, chưa biết làm ruổi, chỉ có cây ruông chạy dọc nhà, chéo mái buộc chứ không có mộng, không có con sò, chưa phân gian. Sau này, nhà có kết cấu vì kèo, đục lỗ cột để găm con sỏ vào nhau, có bốn hàng cột, thậm chí sáu hàng cột.
Ngày nay nhà Mường ở Phú Thọ có hai cách phát triển: Cách phát triển không cơ bản là làm thêm hành lang bao quanh nhà sàn chính để tăng thêm độ rộng, thoáng vì vậy tăng thêm vẻ đẹp bề thế. Cách phát triển thay đổi cấu trúc lớn là tách bếp ra trên một nhà sàn nối tiếp hay đạt hẳn bếp xuống một nhà đất nằm ở cuối sàn nhà. Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng - nhà nghiên cứu dân tộc học thì : “…Huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập và 3 xã miền núi thuộc huyện Ba Vì là vùng hỗn hợp dân tộc, chủ yếu là giữa người Mường và người Việt. Đặc tính hỗn hợp dân cư và quá trình hòa hợp dân tộc được thể hiện khá rõ ở các loại hình nhà cửa trong vùng, ở đây nhà sàn được xem như là loại hình nhà đất là nhà điển hình của người Việt.” Song bên cạnh ngôi nhà sàn cổ truyền còn có nhiều dạng nhà khác nữa.
Theo baophutho.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/nha-o-cua-nguoi-muong-phu-tho-20190714223115393.htm