Ngoài những giá trị về nghệ thuật kiến trúc, ngôi đình còn được biết đến cùng với câu chuyện về Nguyên phi Ỷ Lan - người được dân gian tôn làm Quốc mẫu. Đây là một trong những di tích tiêu biểu với những giá trị văn hóa - lịch sử mang đậm hồn cốt Thăng Long - Hà Nội còn được bảo tồn, lưu giữ cho đến ngày nay.
Từ cung Động Tiên đến đình Yên Thái
Sử sách chép rằng, Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Khiết, có nơi ghi là Lê Thị Yến (1044 - 1117), người trang Thổ Lỗi (làng Sủi, nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Nguyên phi nổi tiếng là người con gái xinh đẹp, chăm ngoan, hiếu học và thông minh.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Quý Mùi (1063), vua Lý Thánh Tông khi ấy đã 40 tuổi vẫn chưa có con trai nối dõi. Nhà vua đi khắp chùa chiền các nơi để cầu tự. Một lần, vua đến chùa Dâu Keo, khi ngự giá tới trang Thổ Lỗi, dân làng nô nức ra xem thì có một người con gái vẫn hái dâu bên cạnh gốc lan. Vua bèn truyền gọi nàng đến hỏi. Thấy nàng đối đáp linh hoạt, thông minh lại xinh đẹp, đoan trang, nhà vua bèn rước nàng về cung Động Tiên thuộc phường Kim Cổ, huyện Thọ Xương và đặt tên là Ỷ Lan.
Ít lâu sau, Ỷ Lan sinh con trai, được vua phong là Nguyên phi, còn Hoàng thái tử được đặt tên là Càn Đức. Với tài năng, đức độ hơn người, dù trên cương vị là Nguyên phi hay sau này là Thái hậu, bà Ỷ Lan hai lần thay vua nhiếp chính, lo công việc đất nước, tạo nên thời kỳ thịnh trị của triều Lý trong lịch sử nước nhà.
Sử sách cũng ghi Nguyên phi Ỷ Lan là người sùng đạo Phật, ưa làm việc thiện. Bà đã xây điện thờ Phật ở phường Kim Cổ và 72 ngôi chùa ở khắp nước. Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), bà mất, được "dâng thụy" (tên hèm sau khi qua đời) là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu. Dân phường Kim Cổ sau đó chuyển điện Phật thành nơi thờ bà, coi bà như Thành hoàng và phụng thờ đời đời.
Thời gian ở cung Động Tiên thuộc phường Kim Cổ, bà Ỷ Lan còn dựng quán Đồng Thiên trong khu vực cung điện. Đến thời Tây Sơn, quán được dời sang thôn An Thái. Sau này, người dân xây dựng đình Yên Thái trên nền quán cũ. Đình có quy mô lớn, gian chính giữa thờ Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, bên trái thờ Mẫu, bên phải thờ Phật. Hiện chưa tìm được tư liệu chính xác năm xây dựng đình Yên Thái, song căn cứ vào 7 đạo sắc phong trong đình, sắc có niên đại sớm nhất là Cảnh Hưng thứ 14 (1753), có thể ước lượng thời gian xây dựng đình Yên Thái trước đó hàng trăm năm.
Đình Yên Thái được xây dựng kiểu chữ "Công" với 3 gian tiền tế, một gian ngoại cung (ống muống) nối liền với 3 gian hậu cung. Ngôi đình có kiến trúc độc đáo, mang tính nghệ thuật cao, thể hiện ở 3 gian tiền tế với bộ khung vì kèo được làm theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ truyền” và nhiều bức chạm nổi, chạm lộng với đề tài tứ linh, rồng cuốn thủy... Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình nhiều lần được tu bổ và xây dựng thêm. Đình hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật giá trị, trong đó có nhiều đạo sắc phong quý. Với những giá trị văn hóa - lịch sử, năm 1995, đình Yên Thái đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Ngôi đình cổ trong cuộc sống hôm nay
Ngày nay, đình Yên Thái đã trở thành một điểm đến quen thuộc với nhiều du khách trong và ngoài nước, gắn với đời sống tâm linh của cư dân khu vực phố cổ Hà Nội.
Từ phố Hàng Bông tấp nập rẽ vào ngõ Tạm Thương sẽ gặp đình Yên Thái nằm ngay cuối ngõ. Do diện tích hẹp nên du khách chỉ bước qua mấy bậc thềm đã tới cửa đình. Chính giữa là bức hoành phi sơn son thếp vàng đề bốn chữ “Lý đại mẫu nghi”, cho biết nơi đây thờ Mẫu Ỷ Lan. Bước vào bên trong là không gian thiêng với những công trình kiến trúc còn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ đẹp ban đầu. Thế nhưng, ít ai biết rằng, vào những năm 2000 trở về trước, ngôi đình từng là nơi sinh sống của 4 hộ gia đình. Theo ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm, để bảo tồn, tôn tạo và giữ gìn giá trị di sản quý giá, quận Hoàn Kiếm đã giải phóng mặt bằng, di dời 4 hộ dân trong khu di tích và đầu tư hơn 12 tỷ đồng cho việc tu bổ, tôn tạo lại tổng thể di tích đình Yên Thái.
Nhờ vậy, đến nay đình Yên Thái không chỉ được bảo tồn tốt mà còn trở thành một trong những điểm đến được ưa thích trong chương trình tham quan phố cổ Hà Nội của nhiều du khách. Mỗi năm, nơi đây thu hút khoảng 15 nghìn lượt khách tham quan, chiêm bái. Ông Matthew Hobbs, một du khách Mỹ cho biết: “Chúng tôi đến Hà Nội và muốn tự mình khám phá khu phố cổ. Cứ đi theo những con phố nhỏ, ngõ nhỏ, cuối cùng chúng tôi “bắt gặp” ngôi đình cổ kính này. Đây thực sự là một bất ngờ thú vị mà Hà Nội dành tặng chúng tôi. Không thể tin được rằng giữa phố phường đông đúc, hiện đại lại có một ngôi đình khiến chúng tôi như lạc về hàng trăm năm trước thế này. Hà Nội thực sự rất thú vị!”.
Thủ từ Trịnh Trường Sinh, người nhiều năm trông coi đình Yên Thái chia sẻ, ngoài việc giữ gìn vệ sinh, tuân thủ tuyệt đối các quy định về an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ, Tiểu ban Quản lý di tích còn chú trọng hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh tại nơi thờ tự. Cùng với đó, di tích còn được trang bị hệ thống camera giám sát để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hệ thống hiện vật, di vật quý cũng như toàn bộ di tích nói chung. Nhờ thế, nhiều năm qua đình Yên Thái vẫn được bảo tồn, phát huy tốt những giá trị quý báu. Hằng năm, lễ hội truyền thống đình Yên Thái được tổ chức vào các ngày từ 15 đến 17 tháng Ba và từ 23 đến 25 tháng Bảy (âm lịch) để kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa của Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan. Lễ hội diễn ra với đầy đủ các nghi thức, với lễ rước trang trọng, lễ tế uy nghiêm và phần hội có đủ tích chèo cho người dân và du khách thưởng thức.
Với sự tôn nghiêm và vẻ đẹp tương xứng với vị thế của nhân vật lịch sử Nguyên phi Ỷ Lan, di tích lịch sử cấp quốc gia đình Yên Thái thực sự là niềm tự hào của đất Thăng Long - Hà Nội.
Bài và ảnh: Hương Thanh
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xua-va-nay/820544/dinh-co-yen-thai
|