Sách lá của người Khùa. (Ảnh: TL)
|
Không biết bộ sách lá này có từ bao giờ, xuất xứ từ đâu, nhưng những dòng chữ cổ viết trên các mảnh lá rừng vẫn còn đậm màu và rõ nét. Ông Hồ Phoong là người còn giữ lại hai quyển sách lá cuối cùng của tộc người Khùa ở Minh Hóa (Quảng Bình). Một quyển dài khoảng 50cm, có 150 trang, mỗi trang rộng chừng 5cm, có 5 dòng chữ viết được Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Quảng Bình mượn; quyển còn lại dài khoảng 60cm, có 200 trang, mỗi trang có 4 dòng chữ viết được ông Hồ Phoong giao nộp cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo tạm thu nhận nghiên cứu. Hai bìa sách được làm bằng hai thanh gỗ hình mái nhà và được trang trí rất công phu. Họ dùng dây để xâu các trang sách lại với nhau. Điều đặc biệt là loại sách lá này có thể ngâm trong nước mưa mấy ngày liền vẫn không phai, nhòe chữ viết.
Ông Hồ Phoong cho biết, sách này do đời sơ (đời cố) của ông để lại cho ông nội, cha rồi truyền lại cho ông. Thời niên thiếu, Hồ Phoong được ông nội và bố kể cho nghe về nội dung của bộ sách lá. Nội dung là những từ kinh Phật khuyên răn chúng sinh làm lành, tránh dữ hay những câu chuyện dân gian gắn bó với lịch sử của người Khùa. Ông cho biết, ông nội của ông là Hồ Văn, trước lúc đi về với tổ tiên đã gọi bố ông và ông lại đầu giường dặn phải gìn giữ cẩn thận hai bộ sách lá đã hơn 100 năm tuổi.
Theo quân ngũ và giữ nhiều trọng trách nên khi ông nghỉ hưu và mất chỉ kịp để lại cho ông Phoong hai bộ sách mà không thể truyền lại cách đọc và viết theo thứ chữ cổ. Dù không đọc được chữ trong đó nhưng trải qua bao nắng mưa, thiên tai lũ lụt với hàng chục lần chuyển nhà nhưng ông Hồ Phoong vẫn tiếp tục cất giữ nguyên vẹn hai bộ sách lá.
Sách được xem là báu vật, không chỉ bởi nó quý giá về tuổi đời mà còn ở sự kỳ công để tạo nên nó và đặc biệt là nội dung ẩn chứa bên trong. Theo lời ông Hồ Phoong, sách được viết bởi thứ chữ Lào cổ do các nhà sư Lào xa xưa thường dùng để viết kinh Phật. Tộc Khùa trước kia vốn định cư bên đất bạn Lào nên đã tiếp thu thứ văn tự này rồi truyền lại cho các thế hệ con cháu đời sau. Để viết được những cuốn sách như thế này, người viết phải có kiến thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực và phải mất hàng năm trời mới viết xong một cuốn sách. Công đoạn chuẩn bị cũng hết sức công phu bởi loại lá để viết sách phải được buộc ủ đủ 1 năm trời mới đem sấy khô và viết được chữ lên đó. Mực để viết lên lá là loại mực tàu trộn với mật của một loại cá chỉ sống ở khe suối để chữ viết có thể tồn tại hàng trăm năm không phai mờ. Quả thực, khi được nhìn tận mắt cuốn sách lá, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự sắc nét đến kỳ lạ trên từng nét chữ.
Các bậc cao niên người Khùa cho rằng, sách lá được tẩm một loại chất gì đó mà họ vẫn không biết nên đến nay vẫn như mới nguyên, không hề bị mối mọt, chữ viết vẫn còn sáng màu mực. Trước đây, chỉ có bậc cao niên trong vùng mới đọc được bộ sách lá này, nhưng nội dung trong sách thì nhiều người dân nay vẫn nhớ.
Theo các thư tịch cũ, sách lá có nguồn gốc từ các ngôi chùa Khmer, được viết trên lá cây buông. Cây buông còn gọi là cây slắt krúth giống như cây cọ, cây thốt nốt, có lá dài 3m. Sở dĩ gọi là cây buông bởi khi muốn biến lá thành sách phải buộc lá lại, đợi đến 1 năm mới đủ ngày để lấy lá ra làm sách. Các lá sách được đóng xâu lại thành từng cuốn một, hai bìa sách là hai thanh gỗ cứng được trau chuốt rất đẹp, mặt trong trơn bằng như tờ giấy, còn mặt ngoài như mai rùa.
Bút và cách viết cho bộ sách này cũng phải đặc biệt. Người viết dùng mũi sắt mài thật nhọn hoặc dùng mũi kim làm ngòi, khắc từng chữ lên lá. Nếu viết nhanh mỗi ngày cũng chỉ hoàn thành được từ 5 đến 7 lá. Viết xong, dùng mực Tàu trộn đều với mật một loài cá sống ở khe phết lên. Sau đó đục lỗ ở hai đầu để xỏ dây, ngoài cùng là hai thanh gỗ dùng làm bìa. Khi cần đọc hoặc di chuyển chỉ cần đeo dây vào cổ, khi không dùng đến thì rút sợi dây buộc sang một bên và treo ở một vị trí trang trọng nhất trong nhà.
Giờ đây, người Khùa ở Minh Hoá vẫn dựa vào những nội dung trong những bộ sách lá ra để chỉ dạy cho con cháu và kể lại những câu chuyện dân gian mang đậm bản sắc của người Khùa như chuyện về chàng Kalakệt, về nàng Angkhămđeng. Và họ sẽ tiếp tục giữ những bộ sách lá này để truyền đạt và truyền dạy lại cho con cháu mai sau.
Người Khùa vốn không có chữ viết nên trước khi được học chữ quốc ngữ, họ phải vay mượn chữ viết của các tộc người khác. Vốn có nguồn gốc sinh sống xuất xứ ở bên nước bạn Lào, nên trước đây người Khùa vẫn dùng chữ cổ Lào để làm chữ viết dạy lại cho đời sau. Chính những quyển sách lá này là nơi lưu giữ vốn văn hóa, lịch sử của họ để truyền lại cho thế hệ con cháu.
Hiện nay số sách lá của người Khùa còn lưu giữ lại không nhiều, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đây là kho sách văn học dân gian, là những bộ sách cổ được xem như là những di sản vô giá quý hiếm của người Khùa ở huyện vùng cao Minh Hóa. Hơn nữa, số người già biết tiếng Lào cổ để đọc được sách lá ngày càng hiếm vì thế những giá trị nội dung và nghệ thuật của sách không thể nào đánh giá hết nên nó cứ ngày mai một dần. Những dữ liệu trong cuốn sách độc đáo của người Khùa, đang khiến nhiều người dân ở đây tò mò về cuộc sống trước đây của cha ông họ. Cho đến bây giờ, người ta vẫn khó có thể giải thích được, vì sao chỉ với những loài lá cây mà sự tồn tại của sách lá đó có thể vượt qua sự hủy hoại ghê gớm của thời gian? Những quyển sách nay còn nhiều bí ẩn, cần đến sự nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học.
Hồng Phượng/ thegioidisan.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/sach-la-cua-nguoi-khua-20190604103344727.htm