(NSHN) - Nằm bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, làng gốm sứ Bát Tràng được biết đến là trung tâm sản xuất, kinh doanh gốm sứ nổi tiếng, đồng thời là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch.
Gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) có truyền thống lịch sử cách đây gần 1.000 năm, được xem là một trong bốn nghề tinh hoa của Thăng Long xưa:
“Lĩnh hoa Yên Thái,
Đồ gốm Bát Tràng,
Thợ vàng Định Công,
Thợ đồng Ngũ Xã”.
|
Đôi tay khéo léo của thợ gốm Bát Tràng. |
Là một trong 1.350 làng nghề truyền thống ở Hà Nội, gốm Bát Tràng là dòng gốm hội tụ đủ những tinh hoa từ gốm của 5 dòng họ nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ Thanh và dòng họ Nguyễn ở Minh Tràng. Bát Tràng cũng có nghĩa là “cái sân lớn”, dùng để chỉ mảnh đất lập nghiệp của 5 dòng họ lớn (Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm) cùng các nghệ nhân, thợ giỏi khi muốn tạo dựng một vùng đất nghề chuyên sản xuất đồ gốm sứ: Đồ gia dụng, sinh hoạt, thờ cúng, mỹ nghệ...
Trải qua gần nghìn năm, nghề gốm lúc thịnh, lúc suy, song các thế hệ người làng Bát Tràng vẫn đau đáu một niềm gìn giữ nghiệp tổ của cha ông, lò nung ngày đêm đỏ lửa để cho ra những sản phẩm thể hiện nét văn hóa riêng của làng nghề - đó là hồn gốm Bát Tràng.
Ngày nay, gốm sứ Bát Tràng đã trở thành thương hiệu có tiếng, có phong cách riêng, giàu bản sắc, chinh phục được nhiều thị trường trong nước và quốc tế.
|
Diện mạo làng nghề có nhiều thay đổi. Ảnh PHẠM HẢI |
Đến Bát Tràng vào một ngày cuối xuân, chúng tôi thấy diện mạo làng nghề có nhiều thay đổi. Những con đường bê tông sạch sẽ, nhiều ngôi nhà mới khang trang hiện đại, những showroom gốm sứ trang trí đẹp, bề thế thu hút du khách.
|
Nhiều cửa hàng gốm sứ trang trí đẹp mắt. Ảnh PHẠM HẢI |
Chợ gốm sứ tràn ngập sản phẩm đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã mới như: Tranh sứ, tượng các loại, ấm chén bát đĩa, vò lọ hoa, đồ trang sức gốm… Duy nhất khu làng cổ vẫn vậy, những con ngõ nhỏ hẹp quanh co, những bờ tường phủ đầy rêu xanh, những cánh cửa gỗ đã phai màu...
|
Bóng dáng làng xưa như vẫn còn đó. |
Trò chuyện với ông Hà Văn Lâm - Phó Ban đại diện làng Bát Tràng - trong ngôi đình cổ ấm cúng sát bến sông, chúng tôi được biết làng vừa kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm (2/1959-2/2019).
|
Ông Hà Văn Lâm - Phó Ban đại diện làng Bát Tràng. |
Ngày ấy, giữa thời điểm cả nước đang đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm làng. Tại đây, Bác đã căn dặn: “Làng Bát Tràng mới phải làm sao phấn đấu trở thành một làng kiểu mẫu ở một nước Việt Nam mới - nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Nhớ lời dặn của Bác, 60 năm qua, lớp lớp cán bộ và nhân dân Bát Tràng đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm để Bát Tràng hôm nay trở thành một làng nghề truyền thống, một thương hiệu độc đáo: “Làng nghề - Làng văn hóa - Làng du lịch Hà Nội - Bát Tràng”.
Ông Lâm cho biết, hiện nay, Bát Tràng có trên 1.000 hộ sản xuất kinh doanh, giá trị sản xuất hằng năm đạt gần 1.200 tỷ đồng với các mặt hàng gốm sứ rất đa dạng, phong phú, thu hút, giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động trong xã và gần 10.000 lao động tại các địa phương khác. Thu nhập bình quân đầu người của Bát Tràng đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.
Ở Bát Tràng, bên cạnh việc phát triển sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi, với bàn tay khéo léo cùng sự đam mê mãnh liệt đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm gốm sứ độc đáo. Họ cũng đã phục chế thành công nhiều tác phẩm gốm sứ cổ như: Gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Nguyễn…, khôi phục và chế tác nhiều công thức men đặc sắc.
|
Các cháu mẫu giáo tham quan làng nghề Bát Tràng. |
Xã Bát Tràng hiện có một Nghệ nhân nhân dân (Trần Văn Độ), 4 Nghệ nhân ưu tú, 27 Nghệ nhân Hà Nội và hơn 100 Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Đây là những người con ưu tú có nhiều tâm huyết trong xây dựng và bảo tồn các giá trị tinh hoa của làng gốm Bát Tràng.
Những năm gần đây, nhờ ứng dụng khoa học, cải tiến kỹ thuật công nghệ mà các sản phẩm gốm Bát Tràng liên tục được cải tiến mẫu mã, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng và phục vụ tín ngưỡng của khách hàng trong nước và quốc tế.
Theo ông Lâm, bước đột phá trong quy mô, tổ chức, hiệu quả sản xuất gốm sứ Bát Tràng được đánh dấu bằng việc đưa ứng dụng công nghệ lò gas vào sản xuất. Hoạt động này vừa giúp địa phương khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường do nung đốt gốm sứ bằng lò than, vừa kiểm soát được nhiệt độ - khâu được xem là có tính chất quyết định “phép nhiệm màu” của men, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm.
|
Du khách tham quan, mua sắm ở chợ gốm. |
Cùng với việc phát triển sản xuất thì Bát Tràng cũng đang tận dụng lợi thế hiện có của nghề truyền thống để phát triển du lịch. Hầu như hộ gia đình sản xuất, làm nghề gốm nào ở Bát Tràng cũng làm thêm cả du lịch nếu có khách đến. Du khách được tham quan xưởng sản xuất, tìm hiểu các công đoạn trong quy trình làm gốm, được trải nghiệm tự làm gốm... Tuy nhiên, tiềm năng phát triển du lịch làng nghề ở Bát Tràng vẫn chưa được khai thác hết.
|
Dịch vụ “vuốt, nặn, vẽ” rất hút khách trải nghiệm ở Bát Tràng. |
Ngắm những mặt hàng gốm sứ thủ công mỹ nghệ tinh xảo của Bát Tràng hôm nay càng thán phục niềm đam mê, sức sáng tạo các nghệ nhân đã góp phần đưa thương hiệu gốm Bát Tràng ngày một phát triển, vang xa.
Hiện nay, nguyện vọng của các nghệ nhân, thợ giỏi, người làm nghề tại làng Bát Tràng là mong mỏi có một bảo tàng gốm sứ. Đây sẽ là nơi trưng bày những sản phẩm tinh hoa của Bát Tràng, chứa đựng giá trị văn hóa của các triều đại Việt Nam, để các thế hệ sau cũng như du khách có cơ hội được thưởng lãm.