Trẻ em Mông xem biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống. Ảnh: Trang Linh
|
Theo truyền thuyết dân gian vùng Sapa kể lại, trước đây những cặp vợ chồng người Mông nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái thì người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ gia đình sinh được người con trai... Trong 3 năm hoặc 5 năm liên tiếp sau khi sinh hạ, gia đình đều tổ chức lễ Gầu Tào mời anh em, họ hàng, bà con người Mông đến chia vui và tạ ơn các vị thần đã giúp đỡ.
Nguồn gốc Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở xã San Sả Hồ bắt đầu từ đó. Sau này, lễ hội được tổ chức thường xuyên và trở thành lễ hội của cộng đồng làng xã. Bởi vậy, Lễ hội Gầu Tào ngoài việc cầu con, còn cầu sức khỏe, cầu may mắn, cầu cho mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống ấm no, thịnh vượng.
Lễ hội Gầu Tào với nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa độc đáo như: múa khèn, thi leo cây, múa gậy, thi bắn nỏ, thi đấu võ, hát giao duyên... Du khách thì đứng ngoài vỗ tay, reo hò, cổ vũ làm không khí của lễ hội trở nên nhộn nhịp. Đến khi màn đêm buông xuống là khoảng thời gian dành cho các chàng trai thi thố, thổ lộ tâm tình, tình cảm của mình với người bạn gái qua tiếng đàn môi, tiếng sáo dặt dìu nơi vách đá, hay những lời tâm tình kín đáo qua hát ống./.
(Theo Báo Ảnh Việt Nam)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/ven-may-tray-hoi-gau-tao-20190322103124952.htm