Một minh triết của người đời là, khi về già, mọi thứ nên buông bỏ. Gạt sang một bên những hoài vọng, quên đi những mộng tưởng, tận hưởng những gì mình đang có, vui thú cảnh điền viên…
Khi năm tháng trôi qua, lưng còng, gối mỏi, những gì đã làm được, thì thời thanh xuân đã làm được rồi; còn những gì chưa làm được, thì lực bất tòng tâm, đành xếp lại.
Nhưng người đời cũng lạ, có người khi đã thở dốc chẳng ra hơi, khó tự thân làm được những việc trong phạm vi sinh hoạt bản thân, vẫn còn tham chức vị, vẫn quyết liệt tranh giành lợi quyền ở chốn công đường. Mà những người này hiện thời không phải hiếm. Tôi không phản đối hay khích bác gì họ, thực lòng tôi chỉ thấy thương thương!
Chính vì vậy, tôi rất tán thành, ủng hộ một lối sống tích cực, nhân văn, có lợi cho sức khỏe, cuộc sống gia đình, có ích cho xã hội, đó là hướng tới những hoạt động văn học, nghệ thuật.
Một bài thơ bát cú đã viết rất hay về lão cảnh, một niềm tâm sự của tiền nhân dành cho tất cả những ai đã đặt chân sang bên kia đỉnh dốc của cuộc đời :
Thất thập khoái lai do kiện khang
Nhất sinh chỉ vọng tại hiền lương
Thiếu thời nhẫn nại cư bần khổ
Lão cảnh kiên trì luyện nghệ chương
Thủ đạo, dưỡng sinh, tâm tự lạc
Khuyến tôn, giáo tử giữ cương thường
Quang âm nhất thốn như kim ngọc
Hà tất phân vân mệnh đoản trường.
Bản dịch
Tuổi đã bảy mươi vẫn cương thường
Cha mẹ một đời ở hiền lương
Tuổi trẻ cam lòng trong khó nhọc
Về già tôi luyện chốn văn chương
Giữ đạo, dưỡng sinh, lòng vui vẻ
Khuyên cháu, dạy con giữ cương thường
Thời gian từng tấc như vàng ngọc
Chẳng chút phân vân mệnh đoản trường.
Cái cảnh “về già tôi luyện chốn văn chương”, đắm mình trong thế giới nghệ thuật, nó cao sang và thanh khiết đến nhường nào.
Dường như buổi triển lãm tranh của nhóm mười hai họa sĩ nghiệp dư, người cao tuổi nhất là 76, còn người ít tuổi nhất cũng vừa bước sang tuổi 60: Trần Thị Chinh, Đặng Phương Trâm, Nguyễn Hồ Nam, Nguyễn Đình Đoàn, Đăng Hiền Trâm, Trịnh thị Bình, NguyễnThu Hằng,Ngô thị Thanh, Đặng Kim Trâm, Phạm thị Nga, Phùng Ngọc Qúy, Nguyễn thị Bạch Hồng tổ chức tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền Hà Nội, đã làm cho khán giả ngạc nhiên, xúc động và khâm phục.
Không ngạc nhiên sao được, khi 12 họa sĩ đó đã kiên trì theo học suốt năm năm nay vì đam mê sáng tạo. Đại đa số trong số họ, khi đặt chân đến trường mầm non hội họa này, hầu như chưa biết cầm cây cọ! Tình yêu hội họa, sự kiên trì đã thức tỉnh trong họ những tư chất vốn có, mà ta gọi là tài năng, vì suốt tuổi thơ và tuổi tráng niên không có điều kiện theo học.
Họ từng là những kỹ sư, những nhà khoa học, những nhà quản lý đã về hưu, và điều đặc biệt, là chưa một ai từng trải qua một lớp học về văn học, nghệ thuật nào.
Phải thừa nhận rằng, sự quyết tâm và sức sống nội tại, niềm đam mê vô bờ bến đã giúp họ vượt qua những khó khăn cuả cuộc sống, sức khỏe và công việc thường nhật để giờ đây có một gia tài tranh đầy ấn tượng lên tới hàng trăm búc tranh. Mỗi bức tranh của mỗi người là một tế giới cảm xúc, là một quá trình lao động âm thầm, nhưng cũng đầy gian truân không khác gì một người thợ đứng máy. Có cảm tưởng như trong khối gia tài tranh đó, chủ yếu là tranh tĩnh vật, vì chắc rằng tuổi tác không phép họ thích sự ba động và đám đông ; nhưng kỳ lạ nhất là màu sắc những bức tranh của họ rất trẻ, cách phối màu đã thể hiện cái nhìn đằm thắm với sự vật và thiên nhiên, con người.
Từ 9/2016 nhóm bạn muốn học vẽ để thử xem có được không. Họ đặt tên nhóm là SO YOU CAN PAINT – Hóa ra mình cũng vẽ được. Thực tế đã chứng minh không những họ biết vẽ mà vẽ rất thành công. Đằng sau những bức tranh ấy là “năm năm mới bấy nhiêu ngày”, là một sự tự nỗ lực không biết buông bỏ, là một tình yêu cuộc sống mãnh liệt. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Muốn đến được nắng vàng, đất mật – Phải trên lòng bao trận gió mưa qua”!
Đây có lẽ là triển lãm tranh độc đáo nhất không chỉ ở Việt Nam, mà còn cả trên thế giới. Tác giả những bức tranh này không bao giờ và chưa từng có ý nghĩ là sẽ công diễn cho công chúng thưởng lãm những tác phẩm của họ, mà ban đầu là để giải trí, để vẽ cho vui, để giết thời gian, để khỏi ngồi ù lì một chỗ. Thế mà giờ đây họ đã đem đến cho công chúng Thủ đô sau đại dịch, một thế giới sắc màu, mang bao ý nghĩa về triết lý nhân sinh, lẽ sống. Lẽ ra triển lãm này phải được tổ chức đúng vào ngày 20/10, ngày Phụ nữ Việt Nam thì mới thật xúc động và đầy ý nghĩa.
Tôi có một chị bạn nay đã U 80, có một thời gian dài, suốt ngày theo học lớp online tiếng Anh, chị làm hết bài tập về nhà, nghiêm chỉnh học từ và tập nói như một nữ sinh. Mọi người cười hỏi, chị cao tuổi rồi, vất vả học thế để làm gì, chị trả lời giản dị: để sống!
Không có câu trả lời nào hay hơn thế!
Nguyễn Huy Hoàng
|