Kon Tum Hãi hùng cảnh người dân vùng cao "treo mình" qua dòng sông Pô Cô Kon Tum Hãi hùng cảnh người dân vùng cao "treo mình" qua dòng sông Pô Cô , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Nhiều tuần nay, người dân xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) đã "treo mình" qua dòng Pô Cô để sang xã Đăk Ang sản xuất. Hiện chính quyền đã khuyến cáo người dân đi đường vòng để tránh nguy hiểm.
Cơn bão số 9 vừa qua đã khiến 2 cây cầu treo trên địa bàn xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) bị cuốn trôi. Không có đường đi, người dân địa phương tự kéo cáp và ròng rọc, đu dây qua sông để đi lại, canh tác và vận chuyển nông sản.
Vào thời gian này, người dân các thôn Nông Nội, Tà Poók, Kà Nhảy (xã Đăk Nông), Đăk Giá, Đăk Rờ Me (xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi) đang vào vụ thu hoạch cà phê, cao su và khoai mì. Tuy nhiên, vì bão đã cuốn trôi cây cầu treo nối xã Đăk Nông sang khu sản xuất của xã Đăk Ang nên để tiết kiệm thời gian người dân đã liều mình đã dùng sòng sọc treo mình qua dòng Pô Cô để đi lại.
Vừa vận chuyển các nông sản qua hết bên bờ, đôi bàn tay của anh A Thế (ngụ thôn Tà Poók, xã Đăk Nông) đã đỏ ửng lên. Anh Thế bộc bạch: "Cây cầu treo duy nhất của làng nối 2 bờ sông Pô Kô đã bị bão cuốn trôi. Khu canh tác của làng nằm bên kia nhưng không có cầu để đi qua nên chúng tôi đã dùng phương thức cũ là đu dây qua. Lúc đó, làng đã góp tiền mua 2 sợi dây cáp dài hơn 200 m nối đôi bờ rồi dùng sòng sọc đu qua".
"Để vượt sông, mỗi gia đình phải tự sắm một chiếc ròng rọc với giá 300.000 - 400.000 đồng. Nhiều lúc ròng rọc bị kẹt thì dân bị treo lơ lửng giữa dòng sông. Nhiều người không có dụng cụ thì liều mình dùng quần áo hoặc tay để đu qua. Mỗi ngày cũng phải hàng chục lượt người đi qua lại bằng dây ở đây.", anh Thế cho hay.
Tương tự, anh A Thắt (trú thôn Tà Pook, xã Đắk Nông) cho hay, hơn 1 tháng qua sau khi cây cầu treo nối 2 bên bờ sông Pô Kô bị bão đánh sập người dân không thể di chuyển qua lại. Nếu muốn qua xã Đắk Ang canh tác, người dân phải đi đường vòng gần 20 km. Lúc này, gia đình anh cùng một số hộ dân góp tiền lại để làm cáp treo đu qua sông. Bên cạnh đó, mỗi nhà tự sắm một cái ròng rọc để đi qua.
"Nhà mình có 7 sào đất trồng mì và cà phê ở bên kia sông nên mỗi ngày phải đu cáp 5 - 6 lần qua lại. Ban đầu mới đu mình sợ rơi xuống sông, nhưng không qua thì chẳng ai làm rẫy. Nhiều hôm đu đến giữa dòng, ròng rọc bị mắc kẹt mình treo lơ lửng giữa dòng. Mình phải gọi nhờ người hỗ trợ để đưa vào bờ. Biết là nguy hiểm, nhưng nếu không đu cáp treo thì nương rẫy không ai làm, gia đình không có cái ăn", anh A Thắt tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Đại (32 tuổi, trú thôn Đắk Giá, xã Đắk Ang) cho hay, sáng nào cũng vậy, anh ôm con đu cáp từ xã Đắk Ang vượt sông qua xã Đắk Nông để cho con đến lớp. Sau đó, anh lại đu cáp về để thu hoạch cà phê đang chín rộ. Theo anh Đại, sau khi cầu sập gần chục hộ dân đã góp tiền mua gần 400m dây để làm cáp treo. Cáp treo này không chỉ phục vụ việc đi lại của người dân 2 bên bờ sông mà còn dùng để vận chuyển nông sản.
Ông Phan Thanh Tùng, Chánh Văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi cho biết, cơn bão số 9 vừa qua đã đánh sập, làm hư hỏng 6 cây cầu treo trên địa bàn xã. Trong đó, 2 cây cầu treo tại thôn Nông Nội và thôn Tà Pook (xã Đắk Nông) bị cuốn trôi. Hiện tại đang vào mùa thu hoạch cà phê, mì nếu người dân chờ xây dựng cầu thì nông sản sẽ hư hỏng. Do đó, người dân làm bè để qua sông. Còn bên trên người dân sử dụng cáp treo để vận chuyển nông sản.
Địa phương cũng khuyến cáo, cảnh báo người dân không được đi lại bằng cáp treo vì rất nguy hiểm. Hiện nay, UBND tỉnh Kon Tum đã có kế hoạch bố trí nguồn vốn để xây dựng lại cây cầu ở xã Đắk Nông nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Ngay sau khi nắm được thông tin, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản giao UBND huyện Ngọc Hồi tuyên truyền, vận động người dân không liều mình đu dây qua sông Pô Kô nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Cùng với đó, huyện Ngọc Hồi khẩn trương có giải pháp sớm khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn; báo cáo kết quả về UBND tỉnh Kon Tum trước ngày 10/12/2020.
Ngày 2/12, thống kê từ Sở GTVT Kon Tum cho biết, mưa bão làm 19 cầu treo dân sinh trên địa bàn bị cuốn trôi. Các cầu treo dân sinh này được làm từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện, xã hội hóa… Sắp tới, lãnh đạo Sở GTVT Kon Tum sẽ họp để có phương án khắc phục, sửa chữa cầu treo dân sinh.
Thống kê ban đầu của UBND tỉnh Kon Tum, mưa bão đã gây thiệt hại trên địa bàn khoảng 386 tỷ đồng; nhiều nhà dân bị hư hỏng, ngập nước, tốc mái và các công trình hạ tầng giao thông hư hỏng, hơn 6 nghìn ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng…