Ngày 10-6, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong tháng 5-2020 đã ghi nhận được 439 cuộc tấn công mạng có dẫn đến sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Số vụ tấn công giảm 10,6% so với cùng kỳ tháng 5-2019.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, có 1.495 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam dẫn đến sự cố, giảm 43,9% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2019. Trong đó, có 701 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing) chiếm 46,9%, có 498 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) chiếm 33,3% và 296 cuộc tấn công cài mã độc (Malware) chiếm 19,7%.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về chính sách và kỹ thuật nhằm đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Đồng thời, để hỗ trợ các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại các bộ, ngành, địa phương, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai Hệ thống giám sát từ xa tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhằm sớm nắm bắt được tình hình lây nhiễm mã độc cũng như hoạt động của các mạng máy tính ma (Botnet) một cách độc lập, không phụ thuộc vào giải pháp kỹ thuật đã triển khai.
Các thông tin, kết quả thống kê từ Hệ thống giám sát từ xa có thể tham khảo, sử dụng để đánh giá các giải pháp giám sát, phòng chống mã độc tập trung đang được triển khai tại bộ, ngành, địa phương.
Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, việc giám sát hoạt động của mã độc được Hệ thống giám sát từ xa thực hiện dựa trên danh sách địa chỉ các giao thức máy tính (IP) tĩnh và ở chế độ phổ biến (public) do các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin của bộ, ngành, địa phương cung cấp. Do vậy, việc giám sát không tương tác với hệ thống mạng nội bộ, không làm ảnh hưởng tới hiệu năng và lưu lượng mạng và hoạt động của hệ thống thông tin.
Ngoài ra, hoạt động giám sát từ xa còn hỗ trợ phát hiện các nguy cơ, rủi ro, điểm yếu của hệ thống trên các dải địa chỉ giao thức máy tính (IP), tên miền của cơ quan và các tài khoản lộ lọt thông tin.
Trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết, phải chú trọng. Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra các chỉ tiêu cần đạt trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng.
Theo đó, 100% cơ quan, tổ chức tại Việt Nam cần triển khai bảo vệ an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp. 100% bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng, phòng chống mã độc tập trung, kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông.
100% doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet đầu tư và triển khai các biện pháp kỹ thuật đảm bảo khả năng xử lý các nguồn thông tin vi phạm pháp luật, các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.